Trại Davis

Trại Davis vào thập niên 1960

Trại Davis, mà trong một số tài liệu viết nhầm thành "trại David"[1], là một địa danh để chỉ một trại quân sự nằm ở phía Tây Nam Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn, trong thời gian diễn ra Chiến tranh Việt Nam[2]. Tuy nhiên, nó thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòaChính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Sự hình thành

Nguyên thủy, đây là một trại cư trú của một nhóm công tác an ninh quân đội Hoa Kỳ, được xây dựng vào khoảng giữa năm 1961. Đây là một đơn vị trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, được đưa sang Việt Nam với danh nghĩa Tổ Viễn thám số 3 (3rd Radio Research Unit - 3rd RRU), trực thuộc Phái bộ Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (Military Assistance Advisory Group, Vietnam - MAAG-V). Thực chất, đây là một đơn vị phụ trách về việc thu thập và giải mã các tín hiệu, cũng như xác định vị trí điện đài của đối phương, ngoài ra còn làm công tác cố vấn và hỗ trợ chuyên môn cho Nha An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy được xây dựng tạm theo tiêu chuẩn lính thường, nhưng cơ sở vật chất cũng tạm đủ với khu nhà ở, làm việc, nhà ăn, sân thể thao, tháp nước... trên diện tích khoảng 33.000m². Trại có khoảng 45 căn nhà để ở rộng 5m, dài 15m, mái lợp tôn ximăng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn gỗ cách đất khoảng nửa mét. Ngoài ra còn có một số nhà chuyên dụng. Toàn trại bao quanh bởi mấy lớp hàng rào kẽm gai với khoảng 20 chòi canh, lô cốt với súng máy của quân đội Sài Gòn thường xuyên chĩa nòng vào trại. Ngay sát nơi ở của đoàn là trại lính dù. Đặc biệt, khu vực sân bay quân sự cũng ngay sát bên thường xuyên gầm rú đinh tai bởi các phi đội không vận, tác chiến lên xuống liên tục[3]

Nguồn gốc tên gọi

Ban đầu trại không có tên gọi riêng. Ngày 22 tháng 12 năm 1961, một thành viên của Tổ Viễn thám số 3 là Hạ sĩ chuyên viên (Specialist Four) James Thomas Davis (1936-1961) bị quân du kích Cộng sản phục kích và giết chết tại vùng Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An). Nhiều tài liệu thường nhầm lẫn, ông là người lính Mỹ đầu tiên bị giết chết tại Việt Nam.[4]

Để tưởng niệm ông, ngày 10 tháng 1 năm 1962, các bạn bè trong Tổ đã đặt trại cư trú của mình theo tên ông. Họ cũng dựng một khu tưởng niệm Davis nho nhỏ ở trong trại.

Ban đầu trại được gọi là "Davis Station". Đến năm 1966, Tổ Viễn thám số 3 được thay thế bằng Nhóm Viễn thám 509 (509th Radio Research Group - 509th RRG). Trại được nâng cấp và mở rộng, một thời gian thì được gọi là "Davis Camp". Nơi đây trở thành trại cư trú của 509th RRG cho đến cuối năm 1972 thì Nhóm được rút về nước theo điều khoản quy định của Hiệp định Paris 1973. Từ đó, trại bị bỏ hoang.[5]

Trụ sở hai phái đoàn đại biểu quân sự

Theo các điều khoản của Hiệp định Paris, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã chọn Trại Davis để làm nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên cũng như nơi ở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòaChính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với lý do thuận tiện cho việc di chuyển của các phái đoàn bằng máy bay, đồng thời cơ sở vẫn còn tiện nghi. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: từ hội nghị Paris do đại tá Lưu Văn Lợi phụ trách, từ Hà Nội do thiếu tướng Lê Quang Hòa dẫn đầu. Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam gồm có: từ Paris do đại tá Đặng Văn Thu phụ trách, đến từ Hà Nội do đại tá Võ Đông Giang và trung tá Nguyễn Đôn Tự (sau là thiếu tướng) dẫn đầu, đoàn từ khu căn cứ ra do trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn và về sau là thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.[6]

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự thì: "Sắp xếp cho hai đoàn ta ở trại Trại Đa-vít, chính quyền Sài Gòn muốn cô lập, ngăn không cho ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn, đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện của ta.".[7]

