Trương Gia Mô (張嘉謨[1], 1866 - 1929) hiệu Cúc Nông (菊農[1]), tên tự lúc đầu là Sư Thánh sau đổi là Sư Quản, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, khi làm quan ở Huế còn được gọi là Nghè Mô, là sĩ phu và quan đại thần triều Nguyễn, và là nhà thơViệt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20.
Năm 1877 cha mất, ông sống với mẹ. Năm 1892, đời vua Thành Thái, nhờ cha làm quan nên ông được tập ấm làm thừa phái bộ Công ở Huế. Chính vì có quan tước, cộng với sức học uyên thâm[2] nên nhiều người lầm tưởng, gán cho ông học hàm Tiến sĩ và gọi ông là Nghè Mô.
Năm ngoài 20 tuổi, ông dâng lên vua một bản điều trần xin cải cách 5 việc và xin được sung vào phái đoàn đi Pháp, nhưng cả hai đều không được triều đình chấp nhận.
Bản điều trần gồm 5 việc:
Mở rộng trường dạy chữ Pháp ở các tỉnh, dịch sách Pháp và Trung Quốc ra chữ Quốc ngữ để tiện phổ biến, nhằm mở mang dân trí.
Chấn hưng công nghệ thực nghiệp, mở rộng việc khai hoang, chăm sóc, chữa bệnh cho dân nghèo.
Cách chức các quan lại tham nhũng, sàng lọc những viên chức vô dụng trong bộ máy công quyền.
Lập nghị viện, mở báo quán để rộng đường dư luận.
Chỉnh đốn hương tục, đẩy mạnh việc giáo hóa trong xã hội, ngăn ngừa sự đồi bại.
Vì vậy, ông từ quan về sống ở miền Nam, giao du với những người như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Khương... để cùng vận động cải cách, canh tân cho nước nhà. Được một thời gian, ông lại trở ra Bình Thuận. Ở nơi ấy, ông cùng Nguyễn Lộ Trạch mưu tính chuyện xuất dương nhưng không thành. Sau khi ông Trạch chết, ông về dạy học ở Tân An (Long An) và đi khắp nơi.
Năm Mậu Thân (1908) một cuộc đấu tranh lớn của nhân dân nổ ra ở Trung kỳ, nhằm chống chính sách xâu thuế của Pháp và Nam triều. Kết cuộc, hàng loạt nhân sĩ bị lưu đày, bị tử hình, bị tù tội. Trong thời điểm đó, Trương Gia Mô cũng bị tù giam ở ngục Khánh Hòa vì tội đã tham gia "đảng kín". Bị giam một thời gian rồi được thả, ông trở lại Bình Thuận khi tuổi đã ngoài bốn mươi.
Năm 1910, một thanh niên tên Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) cầm thư giới thiệu của cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến gặp ông ở làng Hà Thủy, tổng Đa Phước, tỉnh Bình Thuận. Được sự gửi gắm của bạn, lại thấy Tất Thành có chí hướng, nên ông viết thư giới thiệu Thành với ông Hồ Tá Bang - một trong các sĩ phu sáng lập viên của Liên Thành Thương Quán và trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Sau đó, ông Hồ Tá Bang đã cho người ra đón Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại Trường Dục Thanh.
Tháng 3 năm 1911, ông Hồ Tá Bang và Trần Lê Chất đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn để tìm cách sang Pháp.
Những năm cuối đời, phần vì tuổi cao, nhiều bệnh, phần bị mật thám theo rình rập, thêm nỗi luôn sống trong tâm trạng phẫn uất của một người bất đắc chí, nên Trương Gia Mô đã tự tìm quên trong men rượu và thuốc phiện. Trong một bài thơ, ông đã viết:
Kể về cái chết của ông, tác giả Liêm Châu cho biết khi vào viếng núi Sam, bất ngờ ông gặp một nông dân tên Nguyễn Văn Cơ (tục gọi Mười Cơ) đang đánh xe bò chở đá. Ông Cơ có mời Trương Gia Mô về nghỉ ở nhà mình. Được năm ba hôm, ông Mô rủ Mười Cơ lên đỉnh núi tham quan. Đến nơi, ông Mô đưa tiền cho Tư Tỏ, một cư dân ở nơi đó, để mua đồ nhắm và rượu. Tàn cuộc, sau khi ai nấy đều đã nằm nghỉ, Trương Gia Mô mặc thêm vài lớp áo, rồi lặng lẽ trèo lên Pháo đài, lao mình xuống các gộp đá tự vẫn.[5]
Trương Gia Mô sáng tác văn chương khá nhiều. Nhưng trước khi tự vẫn, ông đã cho chôn tất cả vào một nơi mà ông gọi là Cúc Nông trũng thư, nghĩa là mồ chôn sách của Cúc Nông. Trên ngôi mộ sách có hai câu đối:
Hán học, hà niên phục
Di biện tử nhật tàng.
Tạm dịch:
Hán học biết năm nào mới khôi phục được,
Cho nên những gì còn lại, ngày người mất, nên chôn hết cho rồi.
Hiện nay chỉ còn lại 35 bài thơ chữ Hán trong tập Cúc Nông thi thảo, 10 bài thơ Nôm đăng trên Nam Phong tạp chí. Giới thiệu hai bài:
...Nhìn vóc dáng bên ngoài thấy cụ (ý nói Trương Gia Mô) lưng rùa, mắt lé, cử chỉ rụt rè, người ta không mấy tin tưởng. Nhưng ai hay một lòng thanh khiết, một chí khí họa nhiên đã ẩn tàng trong đó. Cụ gặp việc lớn không hề biết sợ. cũng không thèm bận tâm đến gia đình. Sức học cao như vậy mà cụ không có trong tay một chút gì gọi là sản nghiệp. Bao nhiêu sức hơi, tâm não, cụ đều gom vào việc nước, việc dân...[8]
Chính vì vậy, nhận được tin Trương Gia Mô mất, các báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ như tờ Thần chung, Phụ nữ tân văn... đã đăng tin và bình luận về cái chết của ông với thái độ nể trọng và tiếc thương vô hạn. Nhiều trí thức và học giả nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đông Hồ... đều có thơ điếu ông.[9]
^Tương truyền, đêm khuya học bài buồn ngủ, ông tự đánh mình cho khỏi ngủ gục, ban ngày ông luôn mang sách theo để đọc những lúc rảnh rỗi.
^Về sau, khi bị bắt giam ở Khánh Hòa, ông đã xóa tên cốt để tránh liên lụy đến hoạt động của các tổ chức này.
^Ghi theo Bia kỷ niệm tại đền thờ Trương Gia Mô ở đỉnh núi Sam. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế cùng biên soạn ghi ông mất năm 1930 (Nhà xuất bản KH-XH, 1992, tr. 923). Theo Mười Cơ (xem ghi chú 4) thì ông mất năm 1928.
^Theo Mười Cơ nhớ lại, thì hôm ấy nhằm ngày mùng 2 tháng 11 (âm lịch) năm Mậu Thìn (1928). Lược theo Liêm Châu, "Ngôi trường mang tên Trương Gia Mô" in trong Tạp chí Thất Sơn (số 58, 2000, tr. 35).