Huyện Thủ Thừa có diện tích tự nhiên 29.901 ha, nằm cách thành phố Tân An khoảng 10 km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 45 km, có vị trí địa lý:
Dân số trung bình năm 2002 là 86.595 người, mật độ dân số 290 người/km², tương đương mức trung bình mật độ dân số của tỉnh Long An (294 người/km²). Dân số thành thị có 15.248 người (chiếm 17,6% dân số), dân số nông thôn 71.347 người (chiếm 82,4%), tốc độ tăng dân số bình quân 1,56%/năm (2002).
Khí hậu
Khí hậu huyện Thủ Thừa mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa.
Nhiệt độ bình quân năm là 27,1 °C, cao nhất vào tháng 4 với 28,5 °C, thấp nhất vào tháng 1 với 25,3 °C.
Biên độ nhiệt trong năm dao động khoảng 3,3 °C, biên độ nhiệt ngày và đêm dao động cao (từ 8 °C đến 10 °C).
Lượng mưa trung bình năm khá lớn (1.532 mm/năm) và phân bố theo mùa rõ rệt.
Mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10, tập trung khoảng 85% tổng lượng mưa cả năm.
Nguồn nước
Nguồn nước chính cung cấp cho Thủ Thừa là sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua huyện dài 17,3 km, độ sâu trung bình 17 m, rộng trung bình 300 m. Sông Vàm Cỏ Tây được tiếp nước từ sông Tiền qua hệ thống kênh Hồng Ngự, Dương Văn Dương, lưu lượng mùa kiệt 93 m³/s, mùa lũ 580 m³/s, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Sông ngòi
Ngoài ra hệ thống kênh Thủ Thừa, kênh Bo Bo cũng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất và đời sống của người dân huyện. Hơn 75% diện tích ở phía Bắc bao gồm các xã: Long Thạnh, Long Thuận, Tân Thành, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Tân Long nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, thường xuyên bị ngập lụt. Năm xã còn lại ở phía Nam ít bị ảnh hưởng của lũ.
Đất đai
Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 do Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và khoa trồng trọt đại học Cần Thơ xây dựng cho thấy Thủ Thừa có 3 nhóm đất với 12 đơn vị chú giải bản đồ đất; trong đó, nhóm đất phù sa có 3.651 ha (chiếm 12,2% DTTN) và nhóm đất phèn tiềm tàng: 5.209 ha (chiếm 17,4% DTTN), nhóm đất phèn hoạt động 20.055 ha (chiếm 67,1% DTTN). Nhóm đất phù sa: Có 3 chú giải bản đồ, với diện tích 3.651 ha phân bố dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, chủ yếu ở các xã Long Thuận, Long Thạnh. Thành phần cơ giới nặng, độ phì nhiêu khá, đây là loại đất thích hợp cho trồng 2 vụ lúa.
Nhóm đất phèn: (Là nhóm đất chính chiếm 84,5% DTTN toàn huyện).
Nhóm đất phèn có diện tích:25.264 ha, chiếm 84,5% DTTN. Đất phèn có trị số pH thấp và hàm lượng SO4—cao (0,15 - 0,25%), đặc biệt là các ion Fe++ và Al+++ dễ gây độc hại cho cây trồng. Vấn đề sử dụng đất phèn trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp Mười nói chung và huyện Thủ Thừa nói riêng phụ thuộc vào khả năng cung cấp nước ngọt trong mùa khô. Đất phèn phân bố ở hầu hết các xã phía Bắc kênh Thủ Thừa, đất có hàm lượng mùn cao, nếu giải quyết tốt vấn đề thủy lợi thì canh tác lúa đạt năng suất cao.
