Nữ hoàng băng giá (còn gọi là Băng giá, tiếng Anh: Frozen) là một bộ phim điện ảnh nhạc kịchkỳ ảosử dụng công nghệ hoạt hình máy tính của Mỹ do Walt Disney Animation Studios sản xuất và Walt Disney Pictures phát hành vào năm 2013.[5] Đây là bộ phim hoạt hình chiếu rạp thứ 53 trong series Walt Disney Animated Classics. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Bà chúa Tuyết của nhà văn Hans Christian Andersen, bộ phim kể về Anna – một nàng công chúa dũng cảm lên đường dấn thân vào một cuộc hành trình gian khó với Kristoff – một anh chàng miền núi cường tráng, dễ rung động nhưng ban đầu hơi thô lỗ, cùng chú tuần lộc Sven trung thành của mình và chàng người tuyết Olaf vui nhộn tình cờ gặp để đi tìm người chị gái Elsa đang phải sống một mình trên núi, một nữ hoàng sở hữu sức mạnh tạo ra băng giá đã vô tình khiến cả vương quốc chìm trong mùa đông vĩnh cửu.
Một phim hoạt hình ngắn dựa theo tác phẩm có tên Frozen Fever được phát hành vào ngày 13 tháng 3 năm 2015 cùng bộ phim Lọ Lem.[14] Tháng 11 năm 2019, phần tiếp nối của phim có tựa đề Nữ hoàng băng giá 2 chính thức ra mắt.
Câu chuyện mở đầu với cảnh một nhóm người – trong số đó có Kristoff hồi còn nhỏ và chú tuần lộc của mình tên Sven – đang khoét băng thành những tảng nước đá lớn, mang đi bán kiếm tiền. Cách đó không xa, Elsa là công chúa vương quốc Arendelle, mang trong mình sức mạnh tạo ra băng giá. Một đêm nọ, khi đang chơi đùa, nàng vô tình làm bị thương em gái mình là Anna. Nhà vua và hoàng hậu nhờ tới sự giúp đỡ của đám thạch yêu tinh; và vị trưởng tộc của họ là ông Pabbie lớn, đã chữa lành cho Anna và xoá đi mọi ký ức của nàng về phép thuật của chị gái. Ông cũng nói với Elsa rằng rất may phép thuật chỉ tác động tới đầu Anna, nên ông có thể chữa được, nhưng nếu đó là trái tim thì sẽ khó qua khỏi; hơn nữa sức mạnh của nàng sẽ chỉ lớn dần lên theo thời gian và nàng phải học cách kiểm soát nó, bởi nỗi sợ hãi chính là kẻ thù của nàng. Vì muốn giấu kín món quà đặc biệt của con gái cho tới khi nàng học được cách điều khiển sức mạnh, nên gia đình hoàng gia đã ngăn cách hai nàng công chúa với thế giới bên ngoài, và họ lớn lên chỉ trong bốn bức tường của lâu đài. Do lo sợ rằng mình sẽ lại làm ai đó bị thương thêm một lần nữa, nên Elsa hầu như chỉ sống một mình trong phòng. Anna không được chơi với chị, điều đó đã vô tình tạo nên một vết rạn nứt trong tình chị em khi họ lớn lên. Khi Anna và Elsa là những thiếu niên, thì đức vua và hoàng hậu không may gặp bão trên biển và qua đời.
Ba năm sau, khi Elsa tròn 21 tuổi, còn Anna tròn 18 tuổi, người dân xứ Arendelle tưng bừng chuẩn bị cho lễ đăng quang mùa hè của Elsa. Trong số những vị khách cao cấp tới thăm có Công tước xứ Weselton, một thương gia muốn tìm cách khai thác và trục lợi từ vương quốc Arendelle. Quá phấn khích vì cánh cổng lâu đài được mở cho công chúng trong suốt một ngày, Anna đi khám phá khắp nơi trong thị trấn và gặp Hoàng tử Hans của Quần đảo phương Nam trong một tình huống vụng về và lúng túng. Lễ đăng quang của Elsa trôi qua một cách trôi chảy mà không gặp phải sự cố nào, trong bữa tiệc hai chị em bắt đầu hàn gắn lại tình cảm với nhau. Anna gặp lại Hans trong bữa tiệc, họ cùng nhau nhảy múa và giữa họ nhanh chóng có tình cảm với nhau. Hans cầu hôn Anna, nàng lập tức đồng ý. Anna nhờ Elsa ban phúc cho lễ cưới của hai người, nhưng Elsa từ chối, điều này đã gây ra mâu thuẫn không thể kiểm soát giữa hai chị em. Cuối cùng, vì quá tức giận và không kiềm chế được mình, Elsa để lộ hết quyền năng của mình cho tất cả mọi người. Elsa bỏ chạy vì quá sợ hãi, trong lúc đó nàng vô tình phủ một mùa đông vĩnh cửu lên khắp vương quốc. Trong lúc bỏ trốn khỏi sự truy đuổi của mọi người, nàng không che giấu nữa mà giải phóng tất cả sức mạnh của mình, tự xây cho mình một lâu đài băng khổng lồ trên núi và vô tình không biết rằng mình đã mang tới sự sống cho chàng người tuyết mà hồi còn nhỏ nàng đã làm với em gái mình tên Olaf.
Anna lên đường đi tìm Elsa, quyết tâm đưa chị gái mình trở về Arendelle, chấm dứt mùa đông và hàn gắn lại tình cảm giữa họ. Trong khi đang đi mua đồ rét, nàng gặp một anh chàng sống trên núi tên là Kristoff và con tuần lộc của anh ta, Sven. Anna thuyết phục Kristoff đưa mình tới Núi Bắc để tìm chị. Đêm đó, họ gặp bầy sói và phải chiến đấu vất vả mới thoát nạn. Sáng hôm sau, ba người gặp Olaf, Olaf đưa họ tới lâu đài của Elsa. Ở lâu đài băng, Anna đã ra sức cố thuyết phục Elsa trở về, nhưng trong thâm tâm Elsa vẫn sợ sẽ lại làm bị thương em gái mình một lần nữa. Do Anna cứ khăng khăng bằng được, Elsa lại bị kích động và sức mạnh băng giá của nàng vô tình đánh trúng vào ngực Anna. Điều đó khiến Elsa càng thêm đau khổ vì ý nghĩ đã làm hại em mình, nàng đã tạo ra một con quái vật tuyết khổng lồ ném Anna và bạn bè của nàng ra ngoài. Sau khi họ chạy thoát, Kristoff để ý thấy mái tóc Anna đang dần chuyển sang màu trắng. Nhớ lại ngày xưa mình đã từng chứng kiến Anna bị thương được chữa lành thế nào, anh quyết định đưa nàng về chỗ đám thạch yêu tinh cũng là gia đình nuôi của anh. Ở đó, ông Pabbie lớn cho họ biết rằng trái tim của Anna đã bị một mảnh băng cắm vào, nếu để lâu thì nàng sẽ hoá thành một khối băng mãi mãi trừ khi có "một nghĩa cử của tình yêu đích thực" làm tan băng giá trong trái tim nàng. Kristoff đưa Anna lao về Arendelle, với niềm tin rằng một nụ hôn của tình yêu đích thực từ Hans sẽ cứu sống nàng.
Trong lúc đó, Hans, người xung phong đưa một đội quân đi tìm Anna, phát hiện ra lâu đài băng của Elsa và đã bắt được nàng sau khi đương đầu với hai tên lính do Công tước gửi đi để giết nàng. Elsa bị giam trong ngục ở Arendelle, và Hans đã tới cầu xin nàng hãy ngừng tạo mùa đông ở vương quốc, nhưng Elsa thú nhận rằng mình không biết phải làm thế nào. Kristoff đưa Anna về đoàn tụ với Hans rồi ra đi. Anna giải thích với Hans rằng chàng phải hôn nàng nếu không nàng sẽ chết, nhưng Hans từ chối. Hắn nói hắn chỉ giả vờ yêu nàng để chiếm đoạt ngôi báu của Arendelle, bởi trong gia đình hắn là đứa con thứ mười ba nên hắn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được lên ngôi cai trị đất nước. Hắn tắt lửa lò sưởi, khoá trái Anna trong phòng, loan tin rằng nàng đã chết, sau đó hắn lên ngôi ở Arendelle và ra lệnh hành quyết Elsa.
Elsa trốn thoát khỏi phòng giam và chạy về phía cái vịnh đang đóng băng. Olaf tìm thấy Anna lạnh giá một mình trong phòng và cho nàng biết Kristoff yêu nàng. Thấy Kristoff và Sven đang trở lại, hai người chạy ra vịnh để tìm anh. Hans ngăn Elsa lại và nói dối nàng rằng Anna đã chết chính vì nàng. Trong cơn tuyệt vọng của Elsa, trận bão tuyết khủng khiếp ngừng lại, cho Kristoff và Anna có đủ thời gian để chạy tới chỗ nhau. Nhưng để ý thấy Hans chuẩn bị giết chị gái mình, Anna đưa mắt nhìn Kristoff lần cuối rồi lao ra giữa Elsa và Hans và ngay lập tức hoá thành một khối băng. Thanh kiếm của hắn vỡ vụn khi chạm tới người Anna, hắn bị bắn ra xa. Elsa ngước mắt lên và khi thấy em gái mình như vậy, nàng ôm lấy em và khóc lóc thảm thiết. Trong khi Elsa khóc thương em, lớp băng trong trái tim Anna và quanh người nàng bắt đầu tan dần, và việc Anna quyết định hy sinh bản thân để cứu chị mình chính là nghĩa cử của tình yêu đích thực.
Nhận ra rằng tình yêu chính là chìa khóa để kiểm soát sức mạnh của mình, Elsa giờ đây đã có thể làm tan băng giá đang bao trùm vương quốc, mà vẫn không để cho Olaf bị tan chảy dưới cái nóng mùa hè nhờ đám mây nhỏ luôn đi theo phủ tuyết lên người cậu. Anna bực tức đấm Hans ngã xuống biển, và hắn bị đem trả lại về Quần đảo phương Nam để chịu hình phạt vì những tội lỗi của mình, còn Elsa cắt đứt giao thương với Weselton, dẫn đến ông bị áp giải. Anna mua cho Kristoff một chiếc xe kéo mới và họ trao cho nhau một nụ hôn. Giờ đây, khi đã điều khiển được sức mạnh của mình, Elsa tạo ra một sân băng lớn và tuyết rơi ngay trong vương quốc cho mọi người thoải mái vui đùa. Tình cảm của hai chị em lại đằm thắm như xưa, Elsa tặng Anna một đôi giày trượt tuyết, và nàng hứa với em rằng cánh cổng lâu đài sẽ không bao giờ bị đóng lại nữa.
Nhân vật chính
Elsa (21 tuổi) là nhân vật chính của bộ phim, nữ hoàng Arendelle, có thể biến ra tuyết.
Anna (18 tuổi) là nhân vật chính của bộ phim, công chúa của Arendelle.
Kristoff (22 tuổi) là một chàng trai sống trên núi và có một con tuần lộc tên là Sven, là người bán nước đá trên núi. Rất yêu Anna.
Olaf là một người tuyết được tạo ra bởi Elsa, chàng người tuyết hài hước luôn ao ước được trải nghiệm cảm giác mùa hè có một bãi tuyết của riêng mình.
Hans (23 tuổi) hoàng tử đến từ Quần đảo phương Nam. Giả vờ yêu Anna để chiếm được ngai vàng của Arendelle.
Công tước xứ Weselton rất ghét Elsa và luôn nghi ngờ cô.
Maurice LaMarche trong vai Đức vua của vương quốc Arendelle, bố của Anna và Elsa[28]
Jennifer Lee trong vai Hoàng hậu của vương quốc Arendelle, mẹ của Anna và Elsa'[30]
Quá trình phát triển
Nguồn gốc
Walt Disney Productions bắt đầu nghiên cứu khả năng sản xuất một bộ phim tiểu sử người đóng/hoạt hình về nhà văn, nhà thơ Hans Christian Andersen vào một thời điểm nào đó cuối năm 1937 sau khi ra mắt Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, phim hoạt hình vẽ tay chiếu rạp đầu tiên trên thế giới.[32]:10 Tháng 3 năm 1940, Walt Disney đề nghị đồng sản xuất cùng Samuel Goldwyn, trong đó xưởng phim của Goldwyn sẽ quay các cảnh đời thực về cuộc đời của Andersen và Disney sẽ sản xuất các phân cảnh hoạt hình.[32]:10 Các phân cảnh hoạt hình dự định sẽ bao gồm cả câu chuyện về những tác phẩm của Andersen, như Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm, Bà Chúa Tuyết, Thumbelina, Vịt con xấu xí, Đôi giày đỏ và Bộ quần áo mới của Hoàng đế.[32]:10 Disney và các họa sĩ hoạt hình của ông gặp khó khăn với truyện Bà Chúa Tuyết, bởi họ không tìm được cách chuyển thể và tái hiện lại nhân vật bà Chúa Tuyết tới các khán giả hiện đại. Cho dù vào thời điểm những năm 1940, bộ phận sản xuất hoạt hình của Disney thấy được tiềm năng lớn lao từ nguồn cốt truyện này, nhưng nhân vật Bà Chúa Tuyết khiến hãng gặp quá nhiều vấn đề và thách thức. Sau khi Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai, hãng phim bắt đầu tập trung vào việc sản xuất các phim tuyên truyền phục vụ quân đội, khiến việc phát triển dự án giữa Disney-Goldwyn tạm ngừng vào năm 1942.[32]:10 Điều này, cùng với nhiều trở ngại khác, dẫn đến kết quả là dự án của Disney-Goldwyn đã bị huỷ bỏ. Goldwyn tiếp tục sản xuất phiên bản phim người đóng của riêng mình vào năm 1952, có tên gọi Hans Christian Andersen, với Danny Kaye trong vai Andersen, Charles Vidor làm đạo diễn, Moss Hart viết kịch bản, và Frank Loesser sáng tác các bài hát. Thay vì dùng hoạt hình, tất cả các câu chuyện cổ tích của Andersen đều được kể lại dưới dạng các bài hát và múa ballet do người đóng, giống như những phần khác của phim. Bộ phim nhận được sáu đề cử giải Oscarvào năm sau đó. Quay trở lại với Disney, Bà Chúa Tuyết, cùng với các câu chuyện cổ tích khác của Andersen (bao gồm cả Nàng tiên cá), đã bị xếp vào ngăn tủ.[33]
Các nỗ lực sau này
"Phiên bản truyện Bà chúa Tuyết ban đầu của nhà văn Hans Christian Andersen là một câu chuyện khá tối và không dễ dàng để chuyển thành phim. Với chúng tôi, bước ngoặt đã đến khi chúng tôi tìm cách đưa những đức tính và phẩm chất thực sự của con người vào nhân vật Bà Chúa Tuyết này. Khi chúng tôi quyết định sáng tạo nên Bà Chúa Tuyết Elsa và hai nhân vật chính là hai chị em Anna, điều đó đã mở đường và cho phép chúng tôi cảm nhận được các nhân vật, một phần nào đó chuyển tải được những gì họ đã trải qua và từ đó sẽ thích hợp với các khán giả ngày nay. Bộ phim này chứa rất nhiều nhân vật và nhiều mối quan hệ phức tạp trong đó. Có những lần Elsa làm những điều độc ác nhưng khi bạn hiểu được những việc làm ấy thực sự bắt nguồn từ đâu, từ mong muốn tự bảo vệ chính mình, bạn sẽ luôn thông cảm cho cô ấy. "Lấy cảm hứng" nghĩa là như thế. Ở đó có tuyết và ở đó có băng và ở đó có một Nữ hoàng, ngoại trừ những yếu tố đó thì chúng tôi đã phải thay đổi và chỉnh sửa rất nhiều. Chúng tôi rất cố gắng để mang tới một tầm nhìn và quy mô như các bạn mong đợi nhưng theo cách mà chúng tôi có thể hiểu các nhân vật và cảm nhận được họ."