Bên trong trại Davis

Phiên họp đầu tiên của Ban Liên hợp quân sự 4 bên Trung ương được khai mạc vào 15 giờ 15 phút ngày 2 tháng 2 năm 1973 với sự có mặt của 4 vị trưởng đoàn gồm: Trung tướng Trần Văn Trà (Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Thiếu tướng Lê Quang Hòa (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Trung tướng Ngô Du (Việt Nam Cộng hòa) và Thiếu tướng Gilbert H. Woodward (Hoa Kỳ). Ngày 28 tháng 3 năm 1973, Ban liên hiệp quân sự 4 bên Trung ương chấm dứt hoạt động. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Không lâu sau, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng rời khỏi trại.

Sau đó, Ban Liên hợp quân sự chỉ còn 2 bên là Đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn làm Trưởng đoàn và Đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp làm Trưởng đoàn. Phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam làm việc tại trại cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trao trả tù binh[8]

Nội dung quan trọng của Hiệp định Paris là trao trả tù binh và Mỹ rút quân. Suốt tháng 2 và tháng 3-1973, việc giám sát trao trả tù binh là nhiệm vụ chủ yếu của các sĩ quan trong trại Davis. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả 426 phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm đúng như danh sách đã báo ở Paris. Phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trả 127 tù binh Mỹ ở Lộc Ninh, sau bổ sung thêm một người còn sót lại ở Trà Vinh. Các cuộc trao đổi tù binh hai phía người Việt được tổ chức nhiều nơi như Lộc Ninh (Bình Phước), Bồng Sơn (Bình Định), Thiện Ngôn (Tây Ninh), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đức Nghiệp (Gia Lai)... Quân giải phóng nhận lại 26.492 quân nhân, 5.075 nhân viên dân sự, và trả lại cho phía Việt Nam Cộng hòa 6.063 người.

Ngoài thực hiện trao trả tù binh, các sĩ quan trong trại Davis còn giám sát việc rút quân Mỹ. Đại tá Vũ Nam Bình kể lễ hạ cờ Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam cũng có quân nhạc, nhưng không khí trầm buồn, kết thúc nhanh chóng. 10 giờ sáng 29-3-1973, Mỹ tuyên bố hệ thống điện thoại quân sự Mỹ chấm dứt hoạt động ở miền Nam Việt Nam. 2501 lính Mỹ cất súng, lặng bước qua đối phương đang đứng giám sát. Chuyến bay cuối cùng của chiếc DC9 lăn bánh sẽ rời đường băng vào 16g25. Một thượng sĩ Mỹ lên máy bay sau cùng, nhưng bất ngờ cửa lại mở. Đại tá Mỹ David O’Dell bước xuống, khui chai champagne uống với các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đang đứng tiễn. Ly rượu chia tay cũng trở thành ly rượu “đắng” kết thúc những ngày cùng một chiến hào của quân đội MỹViệt Nam Cộng hòa.

Những chuyến bay liên lạc, tiếp tế[9]

Có hai loại máy bay thường xuyên được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sử dụng chuyên chở đối phương ở trại Davis là C-130 và trực thăng UH-1.

Không vận cơ hạng nặng C-130 làm cầu nối vận chuyển giữa Sài GònHà Nội. Ở trại Davis suốt từ đầu năm 1973 đến cuối tháng 4-1975, những chuyến bay trên máy bay C-130 được thực hiện mỗi tuần vào sáng thứ sáu để nối liên lạc giữa trại Davis và Hà Nội. Đó cũng là phương tiện tiếp tế công khai chủ yếu của Hà Nội cho người của mình đang ở đất đối phương. Nhân “cầu không vận” đặc biệt này, nhiều sĩ quan, chiến sĩ ở trại Davis đã quá giang ra thăm Hà Nội. Ngược lại, một số sĩ quan, mật vụ, phóng viên của Sài Gòn cũng ra tìm hiểu thủ đô Hà Nội. Nhiều cặp vợ chồng xa cách nhau bao năm đã kịp có giọt máu thiêng liêng trong khoảnh khắc ít ỏi mà vô giá này. Ba giờ vàng tính sít sao từng phút. Các cặp vợ chồng được chuẩn bị sẵn chăn gối trong một căn phòng “chiêu đãi sở” của sân bay Gia Lâm.

