Tên rừng trong Hướng đạo là tên gọi đặc biệt chỉ dành riêng cho huynh trưởng và tráng sinh của Hướng đạo Việt Nam sau khi đã tham gia vào một trò chơi đặt tên rừng và được Hội đồng Rừng (xem Hội đồng Rừng phía dưới) duyệt xét để chọn tên rừng cho cá nhân đó. Đây là một tập tục tốt đẹp của Hướng đạo Việt Nam đã có từ năm 1930. Tên rừng luôn bao gồm tên một con vật sống trong rừng và đi kèm theo sau bởi tính từ chỉ đặc tính cá nhân của Hướng đạo sinh hay huynh trưởng đó.
Ý nghĩ có tên rừng có nghĩa là có Bằng Rừng hay Huy Hiệu Rừng là hoàn toàn sai. Bằng Rừng chỉ dành riêng cho huynh trưởng nhưng phải trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt (xem chi tiết Bằng Rừng).
Nguồn gốc và mục đích
Huân tước Robert Baden-Powell, người sáng lập ra phong trào Hướng đạo thế giới, đã nhận thấy được những điều hay qua các tập tục của dân bản thổ châu Mỹ trong các nghi lễ đặt tên rừng, ông liền áp dụng vào trong phong trào Hướng đạo của mình bằng một trò chơi mà không phải sao chép hoàn toàn tập tục đó. Việc đặt tên rừng xa xưa của người bản xứ châu Mỹ ở mỗi nơi mỗi khác. Có những bộ lạc đưa ra những thử thách rất cam go, và có khi phải mất mạng nhưng có những bộ lạc thì mang nặng tính chất dị đoan, tà giáo rồi đem con người ra làm vật tế thần.
Dựa theo những bộ lạc đó, cũng có những đơn vị Hướng đạo đưa các đoàn sinh của mình ra để thử lửa, phóng phi tiêu... hoặc làm những việc quái dị và nguy hiển. Trò chơi kiểu đó, dĩ nhiên gây tai nạn khó mà có thể lường được và thật là sai lạc về ý nghĩa của trò chơi đặt tên rừng.
Trò chơi Hướng đạo là một trò chơi mang tính giáo dục, và không thể là trò chơi nguy hiểm. Nói chung, tất cả những bộ lạc đều có một mục đích chính là tạo những thử thách để đo lường tính can đảm, khôn ngoan, nhanh nhẹn tháo vát của mọi thành viên của họ. Trò chơi lấy tên rừng của Hướng đạo cũng dựa vào mục đích chính yếu đó. Những thử thách vượt qua là những yếu tố căn bản để xác định cá tính của một đoàn sinh nhưng không phải để đem ra làm thí nghiệm, hoặc nhử mồi gây tai nạn và nguy hiểm đến tính mạng.
Để có tên rừng
Nếu muốn có được một tên rừng, một người huynh trưởng hay tráng sinh Hướng đạo phải nộp đơn báo cho đơn vị mình rõ và tự nguyện tham gia vào một cuộc chơi đầy thử thách và ngoạn mục của rừng. Nguyên tắc chính là một trò chơi để làm cho mỗi cá nhân có thể phát triển được những cá tính độc đáo của mình. Vì là một phương pháp giáo dục hữu hiệu, nên chi tiết trò chơi hoàn toàn được giữ kín, tuyệt đối không phổ biến và người chơi phải cam kết giữ bí mật.
Hội đồng Rừng
Thông thường các đơn vị Hướng đạo có Hội đồng Rừng để duyệt đơn xin tên rừng của đoàn sinh. Hội đồng Rừng nhóm họp ít nhất là ba thú đã nhập rừng. Đứng đầu Hội đồng rừng là có Chúa Sơn Lâm, là người có thâm niên rừng cao nhất, nghĩa là đã nhập rừng từ lâu và có uy quyền nhất. Sau đó có các thú dẫn đường, là những thú có nhiều kinh nghiệm, thông thạo, rành rẽ đường đi nước bước, tháo vát, nhanh nhẹn và giúp việc đắc lực cho Chúa Sơn Lâm. Hội đồng Rừng sau khi đã nghiên cứu và am tường về những thú muốn xin nhập rừng sẽ nhóm họp sau đêm lửa trại (nửa đêm chẳng hạn) và chọn địa điểm nhưng thường được giữ kín đáo.
