Làng Đại Bình được ví như một Nam Bộ thu nhỏ, bởi vì ngoài những cây trái địa phương như mít, xoài, ổi, nhãn, cam, quýt, trụ[2], lòn bon... còn trồng được các loại cây trái Nam Bộ như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, lêkima, sapôchê... Đại Bình có lưng dựa vào dãy Trường Sơn, mặt nhìn ra sông Thu Bồn thơ mộng, nổi tiếng với nhiều cái nhất ở miền Trung: thanh bình nhất[3], nhiều cây trái nhất, nhiều người sống thọ nhất[4]... Làng có phong cảnh sơn thủy hữu tình từng hút hồn bao văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của xứ Quảng như: Bùi Giáng, Hoàng Châu Ký, Khương Hữu Dụng, Thu Bồn, Trinh Đường, Tường Linh,...
Làng Đại Bình trong thi ca
Bùi Giáng:
"Em về ở lại đây thôi
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây!."
Tường Linh:
"Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh
Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành
Trước bãi lững lờ dòng nước biếc
Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh"
Đường đến Đại Bình
Từ Đà Nẵng đi QL 1 về hướng Tam Kỳ, đến ngã ba Hương An, rẽ vào đường 611, qua đèo Le (đừng quên thường thức món gà đèo Le [5]) đến thị trấn Trung Phước, huyện Quế Sơn, qua đò là tới; hoặc đi tiếp 2 km qua cầu Nông Sơn để vào làng Đại Bình. (Có thể kết hợp thăm làng Đại Bình với tham quan thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng)
^Theo sách sử để lại và qua lời kể của các cụ cao niên, hầu như các cuộc chiến tranh chưa bao giờ có tiếng súng nổ, hoặc bom đạn rơi trên đất này
^Theo thống kê năm 2009 làng có 215 người là hội viên hội người cao tuổi trong số 300 hộ với 70 người hơn 80 tuổi, 40 người hơn 85 tuổi, gần 10 người hơn 95 tuổi hiện còn vui vầy với con cháu
^Gà Đèo Le, một đặc sản của vùng núi Nông Sơn. Gà Đèo Le tương tự gà tre dưới xuôi, nhưng vì sống trên núi nên nhỏ hơn, thịt chắc và có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Gà Đèo Le luộc, hấp, nấu cháo, rang đều rất thơm ngon, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cháo.