Hành khúc Hohenfriedberg

Quang cảnh sau trận đánh tại Hohenfriedberg, tranh vẽ của nhà họa sĩ người ĐứcCarl Röchling.

Hành khúc Hohenfriedberg (tiếng Đức: Der Hohenfriedberger) là một bản quân hành ca nổi tiếng của Quân đội Phổ, để ca ngợi chiến thắng của họ.[1][2] Đây là một ca khúc nặc danh,[3] song tương truyền rằng vị vua - chiến binh Friedrich II của Phổ (tức Friedrich Đại đế, 1712 - 1786) chính là người đã sáng tác bản quân hành ca này vào năm 1745, sau khi ông đại phá quân Liên minh Áo - Sachsen do Vương công Karl Alexander xứ Lothringen chỉ huy trong trận Hohenfriedberg đẫm máu (gần Striegau) trong cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ hai. Liên quân Áo - Sachsen gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.[4] Chiến thắng huy hoàng này mang lại niềm tin cho những người lính về tài nghệ quân sự của Quốc vương.[5] Theo các tài liệu, lực lượng Long Kỵ binh Bayreuth của Phổ đã chiến đấu dũng mãnh trong trận thắng vang dội này, do đó ông đã ban tặng bản quân hành ca này cho họ.[6][7] Tuy được xem là vị Quân vương có tài điều binh khiển tướng xuất sắc, Friedrich Đại Đế cũng là người ham mê âm nhạc và thậm chí ông còn đề cao tài nghệ âm nhạc của ông hơn cả tài năng quân sự;[8] và việc sáng tác bản quân hành ca này cũng là sự thư dãn của ông sau chiến thắng.[9] Sáng tác trong bối cảnh cuộc tranh hùng tranh bá tại Trung Âu giữa nhà vua - chiến binh[10] Friedrich Đại đế nước Phổ và Đại Công nương Maria Theresia của Áo, bản quân hành ca này được xem là một điển hình tốt đẹp về cuộc hành binh chậm rãi của tướng sĩ, ngoài ra còn nói lên sự anh minh, biết làm chủ tình hình và hiền từ của Đức Vua.[11] Những giai điệu ngân vang lên của bản quân hành ca này cũng được xem là đã thể hiện rõ nét chiến công hào hùng của nhà vua và ba quân, tiêu diệt địch thủ.[5]

Trong thời kỳ cai trị của Friedrich Đại đế, những bản hành khúc như vậy luôn luôn đóng vai trò động viên tinh thần toàn quân.[7] Được đánh giá rất cao, bản quân hành ca này đã khiến cho chiến thắng huy hoàng của Quốc vương tại Hohenfriedberg trở nên bất hủ.[12] Tuy nhiên, sau khi sáng tác bản quân hành ca này ông nhanh chóng lên đường tiếp tục chinh chiến.[9] Kiệt tác này trở nên nổi tiếng trên toàn Vương quốc Phổ, như Thủ tướng Otto von Bismarck có nhìn nhận vào năm 1849.[13] Sau chiến thắng của Quân đội Phổ trước Quân đội Áo trong trận Königgrätz vào ngày 3 tháng 7 năm 1866, nhà soạn nhạc quân sự người ĐứcJohann Gottfried Piefke (1815 - 1884) đã sáng tác bản "Hành khúc Königgrätz" – cũng là một bản quân hành ca nổi tiếng của Đức – vào năm 1866, và bản "Hành khúc Hohenfriedberg" được sử dụng làm phần triô của "Hành khúc Königgrätz".[14] Sau khi Đức hoàng (Kaiser) Wilhelm I thiết lập Đế quốc Đức vào năm 1871, bản Hành khúc Hohenfriedberg được coi là một tuyệt tác xuất sắc của nền âm nhạc quân sự và sau này trở nên phổ biến trên khắp Đế quốc Đức, vì nó tái diễn chiến công hào hùng của triều đại nhà Hohenzollern trong suốt những năm tháng huy hoàng trị vì Phổ - Đức của họ.[15][16] Đây được xem là một trong những bản hành khúc quen thuộc nhất của lực lượng Quân đội Đức.[8]

Ngay từ trong buổi lễ đăng ngôi của Đức hoàng Wilhelm I đồng lời là lễ thành lập Đế quốc Đức tại cung điện Versailles (Pháp) - một sự kiện chứng tỏ sức mạnh của Vương triều Hohenzollern, các đội nhạc binh đã chào đón vị tân Hoàng đế đáng kính của họ bằng bản quân hành ca này - được xem là một giá trị truyền thống của người Phổ.[16][17] Ngoài ra, các đội nhạc binh tụ tập tại đây cũng vang ca bài Heil Dir im Siegerkranz!, góp phần khiến cho lễ gia miện của Đức hoàng trở nên không khác gì một cuộc duyệt binh.[18] Thậm chí Hoàng thái tử Đức khi đó là Friedrich Wilhelm (sau này là Đức hoàng Friedrich III) còn có dự kiến chọn bản "Hành khúc Hohenfriedberg" làm ca khúc chính thức của các Hoàng đế nước Đức, giống như ca khúc "Hail to the Chief" đối với các Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng không thành công.[19] Hồi đầu thế kỷ 20, khi nền quân sự lẫy lừng của nước Đức lan truyền ảnh hưởng đến Chile ở tận châu Mỹ, viên Đại tá Đức hỗ trợ cho Quân đội Chile là Hans Edler von Kiesling có nhận thấy rằng những khúc quân hành ca oai hùng của nước Đức vang lên tại Chile, trong đó có cả bản hành khúc chiến thắng[20] - Hành khúc Hohenfriedberg của ông vua - chiến sĩ Friedrich Đại Đế năm xưa.[21] Sau năm 1945, ở nước Cộng hòa Liên bang Đức, bản quân hành ca này vẫn là một ca khúc trứ danh, dùng để huấn luyện binh sĩ trong lực lượng Quân đội Liên bang.[22]

