Vinh Hiền

Vinh Hiền
Xã Vinh Hiền
Bãi biển ở xã Vinh Hiền nhìn từ trên cao
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhThừa Thiên Huế
HuyệnPhú Lộc
Thành lập1986[1]
Loại đô thịLoại V
Năm công nhận2023[2]
Địa lý
Tọa độ: 16°20′33″B 107°54′4″Đ / 16,3425°B 107,90111°Đ / 16.34250; 107.90111
Vinh Hiền trên bản đồ Việt Nam
Vinh Hiền
Vinh Hiền
Vị trí xã Vinh Hiền trên bản đồ Việt Nam
Diện tích22 km²[3]
Dân số (2014)
Tổng cộng7.602 người[3]
Mật độ345 người/km²
Khác
Mã hành chính20125[4]

Vinh Hiền là một thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.

Địa lý

Xã Vinh Hiền cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía đông nam, có vị trí địa lý:

Xã có diện tích 22,0 km², dân số năm 2014 là 7.602 người,[3] mật độ dân số đạt 345 người/km².

Do nằm bên đoạn cuối của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nên đa phần thủy sản vùng nước lợ nơi đây được mệnh danh là ''ngon nhất'' Việt Nam dưới thời vua chúa Nhà Nguyễn.

Địa hình

Là xã nằm ven biển nên chủ yếu là đất cát, có hai ngọn núi nhỏ là Linh Thái cao 150m và Tuý Vân cao 60m so với mực nước biển, phía Đông Nam có cửa biển Tư Hiền.

Khí hậu

Gió: Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có 2 hư­ớng gió chính là gió mùa đông bắc về mùa đông và gió mùa tây nam về mùa hè. Đồng thời cũng chịu tác động của bão, gió biển và gió đất liền theo chu kỳ ngày đêm.

Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình/năm: 25,2°C. Tháng nóng nhất tháng 6, tháng 7 với 41,3°C và tháng lạnh nhất là tháng 12 với nhiệt độ là 18°C.

Thủy triều

Chế độ thủy triều tại Vinh Hiền là chế độ bán nhật triều.

Thủy văn

Khu vực Vinh Hiền có đầm Cầu Hai rộng khoảng 11.200 ha thông với Biển Đông qua cửa Tư Hiền. Ngoài ra còn có con rạch nhỏ từ đầm Cầu Hai chảy ra địa phận xã Vinh Hải (nay là xã Giang Hải). Từ xa xưa, khi cửa Tư Hiền chưa có thì đoạn rạch này là nơi đầm Cầu Hai thoát nước ra biển qua cửa Ma Á-Vinh Hải. Về sau do sự dịch chuyển dòng hải lưu, cửa Ma Á-Vinh Hải bị bồi lấp đồng thời mở ra cửa biển mới và tồn tại đến ngày nay (chính là cửa Tư Hiền).

Dân cư

Theo thống kê năm 2014, xã Vinh Hiền có số dân khoảng 7.602 ng­ười, sản xuất theo hai ngành nghề chính là nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Dân xã Vinh Hiền đa số theo Phật giáo, tập trung ven đầm Cầu Hai và ven đư­ờng quốc lộ 49B.

Hành chính

Xã Vinh Hiền được chia thành 7 thôn: Đông Dương, Hiền An 1, Hiền An 2, Hiền Hòa 1, Hiền Hòa 2, Hiền Vân 1, Hiền Vân 2.[5]

Lịch sử

Ngày 19 tháng 1 năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 257/QĐ-UBND[2] về việc công nhận đô thị mới Vinh Hiền đạt tiêu chí đô thị loại V.

Xã hội

Các vấn đề về san nền thoát n­ước, cấp n­ước: Vinh Hiền ch­ưa có tác động đáng kể của con ng­ười về mọi mặt đối với những điều kiện tự nhiên. Hiện trạng thoát n­ước m­ưa vẫn được thoát theo mặt đất tự nhiên, phần thì ngấm xuống đất, phần thì theo mặt dốc chảy theo các m­ương ra đầm Cầu Hai.

Xã Vinh Hiền trước đây thường dùng giếng đào, giếng khoan để sinh hoạt và tưới tiêu. Ngày nay, toàn bộ vùng trong xã đã có hệ thống nước máy, tại chân núi Túy Vân đã có doanh nghiệp chuyên cung cấp nước uống đóng chai với tên gọi nước uống tinh khiết Túy Vân.

Tình hình thoát n­ước thải sinh hoạt và vệ sinh môi tr­ường: Do khu dân cư­ vẫn còn nằm trong tình trạng phát triển tự nhiên, ch­ưa có xây dựng hệ thống xử lý nư­ớc thải sinh hoạt. Nên hầu hết người dân đều thải trực tiếp ra đầm Cầu Hai. Nhờ đầm Cầu Hai rộng và có dòng chảy thông suốt nên tình trạng ô nhiễm không đáng kể.

Trước đây, khi chưa có hệ thống xe thu gom rác thải sinh hoạt, người dân phải đổ rác tại xóm Hà Đông khiến nước rỉ rác thấm sâu vào mạch nước ngầm ở đó. Nước ngầm từ mặt đất sâu xuống 20m ở khu vực này ô nhiễm nặng, có màu vàng nâu và có mùi thối. (Theo Kinh nghiệm khoan giếng tại địa phương-Trần Văn Tịnh).

