Xã Tích Giang nằm ở phía tây nam huyện Phúc Thọ, có đường quốc lộ 32 xuôi về trung tâm Thủ đô khoảng 40 km. Phía đông bắc Tích Giang giáp xã Thọ Lộc và phía đông nam giáp xã Trạch Mỹ Lộc thuộc cùng huyện. Còn phía tây xã, từ bắc xuống nam lần lượt tiếp giáp với 04 phường của thị xã Sơn Tây là: Viên Sơn, Quang Trung, Trung Hưng và Trung Sơn Trầm. Xã có tổng diện tích tự nhiên 640,1 ha; trong đó 53% là đất canh tác nông nghiệp. Nằm trên một vùng đồng bằng bán sơn địa, tại đây có dòng sông Tích chảy quanh co cùng với các nhánh sông Tấm, sông Xanh giúp cung cấp nước tưới và thuận lợi cho đánh bắt thủy sản.[1][2] Ngoài ra, tại làng Tường Phiêu còn có một đầm lớn gọi là đầm Quang.[3]
Lịch sử
Nằm ở vùng đất Xứ Đoài với bề dày lịch sử, năm 1965, tại di chỉ khảo cổ Tường Phiêu và Ngô Sơn trong xã đã tìm thấy hiện vật rìu đá thuộc văn hóa Bắc Sơn ở vào thời kỳ đồ đá mới.[4][5] Dẫu vậy vẫn không có ghi chép cụ thể gì về vùng đất này cho tới triều Trần. Sách Lĩnh Nam chích quái viết ở thời này đã kể chuyện Sơn Tinh xem đánh cá trên sông Tích (còn gọi là sông Chiết Giang[6]) và những nơi ngài ghé qua sau đó đều được nhân dân lập đền thờ.[7] Cho đến nay, ngài vẫn là Thành hoàng được thờ ở nhiều đình, đền trong xã và được nhân dân tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng nhớ công ơn trị thủy, dạy dân đánh cá.[8]
Theo tấm bia cổ Ngô Sơn tự trùng tu phật tượng bi minh ký khắc năm 1661 ở xã thì vùng đất này vào thời Lê vốn thuộc tổng Tường Phiêu, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.[9] Theo Đồng Khánh địa dư chí, đất Tích Giang thời nhà Nguyễn vẫn thuộc tổng này, chỉ khác cấp trấn đã đổi gọi là tỉnh Sơn Tây. Dưới cấp tổng có 8 xã gồm: Tường Phiêu, Cung Thận, Sơn Vi, Trạch Lôi, Tuy Lộc, Minh Tranh, Triều Đông và Sơn Đông.[10] Theo Sơn Tây tỉnh địa chí thì sau khi Pháp chiếm được Bắc Kỳ đã có những sắp xếp lại về hành chính. Tổng Tường Phiêu khi ấy được chuyển về huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây.[11] Đồng thời, tên xã Minh Tranh cũng không còn mà thay vào đó là hai xã Thuần Mỹ và Sơn Trung.[12] Trong khi đó, hai xã Cung Thận và Sơn Vi lại được gọi chung là Cung Sơn[13] chưa rõ vào thời điểm nào. Nhưng khi xã Tích Giang được thành lập vào ngày 26 tháng 4 năm 1946 chỉ có hai làng là Tường Phiêu và Cung Sơn.[1]
Kể từ khi thành lập, xã Tích Giang đã trải qua nhiều lần thay đổi hành chính cấp huyện và cấp tỉnh/thành phố. Hai làng trong xã cũng được chia ra làm 12 thôn với tổng cộng 2.398 hộ và 8.765 nhân khẩu vào năm 2017.[1] Đến năm 2024, dân số xã đạt 9.936 người. Theo đề án mới ban hành cùng năm thì xã Tích Giang dự kiến sẽ tiếp nhận toàn bộ 3,794 km2 diện tích và 8.618 dân cư của xã Thọ Lộc, để thành lập một xã mới lấy tên là Tích Lộc. Sau khi sáp nhập, xã mới sẽ có tổng diện tích tự nhiên hơn 10 km2; quy mô dân số 18.554 người và trụ sở Ủy ban nhân dân chung sẽ dời về địa điểm ở xã Thọ Lộc hiện nay.[16]
Xã Tích Giang được đặt tên theo dòng sông Tích chảy qua xã. Do khu vực này gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nên tên các làng cổ quanh đây như Tường Phiêu (祥飆[a]) có chữ Phiêu nghĩa là gió bão, Triều Đông (潮東) có chữ Triều nghĩa là nước dâng, Trạch Lôi (澤雷) có chữ Trạch là đầm, Lôi là sấm và con sông Tích cũng có tên gọi là Tích Lịch Giang – dòng sông sấm sét.[24] Bên cạnh đó, với truyền thống nghề nông lâu đời mà nay vẫn trồng giống quýt gọi là quýt Tích Giang[25] nên các làng quanh đây từ xưa đã có tên Nôm như: Tường Phiêu gọi là làng Quéo hay làng Quýt, Thuần Mỹ (Minh Tranh cũ) gọi là làng Chanh, Cung Thận gọi là làng Me...[26][27]
Kinh tế
Nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp với 350 ha đất sản xuất ở hai khu vực trong và ngoài đê sông Tích. Trong số này có 279 ha trồng lúa chất lượng cao, còn lại là chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh hay kết hợp vườn ao chuồng (VAC). Trong hai năm 2012–2013, nhân dân trong xã đã hiến hơn 170.000 m2 đất nông nghiệp để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.[28] Xã sau đó đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 với thu nhập bình quân của người dân lúc này là 29,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1%.[14] Năm 2016, nông nghiệp chiếm 30,6% cơ cấu sản xuất của xã, còn công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 29,2%, thương mại dịch vụ chiếm 40,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm.[1] Tới năm 2019, ở xã Tích giang đã có 1.500 hộ được sử dụng nước sạch.[29]
Tại xã có một sản phẩm nông nghiệp nổi bật được đặt tên là quýt Tích Giang, còn gọi là quýt đỏ hay "quýt tiến" (dùng để tiến vua). Đây là giống cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao và có mùi thơm không thể lẫn. Sau khi bóc vỏ, dù có vò tay mấy lần dưới nước cũng vẫn còn thơm. Quả quýt Tích Giang có hình dẹt, to đẹp, vỏ giòn, nhiều hạt và tép thịt mọng cùng vị ngọt đậm. Quýt chín vào mùa tháng 9, tháng 10 âm lịch và không chỉ ăn được phần múi mà còn có thể dùng cả phần vỏ để làm tăng thêm vị thơm ngon cho món chả rươi.[30][25] Ngoài ra, Tích Giang cũng được coi là "thủ phủ" của cây phát lộc, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội, nhất là vào dịp Tết.[28]
Từ năm 1990, người dân Tích Giang đã bắt đầu tìm hiểu về nghề trồng hoa, cây cảnh rồi trở nên nở rộ vào năm 2005. Nhiều hộ gia đình trong xã đã làm giàu từ các loại cây có giá trị nghệ thuật như sanh, si, đa, tùng… với giá bán có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Vào giai đoạn 2010–2012, người ta lại chuyển hướng sang cả cây công trình, chậu hoa mini...[31][32] Năm 2022, nghề hoa cây cảnh ở xã Tích Giang đã chính thức được công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội.[33] Tới năm 2023, tại xã có 531 hộ theo nghề này với diện tích cây trồng 94,9ha và 870 lao động. Làng nghề đã mang lại doanh thu hơn 156 tỷ đồng, đóng góp 24,5% giá trị sản xuất toàn xã. Thu nhập bình quân của các hộ cũng đạt khoảng 200 triệu đồng/năm, một số có thể đạt trên 500 triệu đồng/năm.[32] Làng nghề cũng đã được phía huyện phê duyệt đề án phát triển gắn với du lịch sinh thái trên diện tích 140 ha.[34]
Văn hóa
Di tích
Trên địa bàn xã Tích Giang hiện có 06 di tích đã được xếp hạng bao gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 03 di tích quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh.[1] Trong đó, Đình Tường Phiêu (còn gọi là Đình Cả) là công trình nổi bật nhất, thờ tam vị đức Thánh Tản (Tản Viên và hai em trai Cao Sơn, Quý Minh) cùng Quán Sơn Thành hoàng. Đình được xây theo hướng tây nam nhìn về núi Ba Vì với quy mô bề thế và mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Tổng thể đình có hình chữ nhất, dài khoảng 20m, rộng 10m, gồm 3 gian 2 chái, trông như một ngôi nhà sàn lớn. Trong đình được trạm trổ cầu kỳ và tinh xảo những hình rồng, phượng, hươu, ngựa, rùa, lân, vân mây, sóng nước... Đình cũng còn lưu giữ được nhiều hiện vật như 06 đạo sắc phong, 03 kiệu rước và 03 bộ ngai thờ từ thế kỷ XVII–XVIII, 03 bát hương cổ bằng gốm Thổ Hà vào khoảng thế kỷ XVIII–XIX... Đình đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018.[35][36]
Ngoài ra, ở xã còn có Đình Cung Sơn cũng là một di tích gắn với đức Thánh Tản Viên. Tương truyền, ngài đã dạy cho dân làng nghề đánh cá nên được dân tôn làm Thành hoàng và thờ cả hai em trai ngài. Trước tổng khởi nghĩa, đình từng là nơi thao luyện và tập kết lực lượng Việt Minh tham gia giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sơn Tây. Trải qua chiến tranh, kiến trúc đình đã có nhiều thay đổi và chỉ còn giữ được một số hiện vật như 01 bát hương cổ bằng đất nung đắp nổi rồng chầu mặt nguyệt và 01 cỗ long ngai chạm nổi rồng mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê.[37]
