"Nghi án 47.800 đồng" là tên được dùng trên báo chí và truyền thông Việt Nam nói về vụ việc một bé gái 10 tuổi bị nghi lấy cắp 47.800 đồng Việt Nam, sau khi công an hỏi cung bị rối loạn tâm lý với diễn tiến nặng dần, thời gian tiếp theo em không có khả năng tiếp tục học tập, mặc dù trước đó là một học sinh học giỏi và khỏe mạnh. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý, gia đình và các tổ chức xã hội em đã đi học trở lại và dần dần hòa nhập vào cuộc sống bình thường.
Tóm tắt sự việc
Trường tiểu học An Hiệp 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp bị mất 47.800 đồng Việt Nam (VND) tiết kiệm lấy từ tiền "nuôi heo đất" của học sinh hai lớp (lớp 5/1 và lớp 5/2) với mục đích dùng vào liên hoan và tặng quà học sinh dịp cuối năm.
Sáng ngày 14 tháng 3 năm 2007 tại văn phòng nhà trường, thầy Lê Văn Xem, tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hỏi Huỳnh Thị Ngọc Trâm, lớp phó học tập lớp 5/1 và Hồng Anh Thư, lớp phó học tập lớp 5/2 về số tiền quỹ của lớp bị mất, nhưng cả hai học sinh này đều không thừa nhận lấy số tiền đó. Khoảng 7 giờ 45 cùng ngày, trong lúc thầy Phan Thanh Danh đang giảng bài trong lớp, theo lệnh của thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca, thầy Lê Văn Xem đề nghị cho "mượn" em Trâm để làm việc, nhưng không nói rõ nội dung. Sau đó Lê Văn Xem chở hai em học sinh bị tình nghi đến công an xã An Hiệp nhờ điều tra.
Trưởng công an xã là Lê Văn Thanh, em ruột của Lê Văn Xem, đã cùng với phó công an xã Võ Thanh Phương tiến hành hỏi cung. Trâm được đưa vào một phòng cách biệt để ngồi viết bản tường trình, và công an lấy lời khai. Buổi hỏi cung còn có sự tham dự của Trần Văn Lang, phó chủ tịch Hội Nông dân xã, và Lê Thị Kim Em, chủ tịch Hội Phụ nữ của xã. Đến 11 giờ cùng ngày, sau khi bị bắt buộc ký vào lời khai nhận tội, Trâm mới được cho về nhà trong trạng thái tinh thần hoảng loạn.[1]
Trâm bị sốc nặng, không dám đi học, luôn bị ám ảnh sợ bị đưa trở lại gặp công an. Trâm lên cơn khóc la, đập phá bất thường, sợ sệt tất cả mọi người và đánh cắn cả mẹ của mình. Từ đó Trâm trở thành điên dại. Gia đình Trâm nghèo, bố và mẹ của Trâm đều đi làm thuê, bà của Trâm đã 70 tuổi và Trâm có một người em. Được sự giúp đỡ của xóm giềng, Trâm được đưa đi chữa trị nhưng không khỏi, bệnh càng ngày càng nặng. Bác sĩ tiên liệu bệnh là do bị sốc, do quá sợ mà sinh ra, rất khó chữa, có thể bệnh tâm thần sẽ càng ngày càng nặng, tàn phế suốt đời. Hiện nay, do được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Trâm vẫn đang chữa bệnh.
Phát bệnh và tiến triển bệnh
Khoảng mười giờ đêm cùng ngày bị hỏi cung, lúc mọi người đang ngủ, Trâm vùng dậy hoảng loạn la khóc, cầu cứu xin tha, xin không ép khai. Sau đó, khi nghe tiếng xe máy hoặc có người đến thăm, Trâm ôm chặt mẹ, khóc thét, hoặc trùm chăn trốn vì sợ bị bắt giao cho công an. Hôm thầy Danh, chủ nhiệm lớp tới thăm, Trâm lại ôm mẹ kêu khóc: "Thầy ơi đừng chở con lên công an, con sợ lắm". Trâm không dám trở lại lớp học.
Trâm được cha mẹ đưa đi điều trị bệnh. Trâm được chẩn đoán "phản ứng stress cấp tính", khi đến khám lần đầu vào ngày 23 tháng 3 năm 2007. Trong lần khám thứ hai vào ngày 27 tháng 3 năm 2007, Trâm có khả năng tiếp xúc tốt hơn, tự đi vào phòng khám, ngồi một mình một ghế, biết trả lời các câu hỏi của bác sĩ đưa ra, nhưng không tự bộc lộ câu chuyện.
