Kiến trúc theo phong cách Zakopane, ra đời vào năm 1890 và được khởi xướng bởi kiến trúc sư người Litva, Stanislaw Witkiewicz.[1] Phong cách kiến trúc này được lấy tên theo thị trấn Zakopane, nằm dưới chân dãy núi Tatra, nơi được mệnh danh là "Thủ đô mùa đông" của Ba Lan.[2]
Sự ra đời và phát triển của kiến trúc Zakopane
Stanislaw Witkiewicz – người khởi xướng
Khoảng cuối thế kỷ 19, thị trấn Zakopane dần phát triển thành một khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết nổi tiếng của Ba Lan. Người ta đến Zakopane để hít thở không khí trong lành của vùng cao nguyên, nhiều người còn tin rằng hít thở không khí ở đây có thể chữa được bệnh và cải thiện sức khỏe.[3] Cho đến đầu thế kỳ 20, khi Ba Lan giành lại được độc lập, Zakopane đã thực sự trở thành một thị trấn sầm uất, sôi động.
Một số nhân vật có tầm ảnh hưởng thường xuyên đến đây nghỉ dưỡng. Năm 1930, nhà soạn nhạc đại tài người Ba Lan, Karol Szymanowski, đã đến Zakopane và sống trong một căn biệt thự tên là Villa Atma. Còn nhà văn Kornel Makuszynski là du khách thường xuyên ghé thăm Zakopane. Khi qua đời, ông đã được chôn cất ngay tại đây.[4]
Chính vì sự phát triển của thị trấn Zakopane mà dẫn đến bùng nổ nhu cầu xây dựng nhà ở. Ban đầu, người ta cho xây dựng thêm những ngôi nhà gỗ, theo phong cách kiến trúc của Thụy Sĩ và sau này là của Áo Hung, để phục vụ những vị khách giàu có.[4] Lo sợ Zakopane sẽ trở thành một bản sao của làng Alpine Thụy Sĩ, nên Stanislaw Witkiewicz đã quyết định tạo ra một kiểu kiến trúc khác biệt, mang âm hưởng riêng của Ba Lan.[3] Vốn có tình yêu với nghệ thuật dân gian địa phương, ông đã kết hợp nghệ thuật truyền thống theo phong cách Podhale, cùng với các kiến trúc bản địa của vùng Carpathians, và yếu tố Tân nghệ thuật, để cho ra đời phong cách kiến trúc Zakopane.[1][4][5]
Stanislaw Witkiewicz đã từng nói về phong cách kiến trúc Zakopane như sau:
"Ý tưởng ở đây, không phải chỉ để xây thêm một ngôi nhà đẹp theo kiểu điển hình thông thường, mà điểm cốt yếu ở đây là một cái gì đó hoàn toàn khác biệt. Phải xây nên một ngôi nhà có thể giải quyết được mọi nghi vấn về tính khả thi, của việc áp dụng kiểu kiến trúc truyền thống vào sự đáp ứng nhu cầu cho tiện nghi và cái đẹp, mà những nhu cầu này thường rất tinh vi và phức tạp. Đây cũng là để thiết kế một căn nhà có thể xóa bỏ mọi định kiến và rào cản thông thường. Để xây nên một căn nhà mang phong cách Zakopane chủ đạo, đảm bảo không thể bị hư hại và hoàn toàn có thể chống chọi được cái lạnh, những cơn bão, sở hữu đầy đủ các tiện nghi nhưng vẫn mang một nép đẹp thuần Ba Lan…".[4]
Năm 1892, ông đã thiết kế ngôi nhà đầu tiên theo phong cách Zakopane. Việc thiết kế và xây dựng ngôi nhà được hoàn thiện vào năm 1893. Trong Thế chiến II, ngôi nhà trở thành trụ sở của Đoàn thanh niên Hitler. Sang đến thời hậu chiến, nó được dùng làm trại trẻ mồ côi. Đến nay, ngôi nhà vẫn nằm nguyên trên con phố cổ nhất trong thị trấn Zakopane, phố Kościeliska và trở thành một phần của Bảo tàng Tatra, hay còn được biết đến với tên gọi là bảo tàng Phong cách Zakopane tại Biệt thự Koliba.[3]
