Kwan và Scheinert nghiên cứu ý tưởng đa vũ trụ từ những năm 2010 và bắt đầu biên kịch từ năm 2016. Bộ phim ban đầu được viết cho Thành Long, nhưng sau vai chính được đổi sang cho Tử Quỳnh.[6][7] Phim bắt đầu quay vào tháng 1 năm 2020 và hoàn tất vào tháng 3 khi mà đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Hoa Kỳ. Nhạc phim được sáng tác bởi Son Lux, cùng với các nhạc sĩ Mitski, David Byrne, André 3000, và Randy Newman.
Cuộc chiến đa vũ trụ được trình chiếu lần đầu tại sự kiện South by Southwest ngày 11 tháng 3 năm 2022 và được công chiếu ở Hoa Kỳ từ ngày 25 tháng 3, trước khi được hãng A24 phát hành rộng rãi vào ngày 8 tháng 4 và tại Việt Nam vào ngày 24 tháng 6 cùng năm. Bộ phim nhận được lời khen ngợi kịch liệt của giới phê bình đánh giá cao trí tưởng tượng, đạo diễn, diễn xuất của Tử Quỳnh, Kế Huy, Vĩ Luân và Curtis và cách thực hiện những chủ đề như chủ nghĩa hiện sinh, thuyết hư vô, và căn tính của người Mỹ gốc Á. Bộ phim đã thu về 104 triệu USD trên toàn thế giới, vượt qua Hereditary (2018) để trở thành phim có doanh thu cao nhất của A24 từ trước đến nay.
Bộ phim xoay quanh Evelyn Wang (Dương Tử Quỳnh), một phụ nữ Trung Quốc nhập cư, là chủ cửa hiệu giặt ủi gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong lần gặp nhân viên thuế Deirdre Beaubeirdre (Jamie Lee Curtis) để giải quyết tài chính, Evelyn vô tình gặp một phiên bản khác của chồng Waymond (Quan Kế Huy) từ vũ trụ Alpha. Anh nói cô là phiên bản Evelyn duy nhất có thể ngăn chặn Jobu Topaki, ác nhân đang muốn phá hủy sự yên bình của đa vũ trụ. Evelyn phải học cách đi xuyên các thế giới, vận dụng mọi kỹ năng mà những phiên bản khác đang có để chống lại cái ác.[8]
Diễn viên
Dương Tử Quỳnh trong vai Evelyn Quan Wang, một chủ cửa tiệm giặt ủi bị bất mãn và choáng ngợp
Stephanie Hsu trong vai Joy Wang / Jobu Tupaki, con gái của Evelyn và Waymond và là mối nguy tới đa vũ trụ
Quan Kế Huy trong vai Waymond Wang, người chồng hiền lành và kỳ quặc của Evelyn
Jenny Slate trong vai Debbie the Dog Mom / "Big Nose", một khách hàng của cửa tiệm giặt ủi
Tên gọi ban đầu của nhân vật ("Mũi to") được đổi khi bộ phim được phát hành trực tuyến bởi mối liên hệ với khuôn mẫu Do Thái.[9]
Harry Shum Jr. trong vai Chad, một đầu bếp teppanyaki làm việc cùng Evelyn trong một vũ trụ song song
James Hong trong vai Công Công (tiếng Trung 公公, "ông ngoại"),[10] người cha chuyên đòi hỏi của Evelyn
Jamie Lee Curtis trong vai Deirdre Beaubeirdre, một thanh tra Sở Thuế vụ
Ngoài ra, Tallie Medel xuất hiện trong vai Becky Sregor, bạn gái của Joy; Biff Wiff xuất hiện trong vai Rick, một khách hàng giặt ủi; Sunita Mani xuất hiện trong vai Nữ hoàng Ca nhạc TV; Aaron Lazar xuất hiện trong vai Chiến binh Ca nhạc TV; Audrey Wasilewski và Peter Banifaz xuất hiện trong vai Sĩ quan Alpha RV; Daniel Scheinert xuất hiện trong vai Giám đốc Khu vực; và Andy Le cùng Brian Le xuất hiện trong vai Alpha Trophy Jumpers.
Randy Newman, người từng lồng tiếng cho chín bộ phim hoạt hình Disney–Pixar, lồng tiếng không được danh đề cho Raccacoonie, chí bộ phim hoạt hình Ratatouille (2007) của Pixar; anh được đề tên cho bài "Now We're Cookin'".[11]Dan Kwan cameo trong vai một người đàn ông bị hút vào chiếc bánh mì vòng.[12]
Chủ đề
Everything Everywhere All at Once kết hợp các yếu tố từ nhiều thể loại khác nhau, bao gồm hài đen, khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, phim chưởng và hoạt hình.[13][14]A. O. Scott của tờ The New York Times miêu tả bộ phim như một "vòng xoáy bất tuân thể loại", viết rằng "tuy những phân đoạn hành động hoạt náo và những câu thoại khoa học viễn tưởng ngớ ngẩn chiếm phần lớn cái vui (và cái quảng bá), chúng chẳng phải điểm chính của bộ phim. [Bộ phim là] một chính kịch gia đình bi hài, một vở hài hôn nhân, một câu chuyện nỗ lực của người nhập cư và một bản tình ca mẫu tử đầy đau thương."[5]
Bộ phim khám phá chủ đề ý nghĩa cuộc sống và thuyết hư vô; theo Charles Bramesco của The Guardian: "Chiếc bánh mì vong diệt vong siết chặt lên con gái của Evelyn như một lời tuyên bố điện ảnh rằng không có gì tồi tệ hơn việc thả mình vào sự hư vô quá đỗi phổ biến với những thế hệ trẻ. Lời khẩn cầu duy nhất là ôm lấy mọi tình yêu và cái đẹp quanh ta, nhưng chỉ khi chúng ta hiện diện để thấy nó."[15] Sự hư vô này cũng được khám qua qua căn tính người Mỹ gốc Á. Anne Anlin Cheng trong tờ The Washington Post viết, "Đa vũ trụ không chỉ là một ẩn dụ cho cuộc sống người Mỹ gốc Á nhập cư hay một ngụ ngôn tiện lợi cho sự mất định hướng và chia xé tính cách mà những công dân thiểu số (ví dụ người Mỹ gốc Á) phải gánh chịu, bao gồm văn hóa LGBT. Nó cũng trở thành một công cụ để đối mặt và điều giải sự bi quan châu Á," một từ ám chỉ sự bi quan châu Phi.[16]
Clint Worthington của tờ Consequence viết, "với tất cả sự lố bịchdada và nhịp phim như chớp mắt, Daniels đan xen những khả năng hỗn loạn của đa vũ trụ vào một câu chuyện mạch lạc khắc họa cái đau và nhức nhối của những quãng đời không được trải qua, và khao khát tạo ra ý nghĩa của bản thân trong một vũ trụ hư vô."[17] Về cách thức hoạt động của Jobu Tupaki, Worthington ghi nhận "sự mâu thuẫn sống mà chiếc bánh vòng thập cẩm đại diện: nếu bạn cho mọi thứ lên chiếc bánh vòng, liệu còn lại thứ gì nữa? Và nếu bạn đã trải qua mọi thứ mà đa vũ trụ có, liệu còn ý nghĩa gì nữa không?"[17]