Lời

Trong văn hóa phổ biến

Đây được coi là một ca khúc điển hình trong thời kỳ nở rộ của những bản quân hành ca kinh điển, đó là những năm tháng trị nước của vị độc tài sáng suốt Friedrich Đại Đế - có lẽ là người sáng tác ra bản quân hành ca lừng danh này để tôn vinh thắng lợi của ông.[23][24]

  • Đến năm 1930, nước Cộng hòa Weimar cũng có sản xuất bộ phim "Das Flötenkonzert von Sanssouci" (Buổi hòa nhạc sáo tại điện Vô Ưu), kể lại về những trang sử vàng son của nước Phổ dưới triều đại của nhà vua Friedrich Đại Đế, trong đó những giai điệu của bản Hành khúc Hohenfriedberg có vang lên ở cảnh ba quân hừng hực khí thế lên đường hành binh, sẵn sàng đánh lại cuộc xâm lược của quân Liên minh Nga - Áo - Pháp - Sachsen.[25]
  • Bản Hành khúc Hohenfriedberg được sử dụng trong phần mở đầu của bộ phim Stalingrad và trong bộ phim Barry Lyndon thể hiện lực lượng Quân đội Phổ trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm. Do bản quân hành ca này cũng được sử dụng trong các phần của bản Hành khúc Königgrätz, nó cũng có thể được nghe trong bộ phim trinh thám Indiana Jones and the Last Crusade ở cảnh đốt sách.

Chú thích

  1. ^ Nancy Mitford, Frederick the Great, trang 101
  2. ^ Geoffrey Cocks, The wolf at the door: Stanley Kubrick, history, & the Holocaust, trang 132
  3. ^ Sir Compton Mackenzie, Christopher Stone, The gramophone, Tập 52, Số phát hành 2, trang 1504
  4. ^ Henry William Fischer, The secret memoirs of Bertha Krupp:from the papers and diaries of Chief gouvernante Baroness d'Alteville, trang 286
  5. ^ a b H. W. Koch, History of Prussia, trang 113
  6. ^ Reed Browning, The War of the Austrian Succession, trang 217
  7. ^ a b Christopher Duffy, The army of Frederick the Great, trang 141
  8. ^ a b Andrew Hilliard Atteridge, Famous land fights: a popular sketch of the history of land warfare, trang 152
  9. ^ a b William Fiddian Reddaway, Frederick the Great and the rise of Prussia, trang 148
  10. ^ Christopher Duffy, The army of Frederick the Great, trang 52
  11. ^ H. E. Jacob, Johann Strauss: Father and Son a Century of Light Music, trang 139
  12. ^ Ronald Hamilton, Frederick the Great, trang 34
  13. ^ Archibald Forbes, William of Germany a Succinct Biography of William I German Emperor and King of Prussia, trang 130
  14. ^ 07 Königgrätzer Marsch[liên kết hỏng]
  15. ^ Sidney Bradshaw Fay, The rise of Brandenburg-Prussia to 1786, trang 109
  16. ^ a b William Beatty- Kingston, William i, German emperor and king of Prussia, trang 69
  17. ^ George Hesekiel, Bayard Taylor, Bismarck: his authentic biography: Including many of his private letters and personal memoranda. Giving curious researches into his ancestry: lively incidents of his youth and student life; and a full account of his social surroundings and the growth of his official and public career, trang 564
  18. ^ Gordon Alexander Craig, The Germans, trang 239
  19. ^ Frank Lorenz Müller, Our Fritz: Emperor Frederick III and the Political Culture of Imperial Germany, trang 116
  20. ^ Karl Abel, Letters on international relations before and during the war of 1870, Tập 2, trang 519
  21. ^ William F. Sater, Holger H. Herwig, The grand illusion: the Prussianization of the Chilean army, các trang 1-2.
  22. ^ Walter Henry Nelson, Germany rearmed, trang 160
  23. ^ Phi Beta Mu (Newark, Ohio), American School Band Directors Association, The School musician director and teacher, Tập 51, trang 11
  24. ^ Detlev Liliencron (Freiherr von), Anno 1870: kriegsbilder von Detlev von Liliencron, trang 61
  25. ^ Hilmar Hoffmann, John Broadwin, Volker R. Berghahn, The triumph of propaganda: film and national socialism, 1933-1945, các trang 44-45.

Liên kết ngoài