Truân Triết sinh vào giờ Ngọ, ngày 16 tháng 7 (âm lịch), năm Minh Vạn Lịch thứ 40 (1612), trong gia tộc Ái Tân Giác La. Bà là con gái thứ hai của Bối lặc Đồ Luân, mẹ là Đích Phu nhân Vương Giai thị. Bà là cháu nội của Thư Nhĩ Cáp Tề và là chất tôn nữ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Từ nhỏ, bà đã được Nỗ Nhĩ Cáp Xích nuôi dưỡng trong cung cùng người cô là Tôn Đại Cách cách, vì vậy thường xưng "Truân Triết Cách cách".[a][1]
Tháng 10 năm Thiên Mệnh thứ 11 (1626), bà kết hôn với Đài cátÁo Ba (奥巴), thuộc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị của Khoa Nhĩ Thấm.[2][3] Không lâu sau, Áo Ba chính thức trở thành Thổ Tạ Đồ hãn.[4] Mặc dù đã kết hôn với Truân Triết nhưng vì sự uy hiếp của Sát Cáp Nhĩ bộ mà Áo Ba đã cưới một người con gái Sát Cáp Nhĩ làm đích thê, đặt tẩm thất ở phía trước, Truân Triết bị hạ làm trắc thất, tẩm thất ở phía sau.[5][6] Sau khi Hoàng Thái Cực đem quân chinh phạt Sát Cáp Nhĩ vào năm 1628, Áo Ba đã vì sự kiện này mà đến tạ tội với Hậu Kim. Tháng 9 năm Thiên Thông thứ 6 (1632), Ngạch phò Áo Ba qua đời, con trai trưởng là Ba Đạt Lễ (巴达礼) kế thừa tước vị.[7] Lúc bấy giờ, cách cách chỉ mới vừa 21 tuổi, Ba Đạt Lễ đề xuất yêu cầu cưới Truân Triết theo tập tục của các bộ tộc Mông Cổ. Sau khi Hoàng Thái Cực đồng ý, Truân Triết tái giá với người con riêng này của chồng.[8]
Tháng 7 năm 1633, Ba Đạt Lễ trở thành Thổ Tạ Đồ Tể nông, tức Phó hãn. Năm 1636, 1 tháng trước lễ lên ngôi của Hoàng Thái Cực, bà cùng Ba Đạt Lễ đến triều bái, Hoàng Thái Cực ra ngoài 10 dặm nghênh đón. Sau khi làm lễ bái lạy tại Bồ Hà Sơn, bà dâng lên yên ngựa chạm trỗ hoa văn, lạc đà, lông cừu, lông chồn các loại. Sau đó Hoàng Thái Cực triệu Thổ Tạ Đồ Tể nông cùng Cách cách vào cung, thiết đại yến chiêu đãi.[9] Sau đại điển lên ngôi, Ba Đạt Lễ được phong làm Thổ Tạ Đồ Thân vương, cho phép thế tập võng thế,[10] thụ Trát Tát Khắc, là Trát Tát Khắc Thổ Tạ Đồ Thân vương đời thứ nhất của Triết Lý Mộc minhKhoa Nhĩ Thấm tả dực trung kỳ. Năm thứ 2 (1637), ngày 24 tháng 7 bà được phong làm "Quốc triều Trát Tát Khắc Công chúa" (tức Hòa Thạc Công chúa),[11] Ba Đạt Lễ cũng theo đó mà được phong Hòa Thạc Ngạch phò.[12] Năm Thuận Trị thứ 5 (1648), bà qua đời năm 37 tuổi. Ngạch phò Ba Đạt Lễ có một người con trai là Ba Nhã Tư Hô Lãng, tập tước Thổ Tạ Đồ Thân vương, sau trở thành Ngạch phò của Cố Luân Đoan Trinh Trưởng Công chúa, không rõ có phải do bà sinh hay không.[13]
Chú thích
^Một số tài liệu phiên âm thành Tuấn Trát Công chúa.
Ba Căn Na, 巴根那 (2001). 清朝太祖太宗世祖朝实录蒙古史史料抄: 亁隆本康熙本比较 [Tài liệu lịch sử Mông Cổ trong thực lục triều Thái Tổ, Thái Tông, Thế Tổ nhà Thanh: So sánh bản Khang Hi và bản Càn Long] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Đại học Nội Mông Cổ. ISBN9787810743136.
Cao Vĩnh Cửu, 高永久 (2004). 西北少数民族文化专题研究 [Chuyên đề nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Dân tộc. ISBN9787105063932.
Cù Lâm Đông, 瞿林東 (2002). 中國史學史綱 [Sơ lược về lịch sử Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Công ty xuất bản sách báo Ngũ Nam. ISBN978-957-11-2967-9.
Đỗ Gia Ký, 杜家骥 (2003). 清朝滿蒙联姻硏究 [Nghiên cứu quan hệ thông gia Mãn - Mông thời Thanh]. Nhà xuất bản Nhân dân. ISBN9787010038698.
Đỗ Gia Ký, 杜家驥 (16 tháng 3 năm 2005). 皇太極事典 [Hoàng Thái Cực sự điển] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Viễn Lưu. ISBN9789573254584.
Lý Cảnh Bình, 李景屏; Khang Quốc Xương, 康国昌 (2006). 何苦生在帝王家: 大清公主命运实录 [Tội gì phải sinh ra trong gia đình Đế vương: thực lục về số phận Công chúa nhà Thanh] (bằng tiếng Trung). Trung Hoa thư cục. ISBN9787101051629.
Lý Trị Đình, 李治亭 (1997). 爱新觉罗家族全书: 世系源流 [Ái Tân Giác La gia tộc toàn thư: Nguồn gốc và sự phát triển gia tộc]. 爱新觉罗家族全书 [Ái Tân Giác La gia tộc toàn thư] (bằng tiếng Trung). 2. Nhà xuất bản Nhân dân Cát Lâm. ISBN9787206026461.
Từ Quảng Nguyên (2005). 正说清朝十二后妃 [Nói về 12 Hậu phi nhà Thanh]. Trung Hoa thư cục. ISBN9787101047745.
Trần Tiệp Tiên, 陳捷先 (16 tháng 3 năm 2005). 努爾哈齊事典 [Từ điển sự kiện thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Viễn Lưu. ISBN9789573254577.
Trương Kiến An, 张建安 (1 tháng 12 năm 2018). 兴国太后:孝庄 [Hưng quốc thái hậu: Hiếu Trang] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải. ISBN9787208153738.