Vũ Văn (tiếng Trung: 宇文; bính âm: Yǔwén) là một thị tộc tiền quốc gia của những người Tiên Ti có nguồn gốc Hung Nô vào thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại cho đến khi bị vua Mộ Dung Hoảng của Tiền Yên tiêu diệt vào năm 345. Trong số các thị tộc thuộc đông bộ Tiên Ti từ phần trung tâm của tỉnh Liêu Ninh ngày nay về phía đông, Vũ Văn bộ là lớn nhất, và được những người cai trị Trung Hoa trao cho vị trí lãnh đạo đông bộ Tiên Ti. Một hậu duệ của Vũ Văn bộ là Vũ Văn Thái đã lập nên triều đại Bắc Chu vào thế kỷ thứ 6.
(Vũ Văn) nguyên là các hậu duệ của Nam Thiền vu (của người Hung Nô). Một người trong đó, được gọi là Phổ Hồi, nhận được một miếng ngọc tỉ lúc đi săn. Đây là một dấu hiệu của việc được trời ban cho tước đế. Theo truyền thống Tiên Ti, con trai của trời được gọi là Vũ Văn. Do đó (Phổ Hồi) tự gọi mình là Vũ Văn.
Vũ Văn là các hậu duệ của người Hung Nô du mục, những người Hung Nô này đã bị đồng hóa và trở thành người Tiên Ti sau năm 89 và cai quản cả người Khố Mặc Hề và Khiết Đan (cả hai đều có gốc Hung Nô) trước khi bị Mộ Dung Hoảng tiêu diệt vào năm 344, đến lúc đó người Vũ Văn lại phân tách vào người Khiết Đan và Khố Mặc Hề. Ngôn ngữ Vũ Văn có thể là một thứ tiếng tiếng Đột Quyết hoặc là một nhánh rất xa xôi của nhóm ngôn ngữ Mông Cổ.
Vũ Văn Mạc Hòe người Tiên Ty đến từ Liêu Đông, vùng đất ngoài biên giới phía bắc. Tổ tiên của ông ta là một họ hàng xa với Nam Thiền vu Hung Nô. (Vũ Văn) từ nhiều thế hệ đã là đông bộ đại nhân (của người Tiên Ti). Ngôn ngữ (Vũ Văn) có khác biệt lớn so với ngôn ngữ Tiên Ti. Người (Vũ Văn) đều cạo tóc, song tóc trên đỉnh đầu được để lại như một thứ trang trí. Khi tóc dài quá vài thốn, nó sẽ bị cắt ngắn. Phụ nữ mặc áo choàng dài, che từ vai đến chân, song (họ) không mặc váy. Khi mùa thu đến, họ thường thu lượm Ô đầu làm độc dược, và sử dụng nó để săn bắn chim và thú vật.