Đêm ngày 6 tháng 4 năm 2007, Trâm đang ngủ say bỗng thức dậy thở hổn hển, biểu hiện mệt mỏi, hoảng loạn, sau đó khóc thét lên, cào cấu lung tung. Trâm không nói nữa mà chỉ thể hiện bằng hành động, giống như người điên loạn. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, trưởng khoa nhi bệnh viện Đa khoa Sa Đéc tại Đồng Tháp, cho biết bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã nhập viện lúc 22h30 cùng ngày trong tình trạng la thét, không tiếp xúc, thể hiện rối loạn về hành vi.
Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện đã mời bác sĩ Đào Trần Thái, chủ nhiệm bộ môn tâm thần của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, và bác sĩ Lê Minh, bộ môn thần kinh của trường, sẽ cùng khám và hội chuẩn cho Trâm tại Bệnh viện Đại học Y Dược vào 9 giờ sáng ngày 13 tháng 4. Ngày 13 tháng 4 năm 2007 bé Trâm nhập viện, được Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị miễn phí.
Lúc bệnh thuyên giảm, Trâm chịu để mẹ dỗ và đút cơm... được gần một chén. Lúc bệnh nặng thì Trâm hét váng lên, vẫn lấy tay đánh mẹ khi mẹ lại gần. Còn ban đêm thỉnh thoảng Trâm lại choàng tỉnh la hét, kêu khóc hoặc có biểu hiện khác thường là kéo quần rồi tự vỗ mông mỗi ngày hai ba lần hoặc đòi bú.
Sáng ngày 17 tháng 4 năm 2007, bà Valerie Malard, chuyên gia tâm lí đang điều trị cho bé Trâm ở Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bé Trâm đã có biểu hiện tốt, có nhu cầu tiếp xúc với mọi người hơn, nhưng vẫn cần phải có thời gian điều trị. Bà Valerie Malard cho rằng bé Trâm có ba nhóm biểu hiện. Trước khi đến đây, Trâm sợ hãi, co rút và che mắt lại, có khi chui vào góc tường và tránh đi chỗ khác khi có ai nhìn bé. Giai đoạn hai, Trâm cắn răng, đánh người khác vì tưởng đối tượng đó là người trước đây đã hại mình. Hiện nay, Trâm đã ngồi yên, lắng nghe, quan sát và có sờ thoáng qua đồ chơi. Điều này cho thấy Trâm đã có niềm tin vào trị liệu. Trâm có biểu hiện của bệnh thoái lùi, đòi bú và không còn biết nói.[2]
Đêm 30 tháng 10 năm 2007, Trâm đã bắt đầu nói được trở lại. Từ rõ nhất mà Trâm bật thốt ra là "Trời ơi!" làm mẹ của Trâm, vui không thể tả.[3]
Ngày 22 tháng 1 năm 2008,[4] Trâm đã đến trường học trở lại sau gần một năm gián đoạn việc học tập do bị chấn thương tâm lý nặng nề. Trâm đang học lớp 5/3 trường tiểu học Nha Mân 1 xã Tân Thuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp (học ngày hai buổi).[5] Ở ngày đầu tiên, Trâm cho biết đã được điểm 10 bài tập môn toán.
Sự quan tâm của báo chí và xã hội
Sự việc Trâm sợ đến điên dại vì bị nhà trường và công an hỏi cung đã lan nhanh thúc đẩy giới truyền thông và báo chí vào cuộc. Báo chí cho rằng nhà trường và công an đã vi phạm luật pháp trong việc cách li để hỏi cung một em bé 10 tuổi mà không có người giám hộ, xâm phạm quyền trẻ em một cách ngiêm trọng. Báo Tiền Phong viết bài đầu tiên vào ngày 4 tháng 4 năm 2007 như sau: "Một học sinh 10 tuổi hoảng loạn vì bị hiệu trưởng nghi lấy 47.800 đồng." Sau đó, hàng loạt các báo và đài đã đưa tin và gọi sự việc này là "Nghi án 47.800 đồng". Dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ, nhiều người viết ý kiến lên báo đòi truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã trực tiếp làm cho Trâm trở thành điên dại, tàn phế.
Bà Đặng Huỳnh Mai, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nói: "Việc hỏi cung các bé gái dưới mười tuổi không người giám hộ là sai lầm, phản giáo dục". Bà cho rằng nguyên nhân là do các cán bộ đã ứng xử kém và bà cũng nói thêm: "Giáo dục là biến cái xấu thành cái tốt chứ không phải biến một học sinh giỏi thành người tật nguyền, khủng hoảng". Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà đã xin lỗi gia đình Trâm.