— Nhà sản xuất Peter Del Vecho, nói về những khó khăn khi chuyển thể truyện Bà Chúa Tuyết[34]
Vào cuối những năm 1990, Walt Disney Feature Animation bắt đầu sản xuất phiên bản chuyển thể truyện Bà Chúa Tuyết riêng của họ sau thành công vang dội của các bộ phim gần đây, nhưng dự án hoàn toàn bị huỷ bỏ vào cuối năm 2002, khi Glen Keane được cho là đã từ bỏ dự án này[31] và chuyển sang làm dự án khác sau đó trở thành bộ phim Công chúa tóc mây. Kể cả trước đó, Harvey Fierstein đã chuyển phiên bản truyện của mình cho các giám đốc điều hành của Disney, nhưng bị từ chối. Dick Zondag và Dave Goetz đã thử làm việc này, nhưng đều thất bại.[33] Sau một loạt các nỗ lực không thành từ năm 2000 đến 2002, Disney lại một lần nữa xếp dự án vào ngăn tủ.[32]:10–11 Trong một trong những lần đó, Michael Eisner, sau này là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Walt Disney, đề nghị hỗ trợ dự án này và gợi ý hãng phim hợp tác với đạo diễn John Lasseter của Pixar Animation Studios sau khi Pixar làm mới lại hợp đồng với Disney.[33] Tuy nhiên các cuộc đàm phán giữa hai hãng thất bại vào tháng 1 năm 2004 và bản hợp đồng đó không bao giờ được làm mới nữa.[35] Thay vào đó, người kế nhiệm Eisner là Bob Iger đã thương thảo để Disney mua lại Pixar vào tháng 1 năm 2006 với giá 7,4 tỷ USD, Lasseter lên làm giám đốc điều hành của cả Pixar và Disney Animation.[36][37]
Dự án được phục hồi trở lại khoảng năm 2008 khi Chris Buck trình lên Disney phiên bản chuyển thể của ông.[38] Buck sau này tiết lộ rằng nguồn cảm hứng ban đầu cho cốt truyện Nữ chúa Tuyết không đến từ chính tác phẩm của Andersen, mà vì ông muốn "có định nghĩa khác về tình yêu đích thực." "Disney đã làm được điều gọi là 'nụ hôn của hoàng tử', vậy nên [tôi] nghĩ đã đến lúc phải làm cái gì đó mới mẻ," ông nhớ lại.[39] Sau này hóa ra Lasseter đã dành sự quan tâm tới cốt truyện Nữ chúa Tuyết từ lâu; kể từ khi Pixar và Disney đang hợp tác làm phim Câu chuyện đồ chơi vào thập niên 1990, ông đã xem và bị thuyết phục bởi một số tranh vẽ phác thảo tiền kỳ của Disney trước kia.[32]:6 Quá trình phát triển bộ phim bắt đầu dưới tên gọi Anna và Nữ chúa Tuyết (Anna and the Snow Queen), dự kiến sử dụng công nghệ hoạt hình truyền thống.[40] Theo Josh Gad, anh tham gia bộ phim từ những ngày đầu tiên đó, khi mà cốt truyện còn đang khá sát với truyện cổ tích của Andersen và Megan Mullally được chọn lồng tiếng cho nhân vật Elsa.[41] Đến đầu năm 2010, dự án một lần nữa lại lâm vào bế tắc, khi xưởng phim không thể tìm cách xử lý được cốt truyện cũng như nhân vật Nữ chúa tuyết.[42][43]
Giai đoạn phục hồi
Vào ngày 22 tháng 12 năm 2011, tiếp nối thành công vang dội của phim Nàng công chúa tóc mây (Tangled), Disney thông báo một tên mới cho bộ phim, Frozen (Băng giá), và ngày phát hành, 27 tháng 11 năm 2013, cùng với một nhóm sản xuất khác với lần trước.[44] Một tháng sau, thông tin bộ phim sẽ là một sản phẩm hoạt hình máy tính dưới định dạng 3D lập thể đã được xác nhận, thay vì sử dụng công nghệ hoạt hình vẽ tay truyền thống như dự định.[31] Anderson-Lopez và Lopez tham gia dự án và bắt đầu viết các ca khúc cho phim từ tháng 1 năm 2012.[45]:44:00 Vào ngày 5 tháng 3 năm 2012, họ thông báo Chris Buck sẽ là đạo diễn, cùng với John Lasseter và Peter Del Vecho là các nhà sản xuất.[46]
Sau khi Disney quyết định đề xuất việc đưa dự án phim Nữ Chúa Tuyết tiếp tục phát triển trở lại, một trong những thử thách chính mà Buck và Del Vecho phải đối mặt là nhân vật Bà Chúa Tuyết, vốn là một nhân vật phản diện trong phiên bản trước đó của truyện.[33] Hãng phim có truyền thống chiếu thử các phim hoạt hình đang phát triển mỗi 12 tuần một lần, và sau đó tổ chức các "buổi đóng góp ý kiến" dài trong đó đạo diễn và nhà biên kịch của các dự án khác nhau cùng trao đổi và đưa ra nhận xét về dự án của các nhóm khác.[47][48][49]
Buck và Del Vecho chuyển các storyboard (bảng truyện) của họ cho John Lasseter, với toàn bộ nhóm sản xuất tạm ngừng công việc để tới một buổi hội thảo và nghe suy nghĩ của Lasseter về dự án đang thực hiện này.[33] Nhà thiết kế sản xuất Michael Giaimo, nhớ lại: "Đó là một sự thay đổi với trò chơi này...Tôi nhớ John nói rằng phiên bản mới nhất của cốt truyện Bà Chúa Tuyết mà Chris Buck và nhóm của ông sáng tạo nên thật thú vị và rất vui vẻ. Nhưng các nhân vật lại không đáng nhớ lắm. Họ không có nhiều khía cạnh và thiếu đi tính đa dạng. Đó chính là lý do vì sao John cảm thấy các khán giả sẽ không thực sự hiểu và cảm nhận được họ."[33]
Nhóm sản xuất sau đó đã suy nghĩ và tìm cách giải quyết các vấn đề của bộ phim, viết nháp một số dị bản cho câu chuyện Bà Chúa Tuyết cho tới khi cốt truyện và các nhân vật nghe có vẻ liên quan tới nhau. Cuối cùng, cả nhóm quyết định viết lại kịch bản để nhân vật chính của phim, Anna (vốn dựa trên nhân vật Gerda trong truyện Bà chúa Tuyết), trở thành em gái của Elsa, thiết lập một cách hiệu quả mối quan hệ gia đình năng động giữa các nhân vật.[33][50] "Từ giờ phút đó trở đi, dự án bắt đầu hình thành và bước vào những giai đoạn rất thú vị. Một khi chúng tôi nhận ra rằng các nhân vật này có thể là chị em và có quan hệ với nhau, mọi thứ đã thay đổi," Del Vecho tỏ ra rất say sưa và hăng hái. Đây là một điểm nhấn mới lạ bởi quan hệ chị em trong gia đình ít khi được sử dụng làm nhân tố chính trong phim hoạt hình Mỹ, một trong những phim đáng chú ý đã khai thác đề tài này là một tác phẩm khác cũng của Disney, Lilo & Stitch (2002).[32]:13 Để hoàn toàn khám phá được mối quan hệ sinh động này, Disney Animation đã cho tổ chức một buổi "Hội nghị chị em", trong đó tất cả các nhân viên nữ trong hãng phim có chị em ruột được mời đến để kể về mối quan hệ của họ.[32]:14
Viết kịch bản
Tháng 3 năm 2019, Jennifer Lee, một trong các nhà biên kịch của phim Wreck-It Ralph, được Del Vecho mời biên kịch cho phim Nữ hoàng băng giá.[51][52] Sau này Lee chia sẻ rằng sau khi Wreck-It Ralph đã hoàn thành, công việc của cô là đi xem và đưa ra nhận xét cho các dự án phim khác, và "chúng tôi gần như nhập tâm với những gì chúng tôi nhận xét đó."[53]
Theo Lee, một số ý tưởng cốt lõi đã xuất hiện từ các bản nháp ban đầu của Buck và Del Vecho, ví dụ như mâu thuẫn "trái tim băng giá" của phim: "Đó là ý tưởng và cũng là phương châm... một nghĩa cử của tình yêu đích thực sẽ làm tan trái tim băng giá."[53] Họ cũng đã biết rằng bộ phim sẽ kết thúc với hình ảnh tình yêu đích thực là tình cảm giữa các anh chị em trong gia đình chứ không phải là một tình yêu lãng mạn, theo cách rằng "Anna sẽ cứu Elsa. Nhưng lúc đó chúng tôi không biết sẽ phải làm gì và làm thế nào."[53] Lee kể rằng Edwin Catmull, chủ tịch của Disney Animation, nói với cô từ đầu về cái kết của bộ phim: "Đầu tiên và trên hết, không cần biết cô sẽ làm gì với cốt truyện, cô cứ thoải mái làm theo ý mình. Nhưng cô phải đi đến được cái kết như thế. Nếu làm được, thật tuyệt vời. Nhưng nếu không, mọi thứ sẽ hỏng bét."[47]
Trước khi Lee tham gia dự án, một nhà biên kịch khác đã lên cốt truyện cho phim, và Anderson-Lopez cùng Lopez đã thử viết một vài ca khúc theo kịch bản đó nhưng không có cái nào dùng được và về sau phải xoá bỏ hết.[45]:9:07 Phải đến sau này khi "cả kịch bản đã bùng nổ" các nhạc sĩ mới có cơ hội "dồn hết ADN [của họ]" vào cốt truyện mới của Lee.[45]:30:32 Nhóm sản xuất "gần như phải bắt đầu lại từ đầu và... chỉ còn 17 tháng để thực hiện," khiến cho lịch làm việc của họ trở nên cực kỳ căng thẳng và rằng "mọi sự lựa chọn đều phải được quyết định nhanh."[53]
Các bản nháp trước của cốt truyện có nhiều điểm khác biệt rất lớn so với bản cuối cùng. Trong kịch bản đầu tiên, ngay từ đầu Elsa đã là nhân vật phản diện; Elsa bắt cóc Anna khi cô đang ở lễ cưới của chính mình để cố tình làm trái tim cô băng giá, sau đó dùng một đội quân người tuyết để xâm chiếm thị trấn với ý định bắt cóc Anna lần nữa để làm băng giá trái tim cô hoàn toàn.[45]:8:42 Đến khi Lee tham gia, cảnh đầu tiên là cảnh Elsa tìm mọi cách đánh vào trái tim của Anna với sức mạnh băng giá của mình; sau đó "cả cảnh hai là cảnh Anna tìm cách đến chỗ Hans để hôn anh và Elsa cố ngăn chặn điều đó."[53] Buck còn nói rằng trong kịch bản ban đầu họ tìm cách khiến khán giả thông cảm với Anna bằng cách chú trọng vào sự buồn tủi của cô khi chỉ là người "thừa" trong khi Elsa được là người "kế vị".[54] Kịch bản ban đầu cũng có nhịp độ khác, giống với một bộ phim phiêu lưu hành động hơn là phim hài-nhạc kịch.[51]
Một trong những bước ngoặt quan trọng trong quá trình sáng tác kịch bản phim đó là sự ra đời của ca khúc "Let It Go" do hai nhạc sĩ Lopez và Anderson-Lopez sáng tác, buộc cả đoàn làm phim phải lật lại toàn bộ ý tưởng cốt lõi của bộ phim và viết lại để Elsa trở thành một nhân vật phức tạp, dễ bị tổn thương và thông cảm hơn nhiều.[50] Thay vì trở thành một nhân vật phản diện như các nhà sản xuất đã hình dung, Elsa trong mắt hai nhạc sĩ là "một cô gái sợ hãi đang vật lộn để điều khiển và làm chủ món quà mình được ban tặng."[55] Lee nhớ lại: "Bobby và Kristen nói rằng họ đang đi dạo trong Công viên Prospect và chợt nghĩ xem [nhân vật Elsa sẽ] cảm thấy như thế nào. Quên đi mặt phản diện của cô ấy. Chỉ nghĩ về cảm giác cô ấy sẽ phải trải qua thôi. Ý tưởng về sự tự giải phóng bản thân, cho thế giới thấy mình là ai, điều mà cô đã phải giữ kín trong lòng bấy lâu, và cuối cùng cô ấy được tự do một mình, rồi lại đến nỗi buồn khi cuối cùng cô ấy vẫn phải sống cô đơn. Đó chưa phải điều hoàn hảo, nhưng nó có sức mạnh ghê gớm."[53] Del Vecho giải thích rằng ca khúc "Let It Go" đã thay đổi Elsa thành một con người "bị nỗi sợ hãi thống trị còn Anna được tình yêu chính mình và mọi người dẫn lối," và cuối cùng khiến Lee phải "viết lại cảnh đầu và dần dần sửa lại cả phim. Đó là lúc chúng tôi thực sự hiểu bộ phim cũng như các nhân vật trong đó."[49]
Một bước ngoặt khác của phim là việc phát triển mâu thuẫn truyện sao cho đến gần cuối nhân vật Hans mới được hé lộ là nhân vật phản diện chính của phim.[49] Hans thậm chí còn không xuất hiện trong những bản nháp đầu tiên của phim, rồi đến khi được sáng tạo ra, Hans cũng chưa phải là nhân vật phản diện, mãi sau này mới trở thành một con người độc ác.[49] Del Vecho nói, "Chúng tôi nhận ra rằng muốn bộ phim kết thúc bất ngờ, bạn phải tin rằng Hans chính là đáp án phải giải... [còn nếu] anh ta không phải là đáp án, thì anh ta lại trở thành Kristoff mất rồi.... Nếu bạn có thể khiến khán giả nghĩ rằng họ đã nhận ra bộ phim sẽ kết thúc thế nào, thì bạn sẽ làm họ bất ngờ bằng cách lật lại vấn đề theo hướng khác."[49] Lee hiểu rằng trong kịch bản cuối cùng cô phải làm sao để Hans trở thành kẻ chống lại mọi người và đầy "mâu thuẫn" suốt mạch truyện.[53] Ví dụ, Hans sẽ là tấm gương phản chiếu hành vi của các nhân vật khác: "Anh ta bắt chước [Anna] và nói những lời ngốc nghếch với cô... Công tước xứ Weselton là một tên ngốc và ngược lại Hans cũng thế. Còn với Elsa anh ta là một anh hùng."[53] Sẽ khó mà khiến tình yêu của Anna quay sang Kristoff một cách tự nhiên nếu không làm cho sự phản bội của Hans trở nên dễ đoán, bởi khán giả phải "hiểu được rằng... Anna cảm thấy điều gì đó nhưng chưa thực sự hiểu được...."[53]
Lee cũng phải suy nghĩ xem sẽ sáng tạo tính cách của Anna như thế nào, bởi một số đồng nghiệp của cô cho rằng Anna nên là một nhân vật vụng về kiểu như Vanellope von Schweetz trong Wreck-It Ralph.[51] Lee không đồng ý với cách nghĩ đó, nhưng cô cũng phải mất đến gần một năm để tìm cách diễn giải một cách thuyết phục rằng "đây là cuộc hành trình của Anna. Không hơn không kém."[53] Cuối cùng, Lee đã chọn cách diễn tả cuộc hành trình của Anna cũng giống như một cuộc hành trình đi tìm bản thân của tuổi mới lớn, "trong đó cô phát triển từ một người có cách nhìn ngây thơ về cuộc sống-bởi cô sống cô đơn suốt tuổi thơ của mình-trở thành một người có cách nhìn phức tạp và chín chắn hơn về tình yêu, khi cô hiểu được rằng tình yêu đích thực phải đánh đổi bằng sự hi sinh."[51] Lee cũng phải từ bỏ một số ý tưởng cô thích từ đầu, ví dụ như một phân cảnh về mối quan hệ giữa Anna và Elsa lúc thiếu niên, vốn không phù hợp với ý tưởng về sự xa cách giữa hai chị em.[51]
