Cải cách hành chính Việt Nam 2024–2025

Cải cách thể chế 2024–2025 là một cuộc cải cách rộng lớn trên khắp các mặt của thể chế Việt Nam, được khởi động chính thức vào năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng bí thư Tô Lâm. Cải cách này bao trùm và tác động đến các cơ quan cao nhất bao gồm bên Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền và đoàn thể và từ khi bắt đầu thực hiện là một cuộc cải cách thể chế.

Bối cảnh

Vấn đề về cải cách hành chính đã được đề ra từ những năm đầu nhiệm kỳ của Chính phủ Phạm Minh Chính và thông qua các chương trình Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.[1][2][3] Việc cải cách thể chế được diễn ra trong bối cảnh vào năm 2025, Việt Nam tròn 50 năm kể từ khi thống nhất cùng các sự kiện lịch sử khác như kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 hay kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Việt Nam vào năm 2045. Đặc biệt là mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 mà Đảng này đề ra.[2] Vào ngày 15 tháng 7 năm 2021, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ–CP trong đó tập trung vào 6 vấn đề chính cần cải cách đó chính là thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng cùng một số vấn đề như Chính phủ điện tử và Chính phủ số.[1]

Đồng thời, 2024 cũng là năm đánh dấu sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong đợt cải cách hành chính 2016–2020. Theo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm – người kế nhiệm sau khi Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19 tháng 7, mặc dù có thành tựu từ việc cải cách này nhưng một số bộ, tổ chức vẫn dễ dàng nảy sinh các vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức giữa các cơ quan, bộ phận chưa rõ ràng, xảy ra các vấn đề như chồng chéo, trùng lắp. Ông cho rằng, "cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước".[4]

Triển khai cải cách

Sau khi nhậm chức Thủ tướng, Phạm Minh Chính đã bắt đầu kiện toàn các chức vụ trong Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do mình là Trưởng ban.[5] Cho đến ngày 21 tháng 10 năm 2024, trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có phát biểu chỉ ra các điểm nghẽn lớn nhất cần phải khắc phục mà trong đó "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn".[6] Theo báo Dân Trí, ông là người đầu tiên đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ việc này.[7]

Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, các giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết nghị quyết 18.

Theo đó Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 gồm 29 thành viên do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.

Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.

Cơ sở lý luận

Việc cải cách thể chế đã được nghiên cứu qua rất nhiều năm. Có nhiều thử nghiệm diện nhỏ theo địa phương hoặc ban nghành đã được thực hiện trước đó, nhằm đảm bảo cuộc cải cách có các bước đi phù hợp, cách làm hợp lý và thành công trong thực tế. Cơ sở chính thức của việc cải cách thể chế này là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25 tháng 10 năm 2017.[8]

Cải cách các cơ quan thuộc Đảng

Kế hoạch và đề xuất ban đầu

Theo nghiên cứu và các đề xuất ban đầu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết sẽ sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ươngBan Dân vận Trung ương. Đồng thời, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, các phần nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển giao về Bộ Ngoại giaoVăn phòng Trung ương Đảng. Ngoài ra, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế cùng một số bệnh viện trung ương tại Việt Nam. Các Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương được đề xuất chuyển giao về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đối với các cơ quan báo chí, Tạp chí Cộng sản được giữ vai trò là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị từ Ban Chấp hành Trung ương để kết thúc hoạt động của các tạp chí từ các ban đảng Trung ương. Kết thúc hoạt động của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và chuyển giao về báo Nhân Dân. Đồng thời về mặt truyền thông, Truyền hình Nhân Dân được kết thúc hoạt động và chuyển giao về Đài Truyền hình Việt Nam.[9]

Ngoài ra, nghiên cứu cũng bao gồm việc kết thúc hoạt động Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương. Tổ chức này sẽ bao gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan và đơn vị đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối caoTòa án Nhân dân Tối cao với trụ sở đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng. Một cơ quan đảng ủy khác cũng được thành lập mới là Đảng bộ Chính phủ sẽ bao gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tổ chức đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước ngoại trừ Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an. Khi thành lập, đồng nghĩa Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động. Cả hai đảng ủy mới được thành lập đều sẽ trực thuộc Trung ương Đảng. Trong Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội kết thúc để thành lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương với trách nhiệm tham mưu, giúp việc và trụ sở được đặt tại Cơ quan Quốc hội nhằm quản lý các tổ chức đảng thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Tương tự, kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thành lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, các đảng đoàn ở các hội quần chúng trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được kết thúc để lập đảng bộ.[9]

Cải cách bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức thuộc Chính phủ

Kế hoạch và đề xuất ban đầu

Đối với các cơ quan bộ, đề xuất sáp nhập: Bộ Khoa học và Công nghệBộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tảiBộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thôngBộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trườngBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời kết thúc hoạt động đối với các cơ quan như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc và thành lập Ủy ban Dân tộc – Tôn giáo. Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam... cũng được đề xuất phải sắp xếp. Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC cũng được chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam. Như vậy, theo phương án, Việt Nam sẽ giảm 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ.[9]

Cải cách chính quyền địa phương

Ở cấp độ địa phương cũng đã có những đề xuất sáp nhập, giải thể các ban, cơ quan, ban chỉ đạo hay các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp huyện tương tự như mô hình ở Trung ương.[9]

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ a b Văn Dũng (6 tháng 10 năm 2021). “Mục tiêu, nhiệm vụ cải cách thể chế của nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030”. Sở Tư pháp tỉnh Bình Định. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  2. ^ a b “Tiếp tục cải cách thể chế tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang. 10 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  3. ^ Hà Văn (9 tháng 3 năm 2022). “Cải cách hành chính - "đã nói là phải làm". Báo Chính phủ. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  4. ^ Tô Lâm (5 tháng 11 năm 2024). “Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'. Báo Chính phủ. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  5. ^ Phạm Minh Chính (24 tháng 12 năm 2021). “Quyết định số 2193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ”. Báo Chính phủ. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  6. ^ “Tổng thuật trực tiếp sáng 21/10: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”. Quốc hội Việt Nam. 21 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  7. ^ Đinh Duy Hòa (31 tháng 10 năm 2024). “Cải cách thể chế, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.
  8. ^ “Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 2017. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  9. ^ a b c d Nhóm PV (2 tháng 12 năm 2024). “Chi tiết phương án sáp nhập, tinh gọn các tổ chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận”. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.