Theo báo Lao động Cuối tuần, việc vi phạm luật giáo dục, luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em, công ước quốc tế về nhân quyền và việc bảo vệ các quyền của trẻ em mà Việt Nam có tham gia và được quốc hội phê chuẩn là do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do ứng xử kém như bà Đặng Huỳnh Mai đã nhận xét. Nhưng xét trên hai khía cạnh nhận thức xã hội theo lề thói cũ, gia trưởng, kẻ cả và khía cạnh vi phạm pháp luật qua việc đánh, nhục mạ, trừng phạt học sinh là phạm pháp, các thầy cô đó đã vi phạm pháp luật. Trường hợp "hỏi cung" bé Trâm là do bệnh thành tích gây ra trong khi những kẻ phạm pháp rành rành như vậy phải bị truy tố trước pháp luật và phải được xử một cách rất nghiêm minh.[6]
Xử lí vụ việc
Cho đến nay chưa có ý kiến nào của người có trách nhiệm và cơ quan chức năng đề đạt việc quy trách nhiệm đúng mức hoặc truy cứu hình sự những người có liên quan đến cuộc hỏi cung em Trâm, chỉ có hiệu trưởng Lưu Văn Ca xin từ chức, báo chí cũng không thấy thúc giục điều này.
Trả lời đài RFA (Radio Free Asia) về việc chính phủ Việt Nam phải làm gì trong vụ việc Huỳnh Thị Ngọc Trâm, ông Nguyễn Văn Tân, chánh văn phòng Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Trung ương nói rằng nếu kết quả điều tra xác định em Huỳnh Thị Ngọc Trâm 10 tuổi, bị hiệu trưởng đưa đến công an ép cung đến điên loạn là xác thực thì Uỷ ban sẽ yêu cầu truy tố hình sự tất cả những người có trách nhiệm, vì nếu không xử lý nghiêm những hành động tương tự thì sẽ không kịp thay đổi cách nhìn nhận xưa nay vốn không phù hợp với tinh thần của luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.[7]
Cũng trả lời đài RFA về cùng vụ việc, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nhận định:
- "Điều quan trọng nhất là báo chí và công luận muốn theo dõi là sẽ xử lý như thế nào. Chính tại thời điểm này tôi cho rằng các vị lãnh đạo Việt Nam không nên mải mê quá vào vấn đề bầu cử hay các vấn đề khác mà hãy nói thẳng về vấn đề này. Thời gian gần đây báo chí đưa một số vụ tuy có xử lý nhưng hình thức thì không thể chấp nhận được, xử lý như kiểm điểm hay rút kinh nghiệm v.v. dư luận không chấp nhận. Có lẽ lãnh đạo của đất nước phải yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý triệt để, nếu không tình trạng sẽ "nhờn", có vi phạm thì chỉ bị xử lý kiểm điểm cùng lắm là bị sa thải. Tôi nghĩ là phải lôi ra những vụ xâm phạm nghiêm trọng và trừng trị đích đáng. Vụ em Trâm là vụ điển hình chính quyền Việt Nam cần phải tỏ thái độ là họ thực sự bảo vệ quyền trẻ em, và những người xâm phạm quyền trẻ em phải bị trừng phạt nghiêm minh, bất kỳ họ là ai ở trong ngành công an hay ngành giáo dục".[8]
Theo Bà Nguyễn Thị Hoàng Vinh, Phó phòng GD-ĐT huyện Châu Thành (Đồng Tháp) thì bốn cá nhân sai phạm là Lưu Văn Ca, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học 2; Lê Văn Xem, nguyên tổng phụ trách đội trường tiểu học An Hiệp 2; Lê Văn Thanh và Võ Thanh Phương, nguyên Trưởng và phó Công an xã An Hiệp; nên họ có trách nhiệm bồi thường số tiền là 25 triệu đồng cho sai phạm làm tổn thất tinh thần cho em Huỳnh Thị Ngọc Trâm.[9] Bốn cá nhân sai phạm trên phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình em Huỳnh Thị Ngọc Trâm trong thời gian là 2 tháng kể từ ngày 8 tháng 11 năm 2007. Sáng 16 tháng 11 năm 2007, 4 người tham gia "ép cung" học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã trao 25 triệu đồng bồi thường cho gia đình nạn nhân tại trường tiểu học Nha Mân 1, xã Tân Thuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nơi thầy Lưu Văn Ca – người trực tiếp dẫn bé Trâm lên công an xã An Hiệp để ép cung – hiện công tác ở đây.[10]
Bài hát
"47.8"[11] là tên ca khúc mới của nhạc sỹ Tuấn Khanh ra đời từ sự cảm thông của anh đối với bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm.[cần dẫn nguồn]
- Em, thời gian sẽ dịu nỗi đau
- Nhưng cũng sẽ làm thấm sâu
- Những giọt nước mắt đêm thâu – mẹ cha[12]
Chú thích