Để xây dựng mối quan hệ chị em giữa Anna và Elsa, Lee lấy cảm hứng từ mối quan hệ của chính mình với chị gái.[53][56] Lee nói rằng chị gái mình là "một nguồn cảm hứng lớn cho nhân vật Elsa,"[53] và gọi chị gái là "Elsa của tôi" trong một buổi phỏng vấn với báo Los Angeles Times và bước trên thảm đỏ tại lễ trao giải Oscar lần thứ 86 cùng cô.[48] Lee giải thích, "phải... đánh mất nhau rồi tìm lại được nhau khi trưởng thành, đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi."[53]
Nhóm sản xuất cũng biến Olaf từ một nhân vật "cộng sự" khó chịu của Elsa thành "cộng sự" ngây thơ và hài hước của Anna.[53] Lee sau này tiết lộ rằng Olaf là "nhân vật khó giải quyết nhất."[53]
Giải pháp cho vấn đề chính xác Anna sẽ cứu Elsa ở đoạn đỉnh điểm của bộ phim như thế nào đã được họa sĩ bảng truyện John Ripa giải quyết. Trong buổi họp Ripa giới thiệu cách xử lý của mình, toàn bộ những người có mặt yên lặng hoàn toàn cho tới khi Lasseter nói, "Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy," và sau đó toàn thể mọi người đứng dậy vỗ tay.[32]:31
Cũng trong thời gian này, nhóm sản xuất duyệt qua các bản nháp cho phân cảnh đầu tiên và trên thực tế, bản nháp của cảnh này dài và chi tiết hơn nhiều so với bản phim cuối cùng, ví dụ như có cảnh một con thạch yêu nói giọng Brooklyn xuất hiện để giải thích câu chuyện đằng sau phép thuật của Elsa, và một vị quan trong vương quốc mà Lee định mời diễn viên hài Louis C.K. lồng tiếng.[53] Sau khi phân tích các chi tiết đó, các nhà làm phim đã quyết định cắt bớt đi bởi họ cho rằng những chi tiết đó khiến "câu chuyện trở nên phức tạp hơn những gì họ có thể làm được trong 90 phút phim."[53] Del Vecho giải thích về điều này, "chúng tôi càng cố giải thích nhiều ở đầu phim thì phim càng phức tạp."[57]
Sản xuất
Chọn diễn viên
Nữ diễn viên Kristen Bell được chọn cho vai diễn lồng tiếng nhân vật Anna vào ngày 5 tháng 3 năm 2012.[46][58] "Từ khi tôi còn 4 tuổi, tôi đã luôn mơ ước được tham gia vào một bộ phim hoạt hình của Disney," Bell nói. "Đó là mục tiêu đầu tiên tôi từng đặt ra cho bản thân mình. Và nó có vẻ rất khó trở thành hiện thực." Đạo diễn Lee nói rằng việc lựa chọn Bell cho Anna chịu ảnh hưởng nhiều sau khi các nhà làm phim nghe một loạt các bản thu âm giọng hát của Bell khi cô còn nhỏ, với một số ca khúc từ phim Nàng tiên cá, bao gồm "Part of Your World."[59] Bell hoàn thành các buổi thu âm khi cô đang mang thai, và sau đó phải thu âm lại một số đoạn sau khi sinh, bởi giọng cô lúc này đã trầm xuống.[60] Khi được hỏi về cách cô đến với nhân vật Anna, Kristen Bell trả lời, "Tôi rất hào hứng được kể điều đó với mọi người. Tôi được trở thành một phần của bộ phim thuộc thể loại tôi rất thích xem hồi còn nhỏ," cô nói. "Tôi luôn yêu thích hoạt hình Disney, nhưng luôn có một điều gì đó về những nhân vật nữ trong phim mà tôi không thể đạt tới được. Tư thế và dáng đi của họ quá tuyệt vời và lời nói của họ quá cầu kỳ chải chuốt, tôi cảm thấy mình đã thực sự khiến cô gái, nhân vật của mình gần gũi hơn và khác lạ hơn và cẩu thả hơn và sôi nổi và vụng về hơn. Tôi rất tự hào về điều đó."[61]
Nữ hoàng băng giá là "một bộ phim hơi hướng cho con gái của Disney. Tôi thực sự tự hào về điều đó. Phim có tất cả mọi thứ, nhưng cơ bản chủ yếu nói về tình chị em. Tôi nghĩ rằng giữa hai cô gái này có sự cạnh tranh với nhau, nhưng họ cũng luôn tìm cách bảo vệ nhau - chị em gái phức tạp như thế đấy. Đó là một mối quan hệ tuyệt vời nên có trong các bộ phim, đặc biệt là dành cho các em nhỏ."
— Idina Menzel, nói về ấn tượng của cô với Nữ hoàng băng giá và tầm quan trọng của mối quan hệ gia đình[59]
Idina Menzel, một diễn viên Broadway kỳ cựu, được chọn vào vai Elsa. Menzel trước đây đã từng thử giọng cho phim Tangled nhưng không được chọn vào vai diễn. Tuy nhiên, đạo diễn tuyển vai của Tangled là Jamie Sparer Roberts đã lưu lại một bản thu âm phần thể hiện của Menzel trên iPhone, và trên cơ sở đó, mời cô thử giọng cùng Bell cho phim Nữ hoàng băng giá.[62] Trước khi chính thức được lựa chọn, Menzel và Bell đã gây ấn tượng mạnh với các đạo diễn và nhà sản xuất tại một buổi đọc thử; sau khi cùng nhau đọc một đoạn lời thoại trong kịch bản, họ đã song ca ca khúc "Wind Beneath My Wings" (bởi khi đó chưa có ca khúc nào được viết cho phim cả).[19][50][62] Bell nảy ra ý tưởng này khi tới thăm nhà Menzel tại California để chuẩn bị diễn thử.[62][63] Hai nhà soạn nhạc của phim cũng có mặt tại buổi hôm đó; Anderson-Lopez nói rằng "Lasseter như được ở trên thiên đường" khi nghe Menzel và Bell hòa giọng, và kể từ lúc đó ông quả quyết "Kristen Bell và Idina Menzel phải tham gia bộ phim!"[45]:32:07 Lee nói, "Họ hát cùng nhau đúng như chị em và không có đôi mắt nào trong phòng không ướt khi nghe họ hát."[49] Trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013, các vai diễn phụ còn lại trong phim lần lượt được thông báo; bao gồm Jonathan Groff trong vai Kristoff (19 tháng 12 năm 2012),[23]Alan Tudyk trong vai Công tước xứ Weselton, Santino Fontana trong vai Hoàng tử Hans, và Josh Gad trong vai Olaf.[25]
Vào ngày 30 tháng 11 năm 2012, Disney thông báo Jennifer Lee, một trong số những nhà viết kịch bản cho phim Wreck-It Ralph, đã cùng với Buck đảm nhiệm vai trò đồng đạo diễn.[64] Các nhà làm phim ban đầu mời Lee viết kịch bản, sau những gì cô đã làm cho Wreck-It Ralph. Tuy nhiên sau đó, cô đã tham gia rất tích cực trong quá trình phát triển tiền kỳ của phim, và đặc biệt có niềm đam mê lớn lao với dự án đến mức cô đã làm việc chặt chẽ và xuất sắc với đạo diễn Chris Buck cũng như hai nhà viết bài hát, Robert Lopez và Kristen Anderson-Lopez. Có một điều dễ nhận thấy là cô đã mang tới rất nhiều sự sáng tạo cho bộ phim so với trước đó và, cũng vì các nhà sản xuất cần hai đạo diễn để kịp với lịch và thời hạn sản xuất phim họ có, họ đã mời cô làm đạo diễn, cùng với Buck.[34] Theo thông báo này, Jennifer Lee trở thành người phụ nữ đầu tiên làm đạo diễn cho một sản phẩm phim hoạt hình chiếu rạp dài do Walt Disney Animation Studios sản xuất.[50] Với hai đạo diễn cho một bộ phim hoạt hình, tiến trình diễn ra nhanh hơn rất nhiều: các đạo diễn, nhà sản xuất, người phát triển cốt truyện chính, và các nhà viết bài hát có thể làm việc cùng nhau để sắp xếp cốt truyện cho tới khi mọi thứ thật hoàn hảo và chính xác. Sau đó và khi cô tham gia nhóm sản xuất, Jennifer Lee sẽ chú trọng tới cốt truyện trong khi Chris Buck tập trung vào phần hoạt hình (Lee không có nhiều kinh nghiệm với phần hoạt hình kể cả sau khi đã tham gia phim Wreck-It Ralph). Sau này, họ lại quay lại cùng làm việc khi phim bước vào giai đoạn biên tập; mặc dù ý tưởng của hai đạo diễn này là họ có thể làm việc cùng nhau để chia sẻ ý tưởng của người này cho người kia khi cần thiết, nhưng họ cũng chia công việc ra, mỗi người phụ trách một phần riêng biệt của mình và do đó vẫn trong một ngày như thế nhưng họ hoàn thành được nhiều việc hơn.[34]
Đến tháng 11 năm 2012, nhóm sản xuất tưởng như đã giải quyết được cốt truyện cho phim,[32]:155 nhưng theo lời Del Vecho, đến cuối tháng 2 năm 2013, cốt truyện vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, buộc một số phân cảnh và ca khúc phải được viết lại trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2013.[57][65][66] Ông giải thích, "chúng tôi đã viết lại các ca khúc, chúng tôi thay đổi các nhân vật và mọi thứ, rồi tự nhiên bộ phim đứng sững lại. Nhưng thời điểm ấy chúng tôi đã gần tới nơi rồi. Lúc nhìn lại nó chỉ như miếng bánh nhỏ, nhưng lúc làm khi quả thực là một sự vật lộn."[57] Nhớ lại thời kỳ làm việc với bộ phim, Anderson-Lopez đùa rằng cô và chồng còn nghĩ rằng nếu như sản phẩm cuối cùng "kéo đổ" sự nghiệp của họ thì họ sẽ biến thành "những anh hề trong bữa tiệc sinh nhật"[45]:19:07 và kể rằng "chúng tôi vẫn còn viết cho đến phút cuối cùng."[67] Đến tháng 6 (năm tháng trước ngày phát hành được ấn định), các nhà soạn nhạc đã giải quyết được cốt truyện bằng việc sáng tác ca khúc "For the First Time in Forever", mà theo lời của Lopez, "đã trở thành trục chính của cả bộ phim."[45]:19:24
Cũng tháng đó, Disney tổ chức các buổi chiếu thử của bộ phim đã hoàn thành một nửa với hai đối tượng khán giả (một là một gia đình và hai là một nhóm người lớn)[65] ở Phoenix, Arizona,[56] hôm đó Lasseter và Catmull cũng có mặt.[53][68] Lee nhớ lại rằng đó là lúc họ nhận ra họ "đã làm được điều gì đó, bởi phản hồi về bộ phim rất tích cực."[68] Catmull, người đã hướng dẫn Lee để "cô có được thành quả đó," đã nói với Lee rằng, "cô đã làm được".[53]
Thiết kế hoạt hình
Tương tự như Công chúa tóc mây, Nữ hoàng băng giá sử dụng một phong cách nghệ thuật đặc biệt có được nhờ kết hợp các ưu điểm của cả công nghệ tái tạo hình ảnh bằng máy tính (CGI) và hoạt hình vẽ tay truyền thống.[69] Ngay từ đầu, Buck đã nhận ra rằng Giaimo là ứng cử viên sáng giá nhất để phát triển phong cách ông đã mường tượng trong đầu—đó là lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình vẽ tay cổ điển của Disney từ những năm 1950, những Cuốn sách vàng nhỏ của Disney, và các thiết kế hiện đại giữa thế kỷ 20—và thuyết phục Giaimo trở lại Disney làm đạo diễn nghệ thuật cho phim Nữ hoàng băng giá.[32]:33 Buck, Lasseter và Giaimo là bạn cũ gặp nhau ở CalArts,[32]:33 và Giaimo trước đây từng làm đạo diễn nghệ thuật cho phim Pocahontas (1995) của Disney; trong bộ phim đó Buck giữ vai trò họa sĩ giám sát.[70]
Để tạo ra bối cảnh cho phim Nữ hoàng băng giá, Giaimo khởi động các khảo sát tiền kỳ bằng cách đọc kỹ các tài liệu về vùng Scandinavia và tới thăm thành phố lấy chủ đề đất nước Đan Mạch là Solvang gần Los Angeles, nhưng cuối cùng tập trung vào Na Uy bởi "80 phần trăm" cảnh trí lôi cuốn ông đến từ đất nước Na Uy.[71] Disney tài trợ kinh phí cho ba chuyến khảo sát thực địa.[72] Các họa sĩ hoạt hình và chuyên gia hiệu ứng hình ảnh được đưa tới Jackson Hole, Wyoming để trải nghiệm cảm giác đi bộ, chạy và ngã trên tuyết dày với nhiều loại trang phục khác nhau, trong đó có váy dài (cả nhân viên nam và nữ đều thử trang phục này);[34][71][72][73] còn nhóm họa sĩ ánh sáng và nghệ thuật tới thăm một Khách sạn băng ở Quebec, Canada để nghiên cứu cách ánh sáng phản chiếu và khúc xạ trên băng và đá như thế nào. Cuối cùng, Giaimo và một số họa sĩ tới thăm Na Uy để lấy cảm hứng từ cảnh núi non, các vịnh hẹp, kiến trúc và văn hóa nơi đây.[72][74] "Chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn cho bộ phim này, vì vậy trọng tâm chính của chúng tôi là xây dựng một cốt truyện hợp lý nhưng chúng tôi cũng biết rằng John Lasseter ưa thích tính chân thực trong từng chất liệu và muốn tạo nên một thế giới đáng tin, và phải nhắc lại rằng điều đó không có nghĩa đó phải là một thế giới thật giống thực – nhưng phải đáng tin cậy. Quan sát tầm nhìn và quy mô của Na Uy là rất quan trọng, việc làm sao để các họa sĩ hoạt hình của chúng tôi nắm được mọi thứ trông như thế nào cũng rất quan trọng nữa," Del Vecho nhấn mạnh.[75] "Ở đây, chúng tôi có một cảm giác rất chân thực như đến từ tầm nhìn và quy mô của phim Lawrence xứ Ả Rập," ông kết luận.[75]
Trong năm 2012, khi Giaimo và các họa sĩ hoạt hình đang tiến hành những nghiên cứu khảo sát đầu tiên và phát triển phong cách tổng thể của bộ phim, thì nhóm sản xuất vẫn đang cố gắng hoàn thiện một kịch bản lôi cuốn, như đã nói ở trên. Phải đến tháng 11 năm 2012 vấn đề trên mới thực sự được giải quyết,[32]:155 và thậm chí sau đó kịch bản còn được sửa chữa nhiều hơn nữa.[57][65] Như vậy, thử thách "kinh khủng và duy nhất" mà nhóm hoạt họa phải đối mặt là thời gian làm việc gấp rút (ít hơn 12 tháng) để biến kịch bản vẫn đang tiếp tục được sửa chữa của Lee thành bộ phim hoàn chỉnh.[32]:155 Một số phim khác như Toy Story 2 của Pixar được sản xuất với thời hạn còn ngắn hơn, nhưng một thời hạn ngắn cũng đồng nghĩa với những "đêm phải thức khuya, làm việc ngoài giờ và căng thẳng."[32]:155 Lee ước tính có khoảng 600 đến 650 người tham gia thực hiện Nữ hoàng băng giá, "trong đó có khoảng 70 họa sĩ ánh sáng, trên 70 họa sĩ hoạt hình," và từ 15 tháng 20 họa sĩ bàng truyện.[76]