Trong quá khứ, chùa Ngô Sơn (còn gọi là chùa Ngo) ở xã cũng là một ngôi chùa cổ kính, thường được xếp vào hạng danh thắng của tỉnh Sơn Tây. Chùa được xây bằng đá ong trên một quả đồi cây cỏ um tùm, phía trước có miếu thờ Thánh Tản hướng về núi Ba Vì. Khu vực xung quanh chùa vốn là rừng Ngô, có con sông Bạc chảy quanh và cây cầu mái ngói với cột gỗ thông kiên cố, phong cảnh u nhã.[38] Kiến trúc chùa theo kiểu nội công ngoại quốc, trạm trổ cầu kỳ và có gác chuông vào hạng đẹp nhất so với các công trình cùng loại. Thế nhưng chùa đã bị phá hủy trong những năm kháng chiến chống Pháp và được phục dựng lại sau này.[39] Trong chùa hiện vẫn còn những văn bia cổ, trong đó có bia Ngô Sơn tự trùng tu phật tượng bi minh ký khắc năm 1661 thời Lê Trung Hưng.[9]
Lễ hội
Hai làng Tường Phiêu và Cung Sơn trong xã đều tổ chức lễ hội truyền thống chính vào mùa xuân. Trong đó, hội làng Tường Phiêu tổ chức từ ngày 13 đến 16 tháng giêng hàng năm kể từ năm 1432. Trong những ngày hội diễn ra nhiều trò vui và đặc biệt nhất là tục rước đêm ba năm tổ chức một lần. Tương truyền, trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, đức Thánh Tản Viên mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy nên lúc trở về đã là đêm muộn. Khi tiễn ngài và đoàn tùy tùng, dân làng đã dùng cây khô và rong rào làm đuốc soi đường và để chiêm bái ngài được lâu hơn. Đoàn rước kiệu làng bắt đầu từ Đình Cả đến Đền Ngo rồi lại hồi cung vào ban đêm với 04 cây đuốc khổng lồ cao khoảng 10–15 m và nhiều cây đuốc nhỏ gọi là đuốc rồng.[40][8] Lễ hội này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định 371/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 2 năm 2024.[41]
Còn lễ hội làng Cung Sơn (làng Me) thì diễn ra từ mồng 2 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian như: múa rối, đánh vật, hát đúm, tổ tôm điếm... nhưng đặc sắc nhất là tục đánh cá vào sáng mồng 4 tại ao đình. Trong ao vốn có nuôi các loại cá mè, trôi, trắm, chép... và cấm đánh bắt vào ngày thường. Chỉ khi tới chính hội, người dân mới tụ tập về đây với đủ loại đồ nghề đơm, đó, cụp, vó... Trai tráng tham gia bắt cá để mình trần, đóng khố, quấn khăn mỏ rìu, miệng nhai trầu cho đỡ lạnh. Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin đức Thánh Tản cho dân bắt cá cầu may thì các thí sinh liền ùa xuống ao, còn trên bờ ngập tràn tiếng hò reo, tiếng trống cổ vũ. Lễ hội diễn ra đến nửa buổi chiều và cá sau đó được chuyển vào sân đình để chấm điểm, trao giải rồi chia ra làm tiệc.[42]
Một lễ hội khác tuy không được lưu giữ trong các văn bản cổ song vẫn được nhân dân lưu truyền khắp vùng sông Tích và tổ chức hàng năm vào ngày mồng 1 hoặc rằm tháng 9 âm lịch, gọi là hội đánh cá dập sào. Hội bắt đầu bằng việc sắm sửa lễ hoa đăng trình ra đình làng, xin Thánh cho “xuống hội” và cầu mong ngài ban phước lành. Sau đó người ta bắt đầu tập trung lực lượng và dàn thế trận “khởi dập”. Tới khi người “chủ tướng” đốt một bánh pháo lớn và hô to 3 lần “diệt sạch loài thủy quái” thì cả đoàn trai đinh khỏe mạnh với những chiếc sào dập sẽ ào xuống dòng sông Tích. Chiếc sào dập vốn được làm từ một cây tre khoảng 4–5 m, một đầu lắp gọng hình chữ thập và căng lưới chụp. Người ta sẽ cầm sào đập xuống nước, nếu có cá động thì giữ chặt sào và để người đi cùng lặn xuống tóm cá. Tương truyền, cách đánh cá này là do đức Thánh Tản dạy cho người dân quanh đây nên những con cá tươi ngon nhất sẽ được đem tế sống lên đình thờ ngài.[36][43]
Danh nhân
Xã Tích Giang có 03 vị thi đỗ khoa bảng dưới triều Nguyễn là: Hà Văn Đạt (đỗ năm 1807), Khuất Thế Lân (đỗ năm 1843), Khuất Thế Mỹ (đỗ năm 1855).[44] Thời hiện đại, xã có những cá nhân ưu tú như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nguyên Thị (1916–?) công tác trong đơn vị quân y;[45]Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Duy Hùng (1946–2021), nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân...[46]
^Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan, Phương Lan (1995). Những ông nghè, ông cống triều Nguyễn. Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin. tr. 231, 293-294.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
Quốc sử quán (2003). Đồng Khánh địa dư chí. 1. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin biên dịch. Nhà xuất bản Thế Giới.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách dịch giả (liên kết)