Vùng đất thuộc xã Quảng Hùng ngày nay, vào đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Thủ Hộ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, nội trấn Thanh Hóa[1].
Sau năm 1945 là xã Nguyễn Trãi, huyện Quảng Xương (xã này gồm các làng: Trường Tân và Thủ Phú). Năm 1948, các xã Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Tây Hồ sáp nhập thành xã Quảng Hải. Năm 1954, một phần lãnh thổ xã Quảng Hải được tách ra để lập các xã Quảng Đại, Quảng Giao, Quảng Nhân và Quảng Hùng, tên gọi Quảng Hùng xuất hiện từ đây[1].
Từ ngày 15 tháng 5 năm 2015, xã Quảng Hùng chuyển về trực thuộc thị xã Sầm Sơn, nay là thành phố Sầm Sơn.
Làng Bến: thời Trần là làng Kênh; đầu thế kỷ XIX là thôn Bến thuộc xã Chàng Xá, tổng Thủ Hộ; thời Minh Mạng đổi thành thôn Trường Tân, xã Lương Xá; thời Đồng Khánh (cuối thế kỷ XIX) đổi tổng Thủ Hộ thành tổng Thủ Chính. Từ năm 1954, gồm bốn xóm là Tân Tiến, Tân Hưng, Tân Đức và Tân Thọ; từ năm 1960 lập thành các xóm: Hùng Tiến, Hùng Hưng và Hùng Đức.
Làng Thủ Phú: đầu thế kỷ XIX là xã Phú Xá thuộc tổng Thủ Hộ. Đầu thế kỷ XX tách một phần lãnh thổ để lập các thôn Yên Nam và Hải Nhuận (nay thuộc xã Quảng Hải), phần còn lại đổi thành thôn Thủ Phú. Từ năm 1954, các xóm thuộc làng Thủ Phú được chia về hai xã là Quảng Đại và Quảng Hùng, trong đó phần thuộc về Quảng Hùng gọi là làng Trường Thái, gồm các xóm: Thái Học, Thái Nguyên, Thái Sơn, Thái Bình, Thái Hòa và Thái Thịnh; từ năm 1960 lập thành các xóm: Hùng Học, Hùng Nguyên và Hùng Sơn.
Làng Nang: Từ năm 1954, gồm các xóm: Tân Khang, Tân Phúc, Tân Bắc, Tân Nam, Tân Hùng và Tân Thắng; từ năm 1960 lập thành các xóm: Hùng Khang, Hùng Phúc, Giang Bắc và Giang Nam.
Từ năm 1990, các xóm thành lập năm 1960 đổi thành thôn và giữ nguyên tên.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025). Theo đó, nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Quảng Đại và xã Quảng Hùng thành xã Đại Hùng
Chú thích
^ abcdeHoàng Tuấn Phổ (chủ biên) (2010). Địa chí huyện Quảng Xương. Hà Nội: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa. tr. 108-109.