Del Vecho giải thích cách tổ chức nhóm hoạt họa của phim: "Trong bộ phim này chúng tôi có những người "trưởng" phụ trách các nhân vật và các họa sĩ giám sát cho một số nhân vật cụ thể. Bản thân mỗi họa sĩ hoạt hình có thể tham gia thực hiện nhiều nhân vật nhưng luôn dưới sự chỉ đạo của một người phụ trách như thế. Tôi nghĩ cách làm này khác với Tangled, nhưng chúng tôi chọn nó bởi vì chúng tôi muốn có một người toàn tâm toàn ý hiểu được sâu sắc nhân vật của họ và sau đó giải thích cho những họa sĩ khác về nhân vật đó. Hyrum Osmond, họa sĩ hoạt hình phụ trách nhân vật Olaf, là một người ít nói nhưng có tính cách hài hước và hơi "điên" nên chúng tôi biết anh ấy sẽ mang tới nhiều yếu tố hài hước cho nhân vật của mình; họa sĩ hoạt hình phụ trách nhân vật Anna là Becky Bresee, đây là lần đầu tiên cô ấy phụ trách một nhân vật và chúng tôi giao Anna cho cô ấy."[34][50][77] Nhà huấn luyện diễn xuất Warner Loughlin được mời tới để giúp các họa sĩ hoạt hình hiểu được các nhân vật họ đang sáng tạo ra.[73] Để có cảm giác tổng thể cho từng cảnh, một số họa sĩ hoạt hình thậm chí còn tự mình diễn xuất. "Tôi thường quay lại mình đang diễn một phân cảnh nào đó trong phim, và với tôi việc làm đó rất có ích," theo lời họa sĩ giám sát hoạt hình Rebecca Wilson Bresee. Điều này giúp cô tìm ra các yếu tố có thể đưa vào để khiến cảnh phim chân thực hơn.[78] Họa sĩ giám sát nhân vật Elsa là Wayne Unten, ông đề nghị đảm nhận vai trò đó bởi ông bị lôi cuốn bởi sự phức tạp trong tính cách của nhân vật.[79] Unten rất cẩn thận trong việc phát triển các biểu cảm trên nét mặt của Elsa để làm nổi bật cảm giác sợ hãi của cô đối ngược với sự dũng cảm của Anna.[79] Ông cũng nghiên cứu các đoạn phim quay lại các buổi thu âm của Menzel để hoạt họa cách Elsa thở sao cho khớp với cách Menzel lấy hơi ngoài đời thực.[73]
Nói về phong cảnh và thiên nhiên trong các cảnh quay của bộ phim, đạo diễn nghệ thuật Michael Giaimo chịu ảnh hưởng lớn từ tác phẩm trong Black Narcissus của Jack Cardiff. Theo ông, nó đã mang đến một tính hiện thực cao độ cho phim: "Bởi đây là một bộ phim với quy mô như vậy và chúng tôi đã có những vịnh hẹp ở Na Uy để làm mẫu vẽ, nên tôi thực sự muốn khám phá chiều sâu. Từ góc nhìn của một nhà thiết kế, từ khi tôi chú trọng tới các chiều ngang và dọc, với những gì các vịnh hẹp mang lại, mọi thứ thật hoàn hảo. Chúng tôi gói gọn câu chuyện về tình chị em trong một quy mô như vậy." Ngoài ra, tác phẩm của Ted D. McCord trong phim The Sound of Music cũng là một nguồn ảnh hưởng chính khác tới Giaimo: "Cách các nhân vật được xếp đặt bên phong cảnh và về khía cạnh điện ảnh, cách chúng thể hiện trong bộ phim này thật tuyệt vời". Ý tưởng sản xuất Nữ hoàng băng giá trong định dạng CinemaScope cũng chính là ý tưởng của Giaimo, đã được Lasseter chấp thuận.[80] Giaimo cũng muốn đảm bảo rằng các vịnh hẹp, kiến trúc và phong cách nghệ thuật dân gian rosemaling của Na Uy phải đóng vai trò them chốt trong thiết kế bối cảnh của Arendelle. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt hình, ông lưu ý rằng nghệ thuật thiết kế bối cảnh phải thể hiện sự thống nhất giữa nhân vật và môi trường xung quanh và do đó ban đầu ông muốn phối hợp các màu sắc bão hoà, vốn là một việc làm không được khuyến khích trong hoạt hình máy tính.[77] Một chú tuần lộc thật có tên là Sage đã được đưa đến xưởng phim để các họa sĩ hoạt hình nghiên cứu các chuyển động và tập tính của nó, phục vụ cho việc tái hiện nhân vật Sven.[81][82]
Một vấn đề nữa mà Giaimo muốn thực hiện đó là trang phục, bởi ngay từ đầu ông đã nhận ra rằng đây sẽ là một bộ phim nặng về phục trang.[32]:77 Để thực hiện được ý tưởng dó, ông mời nhà thiết kế nhân vật Jean Gillmore tới làm nhà thiết kế trang phục riêng cho bộ phim.[83] Trong khi hoạt hình truyền thống kết hợp luôn việc thiết kế trang phục và thiết kế nhân vật làm một và chỉ đơn thuần coi phục trang là một phần cố định của nhân vật, thì hoạt hình máy tính lại coi trang phục là một thực thể riêng biệt, có các tính chất và trạng thái riêng[83]—và Nữ hoàng băng giá yêu cầu mức độ chi tiết chưa từng có đến thời điểm đó, tới từng tiểu tiết như vải, khuy, trang trí và mũi thêu.[32]:76 Gillmore giải thích rằng "cách tiếp cận của bà là kết hợp dáng quần áo cổ điển của Tây Âu những năm 1840 với dáng quần áo và các chi tiết trang phục truyền thống của Na Uy thế kỷ 19."[83] Điều đó có nghĩa là họ sẽ chủ yếu sử dụng vải len với điểm nhấn ở chất liệu nhung, lanh và lụa.[32]:75 Trong quá trình sản xuất, Giaimo và Gillmore "phải chạy qua chạy lại" để mang tới cho các bộ phận sản xuất khác nhau các mẫu vải thật để họ tham khảo; về việc này họ có thể nhờ vậy tới bộ sưu tập mẫu vải nội bộ của chính hãng phim cũng như nguồn tài nguyên từ bộ phận phục trang của công viên Disney Parks ở Fullerton, California.[83] Các "họa sĩ phát triển hình ảnh" của phim tạo ra các hình ảnh mô phỏng được tô màu kỹ thuật số của bề mặt vải, trong khi các bộ phận khác xử lý sự chuyển động, sức nặng, độ dày và ánh sáng của quá trình hoạt họa vải.[83]
Trong quá trình sản xuất, tựa đề tiếng Anh của phim được thay đổi từ The Snow Queen (Nữ chúa Tuyết) sang Frozen (Băng giá hay Nữ hoàng băng giá), một quyết định khiến công chúng so sánh với việc thay đổi tựa đề của phim Tangled. Peter Del Vecho giải thích rằng "tựa đề Frozen hoàn toàn độc lập với tên phim Tangled. Bởi vì, với chúng tôi, cái tên ấy thể hiện được nội dung của cả bộ phim. Frozen là một bộ phim nói về băng và tuyết nhưng cũng đồng thời phản ánh một mối quan hệ băng giá, một trái tim băng giá cần phải được sưởi ấm và làm tan chảy. Do đó chúng tôi không nghĩ đến việc so sánh giữa Tangled và Frozen." Ông cũng nói thêm rằng bộ phim vẫn giữ nguyên tên gọi ban đầu, Nữ Chúa Tuyết ở một số quốc gia: "bởi ở một số nước tiêu đề ấy gây được ấn tượng mạnh và hấp dẫn hơn. Có lẽ Nữ chúa tuyết chiếm một phần phong phú, dồi dào hơn trong di sản, truyền thống và văn hoá của nước ấy và họ chỉ muốn nhấn mạnh điều đó."[34] Và ông tiếp tục phát biểu, "Chúng tôi đang kể một câu chuyện gia đình và các mối quan hệ và bản thân điều đó đã rất phức tạp rồi. Sẽ có nhiều lần bạn hiểu về một điều gì đó không đúng với bản chất của chúng – Elsa phải trốn chạy vì cả cuộc đời nàng, vì con người thực sự của nàng, kể cả trốn khỏi em gái mình. Điều đó rõ ràng đã ảnh hưởng tới nàng và khiến nàng trở thành con người như thế, thành nhân vật như thế. May mắn thay, nếu bạn nhìn câu chuyện qua con mắt của Elsa thì bạn sẽ hiểu những gì nàng làm hoặc nếu bạn nhìn nó thông qua đôi mắt của Anna bạn sẽ hiểu được tại sao nàng lại làm những việc nàng đã làm đó, nhưng tất cả đều có những mối quan hệ rất phức tạp. Chúng tôi không nghĩ đó là một bộ phim Công chúa. Họ là những nàng công chúa nhưng chúng tôi không nghĩ theo cách đó, vì vậy tôi luôn thấy không thoải mái lắm khi mọi người nói về chuyện này. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi muốn các nhân vật của mình thật sự đáng tin và sẽ không đặt họ trên bất kỳ kệ đỡ nào. Phiên bản của chúng tôi phải cho người xem cảm nhận thật chân thực và có liên hệ tới những điều bạn có thể sẽ trải qua trong cuộc đời mình."[77]
Phát triển công nghệ
Hãng phim cũng phát triển một số công cụ mới để tái tạo hình ảnh chân thực và sống động, đặc biệt là cảnh tuyết dày và sự tác động qua lại giữa tuyết và các nhân vật. Disney muốn có một bộ công cụ hoàn thiện và có hệ thống để phát triển các hiệu ứng tuyết mà không cần chuyển đổi giữa các phương pháp khác nhau.[84] Như đã nói ở trên, một số họa sĩ và chuyên gia hiệu ứng hình ảnh của Disney đã tới Wyoming để trải nghiệm bước đi trong tuyết dày.[71] Tiến sĩ Kenneth Libbrecht, một giáo sư đến từ Viện Công nghệ California, được mời tới để hướng dẫn cho nhóm hiệu ứng cách băng và tuyết được hình thành, và tại sao mỗi bông tuyết đều là duy nhất và khác với tất cả những bông tuyết khác.[71] Với kiến thức này, nhóm hiệu ứng đã tạo ra một chương trình tái tạo bông tuyết có khả năng giúp họ tạo ngẫu nhiên 2000 hình dạng bông tuyết khác nhau để sử dụng trong bộ phim.[78]
Một thử thách khác mà hãng phim phải đối mặt là phải làm sao tái tạo được khung cảnh tuyết dày có khả năng tương tác một cách chân thực với các nhân vật và có độ "dính" sống động.[84] Theo kỹ sư phần mềm trưởng Andrew Selle, "[Tuyết] không thực sự là một chất lỏng. Mà nó cũng không hẳn là chất rắn. Nó có khả năng vỡ ra. Nó có thể ép thành những quả cầu tuyết. Tất cả những hiệu ứng này rất khó để hoạt họa một cách đồng thời."[71] Để đạt được điều này, các kỹ sư phần mềm đã sử dụng các kiến thức toán học cao cấp (phương pháp Material Point Method) và vật lý học, với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu toán học đến từ Đại học California, Los Angeles[85][86] để phát triển một phần mềm mô phỏng tuyết có tên là Matterhorn. Công cụ này có khả năng mô phỏng tuyết một cách chân thực trong một môi trường ảo và được sử dụng trong ít nhất 43 phân cảnh của phim, trong đó có cả một số phân cảnh quan trọng.[50][84][85][87] Kỹ sư phần mềm Alexey Stomakhin gọi tuyết là "một nhân vật quan trọng của phim,"[85] do đó nó thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim.[71] "Nếu bạn dùng tay đập tuyết ra, nó sẽ vỡ thành những mảng nhỏ. Bởi vì tuyết không có mối kết nối nào trong chúng, nên nó cũng không có mạng lưới và có thể vỡ ra dễ dàng. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng được chúng tôi khai thác," Selle nói. "Bạn thấy [Kristoff] bước qua tuyết và thấy vết chân của anh ta làm tuyết vỡ thành các mảnh nhỏ và bạn thấy khi [Anna] bị kéo ra khỏi tuyết, tuyết đang dính vào nhau bị vỡ ra. Mọi việc diễn ra một cách rất có hệ thống. Bạn không thấy tuyết riêng rẽ ngay từ đầu - bạn thấy nó giống như một thực thể thống nhất trước rồi sau đó mới vỡ ra."[84] Công cụ này cũng tỏ ra cực kỳ hữu dụng với các phân cảnh các nhân vật bước trong tuyết dày, bởi đó đảm bảo rằng tuyết phản ứng một cách tự nhiên trước mỗi bước đi của nhân vật.[71]
Các công cụ khác được thiết kế để hỗ trợ các họa sĩ thực hiện các hiệu ứng phức tạp bao gồm Spaces, cho phép các bộ phận trên người Olaf có thể di chuyển lung tung rồi ghép lại với nhau, Flourish, cho phép các hiệu ứng di chuyển phụ như lá cây và cành cây được điều khiển nghệ thuật; Snow Batcher, cho phép xem trước các cảnh có tuyết, nhất khi các nhân vật đang hoạt động trong một khu vực có tuyết hay bước trong tuyết, và Tonic, cho phép các họa sĩ thiết kế tóc của các nhân vật dưới dạng một khối có trình tự.[84]Tonic cũng hỗ trợ các họa sĩ trong việc hoạt họa các chi tiết lông vũ hay tóc ví dụ như tóc của Elsa, vốn là một tập hợp của 420.000 sợi tóc được hoạt họa bằng máy tính, so với con số trung bình 100.000 sợi trên đầu một người bình thường.[71] Số khung chuyển động cho các nhân vật trong phim Nữ hoàng băng giá là 312 và số bộ trang phục được mô phỏng cũng lên tới 245 bộ, nhiều hơn tất cả các bộ phim của Disney tính tới thời điểm đó.[18][78] Năm mươi họa sĩ hiệu ứng và họa sĩ ánh sáng cùng làm việc để phát triển công nghệ phục vụ việc tái tạo "một phân cảnh duy nhất" là cảnh Elsa xây lâu đài băng. Sự phức tạp của nó khiến các máy tính phải mất 30 giờ để kết xuất mỗi khung hình, và có tới 4.000 máy tính được sử dụng để kết xuất một khung hình cùng một lúc.[88][89]
