Solanum aculeatissimum (tên đồng nghĩa: Solanum cavaleriei và Solanum khasianum)[1], tên thông dụng là cà trứng Hà Lan hay cà Khasi[2], là một loài cây bụi hoang dã thuộc chi Cà, với các quả nhỏ màu vàng nhạt, kích thước 2–3 cm, hoa trắng với các nhị vàng đặc trưng của chi Solanum.
Nguồn gốc và phạm vi phân bố
Nguồn gốc của S. aculeatissimum vẫn còn gây tranh cãi. Mặc dù tên gọi thông thường gợi ý về nguồn gốc Nam Á, nhưng nguồn gốc của S. aculeatissimum có lẽ là ở châu Phi hoặc Nam Mỹ. Trong khi loài này được nhận dạng ở châu Á, nhưng nó hiếm thấy ở đây và có thể được du nhập ngẫu nhiên hoặc có chủ đích. Nó có quan hệ họ hàng gần với các loài khác của chi Solanum là bản địa khu vực châu Phi hạ-Sahara và Trung Mỹ. Châu Phi là lục địa đầu tiên mà S. aculeatissimum được ghi nhận. Nhà thực vật học người ScotlandFrancis Masson đã tìm thấy mẫu cây S. aculeatissimum gần Mũi Hảo Vọng khoảng năm 1772 - 1774, hoặc trong một chuyến thám hiểm tiếp theo của ông tại miền nam châu Phi từ năm 1786 đến 1795. Tại Nam Mỹ, S. aculeatissimum được mô tả lần đầu tiên vào năm 1816-1821 bởi Augustin Saint-Hilaire.
Môi trường sống
S. aculeatissimum thường mọc ven đường và dọc theo các mương nước, hoặc lẫn vào trong đám cây bụi dưới các tán cây rừng hoặc ở các trảng cỏ, mọc ở độ cao từ 1.000 - 2.400 mét so với mực nước biển[3].
Mô tả
S. aculeatissimum là một cây bụi có nhiều gai, mọc thẳng đứng, ít nhánh, cao khoảng 1 đến 2 mét (có khi hơn 2 m). Thân và cành có một lớp lông mỏng. Cuống lá khá to, dài khoảng 3 – 7 cm, đầy gai; phiến lá rộng, kích thước, dài khoảng 15 cm và rộng khoảng từ 4 đến 15 cm, mép lá có lông tơ. Hoa lưỡng tính, có màu tím sậm rất đẹp, mọc thành cụm từ 1 đến 4 bông, 5 cánh đều có lông mịn, nhị hoa màu vàng tươi, cuống hoa dài 1 cm hoặc bị tiêu biến. Quả mọng, hình cầu, đường kính 2 – 3 cm, khi chín có màu vàng tươi hoặc đỏ cam như cà chua. Hạt màu nâu sáng, giống hạt đậu, đường kính 2 - 2,8 mm. Hoa nở từ tháng 3 đến tháng 8, trái chín vào tháng 11 - 12[3][4][5].
Công dụng
S. aculeatissimum là loài kịch độc nếu không biết sử dụng đúng cách. Các thành phần của S. aculeatissimum là những phương thuốc truyền thống ở châu Phi. Nồng độ ancaloit cao nhất (4,4%) được tìm thấy trong hạt. Độc tố solasonine nằm trong lá, thân, quả và hạt[4]. Các công dụng[3][4]:
Nhựa của trái chín trị đau mắt hột và các bệnh nhiễm trùng da.
Nước sắc của trái và nước ép của lá non được dùng như một liều thuốc xổ để chữa táo bón.
Nước sắc của rễ chữa đau lưng, liệt dương và đầy hơi. Rễ giã nát đắp vào vết rắn cắn.
Chất chiết xuất từ lá và quả có tác dụng diệt côn trùng, ức chế sự nảy mầm của bào tử nấm gây hại ở cây.
S. aculeatissimum cũng được dùng làm gốc ghép cho cà chua và cà tím.