Ủy ban Olympic Nga (mã IOC: RUS, tiếng Nga: Олимпийский комитет России (ОКР), chuyển tự Olimpiyskiy komitet Rossii (OKR); tên đầy đủ: Liên minh xã hội thống nhất toàn Nga "Ủy ban Olympic của Nga", tiếng Nga: Общероссийский союз общественных объединений «Олимпийский комитет России», chuyển tự Obshcherossiyskiy soyuz obshchestvennykh ob"yedineniy «Olimpiyskiy komitet Rossii») là Ủy ban Olympic quốc gia đại diện cho Nga.
Lịch sử
Ủy ban Olympic Nga được thành lập vào năm 1911 bởi đại diện của các hiệp hội thể thao Nga tại một cuộc họp ở Sankt-Petersburg, trong khuôn viên của Hiệp hội Tiết kiệm nước Đế quốc Nga (số 50 phố Sadovaya), khi quy chế được thông qua và các thành viên của ủy ban được bầu.
Theo quyết định của Hội đồng lập hiến ngày 1 tháng 12 năm 1989, Ủy ban Olympic toàn Nga được thành lập như một tổ chức công độc lập. Vào ngày 13 tháng 8 năm 1992, nó chính thức được đặt tên là Ủy ban Olympic Nga (ROC). Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã nhận được sự công nhận cuối cùng và đầy đủ của ROC với tư cách là người kế nhiệm hợp pháp của Ủy ban Olympic Liên Xô (hay NOC USSR) tại Kỳ họp thứ 101 của IOC vào tháng 9 năm 1992.
Vào tháng 11 năm 2017, ROC đã ra mắt trang web mang tên "Team Russia" (Đội tuyển Nga) chuyên cung cấp tin tức về kết quả của các vận động viên Nga trong các sự kiện thể thao[2].
2017 đến nay
Vào ngày 5 tháng 12 năm 2017, Ủy ban Olympic Nga đã bị IOC đình chỉ vì tham gia vào một chương trình doping do nhà nước tài trợ[3].
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2018, sau khi hoàn thành kiểm tra doping đối với các vận động viên Nga tham dự Thế vận hội mùa đông 2018, IOC đã khôi phục lại Ủy ban Olympic Nga, bất chấp hai cuộc kiểm tra chất cấm không thành công[4].
Vào ngày 9 tháng 12 năm 2019, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) đã cấm Nga tham gia tất cả các sự kiện thể thao quốc tế trong 4 năm sau khi phát hiện ra rằng dữ liệu do Cơ quan phòng chống doping Nga (RADA) cung cấp đã bị chính quyền Nga thao túng với mục đích bảo vệ các vận động viên tham gia chương trình doping do nhà nước tài trợ. Nga sau đó đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) để chống lại quyết định của WADA[5]. Tòa án Trọng tài Thể thao sau khi xem xét kháng cáo của Nga đối với trường hợp của họ từ WADA, đã ra phán quyết vào ngày 17 tháng 12 năm 2020 để giảm hình phạt mà WADA đã đưa ra. Thay vì cấm Nga tham gia các sự kiện thể thao, phán quyết này cho phép Nga tham gia Thế vận hội và các sự kiện quốc tế khác, nhưng trong thời hạn hai năm (tức đến hết 2022), đội không được sử dụng tên, quốc kỳ hoặc quốc ca của Nga và phải thể hiện mình là "Vận động viên trung lập" hoặc "Đội trung lập". Phán quyết cho phép đồng phục của các vận động viên hiển thị từ "Nga" trên đó cũng như sử dụng màu cờ Nga trong thiết kế của đồng phục, mặc dù vậy tên phải có giá trị tương đương với tên gọi "Vận động viên/Đội trung lập".[6] Nga có thể kháng cáo quyết định này[6].
Vào ngày 19 tháng 2 năm 2021, có thông báo rằng Nga sẽ thi đấu dưới tên viết tắt thay thế tạm thời là "ROC", được lấy theo tên của Ủy ban Olympic Nga (Russian Olympic Committee). Sau đó, IOC thông báo rằng quốc kỳ Nga sẽ được thay thế bằng lá cờ của Ủy ban Olympic Nga. Bộ đồng phục có dòng chữ "Ủy ban Olympic Nga", cũng sẽ được phép sử dụng, hoặc từ viết tắt "ROC" sẽ được thêm vào[7]. Cái tên này từng gây xôn xao dư luận Đài Loan do trong quá khứ thì đoàn thể thao Đài Loan khi tham dự Thế vận hội cũng đã từng dùng tên viết tắt là "ROC", được lấy theo từ "Trung Hoa Dân Quốc" (Republic of China), ngày nay thì nó đã được đổi thành "TPE", hay đầy đủ là "Đài Bắc Trung Hoa" (Chinese Taipei)[8].
Các Liên đoàn Quốc gia Nga là tổ chức điều phối tất cả các khía cạnh của các môn thể thao cá nhân của họ. Họ có trách nhiệm đào tạo, thi đấu và phát triển các môn thể thao do mình quản lý. Hiện có 37 liên đoàn thể thao Olympic mùa hè và 12 liên đoàn thể thao Olympic mùa đông ở Nga, tất cả đều có trụ sở chính tại Moskva.