Bên cạnh hiệu ứng 3D, các nhà làm phim cũng sử dụng các tranh vẽ 2D cho một số chi tiết và phân cảnh cụ thể trong phim, ví dụ như phép thuật của Elsa và bức tượng bằng băng, cũng như cảnh khu vịnh và sàn nhà đang đóng băng.[84][87] Nhóm hiệu ứng cũng tạo ra một "sân khấu quay phim", ở đó toàn bộ thế giới của Nữ hoàng băng giá xuất hiện trên các màn hình và được "quay" lại bằng các máy quay đặc biệt để tạo ra khung cảnh ba chiều. "Chúng tôi có thể sử dụng bối cảnh ảo này để bắt chước các hành động của mình và rồi đưa chúng vào bất kỳ cảnh phim nào chúng tôi muốn," nhà quản lý công nghệ Evan Goldberg nói.[78]
Cảm hứng từ khu vực Scandinavi và người Sámi
Một số địa điểm nổi tiếng ở Na Uy cũng được đưa vào trong phim, bao gồm Pháo đài Akershus ở Oslo, Nhà thờ chính tòa Nidaros ở Trondheim và Bryggen ở Bergen. Một số chi tiết là biểu tượng văn hoá đặc trưng của người Na Uy cũng xuất hiện trong phim, chẳng hạn như nhà thờ kiểu bậc thang,[90]quỷ lùn,[15]:6thuyền của người Viking, ngựa Fjord,[91] quần áo[71] và thức ăn ví dụ như món lutefisk (làm từ cá khô ngâm giấm).[15]:43[92] Có một cây nêu ngày 1 tháng 5 xuất hiện trong bộ phim, và kiểu chữ runes truyền thống có thể được nhìn thấy trong cuốn sách mà nhà vua đọc để tìm nơi ở của thạch yêu.[15]:6 Cuộc tranh luận muôn thuở của người Na Uy về cách xếp củi sao cho đúng[93] cũng được nhắc tới trong phim.[15]:59 Bộ phim ngoài ra còn có một số chi tiết lấy cảm hứng từ văn hoá Sámi như việc sử dụng tuần lộc để đi lại và các dụng cụ để điều khiển tuần lộc, phong cách trang phục (trang phục của những người thợ phá băng) và một số đoạn nhạc nền.[94][95] Các chi tiết trang trí trên các cây cột của toà lâu đài và xe trượt của Kristoff cũng lấy cảm hứng từ cách trang trí duodji của người Sámi. Khi làm việc tại Na Uy, nhóm sản xuất của Disney, để lấy cảm hứng, đã tới thăm Rørosrein, một công ty do gia đình người Sámi sở hữu ở làng Plassje chuyên sản xuất thịt tuần lộc và sắp xếp các sự kiện cho khách du lịch.[96] Vương quốc Arendelle lấy cảm hứng từ Nærøyfjord, một nhánh của vịnh Sognefjorden, vịnh dài nhất Na Uy và là Di sản thế giới của UNESCO;[97] trong khi một toà lâu đài ở Oslo với các hoạ tiết vẽ tay rất đẹp trên cả bốn bức tường là nguồn cảm hứng cho nội thất bên trong lâu đài hoàng gia.[98]
Chuyến đi tới Na Uy đã mang lại những hiểu biết cần thiết cho các nhà làm phim để tìm ra thẩm mỹ thiết kế cho bộ phim từ màu sắc, ánh sáng và không khí. Theo Giaimo, có ba nhân tố chính họ đã thu thập được từ chuyến khảo sát ở Na Uy: các vịnh hẹp, vốn là những cấu trúc đá khổng lồ dựng đứng và là nguồn cảm hứng cho vương quốc Arendelle hẻo lánh; các nhà thờ kiểu bậc thang, với những tấm mái và ván lợp hình tam giác thô kệch được dùng làm cảm hứng cho tổ hợp lâu đài; và nghệ thuật dân gian rosemaling, các ô vải màu đặc biệt và hoạ tiết ca-rô theo phong cách này là cảm hứng cho kiến trúc, trang trí và quần áo của các nhân vật trong phim.[77]
Các bài hát trong phim Nữ hoàng băng giá được viết và biên soạn bởi bộ đôi vợ chồng nhà sáng tác ca khúc Robert Lopez và Kristen Anderson-Lopez, cả hai trước đây đều đã từng cộng tác với Walt Disney Animation Studios trong phim Winnie the Pooh (cũng do Del Vecho sản xuất, chính ông là người sau đó đã mời họ tham gia Nữ hoàng băng giá[65]) và trước đó là với Disney Parks trong vở nhạc kịch Finding Nemo-The Musical (2007).[19][99][100] Khoảng 23 phút phim được dành cho các bài hát.[101] Do vợ chồng nhạc sĩ sống ở thành phố New York, việc cộng tác chặt chẽ với nhóm sản xuất ở Burbank đòi hỏi họ phải hội nghị video hai giờ đồng hồ gần như tất cả các ngày trong tuần trong suốt 14 tháng.[74][100][102][103] Với mỗi ca khúc viết được, họ lại thu một bản thu thử trong phòng thu tại gia của mình (có thể là cả hai hoặc một trong hai vợ chồng cùng hát và còn người chồng đệm đàn piano), rồi gửi email tới Burbank cho nhóm sản xuất nghe để nhận xét trong buổi hội nghị video tiếp theo.[104] Lopez và Anderson-Lopez hiểu rằng các ca khúc của họ sẽ bị đem ra so sánh với những tác phẩm kinh điển của Alan Menken và Howard Ashman từ Thời kỳ Phục hưng của Disney, bất cứ khi nào bế tắc, họ lại tự hỏi "Nếu là Ashman thì ông sẽ làm gì?"[105] Cuối cùng, họ đã viết tổng cộng 25 ca khúc cho phim, 8 trong số đó được sử dụng trong bản phim chính thức.[105] Một ca khúc ("For the First Time In Forever") có một bản reprise và ca khúc "Let It Go" được Demi Lovato hát lại trong phần chạy chữ cuối phim, nên tổng cộng phim có 10 bài hát. 7 trong số 17 bài hát không sử dụng trong phim được phát hành trong album nhạc phim mở rộng (deluxe edition). Hai bài hát "Let It Go" và "In the Summer" của Lopez và Anderson-Lopez đã được biểu diễn thử tại D23 Expo (Triển lãm D23) năm 2013, trong đó ca khúc "Let It Go" do Idina Menzel thể hiện.[106]
Vào tháng 2 năm 2013, Christophe Beck được mời biên soạn phần nhạc nền cho bộ phim, sau tác phẩm được đánh giá rất cao của ông trong phim Paperman, một phim hoạt hình ngắn của Disney được phát hành trước năm của Nữ hoàng băng giá.[107] Cùng thời điểm đó, Kristen Bell cũng xác nhận rằng sẽ có một bản song ca giữa cô và Menzel.[22] Có một thông tin khác cũng đã được tiết lộ vào ngày 14 tháng 9 năm 2013 rằng bài hát của nhạc sĩ người SámiFrode Fjellheim, Eatnemen Vuelie sẽ là ca khúc mở đầu của bộ phim, do nó có chứa nhiều chất liệu từ phong cách ca hát truyền thống Sámi joik[108][109] Các ca khúc của Lopez và Anderson-Lopez được chuyển soạn và phối lại cho dàn nhạc bởi Dave Metzger, ông cũng là người đảm nhiệm việc hoà phối phần lớn các bản nhạc nền của Beck.[110]
Dưới sự điều phối của kỹ sư âm thanh David Boucher, các diễn viên lồng tiếng chính bắt đầu thu âm các ca khúc của phim từ tháng 10 năm 2012 tại phong thu Sunset Sound ở Hollywoodtrước khi chúng được dàn nhạc hòa phối và biểu diễn, điều đó có nghĩa là các diễn viên chỉ được nghe phần đệm piano của Lopez qua tai nghe khi hát.[111] Phần lớn các đoạn hội thoại của phim được thu âm tại Tòa nhà hoạt hình Roy E. Disney ở Burbank dưới sự hướng dẫn của nhân viên hòa âm hội thoại Gabriel Guy, người cũng đồng thời đảm nhiệm việc hòa âm hiệu ứng âm thanh của phim.[112] Một số đoạn hội thoại được thu âm sau khi thu âm các ca khúc ở cả phòng thu Sunset Sound và Capitol Studios; với các cảnh có Anna và Elsa, cả hai phòng thu này đều có những phòng khép kín để Menzel và Bell có thể nhìn thấy nhau khi thu âm mà vẫn tránh được hiện tượng "tràn âm" giữa các track âm thanh của họ.[112] Một số đoạn hội thoại khác được thu âm ở cơ sở ADR tại khu nhà của Walt Disney Studios ở Burbank (nằm bên kia đường so với tòa nhà Roy E. Disney) và tại phòng thu ở New York của Soundtrack Group,[112] bởi một số diễn viên lúc bấy giờ sinh sống tại New York như Fontana.[113]
Các bản thu thử bài hát chỉ có tiếng đệm đàn piano của Lopez và Anderson-Lopez cùng với bản thu của các diễn viên được gửi tới cho Dave Metzger (người sinh sống và làm việc tại Salem, Oregon) để dàn dựng và phối cho dàn nhạc;[111][114] Metzger cũng là người dàn dựng phần lớn phần nhạc nền phim của Beck.[100]
Về phần nhạc nền phim với dàn nhạc, nhà soạn nhạc Christophe Beck sử dụng cách dàn dựng lấy cảm hứng từ đất nước Na Uy và vùng Sápmi, sử dụng các nhạc cụ địa phương như bukkehorn và các kỹ thuật hát truyền thống như kulning.[115] Các nhà sản xuất âm nhạc tuyển thêm một nhà ngôn ngữ học Na Uy tới để hỗ trợ viết lời cho một ca khúc Old Norse viết cho lễ đăng quang của Elsa, và cũng tới Na Uy để thu âm dàn đồng ca toàn bộ là nữ Cantus, để phục vụ cho một ca khúc lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống của Na Uy.[115] Beck cộng tác cùng với Lopez và Anderson-Lopez nhằm hợp nhất và chuyển các bài hát của họ thành các bản phối trong nhạc nền của bộ phim. Mục tiêu của bộ ba này là "để tạo ra một cuộc hành trình âm nhạc liền mạch cho người xem từ đầu đến cuối".[115] Tương tự, nghệ sĩ hoà âm của Beck, Casey Stone (đây cũng là người giám sát quá trình thu âm nhạc nền phim), làm việc với Boucher để chỉnh cách lắp đặt của từng micro sao cho phần chuyển từ bài hát sang nhạc nền được thông suốt nhất, kể cả khi chúng được thu âm vào các thời điểm khác nhau.[111] Phần hoà nhạc của dàn nhạc cuối cùng của cả các bài hát lẫn nhạc nền phim được thu âm tại Sân khấu Eastwood Scoring Stage[111][116] trong khu đất phòng thu của Warner Bros. ở Burbank với một dàn nhạc gồm 80 nhạc cụ và 32 ca sĩ, trong đó có ca sĩ người Na Uy Norwegian Christine Hals.[115] Boucher giám sát việc thu âm các ca khúc của Anderson-Lopez và Lopez từ 22 tháng 7 đến 24 tháng 7 năm 2013, sau đó Stone giám sát việc thu âm nhạc nền của Beck từ 3 đến 6 tháng 9 và 9 đến 10 tháng 9. Boucher hoà âm các ca khúc trên Sân khấu Eastwood, trong khi Stone hoà âm nhạc nền tại phòng thu riêng của Beck ở Santa Monica, California.[111]
Về phần âm thanh trong Nữ hoàng băng giá, đạo diễn Jennifer Lee từng nói rằng âm thanh có vai trò quan trọng trong việc làm cho bộ phim "gây được xúc động mạnh mẽ"; cô giải thích, "âm thanh của băng khi nó đang ở trạng thái nguy hiểm nhất phải khiến bạn rùng mình."[117] Sự im lặng hoàn toàn khi bộ phim ở cực điểm cao trào lúc Anna đóng băng để cứu Elsa là ý tưởng của Lasesster.[117] Trong cảnh đó, những âm thanh tự nhiên cũng bị cố ý loại bỏ để tạo cho người xem một cảm giác khác thường.[117] Lee giải thích "đó là lúc chúng tôi muốn mọi thứ dường như ngừng lại."[117]
Để thu được một số hiệu ứng âm thanh cụ thể của băng và tuyết, nhà thiết kế âm thanh Odin Benitez đã tới Núi Mammoth, California để thu âm tại một cái hồ bị đóng băng.[74] Tuy nhiên, phần tiếng động giả cho bộ phim được thu âm tại trường thu tiếng động giả của toà nhà công ty Warner Bros. bởi các nhân viên của Warner Bros.[112][116] Các nghệ sĩ tiếng động giả được cung cấp 50 pound (22,6 kg) băng đá mỗi ngày để giúp họ thu âm các âm thanh của băng và tuyết cho phim.[112] Bởi phần hình ảnh của phim được hoàn thành quá muộn, năm phiên bản khác nhau của tiếng bước chân trên tuyết đã được thu trước (tương ứng với năm loại tuyết khác nhau), sau đó khi hoà âm mới chọn lấy một bản phù hợp với hình ảnh cuối cùng của mỗi phân cảnh.[112] Một vấn đề khác là nhóm sản xuất đã "đặc biệt chú ý" tới âm thanh tiếng bước chân của Elsa trong lâu đài băng, các nghệ sĩ âm thanh đã phải thử nghiệm tới 8 lần, bằng cách cho các ly uống rượu vang và dao kim loại va vào băng; và cuối cùng họ đã trộn cả ba thứ âm thanh đó vào với nhau.[112]
Mặc dù phần hát của diễn viên, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh và hầu hết các đoạn đối thoại được thu âm ở nhiều nơi, nhưng phiên bản tái hoà phối sang định dạng Dolby Atmos được thực hiện trong khu nhà của Disney, do Casey E. Fluhr của bộ phận Disney Digital Studio Services đảm nhiệm.[112][116]
Lồng tiếng cho các ngôn ngữ khác
Tương tự các sản phẩm truyền thông trước đây của Disney thường được lồng tiếng cho từng ngôn ngữ khi phát hành ở các quốc gia không nói tiếng Anh thông qua bộ phận Disney Character Voices International, Nữ hoàng băng giá được dịch và lồng tiếng sang 41 ngôn ngữ (so với con số 15 của phim Vua sư tử).[118] Một thách thức lớn là phải tìm một giọng ca nữ soprano hợp với chất giọng ấm áp rộng ba quãng tám của Menzel tại các quốc gia bản địa.[118][119] Rick Dempsey, giám đốc điều hành trưởng của bộ phận, công nhận rằng quá trình dịch bộ phim là "cực kỳ thử thách"; và giải thích "Rất khó để biến đổi từ ngữ cho phù hợp với ngôn ngữ gốc mà vẫn giữ được ý nghĩa cơ bản của lời ca khúc, lại phải phù hợp với giai điệu của các bài hát. Và sau đó bạn phải quay lại và điều chỉnh cho khớp với hình ảnh! [Việc này]...đòi hỏi phải rất kiên nhẫn và chính xác."[120] Lopez giải thích rằng Disney yêu cầu họ có thể bỏ qua những mẹo chơi chữ được sử dụng trong lời bài hát, sao cho bộ phim được dịch một cách dễ hiểu nhất và lời bài hát phải có sức hút trên toàn cầu.[121] Về việc tuyển diễn viên cho các phiên bản ngôn ngữ khác, Disney yêu cầu phải sử dụng người bản địa để "bộ phim có cảm giác 'thân thuộc với khán giả từng vùng'."[120] Họ sử dụng giọng của Bell và Menzel làm "chuẩn mực" khi tuyển diễn viên và cố làm sao khớp giọng "càng nhiều càng tốt," nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ tính riêng nhân vật Elsa họ đã phải thử giọng hơn 200 người để tìm ra 41 người hợp nhất.[120] Riêng với khoảng 15 phiên bản ngôn ngữ, họ tuyển hai diễn viên riêng biệt đảm nhiệm phần hát và nói của Elsa, bởi không phải tất cả các ca sĩ đều có thể thể hiện tốt phần nói của nhân vật mình.[120] Sau khi tuyển toàn bộ các vai diễn cho 41 phiên bản ngôn ngữ, có tổng cộng hơn 900 diễn viên trên toàn thế giới đã được thử giọng, và sau đó đã có khoảng 1.300 buổi thu âm chính thức được tổ chức.[122]
