Takao (tàu tuần dương Nhật)

Sơ đồ nhận diện TakaoAtago của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ trong Thế Chiến II
Lịch sử
Nhật Bản
Đặt tên theo núi Takao, Kyoto
Đặt hàng 1927
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Yokosuka
Đặt lườn 28 tháng 4 năm 1927
Hạ thủy 12 tháng 5 năm 1930
Hoạt động 31 tháng 5 năm 1932
Xóa đăng bạ 3 tháng 5 năm 1947
Số phận Bị đánh chìm như một mục tiêu tác xạ ngày 19 tháng 10 năm 1946 tại Eo biển Malacca
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu tuần dương Takao
Trọng tải choán nước 9.850 tấn (tiêu chuẩn); 15.490 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 192,5 m (631 ft 8 in) (mực nước)
  • 203,8 m (668 ft 6 in) (chung)
Sườn ngang 18,0 – 20,7 m (59 - 68 ft)
Mớn nước 6,1 – 6,3 m (20 ft – 20 ft 8 in)
Động cơ đẩy
  • 4 × Turbine hộp số
  • 12 × nồi hơi Kampon
  • 4 × trục
  • công suất 133.100 mã lực (99,3 MW)
Tốc độ 65,7 km/h (35,5 knot)
Tầm xa
  • 15.700 km ở tốc độ 26 km/h
  • (8.500 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 773
Vũ khí
  • ban đầu: 10 × pháo 203 mm (8 inch)/50 caliber (5×2)
  • 4 × pháo 120 mm (4,7 inch) góc cao (4×1)
  • 2 × pháo phòng không 40 mm (2×1)
  • 8 × ống phóng ngư lôi 610 mm (24 inch)
  • sau cùng: 10 × pháo 203 mm (8 inch)/50 caliber (5×2)
  • 4 × pháo 120 mm (4,7 inch) góc cao (4×1)
  • 66 × súng phòng không 25 mm
  • 16 × ống phóng ngư lôi 610 mm (24 inch)
Bọc giáp
  • đai giáp 37 đến 127 mm (1,5 - 5 inch)
  • sàn tàu 40 mm (1,5 inch)
  • vách ngăn 75 - 100 mm (3 - 4 inch)
  • tháp súng 25 mm (1 inch)
Máy bay mang theo 3 × thủy phi cơ (1 × Aichi E13A1 "Jake", 2 × F1M2 "Pete")
Hệ thống phóng máy bay 2 × máy phóng

Takao (tiếng Nhật: 高雄) là một tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, chiếc dẫn đầu trong lớp của nó bao gồm bốn chiếc, được thiết kế cải tiến dựa trên lớp Myōkō trước đó. Takao đã hoạt động cho đến hết Chiến tranh Thế giới thứ hai trước khi đầu hàng lực lượng Anh tại Singapore và bị đánh chìm tại eo biển Malacca.

Thiết kế và chế tạo

Những tàu chiến thuộc lớp Myōkō được xem là không ổn định và nhiều kinh nghiệm rút ra đã được áp dụng cải tiến cho lớp Takao. Chúng là những tàu chiến nhanh và mạnh mẽ, trang bị mười khẩu pháo 203 mm (8 inch) và bốn khẩu pháo 120 mm (4,7 inch), tám ống phóng ngư lôi và nhiều vũ khí phòng không hỗn hợp, một hỏa lực đủ mạnh để đối đầu với bất kỳ tàu tuần dương của mọi lực lượng hải quân trên thế giới.

Những chiếc trong lớp Takao được chấp thuận trong năm tài chính 1927 như một phần trong chiến lược của Hải quân Đế quốc Nhật Bản về một trận chiến quyết định. Chúng tạo nên xương sống cho lực lượng tấn công chiến đấu tầm xa. Takao được chế tạo tại Xưởng hải quân Yokosuka, và giống như những con tàu chị em với nó, tên nó được đặt theo tên một ngọn núi: Núi Takao (tiếng Nhật: 高雄山) tọa lạc tại ngoại ô Kyoto.[1] Takao được đặt lườn vào ngày 28 tháng 4 năm 1927, được hạ thủy vào ngày 12 tháng 5 năm 1930 tại Xưởng hải quân Yokosuka và được đưa vào hoạt động ngày 31 tháng 5 năm 1932.