Đất đai của huyện Thủ Thừa xếp ở cấp ít thích nghi hoặc phải cải tạo mới thích nghi với 2 vụ lúa, 1 lúa -1 màu, lúa - đay, mía, đậu đỗ nên cây trồng sinh trưởng phát triển cho năng suất thấp hơn các vùng đất tốt (đất phù sa). Vì vậy, đây cũng là một hạn chế trong sản xuất nông nghiệp. Dưới đây là tổng hợp diện tích các loại đất theo nhóm trên địa bàn huyện:
Địa chất
Đất đai của huyện Thủ Thừa hình thành từ hai loại trầm tích: (i) Trầm tích phù sa non trẻ Holocene và trầm tích cổ (ii) Pleistocene; trong đó chủ yếu là trầm tích phù sa non trẻ Holocene có chứa vật liệu sinh phèn.
Trầm tích Holocene bao phủ khoảng 82,9% DTTN của huyện, nó phủ trùm lên trầm tích phù sa cổ. Đặc trưng cơ bản của đơn vị trầm tích này là sự có mặt của Sulfidic, vật liệu chủ yếu hình thành đất phèn. Trầm tích không phân chia khoảng 4,5% DTTN.
Do vậy, khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cần tính toán đầu tư đảm bảo độ ổn định bền vững.
Tài nguyên rừng
Năm 1995 có 478 ha rừng, trong đó hầu hết là tràm cừ. Đến năm 2002 diện tích rừng tăng lên 2.504 ha (tỷ lệ che phủ 10,6%) kể cả cây lâu năm, theo số liệu thống kê đất đai đến 1 tháng 10 năm 2003 diện tích rừng là 4.466 ha, trữ lượng khá.
Nguồn tài nguyên động vật dưới tán rừng đã dần được phục hồi, đây là thành quả đáng ghi nhận của chương trình 773/TTg và 661/TTg, đã góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên cũng như khôi phục hệ sinh thái vốn có của vùng đất phèn.
Khoáng sản
Theo các tài liệu điều tra địa chất thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện Thủ Thừa, chưa cho thấy có loại khoáng sản đặc trưng nào.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Thừa gắn liền với quá trình khai thác đất hoang, di dân xây dựng vùng kinh tế mới của tỉnh.
Khoảng đầu thế kỷ 19, một người tên là Mai Tự Thừa, quê ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đến làng Bình Lương Tây, huyện Thuận An (nay thuộc thị trấn Thủ Thừa) để khai phá đất đai đang còn hoang hóa rất nhiều.
Đầu tiên, ông cất một căn nhà lá tại bờ nam kinh Trà Cú bên cạnh vàm Rạch Cây Gáo. Sau đó, ông khai khẩn bốn mẫu đất dọc theo kinh Trà Cú bắt đầu từ rạch Cây Gáo chạy về phía đông bắc (phần đất này hiện nay là nơi đóng trụ sở của UBND huyện Thủ Thừa).
Tên Thủ Thừa có thể bắt nguồn từ chính tên ông Mai Tự Thừa.
Thời Pháp, Thủ Thừa là quận của tỉnh Tân An được thành lập từ ngày 14 tháng 2 năm 1922, có 4 tổng: An Ninh Thượng với 4 làng, Hưng Long với 9 làng, Cửu Cư Thượng với 7 làng, Cửu Cư Hạ với 6 làng.
Ngày 20 tháng 11 năm 1952, tách tổng Cửu Cư Hạ để thành lập quận Tân Trụ, quận còn 3 tổng: An Ninh Thượng với 4 làng, Cửu Cư Thượng với 8 làng, Hưng Long với 4 làng.
Sau năm 1956, quận thuộc tỉnh Long An, gồm có 2 tổng: An Ninh Thượng với 5 xã, Cửu Cư Thượng với 4 xã (do cắt tổng Hưng Long về tỉnh Mộc Hóa mới thành lập khi đó).
Thời Việt Nam Cộng hoà, Thủ Thừa là quận của tỉnh Long An, gồm 2 tổng, 9 xã, quận lỵ ở Bình Phong Thạnh. Dân số năm 1965 là 48.212 người.