Phát hành
Nữ hoàng băng giá được phát hành tại các rạp chiếu phim trên toàn nước Mỹ vào ngày 27 tháng 11 năm 2013, đi kèm với một phim hoạt hình ngắn thuộc series Chuột Mickey, Get a Horse![123] Lần ra mắt công chúng đầu tiên của phim là tại rạp El Capitan ở Hollywood, California vào ngày 19 tháng 11 năm 2013,[124] và được chiếu hạn chế trong năm ngày tại đó bắt đầu từ 22 tháng 11, trước khi được chính thức phát hành rộng rãi.[125][126]
Trước khi phim được phát hành, ca khúc "Let It Go" và "In Summer" của Anderson-Lopez và Lopez được biểu diễn tại hội chợ D23 Expo năm 2013 của Disney; trong đó có sự góp mặt của diễn viên lồng tiếng Idina Menzel.[127] Teaser trailer của phim được phát hành ngày 18 tháng 6 năm 2013,[128][129] tiếp đó là trailer chính thức được ra mắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2013.[130][131][132]
Ngày 31 tháng 1 năm 2014, một phiên bản "hát theo" của Nữ hoàng băng giá được phát hành tới 2.057 rạp chiếu phim trên toàn nước Mỹ. Phiên bản này có lời bài hát xuất hiện trên màn hình và các khán giả được mời hát theo các ca khúc trong phim.[138][139][140] Sau khi phim được chính thức phát hành tại Nhật Bản vào ngày 14 tháng 3 năm 2014, một phiên bản "hát theo" tương tự phiên bản ở Mỹ được phát hành tại một số rạp chỉ định của nước này vào ngày 26 tháng 4. Lời bài hát tiếng Nhật xuất hiện trên màn hình và các khán giả Nhật cũng được mời hát theo các ca khúc.[141]
Tại Việt Nam, bộ phim chính thức bắt đầu công chiếu từ ngày 13 tháng 12 năm 2013 với tên gọi Nữ hoàng băng giá dưới các định dạng 3D tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt, 3D lồng tiếng Việt và 2D Digital lồng tiếng Việt cùng chuẩn âm thanh Dolby Atmos tại một số rạp chỉ định.[VN 1] Bản lồng tiếng Việt của phim có sự tham gia của Dương Hoàng Yến trong vai Elsa, Võ Hạ Trâm trong vai Anna và Thái Hòa trong vai người tuyết Olaf. Viết Thanh (Trưởng nhóm nhạc Rock Unlimited) đảm nhiệm vai trò đạo diễn âm nhạc của bản tiếng Việt và cũng là người biên dịch các ca khúc gốc bằng tiếng Anh sang tiếng Việt.[VN 2][VN 3]
Phát hành băng đĩa
Nữ hoàng băng giá cho phép tải về kỹ thuật số từ ngày 25 tháng 2 năm 2014 trên các gian hàng Google Play, iTunes và Amazon.[142] Phim sau đó được Walt Disney Studios Home Entertainment phát hành trên đĩa Blu-ray và DVD vào ngày 18 tháng 3 năm 2014.[143] Các tính năng mở rộng trên đĩa Blu-ray bao gồm[144][145] "The Making of Frozen", một sản phẩm âm nhạc dài ba phút nói về quá trình sản xuất phim,[146] "D'frosted", cung cấp cho khán giả một cái nhìn về quá trình hãng Disney tìm cách chuyển thể câu chuyện cổ tích thành một bộ phim hoạt hình chiếu rạp, bốn cảnh đã bị cắt bỏ khỏi phim cùng lời giới thiệu của các đạo diễn, phim ngắn chiếu trước Nữ hoàng băng giá tại các rạp Get a Horse!, teaser trailer và video âm nhạc của ca khúc "Let It Go" (phiên bản cuối phim) của Demi Lovato, Martina Stoessel và Marsha Milan Londoh;[147][148] trong khi đĩa DVD chỉ có phim ngắn Get a Horse!, video âm nhạc "Let It Go" và teaser trailer của phim.[144]
Trong ngày đầu phát hành trên đĩa Blu-ray và DVD, Nữ hoàng băng giá bán được 3,2 triệu bản, trở thành một trong những đĩa phim bán chạy nhất trong thập niên vừa qua, cũng như đĩa phim trẻ em bán chạy nhất mọi thời đại trên gian hàng của Amazon.[149] Phiên bản tải về kỹ thuật số của phim cũng lập kỷ lục phim có lượng tải về nhanh nhất mọi thời đại.[150][151] Trong tuần đầu tiên phát hành Nữ hoàng băng giá đứng vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng đĩa phim bán ra của Hoa Kỳ, tổng số đĩa bán được của riêng Nữ hoàng băng giá đã nhiều gấp 3 lần tổng lượng đĩa bán ra của 19 phim còn lại trên bảng xếp hạng, theo tổng hợp của bảng xếp hạng doanh số Nielsen.[152] Trong tuần đầu tiên phim bán được 3.969.270 đĩa Blu-ray (tương đương doanh thu 79.266.322 USD),[153] chiếm hơn 50% doanh số bán tất cả các loại đĩa của phim.[152] Tính đến ngày 4 tháng 5 năm 2014, phim đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh số đĩa phim Hoa Kỳ trong sáu tuần không liên tiếp trên bảy tuần phát hành.[154] Ở Vương quốc Anh, Nữ hoàng băng giá cũng đứng đầu về doanh số đĩa Blu-ray và DVD trên bảng xếp hạng Official Video Chart trong tuần đầu bán ra.[155] Theo Công ty Official Charts, trên 500.000 bản đã được bán ra trong hai ngày đầu phát hành (31 tháng 3 – 1 tháng 4 năm 2014).[156] Trong ba tuần đầu phát hành ở Vương quốc Anh, Nữ hoàng băng giá bán được hơn 1,45 triệu bản, trở thành phim bán chạy nhất năm 2014 ở quốc gia này tính tới thời điểm đó.[157]Nữ hoàng băng giá đã bán được 2.025.000 set combo đĩa Blu-ray/DVD ở Nhật Bản trong 4 tuần, trở thành đĩa phim bán được 2 triệu bản trong thời gian ngắn nhất tại quốc gia này, vượt qua kỷ lục trước đó của phim Spirited Away (11 tuần). Nữ hoàng băng giá cũng giữ kỷ lục phim có doanh số bán cao nhất ở Nhật Bản trong ngày đầu và tuần đầu mở bán chính thức.[158]
Ngày 12 tháng 8 năm 2014, hãng phim công bố sẽ phát hành phiên bản hát theo của Nữ hoàng băng giá trên đĩa DVD và một phiên bản kỹ thuật số. Các sản phẩm này chính thức ra mắt vào ngày 18 tháng 11 năm 2014.[159][160][161][162] Các đơn đặt hàng sớm trên Disney Store bắt đầu từ ngày 8 tháng 8.[163][164]
Trò chơi điện tử
Một trò chơi điện tử có tên gọi Frozen: Olaf's Quest được phát hành ngày 19 tháng 11 năm 2013 cho các dòng máy Nintendo DS và Nintendo 3DS.[165] Được phát triển bởi 1st Playable Productions và phát hành bởi GameMill Entertainment,[166] trò chơi này lấy bối cảnh là các sự kiện diễn ra sau bộ phim. Trong trò chơi, Olaf phải dùng các khả năng đặc biệt của người tuyết để cố gắng không để cơ thể mình bị đứt thành các phần riêng biệt qua 60 bàn khác nhau.[165] Anna và Elsa được phát hành dưới dạng các nhân vật trong gói đồ chơi Nữ hoàng băng giá cho trò chơi điện tử Disney Infinity vào ngày 26 tháng 11 năm 2013,[167][168] và cả hai bắt đầu được bán lẻ từ 11 tháng 3 năm 2014.[169][170] Bên cạnh đó, Disney Mobile phát hành một trò chơi kiểu "kim cương" có tên gọi Frozen: Free Fall cho các nền tảng iOS, Android và Windows Phone. Trò chơi lấy bối cảnh ở vương quốc Arendelle và theo sát các chi tiết trong phim, trong đó người chơi có thể cùng Anna, Elsa, Kristoff, Hans, Olaf, Pabbi và Sven ghép ba ô có hình giống nhau thành một hàng dọc hoặc hàng ngang với sự hỗ trợ của các vật phẩm đặc biệt của từng nhân vật.[171][172] Người dùng cũng có thể chơi sáu trò chơi mini trên trang chủ của Disney.[173] Sony cũng phát hành một phiên bản máy Playstation 4 với chủ đề của phim Nữ hoàng băng giá với số lượng hạn chế ở Nhật Bản vào thời điểm băng đĩa phim này được mở bán tại thị trường Nhật.[174] Bản cover "Let It Go" của Demi Lovato xuất hiện dưới dạng một ca khúc chơi được trong trò chơi Fantasia: Music Evolved.[175][176]
Kiện tụng vi phạm bản quyền
Cuối tháng 12 năm 2013, Công ty Walt Disney đâm đơn kiện lên toà án liên bang ở California đòi phán quyết của toà cấm phát hành bộ phim của Pháp The Legend of Sarila do 10th Ave Productions và CarpeDiem Film & TV sản xuất và Phase 4 Films phát hành, do phim này đã bị đổi tên thành Frozen Land.[177] Disney lập luận rằng chưa đến ba tuần trước khi Nữ hoàng băng giá được công chiếu, Phase 4 phát hành The Legend of Sarila tại các rạp, tuy nhiên chỉ có được "doanh thu phòng vé hạn chế và không có tiếng vang đáng kể"; và để lợi dụng thành công của bộ phim hoạt hình mới của Disney, Phase 4 đã "thiết kế lại logo, bìa hộp và các tài liệu quảng cáo cho bộ phim mới đổi tên (một cách cố tình khiến khán giả hiểu nhầm), bắt chước các sản phẩm được [Disney] sử dụng cho Nữ hoàng băng giá và các hàng hoá có liên quan".[178] Mặc dù tựa đề phim không để đăng ký quyền thương hiệu theo luật định, Disney đã dẫn ra một số điểm tương đồng giữa logo Frozen mới của Phase 4 và logo gốc của Disney.[179][180] Đến cuối tháng 1 năm 2014, hai công ty đã dàn xếp được vụ việc; theo đó việc phát hành và quảng cáo The Legend of Sarila cùng các sản phẩm liên quan phải dùng theo tên gốc và Phase 4 không được dùng các dấu hiệu, logo hay các thiết kế khác giống bộ phim hoạt hình của Disney dễ gây nhầm lẫn.[180][181][182] Phase 4 cũng phải bồi thường 100.000 USD cho Disney trước 27 tháng 1 năm 2014 và "tiến hành mọi nỗ lực có thể" để loại bỏ những gì liên quan đến Frozen Land khỏi các cửa hàng và các kênh phân phối trực tuyến trước ngày 3 tháng 3 năm 2014.[180][181]
Đón nhận
Doanh thu phòng vé
Nữ hoàng băng giá đã thu về 400,7 triệu USD doanh thu ở thị trường Bắc Mỹ và khoảng 880 triệu USD ở các quốc gia khác, tổng doanh thu trên toàn cầu đạt 1,280 tỷ USD.[4] Đây là phim có doanh thu cao thứ năm mọi thời đại,[183]phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại,[184][185]phim có doanh thu cao nhất năm 2013,[186] phim có doanh thu cao nhất trong số các phim của Walt Disney Pictures và là phim có doanh thu cao thứ hai trong số các phim do Disney phát hành.[187] Phim thu về 110,6 triệu USD doanh thu toàn cầu trong dịp cuối tuần đầu tiên khởi chiếu.[188] Vào ngày 2 tháng 3 năm 2014, ngày phát hành thứ 101 của mình, Nữ hoàng băng giá vượt qua mốc doanh thu 1 tỷ USD, trở thành phim thứ mười tám trong lịch sử điện ảnh, phim thứ bảy do Disney phát hành, phim không phải là phần tiếp theo thứ năm,[189] phim thứ hai do Disney phát hành năm 2013 (sau Người Sắt 3) và phim hoạt hình đầu tiên kể từ Câu chuyện đồ chơi 3 đạt được thành tích này.[190]
Tạp chí Bloomberg Businessweek cho biết vào tháng 3 năm 2014 rằng các nhà phân tích bên ngoài cho biết tổng chi phí của phim dao động từ 323 đến 350 triệu USD cho việc sản xuất, quảng cáo và phát hành, dự đoán phim sẽ thu về 1,3 tỷ USD lợi nhuận từ doanh thu phòng vé, tải về kỹ thuật số, bán đĩa và bản quyền truyền hình.[191]
Bắc Mỹ
Nữ hoàng băng giá trở thành bộ phim hoạt hình phát hành gốc được đặt trước vé nhiều nhất trong lịch sử của dịch vụ đặt vé xem phim Fandango, vượt qua bộ phim đang giữ kỷ lục này trước đó là Công chúa tóc xù.[192] Phim khởi chiếu vào thứ sáu ngày 22 tháng 11 năm 2013 và có năm ngày phát hành hạn chế riêng tại rạp El Capitan ở Hollywood, thu về 342.839 USD trong thời gian này, trước khi phát hành rộng rãi vào thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2013.[193] Trong ba ngày cuối tuần đầu tiên này phim thu về 243.390 USD, trở thành bộ phim có doanh thu trung bình mỗi rạp cao thứ bảy trong lịch sử.[194] Vào ngày phát hành rộng rãi đầu tiên, bộ phim thu về 15,2 triệu USD[195] (bao gồm 800.000 USD doanh thu chiếu sớm ngày thứ Ba trước đó)[196] và xác lập kỷ lục bộ phim có doanh thu ngày phát hành đầu tiên vào thứ Tư trước lễ Tạ ơn cao nhất từ trước tới nay, vượt trên Nàng công chúa tóc mây (11,9 triệu USD).[197] Nếu tính trong tất cả các phim (không chỉ các phim có ngày phát hành đầu tiên trùng đúng ngày thứ tư này) thì Nữ hoàng băng giá cũng là bộ phim có doanh thu trong ngày thứ Tư trước lễ Tạ ơn cao thứ hai trong lịch sử, sau Bắt lửa (20,8 triệu USD). Trong ba ngày cuối tuần truyền thống (từ thứ sáu đến chủ nhật) này, bộ phim giành vị trí thứ hai với doanh thu 67,4 triệu USD, lập kỷ lục mới về doanh thu dịp cuối tuần đầu tiên trong số các phim của Walt Disney Animation Studios.[198] Nếu xét trong số các phim không giành vị trí thứ nhất trong dịp cuối tuần phát hành đầu tiên, thì Nữ hoàng băng giá cũng là bộ phim có doanh thu dịp cuối tuần mở đầu cao thứ hai trong lịch sử (sau The Day After Tomorrow).[199][200] Trong số các phim phát hành dịp lễ Tạ ơn, phim cũng lập vài kỷ lục mới; doanh thu ba ngày (67,4 triệu USD từ thứ sáu đến chủ nhật)[201] và doanh thu năm ngày (93,6 triệu USD từ thứ tư đến chủ nhật).[202] Lần nữa, nếu không tính riêng các phim phát hành đúng vào dịp này, thì Nữ hoàng băng giá cũng là bộ phim có doanh thu ba ngày[203] và năm ngày[204] lễ Tạ ơn cao thứ hai trong tất cả các phim từ trước đến nay, vẫn sau Bắt lửa;[205]