Văn hóa - du lịch

Nơi đây, có bãi biển Hàm Rồng, bãi biển Hải Bình (Lộc Bình) khá đẹp, nhưng chưa có các nhà đầu tư khai thác tiềm năng du lịch nên các bãi biển ở đây còn khá hoang sơ, với một số di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Di tích lịch sử

Chùa Thánh Duyên

Theo "Bóng cũ hồn xưa" của Ngô Hoàng Long thì chùa Thánh Duyên là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 1996. Từ thế kỷ XVII dưới thời các Chúa Nguyễn, trên núi Túy Vân đã có dựng chùa và sau này trở thành quốc tự khi vua Minh Mạng cho xây dựng quy mô vào thế kỷ XIX.

Tháp Điều Ngự

Chuyện xưa kể rằng khi xây dựng chùa, vua Minh Mạng đã cho trồng 108 cây ngụ ý ngọn núi "Lương Sơn Bạc" của 108 vị hảo hán và đặt tên hai tảng đá hai bên là đá chuông, đá mỏ theo hình dạng. Ông cũng phong cái giếng vuông trong vắt dưới chân núi là giếng Cam Lồ. Đến thời Thiệu Trị, vị vua thi sĩ sau nhiều lần du ngoạn đã tinh ý khi "xếp hạng" núi Tuý Vân là cảnh sắc thứ chín trong số 20 cảnh đẹp đất kinh kỳ qua bài thơ Vân Sơn thắng tích...

Từ tháp Điều Ngự nằm ngay đỉnh núi với độ cao gần 60m nhìn xuống là đầm Cầu Hai với hàng nghìn nò sáo, thuyền đò của ngư dân nổi lên trên màu xanh của nước, hòa vào nền xanh núi non và nền trời làm khung cảnh vừa thoáng rộng vừa kỳ vĩ đẹp đến nao lòng.

Rời chùa Thánh Duyên, băng qua cầu Tư Hiền bắc ngang đầm Cầu Hai là khu vực cửa biển Tư Dung xưa nối đầm Cầu Hai với biển cả. Có quá khứ cả nghìn năm, lúc bồi lúc mở, có lúc chạy dài suốt 5 km mới tới được biển, cửa biển Tư Hiền nay tương đối nhỏ và cạn, chỉ những thuyền nhỏ mới vào ra được. Dấu tích cửa Tư Dung xưa chính là vịnh Hải Bình, một lạch nước tuyệt đẹp chạy dài giữa biển và dãy núi Ngũ Phong, nơi nuôi trai lấy ngọc từ nhiều năm nay.

Vịnh Hải Bình từng lưu dấu nàng Huyền Trân trong cuộc hôn phối lịch sử để đưa phần đất Ô - Rí về cho nước Đại Việt 700 năm trước. Lưu truyền trên đường xuất giá sang Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân đã có một đêm "tha thiết" trên thuyền ở vùng cửa biển, sau đó bái vọng tổ tiên trước lúc lên đường. Cái tên Tư Dung được đặt để tưởng nhớ vị công chúa đã quên mình cho đất nước,... Về sau cửa Tư Dung do trùng tên huý kỵ nên đã đổi thành cửa Tư Hiền.

Các công trình kiến trúc

Các công trình xây dựng (nhà ở, công trình công cộng...) trong khu dân c­ư từ trư­ớc đến nay là do dân tự làm. Phần lớn nhà ở là nhà một tầng lợp ngói hoặc lợp tôn, xen kẻ cũng có nhà hai tầng đúc mái bằng.

Công trình công cộng có 3 tr­ường học (một trường mầm non, một tr­ường tiểu học và một trư­ờng trung học cơ sở), 4 ngôi chùa Phật giáo (chùa Thánh Duyên, chùa khuôn hội Tuý Vân, chùa làng Hải Triều, chùa làng Đông Dương), 2 nhà thờ Thiên Chúa giáo, trụ sở ủy ban nhân dân xã, chợ, trạm y tế, cảng thuyền đánh cá, đồn biên phòng, bưu điện, cây xăng... đư­ợc xây dựng kiên cố.

Giao thông

Vinh Hiền có tuyến quốc lộ 49B, tỉnh lộ 21 chạy qua và đang được mở rộng, nâng cấp. Cầu Tư Hiền bắt qua đầm Cầu Hai nối với xã Lộc Bình. Các đường liên thôn được bê tông hoá hoàn toàn.

Hình ảnh

Liên kết ngoài

Trường THCS Vinh Hiền Lưu trữ 2016-03-11 tại Wayback Machine

Trường Tiểu học Vinh Hiền Lưu trữ 2016-03-11 tại Wayback Machine

Chú thích

  1. ^ 72/1986/QĐ-HĐBT
  2. ^ a b “Quyết định số 257/QĐ-UBND về việc công nhận đô thị mới Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại V”. Luật Việt Nam. 19 tháng 1 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2023.
  3. ^ a b c “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ Nằm trên đất của 7 làng: Vinh Hoà, Phụ An, Đông Am, Đông Dương, Tăng Sà, Hà Am (Hà Đông) và Miêu Nha. (Theo "Bóng cũ hồn xưa"- Ngô Hoàng Long, 2009).

Tham khảo

Ngô Hoàng Long, Bóng cũ hồn xưa (2009).