Giáo dục và khoa cử thời Trần

Giáo dục và khoa cử thời Trần trong lịch sử Việt Nam phản ánh hệ thống trường học và chế độ khoa cử nước Đại Việt từ năm 1226 đến năm 1400.

Hệ thống giáo dục

Khi Phật giáo được nhà Trần coi trọng và thịnh hành, Nho giáo đóng vai trò thứ yếu. Tuy nhiên Nho học cũng từng bước thâm nhập vào xã hội qua hệ thống giáo dục. Sách học chính được quy định gồm có Ngũ Kinh, Tứ Thư, Bắc sử[1].

Ban đầu chỉ có nhà chùa là nơi dạy chữ Nho và các sách sử[1]. Sau này, nhiều nhà nho và thái học sinh không làm quan, về nhà dạy học. Hệ thống trường lớp tại các địa phương được hình thành. Một trong những người thầy xuất sắc nhất là Chu Văn An.

Chế độ khoa cử

Sau khi thành lập không lâu, nhà Trần bắt đầu thực hiện chế độ khoa cử để chọn người tài giúp nước. Năm 1232, nhà Trần mở khoa thi đầu tiên. Năm 1247, triều đình đặt lệ thi lấy Tam khôi gồm 3 người đỗ đầu là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và quy định cứ 7 năm mở 1 khoa thi[1].

Năm 1255, nhà Trần đặt lệ lấy 2 trạng nguyên: 1 kinh trạng nguyên dành cho các lộ phía bắc và 1 trại trạng nguyên dành cho Thanh HóaNghệ An để khuyến khích việc học của phương nam. Năm 1275 lệ này bãi bỏ vì không cần thiết nữa[2].

Năm 1304, triều đình quy định rõ nội dung thi 4 trường:

Trường 1: thi ám tả cổ văn
Trường 2: thi kinh nghi, kinh nghĩa, thơ phú
Trường 3: thi chế, chiếu, biểu
Trường 4: thi đối sách

Sau đó triều đình mở kỳ thi Đình để phân hạng cao thấp cho thái học sinh. Từ khoa thi năm 1304 có danh hiệu "hoàng giáp" trong thi cử[3].

Năm 1396, Trần Thuận Tông ban chiếu quy định cách thức thi Hương, thi Hội bằng thể văn 4 kỳ, và định rõ: "Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, người đỗ thì vua ra một bài văn sách để xếp bục". Lệ thi 4 trường được quy định lại như sau:

Trường 1: thi kinh nghĩa (bỏ thi ám tả cổ văn)
Trường 2: thi thơ phú (một bài Đường luật, một bài phú thể ly tao hoặc văn tuyển)
Trường 3: thi chế, chiếu, biểu (dùng thể văn chữ Hán)
Trường 4: thi văn sách

Khoa cuối cùng chưa kịp yết bảng tên người đỗ thì nhà Trần bị nhà Hồ giành ngôi (1400)[4].

Những người đỗ đạt được bổ nhiệm vào chức vụ ở viện Hàn lâm, các cơ quan hành khiển, sung vào các phái bộ sứ thần hoặc tiếp sứ phương Bắc. Họ trở thành bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước, có những đóng góp quan trọng trọng lĩnh vực chính trị, ngoại giao như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát

Các kỳ thi

Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ[5]. Có 2 khoa thi 1256 và 1266 lấy 2 trạng nguyên là Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên nên tổng số có 12 người đỗ đầu trong các kỳ thi.

Thứ tự Tên Năm đỗ Đời vua Ghi chú
1 Trương Hanh 1232 Trần Thái Tông
2 Nguyễn Quan Quang 1234 Trần Thái Tông
3 Lưu Miễn 1239 Trần Thái Tông
4 Nguyễn Hiền 1247 Trần Thái Tông
5 Trần Quốc Lặc 1256 Trần Thái Tông Kinh Trạng nguyên
6 Trương Xán 1256 Trần Thái Tông Trại Trạng nguyên
7 Trần Cố 1266 Trần Thánh Tông Kinh Trạng nguyên
8 Bạch Liêu 1266 Trần Thánh Tông Trại Trạng nguyên
9 Lý Đạo Tái 1272 Trần Thánh Tông
10 Đào Tiêu 1275 Trần Thánh Tông
11 Mạc Đĩnh Chi 1304 Trần Anh Tông
12 Đào Sư Tích 1374 Trần Duệ Tông

Xem thêm

Tham khảo

  • Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
  • Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Trần Xuân Sinh (2006), Thuyết Trần, Nhà xuất bản Hải Phòng
  • Mai Hồng (1989), Các trạng nguyên nước ta, Nhà xuất bản Giáo dục

Chú thích

  1. ^ a b c Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 261
  2. ^ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 262
  3. ^ Lê Quý Đôn, sách đã dẫn, tr 106
  4. ^ Lê Quý Đôn, sách đã dẫn, tr 108
  5. ^ Mai Hồng, sách đã dẫn, tr 20
Khoa bảng
Thi Hương Thi Hội Thi Đình
Giải nguyên Hội nguyên Đình nguyên
Hương cống
Sinh đồ
Thái học sinh
Phó bảng
Trạng nguyên
Bảng nhãn
Thám hoa
Hoàng giáp
Đồng tiến sĩ xuất thân