Năm Kỷ Dậu 1789, thủ Đông Xuyên được thành lập; đó là một đồn nhỏ tại vàm sông Tam Khê (sau đổi thành sông Đông Xuyên, nay là sông Long Xuyên).
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất Tầm Phong Long (được vua Chân Lạp là Nặc Tôn giao cho Việt Nam vào năm 1757) để đền ơn chúa Nguyễn đã trợ giúp lấy lại ngôi vua) cùng với huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long đặt làm phủ Tuy Biên và phủ Tân Thành. Lỵ sở của tỉnh đặt tại Châu Đốc. Lại cử chức An Hà Tổng đốc, thống lãnh hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại thành lập hai ty Bố chính, Án sát...[1]
Vậy, tỉnh An Giang xưa, tức một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ[2] được thành lập vào năm 1932, gồm có 2 phủ: Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện là Đông Xuyên và Tây Xuyên và phủ Tân Thành gồm 2 huyện là Phong Phú và Vĩnh An.
Và nhà Nguyễn cho đặt huyện lỵ Đông Xuyên ở thôn Long Sơn (nay là phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) và cho mở huyện học tại đây, tức trường học đầu tiên của tỉnh An Giang.
Năm 1876, khi chính quyền Pháp phân chia lại hạt, thì họ vẫn gọi là hạt Đông Xuyên. Nhà văn Sơn Nam cho biết: Chợ Đông Xuyên, mà lúc đầu trong công văn chính thức Pháp vẫn gọi, đổi ra Long Xuyên vào thời điểm nào, chẳng rõ; điều chắc chắn là năm 1873 đã gọi Long Xuyên, qua báo cáo của chủ tỉnh về cuộc khởi binh của Trần Văn Thành (1820-1873). Chợ nằm ở địa bàn huyện Tây Xuyên thời Tự Đức. Pháp đến, huyện Long Xuyên của vùng Bạc Liêu đổi ra quận Cà Mau. Sự thay đổi này có lẽ do quan cai trị Pháp khi phát âm: Đông Xuyên đọc giống như Long Xuyên. Thời Tự Đức, như đã nói, vàm rạch Long Xuyên ngày nay gọi Đông Xuyên cảng đạo.[3]
Năm 1917, khi tách tỉnh An Giang ra thành hai tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc, thì phần đất huyện Đông Xuyên thuộc về quận Châu Thành và quận Tân Châu của tỉnh Châu Đốc, còn tên gọi Đông Xuyên lại được sử sách dùng để gọi phần đất thuộc thành phố Long Xuyên ngày nay.
Giờ đây cái tên Đông Xuyên chỉ còn là tên của một phường và của một khách sạn cao cấp tại TP. Long Xuyên.
^Theo Nguyễn Q. Thắng, nhà Nguyễn đặt tên lục tỉnh dựa theo 6 từ cuối của một câu thơ cổ: Khoái mã gia biên vĩnh định an hà (nghĩa: Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước). Do đó, các tỉnh có tên: Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. (Trịnh Hoài Đức, một trong Gia Định tam gia, Nam Bộ xưa và nay, Nhà xuất bản TP. HCM, 2005, tr. 147)
^Lịch sử An Giang (Nhà xuất bản TH An Giang, 1988, tr. 107).
Tham khảo
Địa chí An Giang (tập I), UBND tỉnh An Giang ấn hành, năm 2003.