Trong dịp cuối tuần thứ hai phát hành, doanh thu tuần của Nữ hoàng băng giá giảm 53%, xuống còn 31,6 triệu USD, nhưng lần này lại vượt qua Bắt lửa lên đứng vị trí số một, lập kỷ lục mới cho bộ phim có doanh thu dịp cuối tuần sau lễ Tạ ơn cao nhất mọi thời đại, vượt trên Câu chuyện đồ chơi 2 (27,8 triệu USD).[206] Đây cũng là bộ phim có doanh thu dịp cuối tuần thứ năm phát hành cao thứ ba trong lịch sử với 28,6 triệu USD, sau Avatar (42,8 triệu USD) và Titanic (30 triệu USD).[207]Nữ hoàng băng giá cũng là bộ phim đầu tiên kể từ Avatar vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu vào tuần thứ sáu phát hành.[208] Phim nằm trong top 10 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ trong mười sáu tuần liên tiếp[209][210] (quãng thời gian dài nhất của một bộ phim điện ảnh kể từ năm 2002[185]) và có doanh thu cao từ tuần thứ năm[211] đến tuần thứ mười hai phát hành khi so với doanh thu các tuần tương ứng của những bộ phim khác.[212] Ngày 25 tháng 4 năm 2014, Nữ hoàng băng giá trở thành bộ phim thứ mười chín vượt qua mốc doanh thu 400 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ và là phim thứ mười lăm cán mốc này mà không tính các lần phát hành lại.[213]
Ở Bắc Mỹ, Nữ hoàng băng giá là phim có doanh thu cao thứ mười chín mọi thời đại,[214] phim có doanh thu cao thứ ba của năm 2013,[215] phim hoạt hình có doanh thu cao thứ tư mọi thời đại,[216] phim hoạt hình có doanh thu cao nhất năm 2013, phim 3-D có doanh thu cao thứ năm mọi thời đại,[217] và phim có doanh thu cao thứ hai của Walt Disney Animation Studios.[218] Không tính các lần phát hành lại, đây là bộ phim có doanh thu lần phát hành đầu tiên cao nhất trong số các phim hoạt hình không có phần tiếp theo (kỷ lục này trước đây do phim Đi tìm Nemo giữ)[219][220] và trong số các phim hoạt hình của Walt Disney Animation Studios (kỷ lục này trước đây do Vua sư tử giữ).[221]
Ngoài Bắc Mỹ
Tại thị trường ngoài Bắc Mỹ, Nữ hoàng băng giá là phim có doanh thu cao thứ năm mọi thời đại,[222] phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại,[222][223] và phim có doanh thu cao nhất năm 2013.[224] Đây là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất tại Hàn Quốc, Đan Mạch và Venezuela.[225][226][227] Đây cũng là phim có doanh thu cao nhất của Walt Disney Animation Studios tại hơn 45 vùng lãnh thổ,[220] trong đó có khu vực Mỹ La-tinh (đặc biệt là ở Mexico và Brazil), Vương quốc Anh, Ireland và Malta, Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Ukraine, Na Uy, Malaysia, Singapore, Úc và Trung Quốc.[228][229][230][231]
Nữ hoàng băng giá cũng ra mắt cùng dịp cuối tuần so với thời điểm phát hành rộng ở Bắc Mỹ và thu về 16,7 triệu USD từ mười sáu thị trường ngoài Bắc Mỹ.[200] Phim đứng đầu doanh thu phòng vé ngoài Bắc Mỹ trong hai tuần của năm 2014; 10–12 tháng 1 (27,8 triệu USD)[232] và 7–9 tháng 2 (24 triệu USD).[233] Tính chung, nơi có doanh thu dịp cuối tuần khởi chiếu cao nhất của phim là Trung Quốc (năm ngày thu về 14,3 triệu USD),[234] Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS (11,9 triệu USD, tính cả các buổi chiếu thử vào dịp cuối tuần trước đó), tại đây phim xác lập kỷ lục mới về doanh thu dịp cuối tuần đầu tiên trong số các phim hoạt hình Disney (vượt qua Nàng công chúa tóc mây),[235] và Nhật Bản (ba ngày khởi chiếu đạt 9,73 triệu USD).[236][237] Phim lập kỷ lục phim hoạt hình có doanh thu dịp cuối tuần mở đầu cao nhất tại Thuỵ Điển.[238] Tính chung tổng doanh thu, các thị trường lớn nhất của Nữ hoàng băng giá ngoài nước Mỹ là Nhật Bản (247,6 triệu USD), tiếp theo đó là Hàn Quốc (76,6 triệu USD) và Vương quốc Anh, Ireland và Malta (65,7 triệu USD).[239][240] Ở Hàn Quốc, Nữ hoàng băng giá là phim nước ngoài có doanh thu và số người xem cao thứ hai trong lịch sử,[241] phim Disney có doanh thu cao nhất[185] và là phim hoạt hình đầu tiên có trên mười triệu khán giả tới rạp.[242] Ở Nhật Bản, đây là phim có doanh thu cao thứ ba mọi thời đại, phim nhập khẩu có doanh thu cao thứ hai (sau Titanic) và phim Disney có doanh thu cao nhất.[243]Nữ hoàng băng giá đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé của quốc gia này trong mười sáu tuần liên tiếp[239] cho tới khi bị thay thế bởi một phim Disney khác là Tiên Hắc Ám.[244]
Phân tích doanh thu
Ray Subers, viết cho trang Box Office Mojo, so sánh bộ phim với tác phẩm hoạt hình chiếu rạp Công chúa tóc mây năm 2010 của Disney, rằng cốt truyện của phim này không "lôi cuốn ngay lập tức" như Công chúa tóc mây và chiến dịch quảng cáo cũng hướng tới cả hai giới: các em gái và các em trai.[245] Ngoài việc để ý rằng mùa phim Lễ Tạ ơn và Giáng sinh năm 2013 thiếu đi các tác phẩm dành riêng cho đối tượng khán giả gia đình, Subers dự đoán rằng bộ phim sẽ "có doanh thu tốt qua Giáng sinh" và thu về 185 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ (tương tự như Ralph đập phá).[245]Boxoffice.com nhắc tới chuỗi các phim hoạt hình liên tục gặt hái thành công trong mùa nghỉ lễ trước đây của Disney (Công chúa tóc mây và Ralph đập phá), nhưng cho rằng dàn diễn viên có thể không lôi cuốn được khán giả vì không có những ngôi sao.[246] Họ dự đoán rằng doanh thu phim tại Bắc Mỹ có thể đạt 170 triệu USD.[246] Chris Agar của trang ScreenRant cũng có ý kiến tương tự; ông dẫn ra một loạt các thành công gần đây của hãng phim, và cho rằng Nữ hoàng băng giá sẽ lấp đầy chỗ trống của một tác phẩm phim dành cho trẻ em trên thị trường, nhưng không cho rằng nó sẽ vượt qua Bắt lửa.[247]
Clayton Dillard của Tạp chí Slant bình luận rằng mặc dù trailer phim không hấp dẫn lắm nhưng các đánh giá tích cực về chuyên môn có thể thu hút sự chú ý từ cả "đối tượng khán giả chủ chốt" lẫn các khán giả người lớn, và do đó ông tin rằng Nữ hoàng băng giá có thể vượt qua kỷ lục doanh thu ba ngày đầu khởi chiếu dịp Lễ Tạ ơn của Công chúa tóc mây.[248] Sau khi Nữ hoàng băng giá kết thúc dịp cuối tuần đầu tiên khởi chiếu với doanh thu kỷ lục 93,6 triệu USD dịp Lễ Tạ ơn, hầu hết các nhà quan sát doanh thu cho rằng phim sẽ thu về tổng cộng 250 đến 300 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ.[249]Breitbart.com cho rằng với "những lời truyền miệng nhau" và "có nguồn khán giả gia đình dồi dào", Nữ hoàng băng giá sẽ "dễ dàng vượt qua mốc 130 triệu USD" doanh thu ở Bắc Mỹ.[250] Lúc này, Box Office Mojo dự đoán lại rằng phim sẽ thu về 250 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ.[200]Box Office Mojo lưu ý rằng đây sẽ là "lựa chọn duy nhất cho khán giả gia đình" vào thời điểm này và cho rằng phim có được thành công như vậy là nhờ những lời truyền tai nhau tích cực của khán giả và chiến dịch quảng cáo tốt của hãng phim, bằng cách nhấn mạnh sự liên kết giữa Nữ hoàng băng giá và các tác phẩm thành công trước của Disney là Công chúa tóc mây và Ralph đập phá, cũng như các yếu tố hài hước.[200] Trong một buổi phỏng vấn đầu tháng 12 năm 2013, giám đốc bộ phận phát hành của Disney Dave Hollis đã ca ngợi những nỗ lực của các nhà làm phim và đội ngũ quảng cáo của hãng: "Với một công ty mà nền tảng được gây dựng từ hoạt hình, một doanh thu khởi đầu như vậy thật quá tuyệt vời."[251] Ông còn bình luận thêm rằng khán giả sẽ "nhận được một thông điệp rất gần gũi" và rằng Nữ hoàng băng giá hướng tới mọi đối tượng khán giả chứ không riêng một nhóm người xem nào.[251]
Khi Nữ hoàng băng giá trở thành một thành công về mặt doanh thu, cây bút Bilge Ebiri của Vulture phân tích tám yếu tố làm nên thành công của bộ phim. Ông cho rằng Nữ hoàng băng giá đã nắm bắt được tinh thần của những bộ phim Disney cổ điển trong thời kỳ phục hưng của hãng cũng như các tác phẩm kinh điển như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn và Cô bé Lọ Lem.[249] Ông cũng lưu ý rằng bộ phim có Olaf, một nhân vật "cộng sự" "dí dỏm, không mấy liên quan" với sự hài hước vốn là "yêu cầu bắt buộc với phim hoạt hình thiếu nhi hiện đại" và các ca khúc dễ nghe, dễ nhớ.[249] Hơn nữa, Ebiri còn cho rằng Nữ hoàng băng giá mang lại sự khác lạ khi không "có nhân vật phản diện điển hình"; Elsa, người tưởng chừng sẽ là nhân vật phản diện thì lại không phải thế, mà "là một cô gái đang gặp phiền muộn." Cô là người "[tạo ra] phần lớn các thử thách mà nhân vật anh hùng tiêu biểu của phim, Công chúa Anna, phải đối mặt."[249] Câu chuyện về hai chị em phải lớn lên trong cảnh xa lánh nhau trùng hợp với chuyện đời của nhiều khán giả có anh chị em, và cuộc chiến của Elsa để vượt qua sự xấu hổ và nỗi sợ hãi về sức mạnh của mình cũng gần gũi với rất nhiều người.[249] Cuối cùng, ông chỉ ra một số yếu tố mà ông tin sẽ thu hút được các khán giả nữ: hai nhân vật nữ chính mạnh mẽ; một nút thắt trong các chi tiết lãng mạn, khi nhân vật "Hoàng tử đẹp trai" truyền thống — Hans — hóa ra lại là một nhân vật phản diện chỉ biết lợi dụng; và "nghĩa cử của tình yêu đích thực" đã cứu thoát Anna chính là sự hy sinh của cô vì chị gái mình, Elsa.[249]
Scott Davis (viết cho tạp chí Forbes) cho rằng thành công thương mại của phim đến từ chiến dịch quảng cáo hướng tới cả hai đối tượng khán giả nam và nữ cũng như thành công thương mại của các ca khúc trong phim.[252]
Thành công thương mại của Nữ hoàng băng giá ở Nhật Bản được coi là một "hiện tượng"[39] đã được nhiều cơ quan truyền thông ghi nhận. Phát hành tại thị trường này với tên gọi Anna và Nữ chúa Tuyết,[253][254] doanh thu ba tuần đầu của phim liên tục tăng và chỉ bắt đầu hạ vào tuần thứ tư; trong khi hầu hết các phim khác thường đạt doanh thu cao nhất vào tuần đầu tiên và giảm dần vào các tuần kế tiếp.[255] Tính đến 16 tháng 4, đã có hơn 7 triệu lượt khán giả tới xem Nữ hoàng băng giá ở Nhật Bản,[253] và con số này đạt 18,7 triệu lượt tính tới 23 tháng 6.[256] Nhiều khán giả được cho là đã xem cả bản gốc lẫn bản lồng tiếng Nhật.[254]Japan Today cũng viết rằng phiên bản lồng tiếng địa phương nhận được sự "quan tâm đặc biệt" tại quốc gia này.[253] Gavin J. Blair của tờ The Hollywood Reporter bình luận về doanh thu của bộ phim tại Nhật Bản: "Kể cả khi chứng kiến bộ phim thu về 9,6 triệu USD (986,4 triệu yen) doanh thu trong ba ngày đầu tiên khởi chiếu, mức kỷ lục của phim hoạt hình Disney tại Nhật Bản, ít ai có thể dự đoán con số doanh thu cuối cùng của Nữ hoàng băng giá tại đất nước này."[256] Dave Hollis, giám đốc bộ phận phát hành của Disney, nói trong một buổi phỏng vấn rằng "Rõ ràng là những thông điệp và cảm xúc mà Nữ hoàng băng giá đem lại đã vượt qua các giới hạn lãnh thổ và khoảng cách địa lý, nhưng những gì đang diễn ra ở Nhật Bản thực sự ngoài sức tưởng tượng."[257][258]
