Khúc Thừa Dụ

Khúc Tiên Chủ
Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ
Trị vì905 - 907
Tiền nhiệmĐộc Cô Tổn
Kế nhiệmKhúc Trung Chủ
Thông tin chung
Sinh830
Hồng Châu, An Nam (nay là Hải Dương, Việt Nam)
Mất23 tháng 7, 907(907-07-23) (76–77 tuổi)
Đại La, Tĩnh Hải quân
Hậu duệ
Tên húy
Khúc Thừa Dụ (曲承裕)
Tôn hiệu
Tiên Chủ (先主)

Khúc Thừa Dụ (chữ Hán: 曲承裕; 830907) được suy tôn là Khúc Tiên Chủ (曲先主), là tiết độ sứ người bản địa đầu tiên của Tĩnh Hải quân, đồng thời là người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1.000 năm thuộc Trung Quốc.

Nguồn gốc

Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bàng Giang, Ninh Giang cũ ở Hải Dương), mấy đời là hào tộc mạnh, tính khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục.[1]

Sự nghiệp

Nước Việt thời bấy giờ bị chính quyền nhà Đường Trung Quốc đô hộ, năm Kỷ Mão (679) vua Đường Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện và đặt An Nam đô hộ phủ. Năm 866, vua Đường Ý Tông thăng An Nam đô hộ phủ lên thành Tĩnh Hải quân. Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quý hay là Ngũ Đại.[1]

Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Trung Quốc loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở nước Việt, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bàng Giang và Ninh Giang ở Hải Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục. Năm 905 Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị triệu về nhà Đường (đời vua Đường Ai Đế) để trị tội, đất Tĩnh Hải quân vô chủ. Khúc Thừa Dụ thừa dịp dẫn quân đánh chiếm thủ phủ Đại La của Tĩnh Hải quân.

Năm Bính Dần (906) đời vua Đường Ai Đế, nhân khi trong châu có loạn, dân chúng đã cử ông làm Tiết độ sứ để cai trị Tĩnh Hải quân. Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) viết:

"Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ..."

Nhà Đường lúc bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, nên thuận cho ông làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ.

Khúc Thừa Dụ dựng đô ở La Thành, làm cho dân yên, nước trị. Ông khéo léo dùng danh nghĩa "xin mệnh nhà Đường" buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông. Ngày 7 tháng 2 năm 906, vua Đường Ai Đế phong thêm cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước "Đồng bình chương sự". Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự lấy quyền mình, phong cho con là Khúc Hạo chức vụ "Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu", tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ.

Năm sau nhà Đường mất ngôi (907), nhà Hậu Lương lên thay. Vua Hậu Lương Thái Tổ phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải quân, có ý để lấy lại Giao Châu.[1]

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên kế vị.[1] Dù ông không xưng vương xưng đế, nhưng sử gia Lê Tung viết trong sách Việt giám Thông khảo tổng luận gọi Khúc Thừa Dụ là Khúc Tiên chúa.[2]

Thờ phụng

Ngày 11 tháng 9 năm 2009, đền thở Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ đã được khánh thành tại Hải Dương.[3]

Tham khảo

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ a b c d Việt Nam sử lược, Nhà Xuất bản Tân Việt, 1968, tr. 70, 71.
  2. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 1998, tập 1, tr. 121.
  3. ^ Ninh Tuân (11 tháng 9 năm 2009). “Đền thờ Khúc Thừa Dụ”. Tạp chí Tuyên Giáo. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
Tiền nhiệm:
Độc Cô Tổn (chưa nhận chức)
Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ
905 - 907
Kế nhiệm:
Khúc Hạo (thực tế)
Lưu Ẩn (danh nghĩa)