Trò chơi và sự bí mật của việc đặt tên rừng
Trò chơi được lên kế hoạch tỉ mỉ, và nhiệm vụ được phân chia rõ ràng. Trò chơi được quy định với nhiều thử thách, thường thì rất táo bạo và ngoạn mục, bất chợt và đầy lý thú. Hội đồng Rừng mang trò chơi đến cốt để sao người mang tên rừng bộc lộ được những khả năng và cá tính của họ. Tùy theo đặc tính nổi bật của mỗi cá nhân, tên rừng có phù hợp hay không ở chỗ thể hiện cá tính đó, phản ảnh được tính tình hiện có của đương sự. Hội đồng Rừng sẽ quyết định tên rừng sau khi đã quan sát kỹ lưỡng. Đối với một Hướng đạo sinh biểu hiện được tính can đảm, xông xáo đương đầu với mọi khó khăn, nguy hiểm... thì Hội đồng Rừng sẽ gắn cho một cái tên là "Hải Ly Gan Dạ" chẳng hạn, hay một Hướng đạo sinh khác làm việc gương mẫu, chăm chỉ, không lười biếng, cần cù, quên cả ăn cả ngũ thì được gọi là "Gấu Siêng Năng", "Beo Chăm Chỉ", "Sói Chuyên Cần".
Sau cuộc thử thách, Hội đồng Rừng sẽ quyết định chọn tên rừng cho những thú mới, thường thì được tổ chức sau đêm bế mạc lửa trại, lúc này có lẽ các trại sinh đã bắt đầu đi ngũ. Chỉ có Hội đồng Rừng, các thú dẫn đường và thú rừng mới mà thôi. Ngoài ra không một ai đến dự, nghĩa là những người không có tên rừng. Thú rừng mới sẽ đặt tay trước đống lửa, hứa sẽ giữ tất cả "bí mật" của rừng trước Chúa Sơn Lâm và Hội đồng Rừng. Thế là cái tên rừng sẽ được công bố, danh sách sẽ được gởi đến chủ tịch Hội đồng Rừng của đoàn.
Những bí mật của rừng là trò chơi giữa mỗi cá nhân và đều hoàn toàn phải giữ bí mật. Những bí mật này chính là những kỷ niệm khó quên trong đời của Hướng đạo sinh.
Tránh dùng tên rừng một cách sai lạc
Tuy có nhiều tên rừng để đặt nhưng tránh dùng những tên rừng sai ý nghĩa và mục đích giáo dục của Hướng đạo, thí dụ như Bò Ngu, Cọp Xám Phiêu Lưu, Heo Mập, Se Sẽ Lắm Mồm, Ngựa Giang Hồ, Trâu Điên...Tất cả đều không phải là những tên rừng chính thống của Hướng đạo Việt Nam.
Sử dụng tên rừng
Tên rừng được gọi một cách thân mật trong các cuộc gặp gỡ tại các kỳ trại họp bạn, sinh hoạt hội họp, trên các diễn đàn tư tưởng, báo chí, văn nghệ, và còn là một điều thích thú khi ký tên vào sổ lưu niệm, khăn quàng của các Hướng đạo sinh. Những đường nét lã lướt, uốn éo, cong cong, nghệch ngoạc...,chỉ vài nét là có thể xuất hiện ngay hình dáng của những con thú rừng với những nanh vuốt bén nhọn, răng gầm gừ, mắt tinh lanh.
Tên rừng của các trưởng nổi tiếng
Tham khảo