Lịch sử hoạt động

Lúc khởi đầu Chiến tranh Thái Bình Dương, Takao đặt dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Đại tá Hải quân Asakura Bunji và được phân về Hải đội Tuần dương 4 dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc (sau này là Đô đốc) Kondo Nobutake cùng với các con tàu chị em với nó Maya, ChokaiAtago, và được trao nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc chiếm đóng MalayaPhilippines. Vào cuối tháng 12 năm 1941, nó bắn pháo hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên vịnh Lingayen trên đảo Luzon tại Philippines.

Đầu năm 1942, Takao hoạt động tại khu vực biển Java trong khuôn khổ Trận chiến biển Java Sea vào đầu tháng 3. Vào ngày 1 tháng 3, một trong số các thủy phi cơ của Takao đã ném bom chiếc tàu buôn Hà Lan Enggano. Đêm hôm sau, TakaoAtago tiêu diệt chiếc tàu khu trục Pillsbury cũ của Hải quân Mỹ và nó chìm mà không có người nào sống sót. Sáng sớm ngày 4 tháng 3, Takao, Atago, Maya và hai tàu khu trục của Hải đội Khu trục 4, ArashiNowaki đã tấn công một đoàn tàu vận tải gần Tjilatjap. Chiếc xà lúp HMAS Yarra của Hải quân Hoàng gia Australia đã ra sức bảo vệ cho đoàn tàu vận tải trong một giờ rưỡi trước khi bị đánh chìm chỉ với 34 người sống sót trong tổng số 151 thành viên thủy thủ đoàn.[2] Sau đó, các tàu tuần dương Nhật đã đánh chìm ba chiếc trong đoàn tàu vận tải: tàu chở dầu Francol, tàu quân nhu Anking, và một tàu quét mìn. Hai tàu chở hàng Hà Lan cũng bị chiếm giữ.

Vào tháng 6 năm 1942, TakaoMaya hỗ trợ cho cuộc chiếm đóng quần đảo Aleut. Vào ngày 3 tháng 6 năm 1942, những thủy phi cơ trinh sát của nó bị các máy bay tiêm kích Curtiss P-40 của Không lực Lục quân Hoa Kỳ trú đóng tại Umnak tấn công và hai chiếc bị bắn rơi. Ngày 5 tháng 6, Takao bắn rơi một máy bay ném bom B-17 Flying Fortress.

Vào tháng 8 năm 1942, Takao tham gia Chiến dịch Ka, một đợt tăng cường cho lực lượng Nhật Bản trong trận Guadalcanal, và tham gia Trận chiến quần đảo Santa Cruz vào ngày 26 tháng 10. Một cố gắng có chủ định để bắn phá căn cứ của Mỹ tại sân bay Henderson đã dẫn đến trận Hải chiến Guadalcanal vào sáng sớm ngày 15 tháng 11 năm 1942. Thiết giáp hạm Kirishima, được sự hỗ trợ của các tàu tuần dương TakaoAtago, đã đối đầu cùng các thiết giáp hạm Mỹ WashingtonSouth Dakota. Cả ba tàu chiến Nhật đã bắn trúng South Dakota nhiều phát đạn pháo khiến nó hư hỏng nặng; TakaoAtago còn bắn ngư lôi Long Lance nhằm vào Washington nhưng đều trượt. Tuy nhiên, Kirishima bị Washington bắn hỏng và phải tự đánh đắm sáng hôm sau. Atago bị hư hại trong khi Takao thoát ra an toàn nhưng phải rút lui về Truk.

Takao (xa phía sau) cùng thiết giáp hạm Kirishima (giữa) đang hướng đến Guadalcanal ngày 14 tháng 11 năm 1942 để bắn phá sân bay Henderson. Ảnh chụp từ tàu tuần dương Atago.

Đầu năm 1943, Takao hỗ trợ cho Chiến dịch Ke, cuộc triệt thoái lực lượng Nhật khỏi đảo Guadalcanal. Sau đó, dưới quyền chỉ huy của Inoguchi Toshihira, nó hoạt động tại khu vực Trung Thái Bình Dương từ căn cứ Truk. Ngày 5 tháng 11 năm 1943, trong khi đang được tiếp nhiên liệu tại Rabaul trong quần đảo Bismarck, Takao bị các máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless từ tàu sân bay USS Saratoga tấn công, và bị trúng hai quả bom khiến 23 người thiệt mạng và hư hại hệ thống lái. Nó bị buộc phải quay về Yokosuka tại Nhật Bản và vào ụ tàu để sửa chữa.

