Đỗ Thừa Luông (còn có tên là Long, chưa rõ năm sinh năm mất[1]), là lãnh tụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1872 tại ven rừng U Minh, nay thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, Việt Nam.
Cuộc đời
Đỗ Thừa Luông sinh trưởng tại Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), dưới thời vua Tự Đức.
Đến nay chưa rõ ông đã cùng em là Đỗ Thừa Tự (hay Thừa Ngươn) xuống cư ngụ ở Cà Mau vào lúc nào; chỉ biết là năm 1872, hai anh em ông đã vận động nhân dân nổi lên chống Pháp ở ven rừng U Minh, từ rạch Cái Tàu (nay thuộc huyện U Minh) đến vùng An Biên (nay thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Thuở đó, vùng rạch Cái Tàu (ven rừng U Minh Hạ) nhà cửa hãy còn thưa thớt, nghèo nàn. Vậy mà, số người địa phương tham gia rất đông, trong số đó có ba người hoạt động tích cực là ông Hai Khoa, ông Hai "thầy tu" và một người Hoa gốc Hải Nam, được mọi người quen gọi là ông Lồng Ban (hay Lào Bang).
Buổi đầu, Đỗ Thừa Luông-Đỗ Thừa Tự cho đấp hai cản đất ngang rạch để cản ngăn tàu của Pháp, và còn cho đóng đồn ở hai nơi đó để phòng giữ.
Trong khi chờ đợi vũ khí do ông Lồng Bang qua Xiêm La mua về, thì bị đối phương phát hiện ra căn cứ và họ liền tổ chức tấn công. Mặc dù nghĩa quân đánh trả quyết liệt, song vì thiếu vũ khí, nên căn cứ bị triệt hạ, nhiều nghĩa quân đã phải hy sinh.
Đến khi ghe chở vũ khí từ Xiêm trở về, lại bị quân Pháp đón bắt được hết, nên lực lượng của nghĩa quân càng thêm suy yếu.
Theo nhà văn Sơn Nam, thì:
- Về sau hai anh em họ Đỗ[2] đều bị bắt và bị xử tử, còn nghĩa quân thì bị đày. Tham biện Rạch Giá xử họ trong phiên tòa gọi là " tòa án bổn xứ" (Tribunal indigène), chính ông làm Chánh án. Tên chủ tỉnh Benoist nổi danh là tàn ác (và thích khảo cứu) đã "nhơn danh dân chúng nước Pháp" mà buộc tội và tuyên án...[3]
Tuy cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng Đỗ Thừa Luông cùng các cộng sự vẫn được nhân dân tưởng nhớ, qua câu hát:
- Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự,
- Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lào Bang.
Và hiện nay, ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh có hai con đường mang tên Đỗ Thừa Luông và Đổ Thừa Tự.
Chú thích
- ^ Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế ghi: ?-1872. Phương Thảo chỉ ngày mất là: 3 tháng 8 năm 1875. Hơn 130 năm trôi qua, nhiều tư liệu viết về Đỗ Thừa Luông-Đỗ Thừa Tự và cuộc khởi nghĩa của hai ông đều đã bị thất lạc. Cần phải nghiên cứu thêm, mới có thể có được những thông tin chính xác hơn.
- ^ Theo Sơn Nam thì Đỗ Thừa Tự (không thấy nhà văn ghi có Đỗ Thừa Luông đi theo) có lần phải ẩn lánh ngoài khơi vịnh Xiêm La, tận hòn Sơn Rái nơi thảo am của thầy Đước, một người tu hành ở cheo leo ngoài biển khơi mà vẫn nặng lòng vì nước (sách đã dẫn, tr. 147).
- ^ Sách đã dẫn, tr. 147. Có hai nguồn ghi khác: 1/ Cổng Thông tin Đồng Tháp, thì cho biết trước tương quan ấy, anh em họ Đỗ đã ra lệnh giải tán nghĩa quân rồi vào sâu trong rạch Cái Tàu tuẫn tiết. Còn ông Hai Khoa và ông Hai "thầy tu" thì đều bị bắt, bị đày sang Cayenne là một thuộc địa của Pháp ở tận Nam Mỹ. 2/ Theo Phương Thảo, thì: Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là con trai của võ cử nhân Đỗ Văn Nhân. Cuộc khởi nghĩa của hai anh em họ Đỗ ở vàm sông Cái Tàu đã diễn ra hơn 4 năm (1871 - 1875), làm thiệt hại ít nhiều cho đối phương. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến không cân sức ấy đã bị vùi trong biển máu - trong đó có hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự vào ngày 3 tháng 8 năm 1875 (báo Đất Mũi online ngày 3 tháng 9 năm 2006). [1][liên kết hỏng]
Nguồn tham khảo
- Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH, 1992, tr. 205.
- Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
- Đỗ Thừa Luông-Đỗ Thừa Tự trên Cổng thông tin Đồng Tháp: [2] Lưu trữ 2011-02-14 tại Wayback Machine
- Phương Thảo, Sông Cái Tàu-Những bí mật lịch sử cần được khám phá [3][liên kết hỏng]