Sau đó, Witkiewicz đã thiết kế nhiều công trình theo phong cách này, trong số đó có thể kể đến căn biệt thự Pod Jedlami, được xây vào năm 1897 cho "bà hoàng thơ tình" Maria Pawlikowska Jasnorzewska và chồng là Jan Pawlikowski.[3] Ngoài ra, Witkiewicz còn thiết kế nhà thờ theo phong cách Zakopane, điển hình là nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu với bàn thờ chạm khắc bằng gỗ và nhà thờ bằng đá của Thánh Gioan Baotixita. Và trong nhà thờ Thánh Gioan Baotixita, còn có một bức tranh sơn dầu, họa chân dung của Witkiewicz.[3]
Nguồn cảm hứng cho nhiều thiết kế
Phong cách thiết kế kiểu Zakopane, không chỉ giới hạn trong vùng cao nguyên Ba Lan, mà còn vươn ra ngoài ranh giới đó và để lại nhiều dấu ấn trên bản đồ kiến trúc thế giới. Phong cách Zakopane đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thiết kế của kiến trúc sư Czeslaw Domaniewski, cho một loạt ga xe lửa và thiết kế cho một căn nhà trên phố Chmielna ở trung tâm Warsaw.[4] Năm 1900, kiến trúc sư Franciszek Mączyński đã giành chiến thắng trong một cuộc thi kiến trúc quốc tế, do tạp chí "Moniteur des Architectes" tổ chức, với bản thiết kế của một biệt thự theo phong cách Zakopane.[4]
Ngoài ra, cộng đồng người Goral cũng đã kết hợp các tiêu chuẩn và thiết kế theo phong cách kiến trúc Zakopane, vào các ngôi nhà và các công trình công của họ. Có thể kể đến những công trình nổi bật như: Trung tâm văn hóa của Hội dân tộc vùng cao Ba Lan tại Bắc Mỹ, có trụ sở tại Chicago, hay nhà nguyện của Hội trại thanh niên Ba Lan tại Yorkville, v.v. Có thể nói các ngôi nhà kiến trúc kiểu Zakopane không chỉ trở thành một điểm nhấn trong du lịch của vùng Podhale mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều thiết kế trong và ngoài Ba Lan.
Đặc trưng
Đặc điểm dễ nhận thấy ở những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Zakopane đó là: nhà thường có 1 hoặc 2 tầng, phần mái nhà rất dốc, nhà được xây bằng gỗ trên một nền đá cao tùy vào địa hình, nội thất trong nhà thường cũng bằng gỗ và được khắc hoa văn theo phong cách Zakopane. Władysław Matlakowski, nhà dân tộc học người Ba Lan, đã xuất bản nhiều tác phẩm về kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người vùng cao Podhale như: "Budownictwo ludowe na podhalu" (tạm dịch: "Những ngôi nhà dân gian ở Podhale") vào năm 1892 và "Zdobienie i sprzęt ludu polskiego na Podhalu" (tạm dịch: "Đồ trang trí và đồ dùng trong nhà của người Ba Lan ở Podhale") vào năm 1901.[5] Trong các tác phẩm của mình, Matlakowski đã miêu tả những đặc điểm của kiến trúc của vùng Podhale như sau: "Các tòa nhà của người Goral làm bằng gỗ và xây trên những tảng đá lớn hoặc trên nền móng bằng gỗ sồi. Trung tâm của nhà là lò sưởi, được bao quanh bởi hai đến ba phòng. Người Goral đặc biệt chú ý đến việc trang trí mái nhà (đặc biệt là phần đầu hồi và mái hiên), các khung cửa sổ và cửa ra vào. Các hoa văn phổ biến nhất là mặt trời, ngôi sao sáu cánh, hoa nhung tuyết, hoa cúc gai, v.v."[5]
Đây cũng chính là nét đặc trưng trong kiến trúc Zakopane. Trong các ngôi nhà được xây dựng theo phong cách này, người ta có thể thấy các hoa văn được chạm khắc trên các đầu hồi, xà nhà và cả các nội thất trong nhà. Các hoa văn được chạm khắc trong những ngôi nhà kiểu Zakopane, như Matlakowski đã miêu tả là mặt trời, hoa nhung tuyết, hoa cúc gai và đặc biệt là ngôi sao sáu cánh, trong tiếng Ba Lan gọi là "gwiazda" như một biểu tượng để bảo vệ ngôi nhà.[5]