Ngày 22 tháng 10 năm 1944, Takao gia nhập "Lực lượng Trung tâm" của Đô đốc Takeo Kurita và khởi hành từ vịnh Brunei để tham gia Trận chiến vịnh Leyte. Sang ngày 23 tháng 10, khi đang di chuyển ngang qua đảo Palawan, lực lượng Nhật Bản bị hai tàu ngầm Mỹ tấn công. Lúc 06 giờ 34 phút, Takao trúng hai quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm USS Darter, làm hỏng hai trục và ngập nước ba phòng nồi hơi. Nó bị buộc phải quay trở về Brunei, và được hộ tống bởi các tàu khu trục NaganamiAsashimo, chiếc tàu phóng ngư lôi Hiyodori và tàu vận tải Mitsu Maru. Lực lượng này bị các tàu ngầm DarterDace tiếp tục săn đuổi cho đến sau nữa đêm ngày 24 tháng 10, khi Darter mắc cạn vào một bãi san hô tại bãi đá ngầm BombayDace phải ở lại để cứu hộ.

Takao bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa tại Singapore, cũng như không thể (và không có khả năng) kéo về Nhật Bản để sửa chữa. Vì vậy một phần đuôi tàu được cắt rời ra, và nó được cho neo đậu và sử dụng như một pháo đài phòng không nổi để phòng thủ Singapore. Trong khi thả neo tại đây, nó là mục tiêu của cuộc tấn công được thực hiện bởi tàu ngầm bỏ túi Anh XE-3 (Chiến dịch Struggle) vào ngày 31 tháng 7 năm 1945 dưới sự chỉ huy của Trung úy Ian Edward Fraser và Thủy thủ James Joseph Magennis.[3] Magennis đã gắn được sáu quả "mìn hàu" vào thân chiếc Takao; và khi phát nổ đã tạo ra một lỗ thủng lớn 20 m x 10 m. Đa số các khẩu pháo của Takao bị mất tác dụng, hệ thống điều khiển hỏa lực bị phá hủy và nhiều ngăn bị ngập nước.

Vào ngày 5 tháng 9 năm 1945, căn cứ hải quân của Nhật Bản tại Eo biển Johor chính thức đầu hàng lực lượng Anh, và việc tiếp quản chiếc Takao, lúc đó vẫn có một số ít thủy thủ duy trì hoạt động, diễn ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1945. Cuối cùng nó được kéo ra Eo biển Malacca để sử dụng như một mục tiêu tác xạ cho chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ HMS Newfoundland và bị đánh chìm vào ngày 19 tháng 10 năm 1946.

Danh sách thuyền trưởng

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Không nên nhầm lẫn tên của nó với Núi Takao (tiếng Nhật: 高尾) tọa lạc tại ngoại ô Tokyo; hay thành phố Takao (tiếng Nhật: 高雄) tại Đài Loan (lúc đó là một thuộc địa của Nhật Bản); tất cả được phát âm giống nhau là "Takao" trong tiếng Nhật.
  2. ^ Trong số 34 người rời bỏ tàu, chỉ còn lại 13 người sống sót được cứu thoát một tuần sau đó bởi chiếc tàu ngầm Hà Lan K-XI và đưa đến Ceylon.
  3. ^ Fraser và Magennis được tặng thưởng Huân chương Chữ thập Victoria do chiến công này.

Sách

  • D'Albas, Andrieu (1965). Death of a Navy: Japanese Naval Action in World War II. Devin-Adair Pub. ISBN 0-8159-5302-X.
  • Dull, Paul S. (1978). A Battle History of the Imperial Japanese Navy, 1941-1945. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-097-1.
  • Lacroix, Eric (1997). Japanese Cruisers of the Pacific War. Linton Wells. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-311-3.
  • Skulski, Janusz (2004). The Heavy Cruiser Takao. Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-974-3.

Liên kết ngoài