Đắk-krông mùa xuân về

"Đắk-krông mùa xuân về"
Bài hát của Kiều Hưng, Trọng Tấn
Thể loạiNhạc đỏ
Viết lờiTố Hải
Thông tin bài hát ở Việt Nam
Năm sáng tác1975
Nhạc sĩTố Hải

Đắk-krông mùa xuân về[1] là một bài hát nổi tiếng về Tây Nguyên của nhạc sĩ Tố Hải sáng tác năm 1975.

Hoàn cảnh ra đời

Đắk-krông mùa xuân về ban đầu được sáng tác trong những ngày tháng Tố Hải cùng đồng đội hành quân dọc dãy Trường Sơn trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Trong một lần hành quân qua tỉnh Quảng Trị, ông dừng lại bên một dòng suối mà người dân đồng bào vùng cao gọi là suối Đắk-krông. Những năm từ Mậu Thân 1968 trở đi, chiến tranh càng xảy ra ác liệt, ông ấp ủ viết một bài hát thật hay về Trường Sơn, vậy là ông bắt tay vào viết ca khúc Đắk-krông mùa xuân về với ý nguyện tặng riêng cho Tây nguyên. Cũng trong năm 1968, ông viết xong lời 1 của bài hát nhưng phải bỏ dở và bài hát chưa được công bố.

Đến năm 1970, Tố Hải được cử ra Bắc học Trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với các nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn...Giữa tháng 3 năm 1975, khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, vào một buổi sáng, bất chợt cảm xúc của Tố Hải dâng trào mãnh liệt. Lúc ấy vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam và vẫn là thành viên của Đoàn văn công Quân giải phóng khu 5, trong một căn lán ở Nhổn (Hoài Đức, Hà Nội), Tố Hải đã hoàn thành lời 2 của bài hát "Đắk-krông mùa xuân về" ngay trong buổi sáng đó và buổi chiều ông đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lập tức được dàn dựng, Kiều Hưng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.[2]

Trích đoạn

Chim Kơ-tia bay tới,
nghiêng cánh chào Đắk-krông.
Pơ-lang khoe sắc thắm,
gió đưa hương đôi bờ.
Tây Nguyên ta uống nước,
một nguồn nước Cách mạng,
một nguồn nước Bác Hồ.

Hình tượng sông Đắk-krông

Nhạc sĩ Tố Hải cho biết: "Đắk-krông đúng là một địa danh của Quảng Trị, nhưng nó chỉ mang tính ước lệ thôi. Ca khúc này tôi dành tặng riêng đồng bào Tây Nguyên, bởi tôi thấy ở Tây Nguyên tất cả con sông con suối đều liên quan đến "Đắk" - nước và "Krông" - sông (nước lớn)[3]…Bài hát này không nhằm vào một địa danh cụ thể nào cả. Dòng sông trong bài hát là hình tượng con sông lớn, sông cách mạng, đang ào ạt tuôn chảy. Đó là dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận..."[2]

Giải thưởng

Cuối tháng 5 năm 2012, Nhạc sĩ Tố Hải được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc với chùm tác phẩm: Đăk-krông mùa xuân về, Lời ca không tắt, Những ngôi sao xanh, Em thương cô giáo vùng cao.[4]

Chú thích

  1. ^ Nhạc sĩ Tố Hải: Gọi xuân về qua khúc hát, Hoàng Thu Phố, Báo Gia đình và Xã hội, Ngày 4 Tháng 1, 2009 Theo tác giả Hoàng Thu Phố: "Lâu nay, nhiều phương tiện truyền thông, trên những website âm nhạc uy tín, như nhacso.net thậm chí trên trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vẫn viết tên ca khúc này là "Sông Đakrông mùa xuân về". Nhưng đối với các dân tộc dọc Trường Sơn gọi "Đak" là nước và "Krông" là sông. Còn trong tập sách "Ngọn sóng phía mặt trời" (Nhà xuất bản Âm nhạc, 2007), trang 92, chính nhạc sĩ Tố Hải cũng viết rõ ràng tên bài hát: "Đắk-krông mùa xuân về". Và tên ông – nhạc sĩ Tố Hải – bây giờ nhiều phương tiện truyền thông vẫn ghi nhầm ông với nhạc sĩ Tô Hải – sinh năm 1927, nổi tiếng với ca khúc "Nụ cười sơn cước". Nhạc sĩ Tố Hải muốn qua trang báo này, để từ đây, sự nhầm lẫn đáng tiếc ấy không bao giờ xảy ra nữa."
  2. ^ a b Nhạc sĩ Tố Hải: Gọi xuân về qua khúc hát, Hoàng Thu Phố, Báo Gia đình và Xã hội, Ngày 4 Tháng 1, 2009
  3. ^ Đi tìm "cánh chim kơtia" THÁI BÁ DŨNG, Báo Tuổi trẻ, ngày 10/04/2013
  4. ^ “Nhạc sĩ Tố Hải ra mắt tập nhạc "Nhớ về miền gió cát", KHUÊ VIỆT TRƯỜNG, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Khánh Hòa, ngày 25/09/2013”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2019.