Còn trực thăng UH-1 chủ yếu để bay các chặng ngắn trong miền Nam. Để những chuyến bay nối liền trại Davis với các vùng căn cứ, đường bay an toàn được quy định. Nếu bay ra khỏi hành lang đó đồng nghĩa gây chiến và dưới mặt đất có quyền bắn hạ. Đường bay dày nhất là Sài Gòn - Lộc Ninh phải bám sát quốc lộ 13. Có chiếc bay trật khỏi đường đã bị bắn hạ.

Những cuộc đụng độ đặc biệt

Mặt trận phản gián[3]

Theo đại tá Vũ Nam Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, lúc ấy là trưởng ban bảo vệ nội bộ bên trong trại Davis, ngay từ đầu Cục Bảo vệ an ninh quân đội Hà Nội đã rất quan tâm đến trại Davis. Nhiều sĩ quan, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ Hà Nội và các chiến trường được cử vào trại. Công tác phản gián, bảo vệ nội bộ được đặc biệt chú ý. Do ở giữa trung tâm đối phương nên việc điện đài thông tin từ trại ra Hà Nội và vào căn cứ liên tục bị tấn công phá sóng, nghe trộm, giả liên lạc. Phía Sài Gòn có thiết bị hiện đại, sử dụng gần 90 tần số vây quanh trại Davis, kể cả máy phát toàn tần 3-16 megahertz gây nhiễu sóng. Ban an ninh của đoàn dò từng centimet vuông và phát hiện mấy thiết bị nghe trộm được gắn giấu rất tinh vi trong tường. Để đảm bảo bí mật, đội an ninh phải sử dụng thiết bị từ Hà Nội đem vào kiểm tra thật kỹ một căn nhà làm việc và thiết kế bảo mật lại. Có những thứ đệm, mút, vải màn đem từ Hà Nội vào. Có những thứ tận dụng tại chỗ lại của căn cứ lính Mỹ. Nền nhà, tường, trần phòng bảo mật đều được bít kín, chống bị thiết bị điện tử nghe trộm. Sau đó, căn phòng đặc biệt này trở thành phòng họp nội bộ quan trọng, kể cả làm việc với những đoàn ngoại giao thân thiện như Ba Lan, Hungary.

Tuy nhiên, trận địa phức tạp nhất chính là con người. Đại tá Bình kể phía Sài Gòn chụp ảnh từng người để dò la lý lịch. Thậm chí tình báo còn cử người về quê liên lạc với gia đình các sĩ quan trong trại để đánh đòn tâm lý. Trong đó có cả mẹ đại tá Bùi Thanh Khiết, phó đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Các cuộc hội nghị, họp báo, nhiều mật vụ giả dạng tiếp cận thành viên trong trại Davis. Nhiều trường hợp còn vào vai lực lượng thứ ba, bất mãn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để lấy cảm tình với cách mạng. Đặc biệt, tình báo Sài Gòn cũng sử dụng cả mỹ nhân kế, đưa các cô gái đẹp vào làm lái xe, tiếp phẩm.

Bảo vệ nguồn nước, thức ăn[3]

Ngoài mặt trận phản gián, đoàn đại biểu trong trại Davis còn trù liệu những chuyện khác. Nước là thứ không thể thiếu được và rất nguy hiểm nếu chỉ trông chờ vào nguồn nước máy Sài Gòn. Một cái giếng đã được đào ngay trong trại. Lương thực ngoài mua từ nhà thầu Sài Gòn, còn chở vào từ miền Bắc theo các chuyến bay C-130 mỗi tuần. Những khoảng trống trong trại cũng được tăng gia rau xanh và cây ăn trái để đảm bảo sức khỏe. Trước mỗi bữa ăn đều có bác sĩ kiểm tra độc tính thực phẩm, an toàn mới sử dụng.