Sau năm 1975, Thủ Thừa là huyện của tỉnh Long An, gồm 8 xã: Bình Phong Thạnh, Hướng Thọ Phú, Khánh Hậu, Lợi Bình Nhơn, Long Ngãi Thuận, Mỹ An Phú, Mỹ Lạc Thạnh và Nhị Thành.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 54-CP[2]. Theo đó, sáp nhập huyện Thủ Thừa với huyện Bến Lức thành huyện Bến Thủ và đến ngày 14 tháng 1 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 05-HĐBT[3]. Theo đó, chia lại huyện Bến Thủ thành 2 huyện: Bến Lức và Thủ Thừa.
Huyện Thủ Thừa bao gồm thị trấn Thủ Thừa và 10 xã: Bình An, Bình Thạnh, Long Thạnh, Long Thuận, Mỹ An, Mỹ Lạc, Mỹ Phú, Mỹ Thạnh, Nhị Thành, Tân Thành.
Ngày 15 tháng 5 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2003/NĐ-CP[4]. Theo đó:
Thành lập xã Long Thành trên cơ sở 4.310,5 ha diện tích tự nhiên và 2.871 người của xã Long Thạnh
Thành lập xã Tân Lập trên cơ sở 3.780 ha diện tích tự nhiên và 2.696 người của xã Tân Thành.
Từ đó, huyện Thủ Thừa bao gồm thị trấn Thủ Thừa và 12 xã: Long Thành, Long Thạnh, Long Thuận, Tân Lập, Tân Thành, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Bình An, Mỹ An, Mỹ Phú, Bình Thạnh, Nhị Thành.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Tân Lập và xã Long Thành thành xã Tân Long.[5]
Huyện Thủ Thừa có 1 thị trấn và 11 xã như hiện nay.
Kinh tế
Hiện nay, huyện Thủ Thừa đang triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Everluck Residence nằm trên địa bàn thị trấn Thủ Thừa.
Nhân dân huyện Thủ Thừa có truyền thống cách mạng kiên cường, cần cù chịu khó lao động, song trình độ học vấn và chuyên môn thấp, tập trung chủ yếu ở nông thôn. Mật độ dân số bình quân 290 người/km² (tỉnh Long An là 294 người/km²). Từng bước ổn định đời sống dân cư, nhất là các xã vùng sâu bằng các biện pháp mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cụm và tuyến dân cư, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Tổng số lao động toàn huyện năm 2002 là: 47.627 người; trong đó, nông - lâm nghiệp 35.800 người (chiếm 75,2%), công nghiệp - xây dựng 4.760 người (chiếm 10%) và thương mại - dịch vụ 5.867 người (chiếm 12,3%), lao động khác 1.200 người chiếm 2,5%. Như vậy, nguồn nhân lực tập trung chủ yếu cho nông - lâm nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành diễn ra chậm.
Nguồn nhân lực ở huyện Thủ Thừa có chất lượng thấp, đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vì nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất. Lao động có chuyên môn kỹ thuật (đã qua đào tạo) là 1.489 người (chiếm 3,1% lao động xã hội); trong đó, Đại học và trên Đại học là 325 người, Cao đẳng là 344 người, trung cấp là 820 người. Nếu kể cả trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật ước khoảng 2,6% thì tổng số lao động được đào tạo là 5,7%, chủ yếu ở khu vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế. Do vậy, đây là một hạn chế của Thủ Thừa.
Huyện cũng là nơi có con sông Vàm Cỏ Tây chảy qua theo hướng tây bắc - đông nam. Nguồn nước chính cung cấp cho Thủ Thừa là sông Vàm Cỏ Tây, bắt nguồn từ Campuchia chảy qua Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa rồi tới Thủ Thừa, đoạn chảy qua huyện dài 17,3 km, độ sâu trung bình 17m, rộng trung bình 300m. Sông Vàm Cỏ Tây được tiếp nước từ sông Tiền qua hệ thống kênh Hồng Ngự, Dương Văn Dương, lưu lượng mùa kiệt 93 m³/s, mùa lũ 580 m³/s, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngoài ra hệ thống kênh Thủ Thừa, kênh Bo Bo cũng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất và đời sống của người dân huyện Thủ Thừa.