Đoạn buồn đêm mưa

"Đoạn buồn đêm mưa"
Bài hát của Chế Linh
Ngôn ngữTiếng Việt
Thu âm1969
Thể loạiTình khúc, nhạc vàng
Sáng tácTú Nhi

"Đoạn buồn đêm mưa" là một bài hát thuộc dòng nhạc vàng được nhạc sĩ Tú Nhi sáng tác vào năm 1969 và gắn liền với tên tuổi của chính ông trong vai trò ca sĩ dưới nghệ danh Chế Linh. Bài hát kể về câu chuyện cuộc đời của chính tác giả trong một cơn mưa. Bài hát Đoạn buồn đêm mưa sau đó được Tú Nhi ký tên chung với nhạc sĩ Vinh Sử và giúp cho tên tuổi của hai người trở nên thành danh trong làng âm nhạc miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau năm 1975, do chính sách kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, nhạc sĩ Vinh Sử đã đứng tên sáng tác bài hát để ca khúc được lưu hành ở trong nước. Điều này dẫn đến vấn đề tranh chấp tác quyền giữa Tú Nhi và một số đơn vị băng đĩa, đa phương tiện, sau đó chính ông phải lên tiếng thu hồi tác quyền của ca khúc này.

"Đoạn buồn đêm mưa" đã được nhiều ca sĩ ở cả trong và ngoài nước thể hiện sau năm 1975; đồng thời được nhiều người Việt Nam yêu thích.

Hoàn cảnh ra đời

Bài hát được ra đời vào năm 1969,[1][2] ở thời điểm mà Chế Linh đang bắt đầu nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát của mình vốn bắt đầu vào những năm 1960 và có những sáng tác với bút danh là Tú Nhi và Lưu Trần Lê.[3][4] Theo chia sẻ của ông, bài hát này được ông viết trong hoàn cảnh ông có hẹn gặp một người bạn gái ở Sài Gòn, nhưng khi người này chưa kịp đến điểm hẹn thì trời đổ mưa tầm tã, đường phố như suối nước, sau đó Tú Nhi ngồi một mình trong quán chờ mưa tạnh, vừa uống rượu vừa sáng tác ca khúc kể trên.[1][2] Chế Linh sau đó đã cho thu bài hát này vào đĩa nhựa 45 của hãng đĩa Việt Nam.[2]

Sau khi thu bài hát, Tú Nhi đã cho nhạc sĩ Vinh Sử, thời điểm đó gặp khó khăn về tài chính, đứng tên chung sáng tác ca khúc khi đi xin giấy phép. Theo chính Chế Linh, hành động này của ông để "giải quyết vấn đề tài chính" và giúp Vinh Sử "được tự in và bán nhạc lẻ".[1][2] Chế Linh và Vinh Sử sau đó đã bán ca khúc này thành công. Từ việc đó, nhạc sĩ Lam Phương đưa cho Chế Linh ca khúc "Thành phố buồn" và nói ông viết bài này dành cho Chế Linh, giúp cho tên tuổi Chế Linh cũng như bài hát của Lam Phương trở nên ăn khách.[5]

Đón nhận sau năm 1975

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, các tác phẩm nhạc vàng và bolero Việt Nam đều bị chính quyền mới kiểm duyệt.[1][6] Bản thân Chế Linh cũng phải vượt biên sau năm 1975, nhằm để nhạc phẩm của ông được phổ biến trong nước, Chế Linh đã cho Vinh Sử đứng tên trong bài "Đoạn buồn đêm mưa" cùng các bài hát khác của ông.[1] Vào thập niên 1980 và 1990, "Đoạn buồn đêm mưa" cùng nhiều nhạc phẩm của Vinh Sử đã được phát tại khắp các ngõ, hẻm, quán cà phê ở Sài Gòn.[7] Theo báo Bình Dương, "Đoạn buồn đêm mưa" cùng nhiều tình khúc khác về mưa đã được nhiều nguồ yêu thích và thuộc lòng.[8] Nhiều khán giả và người nghe nhạc đã nghĩ rằng bài hát này là một sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử.[9][10] Nhiều báo chí Việt Nam thậm chí còn đánh giá rằng "Đoạn buồn đêm mưa" là một tác phẩm rất nổi tiếng và thành công của Vinh Sử.[7][11]

Trong đợt livestream gây chú ý đến cộng đồng mạng Việt Nam vào năm 2021, Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần công khai hát ca khúc "Đoạn buồn đêm mưa", trong đó có một phiên lên đến hàng chục nghìn người theo dõi.[12][13]

Chú thích

  1. ^ a b c d e “Chế Linh trong cuộc tranh chấp Đoạn buồn đêm mưa”. BBC Tiếng Việt. 1 tháng 6 năm 2024. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  2. ^ a b c d Mộc Cầm (8 tháng 10 năm 2024). “Tranh chấp bản quyền bài hát mà CEO Nguyễn Phương Hằng chế lời, Chế Linh hay Vinh Sử mới là người có quyền sở hữu?”. Dân Việt. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  3. ^ “Chế Linh: 'Ở tuổi 80 như tôi cứ hát yêu đương mãi cũng ngại'. Tiền Phong. 11 tháng 10 năm 2022. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  4. ^ Đào Nguyên (14 tháng 5 năm 2024). “Danh ca Chế Linh ở tuổi 82”. Tiền Phong. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  5. ^ Hà Thu (10 tháng 10 năm 2022). “Chế Linh: 'Bài Thành phố buồn cho tôi tiền tài, danh vọng'. VnExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2025.
  6. ^ M.T. (1 tháng 4 năm 2017). “Ý kiến trái chiều về dòng nhạc bolero: Những gì hay sẽ đi vào lòng người”. Báo Lao Động. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  7. ^ a b Hoàng Dung (10 tháng 9 năm 2022). “Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero”. VnExpress. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  8. ^ Thục Văn (17 tháng 10 năm 2023). “Cuốn hút với những nhạc khúc bolero”. Báo Bình Dương. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  9. ^ Trà Giang (9 tháng 5 năm 2017). 'Vàng son một thuở' vinh danh những sáng tác của Tú Nhi”. Thanh Niên. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  10. ^ Dũ Cát (10 tháng 5 năm 2017). “Bí mật không ngờ về bút danh Tú Nhi của danh ca Chế Linh”. An Ninh Thủ Đô. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  11. ^ Tùng Thanh (10 tháng 9 năm 2022). “Nghe lại những bản tình ca nổi tiếng của 'vua nhạc sến' Vinh Sử”. VTC. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  12. ^ Mia (4 tháng 6 năm 2021). “Hàng ngàn người bỏ cơm, bỏ 'Thời sự' nghe bà Nguyễn Phương Hằng hát karaoke”. Tạp chí Gia Đình Việt Nam. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.
  13. ^ Đăng Bách (6 tháng 5 năm 2022). “Đàm Vĩnh Hưng làm điều đặc biệt khiến dân mạng gọi tên bà Phương Hằng”. Thanh Niên. Truy cập 23 tháng 1 năm 2025.