Trước ngày giải phóng[10]

Khi vùng kiểm soát của quân đội Sài Gòn bị thu hẹp dần trong những tháng đầu năm 1975, an ninh xung quanh trại Davis càng siết chặt và căng thẳng hơn bao giờ hết. Ngoài trại lính dù án ngữ gần trại và hệ thống hào, chốt gác vây dày đặc, quân đội Sài Gòn còn điều thêm xe tăng, thiết giáp đến chĩa hỏa lực vào bên trong. Tình hình cực kỳ nóng bỏng, như có thể xảy ra nổ súng bất cứ lúc nào. Trại Davis lại nằm trên địa hình bằng phẳng, trống trải, sẽ rất bất lợi cho đội quân phòng thủ bên trong nếu xảy ra chiến sự. Cấp trên đã chuẩn bị cho đặc công đột nhập đưa người trong trại Davis ra, đủ mặt tướng lĩnh, sĩ quan chỉ huy, vệ binh và cả các nhà báo, văn công... chọn ở lại và sẵn sàng chiến đấu. Tất cả đã sẵn sàng nếu trận chiến không mong đợi khai hỏa. Lực lượng trong trại Davis thời điểm đó tương đương tiểu đoàn. Họ đều có khả năng chiến đấu cao vì hầu hết trải qua quân đội, công an. Đặc biệt, đội vệ binh là chiến sĩ tinh nhuệ được chọn lựa từ lực lượng đặc công trải qua nhiều trận mạc. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn họp lãnh đạo đoàn, nhận định lực lượng chiến đấu trong trại Davis có khả năng phòng thủ một vài ngày để chờ quân giải phóng vào Sài Gòn. Để bẻ gãy sức kháng cự cuối cùng của không quân địch, qua điện đài, trại Davis kêu gọi các cánh quân mạnh dạn pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, nơi đặt trại. Hai cán bộ, chiến sĩ trại Davis đã ngã xuống trước bình minh của chiến thắng.[11]

Đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu

Những người trong trại Davis đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Quyết định ở lại đến ngày cuối cùng, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã chuẩn bị từ khoảng giữa tháng 4-1975, toàn bộ sĩ quan, vệ binh được triển khai đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu. Yêu cầu đặt ra là vừa phải đảm bảo bí mật, vừa đạt yêu cầu chiến đấu, kể cả trú ẩn được khi quân Việt Nam Cộng hòa pháo kích hay quân giải phóng bắn lạc vào trại. Vì thiếu cuốc xẻng, mọi thứ được tận dụng đào từ dao găm chiến đấu đến các cọc sắt ở đầu giường để giăng mùng. Chỉ khoảng mười ngày toàn bộ hệ thống hầm, hào trú ẩn và chiến đấu đã hoàn tất. Đại tá Hà Cân kể: chính nhờ hệ thống nhà được bố trí gần nhau của quân đội Mỹ để lại đã giúp quân giải phóng đào hào êm ả, bí mật ngay trước mắt đối phương. Bộ phận sĩ quan, chiến sĩ ở nhà nào đào công sự ngay dưới sàn nhà đó. Lính gác Sài Gòn ngoài tường rào trại Davis không thể quan sát được cái gì đang xảy ra bên trong. Kiểu nhà sàn cách mặt đất 0,5m của Mỹ lại rất hữu dụng cho đào công sự khi đất đào lên được đổ rải ngay dưới sàn nhà gỗ. Đào xong, họ lại đặt ván sàn vào vị trí cũ để che kín dấu vết. Riêng hệ thống đường hầm từ nhà này nối liên hoàn với nhà kia thì được đào ngầm dưới mặt đất như “hang chuột”. Người nhà bên này đào qua, nhà bên kia đào tới. Cả hai tính toán cho chính xác để nối khớp với nhau. Những người trong trại Davis đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu bài bản đến mức có cả hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, dự trữ lương thực, nước uống. Các tủ sắt đựng quần áo, tài liệu lính Mỹ bỏ lại còn được đổ đầy đất rồi lật nằm che nắp hầm để chống đạn pháo. Ngoài ra, mọi người trong trại còn chuẩn bị sẵn sàng một balô đầy đủ lương thực, biđông nước để sẵn sàng cơ động. Trên ngực áo họ đều đính một miếng vải trắng cỡ ngón tay để làm dấu hiệu “phe ta”.

UH-1 chở vũ khí chống tăng cho trại Davis

Một kế hoạch trang bị vũ khí đặc biệt được đặt ra. Có lẽ quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ rất bất ngờ nếu biết được chính mình đã cấp phi công và máy bay trực thăng UH-1 để... chở vũ khí vào trại cho quân giải phóng.

Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, quân giải phóng đã giữ hai sĩ quan Iran và Indonesia trong ủy ban quốc tế. Khi trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở trại Davis đề nghị cấp máy bay để đưa hai người này về từ Lộc Ninh, phía Việt Nam Cộng hòa đồng ý ngay. Đoàn cử đại tá Nguyễn Văn SĩNguyễn Quang Biểu phiên dịch đi liên lạc với quân giải phóng ở Lộc Ninh để làm thủ tục đón về. Quân đội Việt Nam Cộng hòa điều máy bay trực thăng UH-1 đi tiền trạm và đón nhân viên ngoại giao quốc tế vào ngày 17-4-1975. Thông tin này được bí mật chuyển về Lộc Ninh để quân giải phóng chuẩn bị vũ khí chống tăng cho trại Davis. Nó diễn ra ngay trước mắt phi công và sĩ quan Sài Gòn tháp tùng trên máy bay. Đại tá Nguyễn Quang Biểu, nguyên sĩ quan phiên dịch là người áp tải hai vali lớn đầy vũ khí chống tăng từ Lộc Ninh lên máy bay về trại Davis mà không hề bị nghi ngờ.

Đặc biệt, chuyến bay Sài Gòn - Lộc Ninh cuối cùng trước ngày 30-4-1975 còn chở cả “hổ về rừng”. Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, sau là thiếu tướng phó tư lệnh Quân khu 9, theo chuyến bay đã “cáo bệnh” ở lại chiến trường và tham gia các cánh quân tiến vào Sài Gòn.

Hiện trạng

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trại có thời gian được sử dụng làm nơi làm việc của tướng Trần Văn Trà, với tư cách là Tư lệnh quân quản Sài Gòn. Một thời gian dài trại bị bỏ hoang và hầu như hư hại hoàn toàn. Hiện nay (2010), khu vực trại vẫn nằm trong khu quân sự thuộc sự quản lý của Sư đoàn không quân 370 và được sử dụng một phần để làm sân bóng đá.

Năm 2015, Trại Davis được Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét duyệt di tích Thành phố Hồ Chí Minh công nhận di tích lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất là di sản cấp quốc gia[12]

Chú thích

  1. ^ Trong phiên âm tiếng Việt, cả hai từ đều có dạng đọc đồng âm là "Đa-vít" hoặc "Đê-vít" nên mới có sự nhầm lẫn giữa từ "Davis" sang "David" vốn thông dụng hơn. Từ nguyên "Davis" trong tiếng Anh có nghĩa là "con trai của David" (son of David).
  2. ^ Nay thuộc phường 12, quân Tân Bình.
  3. ^ a b c "Tổng hành dinh" bất khả xâm phạm”.
  4. ^ Thực ra người lính Mỹ đầu tiên được xem là chết ở Việt Nam là Trung tá OSS Albert Peter Dewey, người bị bắn chết bởi một sự nhầm lẫn của du kích Việt Minh vào ngày 26 tháng 9 năm 1945. Ngoài ra, người lính Mỹ đầu tiên chết trong Chiến tranh Việt Nam là Trung sĩ Kỹ thuật (Technical Sergeant) Richard B. Fitzgibbon Jr. (1920-1956), bị giết tại miền Nam Việt Nam ngày 6 tháng 8 năm 1956 bởi một người bạn đồng ngũ. Người lính Mỹ đầu tiên bị giết bởi đối phương trong Chiến tranh Việt Nam là Thiếu tá Lục quân Richard Dale Buis (1921-1959) và Thượng sĩ Chester Melvin Ovnand (1914-1959) trong một cuộc tấn công bằng bom của quân Cộng sản vào ngày 8 tháng 7 năm 1959 tại Biên Hòa.
  5. ^ Phạm Thắng Vũ, "Chuyện về Trại Davis trong Phi trường Tân Sơn Nhứt thời thi hành Hiệp định Paris năm 1973".
  6. ^ “Bên trong Trại Davis - Kỳ 1: Đường đến Davis”.
  7. ^ "Trại Đa-vít 823 ngày đêm", phần hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự.
  8. ^ “Trao trả tù binh”.
  9. ^ “Những chuyến bay đặc biệt”.
  10. ^ “Bên trong Trại Davis - Thành lũy tháng 4”.
  11. ^ '823 ngày đêm' ở trại Davis”.
  12. ^ “Đề xuất trại Davis (Tân Sơn Nhất) là di tích cấp quốc gia”.

Liên kết ngoài