"Thành công của Nữ hoàng băng giá ở Nhật Bản không phải đến từ việc khán giả ở đây yêu thích các phim Mỹ nói chung" (theo báo International Business Times),[259] mà nhờ vào một số nhân tố khác, theo Akira Lippit của báo USC School of Cinematic Arts: bên cạnh việc phim hoạt hình "được quan tâm đặc biệt ở Nhật Bản, và thương hiệu Disney cùng với tất cả di sản của nó vô cùng đáng trân trọng", "lý do lớn nhất là đối tượng khán giả chủ yếu... các cô gái tuổi teen từ 13 đến 17 tuổi."[257] Ông giải thích thêm rằng khán giả ở lứa tuổi này có vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa đại chúng ở Nhật Bản và "Nữ hoàng băng giá có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn họ; cốt truyện nói về một cô gái trẻ có sức mạnh thần kỳ đã tìm ra điều tốt đẹp trong chính bản thân mình."[257] Ông so sánh tình hình hiện tại cũng giống như hiện tượng xảy ra với bộ phim Titanic năm 1997, "khi hàng triệu cô gái trẻ ở Nhật Bản đã tới xem Leonardo DiCaprio tới mấy lần," và cho rằng điều tương tự cũng đang xảy ra với Nữ hoàng băng giá.[257] Một lý do khác góp phần vào thành công của bộ phim là việc Disney đã cẩn thận lựa chọn các diễn viên lồng tiếng "chất lượng cao"[259] cho phiên bản lồng tiếng Nhật, bởi nhạc pop ở Nhật Bản có vai trò quan trọng đặc biệt là với các khán giả tuổi teen.[257] Orika Hiromura, trưởng dự án quảng cáo của Disney với phim Nữ hoàng băng giá ở Nhật Bản trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal: "Chúng tôi thực sự bỏ công sức để tìm ra các diễn viên lồng tiếng không chỉ thể hiện tốt lời thoại mà còn phải hát tốt nữa. Và chúng tôi đã tìm được những ứng cử viên phù hợp cho vị trí này, Takako Matsu và Sayaka Kanda, họ đã mang một sức sống mới cho cách kể chuyện."[141]
Khi được hỏi về thành công thương mại của Nữ hoàng băng giá, đạo diễn Chris Buck nói: "Chúng tôi chưa bao giờ mong đợi điều gì như vậy. Chúng tôi chỉ mong làm được bộ phim hay tương tự như Công chúa tóc mây. Tôi hy vọng khán giả sẽ yêu thích bộ phim, nhưng tôi không thể đoán trước được điều này."[39] Ông dẫn ra một số lý do khiến bộ phim được yêu thích như vậy: "Có những nhân vật mà khán giả có thể liên hệ bản thân với chính họ; các ca khúc rất hay và dễ nhớ. Chúng tôi cũng có những nhân vật không hoàn hảo, Jen[nifer Lee] và tôi rất thích điều này – chúng tôi đã tạo ra hai nàng công chúa không hoàn hảo."[39] Ông cũng nói rằng những gì mọi người liên tưởng từ bộ phim khiến ông rất ngạc nhiên."[39] Khi Nữ hoàng băng giá chuẩn bị tiến tới kỷ niệm một năm công chiếu, Menzel nói về sức hấp dẫn vẫn còn đang tiếp tục của bộ phim trong một buổi phỏng vấn vào tháng 10 năm 2014: "Thật là một điều tuyệt vời. Thường thì khi bạn làm một dự án nó sẽ chỉ tồn tại vào thời điểm đó. Nhưng với phim này, hình như mọi thứ cứ kéo dài mãi."[260]
Đánh giá chuyên môn
Nữ hoàng băng giá nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ hầu như tất cả các nhà phê bình,[8] một số người còn so sánh bộ phim theo chiều hướng rất tích cực với các tác phẩm từ Thời kì Phục hưng của Disney, đặc biệt là Nàng tiên cá, Người đẹp và quái thú và Vua sư tử.[26][261][262][263] Một số nhà báo còn cho rằng thành công của phim đánh dấu một thời kỳ phục hưng thứ hai của Disney.[264][265] Bộ phim được ca ngợi về phần hình ảnh, thông điệp, bài hát và lồng tiếng, đặc biệt là phần thể hiện của Kristen Bell, Idina Menzel và Josh Gad.[266] Một số lời khen ngợi đặc biệt được dành cho phân cảnh ca khúc "Let It Go", phân cảnh này cũng nhận được hầu hết đánh giá tích cực.[267] Trang tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes thống kê rằng có 90% các nhà phê bình cho bộ phim nhận xét tích cực từ 241 bài đánh giá, với điểm số trung bình là 7,8/10, đưa bộ phim trở thành phim gia đình được đánh giá cao nhất năm 2013. Lời nhận xét chung của trang này viết: "Hoạt hình đẹp, cốt truyện viết hay, và đầy những ca khúc hát tập thể, Nữ hoàng băng giá đã thêm một tác phẩm đáng giá vào tuyển tập của Disney."[268]Metacritic, trang chuyên cho đánh giá trung bình trên thang điểm 100 dựa trên các bài phê bình của những nhà bình luận chính thống, cho bộ phim 74 điểm dựa trên 43 bài phê bình, với nhận xét chung "chủ yếu là đánh giá tích cực."[269]CinemaScore cho Nữ hoàng băng giá điểm "A+" hiếm có trên thang đánh giá từ A+ đến F, dựa trên các cuộc thăm dò thực hiện vào dịp cuối tuần đầu tiên phát hành.[251][270] Các cuộc thăm dò do Fandango thực hiện trên 1.000 khán giả mua vé cho thấy 75% số người mua đã xem bộ phim ít nhất một lần và 52% đã xem phim này hai lần. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng 55% số khán giả thích ca khúc "Let It Go", tỉ lệ này ở các ca khúc "Do You Want to Build a Snowman?" và "For the First Time in Forever" lần lượt là 21% và 9%.[140]Nữ hoàng băng giá đứng thứ bảy trong số các phim hay nhất năm 2013 theo nhận xét của Richard Corliss của tạp chí Time[271] và Kyle Smith của tờ The New York Post.[272]
Alonso Duralde của tờ The Wrap ca ngợi bộ phim là "phim hoạt hình nhạc kịch hay nhất của Disney sau sự ra đi của nhà viết lời bài hát Howard Ashman, mà các tác phẩm của ông trong Nàng tiên cá và Người đẹp và quái thú đã góp phần xây dựng bộ phận hoạt hình hiện đại của hãng được như ngày hôm nay." Ông cũng nói thêm rằng "tuy hơi chậm một chút trong phân đoạn đi đến kết thúc, nhưng kịch bản phim...thật sự đã truyền tải nhiều ý nghĩa; nó tạo cơ hội để các nhân vật trở nên đáng chú ý hơn, cùng với những nút thắt khéo léo và những bất ngờ suốt chiều dài tác phẩm."[26]Todd McCarthy của tờ The Hollywood Reporter coi Nữ hoàng băng giá là một bộ phim nhạc kịch thực sự và viết rằng "Bạn hầu như có thể thấy ngay rằng vở nhạc kịch BroadwayNữ hoàng băng giá chắc chắn sẽ xuất hiện khi xem câu chuyện công chúa trên hoạt hình 3D này." McCarthy miêu tả bộ phim là "mạnh mẽ, hài hước, không quá ngọt ngào, và cũng là bộ phim Hollywood đầu tiên trong nhiều năm cảnh báo chúng ta về sự lạnh đi thay vì ấm lên toàn cầu; giai điệu du dương ấy đã giải toả một năm có thể coi là mờ nhạt với một hãng phim hoạt hình lớn và, bắt đầu với doanh thu tuần đầu tiên dịp lễ Tạ ơn như vậy, bộ phim sẽ giành được doanh thu kỳ vọng mà hãng mong đợi sẽ là một bom tấn trong dịp lễ hội này."[273]Kyle Smith của tờ New York Post cho bộ phim 3,5 trên 4 sao và ca ngợi đây là "một tác phẩm lớn phủ tuyết sẽ làm hài lòng khán giả với cốt truyện hấp dẫn đầy cảm xúc, các ca khúc phong cách Broadway xuất sắc và nhiều tình tiết bất ngờ. Hai đoạn đầu và cuối phim có vẻ hay hơn phần giữa hài hước, nhưng đây là một trường hợp hiếm hoi cho thấy Walt Disney Animation Studios đang nỗ lực để đạt tới chiều sâu của một bộ phim Pixar."[274] Scott Mendelson của báo Forbes tỏ ra hăng hái; "Nữ hoàng băng giá vừa là một lời tuyên bố về sự cần thiết phải làm mới văn hoá của Disney vừa là lời tái khẳng định Disney đang tìm về với những di sản và nét đặc trưng vốn có của họ. Đây cũng đơn giản chỉ là một tác phẩm tuyệt vời cho giải trí gia đình."[275]
The Los Angeles Times ca ngợi nhóm lồng tiếng và các phân cảnh nhạc kịch tỉ mỉ, trau chuốt của bộ phim, khẳng định rằng Nữ hoàng băng giá là "sự trở lại thời kỳ hoàng kim đầy thú vị của Walt Disney Animation Studios."[261] Nhà báo Owen Gleiberman của tờ Entertainment Weekly cho bộ phim điểm "B+" và gọi đó là "một câu chuyện cổ tích vuông vắn tuyệt vời đã cho chúng ta thấy định nghĩa về sự tươi mới trong hoạt hình có thể thay đổi."[262]Richard Corliss của tạp chí Time cũng dành những lời tán dương cho bộ phim, "Thật tuyệt khi được thấy Disney đang trở lại với nguồn cội của họ và nảy nở trở lại: tạo ra những tác phẩm nhạc kịch giải trí chất lượng cao dựa trên truyền thống Walt đã gây dựng về sự huy hoàng của hoạt hình và nội lực mạnh mẽ của Broadway."[276]Richard Roeper ca ngợi bộ phim là một "niềm vui thích hoàn toàn từ đầu đến cuối."[277] Hai nhà phê bình Michael Phillips của báo Chicago Tribune và Stephen Holden của tờ The New York Times đều giành lời khen cho các nhân vật và các phân cảnh nhạc kịch trong phim và nói rằng chúng gợi cho người xem so sánh với nghệ thuật sân khấu trong vở nhạc kịch Wicked.[278][279] Emma Dibdin của báo Digital Spy cho bộ phim năm trên năm sao và gọi đó là "một tác phẩm cổ điển mới của Disney" và là "một câu chuyện thú vị, vui vẻ, đầy tình người; vừa hài hước khiến chúng ta cười nghiêng ngả mà cũng rất hồi hộp, táo bạo và cảm động." Khi chúng ta đang tiến rất gần tới dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập hãng, không thể có món quà nào hoàn hảo hơn là chính một tác phẩm thuộc thể loại mà Disney luôn là số một."[280]Nữ hoàng băng giá cũng được truyền thông Na Uy Sámi ca ngợi vì đã quảng bá văn hoá Sámi (vốn trong lịch sử đã từng bị nhà nước Na Uy tìm cách diệt trừ) tới đông đảo khán giả một cách tích cực. Nhà soạn nhạc Frode Fjellheim cũng được chính Tổng thống Na Uy Sámi Aili Keskitalo ca ngợi vì những đóng góp của mình cho bộ phim, trong bài phát biểu mừng năm mới 2014 của ngài.[281][282]
Tuy nhiên, bộ phim cũng không tránh khỏi những phản hồi ít tích cực hơn. Scott Foundas của tạp chí Variety, không thực sự ấn tượng với bộ phim, tuy nhiên vẫn ca ngợi phần lồng tiếng và sự điêu luyện về chuyên môn trong nghệ thuật của phim: "Khung cảnh phủ tuyết như chạm thấy của vương quốc Arendelle, cả lâu đài băng nơi chạy trốn của Elsa là một điều kỳ diệu thực sự của Nữ hoàng băng giá, lại được nâng cao thêm bằng định dạng 3D và quyết định thực hiện với kích thước màn ảnh rộng – một cái gật đầu với sự phong phú, dồi dào của công nghệ CinemaScope trong Người đẹp ngủ trong rừng và Tiểu thư và chàng lang thang."[283]The Seattle Times cho bộ phim hai trên bốn sao, viết rằng "Mặc dù đây là một bộ phim lộng lẫy với những vịnh hẹp, các tác phẩm nghệ thuật làm từ băng và nội thất lâu đài thực hiện bằng máy tính, thì điều quan trọng kết nối những thứ ấy với nhau - cốt truyện - lại dường như hơi thiếu."[284]Joe Williams của St. Louis Post-Dispatch cũng cho rằng cốt truyện là một điểm yếu của phim.[285] Viết cho trang Roger Ebert, Christy Lemire cho bộ phim 2,5 trên bốn sao. Lemire ca ngợi phần hình ảnh của phim và phần thể hiện ca khúc "Let It Go," cũng như những thông điệp đẹp mà Nữ hoàng băng giá gửi gắm. Tuy nhiên, cô cho rằng bộ phim hơi hài hước quá mức và nói rằng phim giống như một "nỗ lực để thay đổi mọi thứ mà không thay đổi quá nhiều."[286] Cô cũng chỉ ra điểm tương đồng giữa Elsa và một nhân vật hư cấu nổi tiếng khác đã để lộ sức mạnh siêu nhiên của mình khi tức giận là Carrie.[286]
Tái hiện cảm xúc nhân vật và vấn đề với cộng đồng LGBT
Một số luận điệu thiếu căn cứ về vấn đề phân biệt đối xử theo giới đã nảy sinh[287][288][289] khi trưởng bộ phận hoạt hình của Nữ hoàng băng giá, ông Lino DiSalvo, nói:
Về mặt lịch sử mà nói, để hoạt hình các nhân vật nữ thực sự, thực sự rất khó, bởi họ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng bạn phải luôn giữ cho họ trông thật xinh đẹp và họ cũng rất nhạy cảm nữa — bạn cũng có thể làm mất hình ảnh họ rất nhanh. Vậy nên, sản xuất một bộ phim với hai nhân vật nữ chính thật sự là một thử thách, và để họ xuất hiện trong cùng một cảnh quay thì vẫn phải làm thế nào để họ trông thật khác nhau nếu họ đang cùng thể hiện một trạng thái cảm xúc; và Elsa khi đang tức giận trông phải khác với Anna đang tức giận."
Một số nhà bình luận truyền thông nhìn nhận ý kiến này có nghĩa là khó khăn nảy sinh bởi họ chỉ có thể thay đổi nét mặt một cách hạn chế với các nhân vật hoạt hình nữ gần đây của Disney bởi các họa sĩ cần phải giữ cho họ trông "xinh đẹp."[287][288][289] Tuy nhiên, một người phát ngôn của Disney trả lời tạp chí Time rằng lời phát biểu của DiSalvo đã bị hiểu nhầm, ông chỉ đang "giải thích một số khía cạnh kỹ thuật của hoạt hình máy tính (CG) và đó không phải một lời bình luận chung về việc hoạt hình các nhân vật nữ so với các nhân vật nam hay những nhân vật khác."[287][289] Đạo diễn Lee cũng nói rằng phát biểu của Díalvo đã không được hiểu trong đúng hoàn cảnh, và rằng ông đang cố giải thích những vấn đề mang tính kỹ thuật về hoạt hình máy tính (CG). "Mọi thứ rất phức tạp, bất kể giới tính của nhân vật như thế nào. Tôi thấy thương cảm cho ông ấy," cô nói.[290] Trong một buổi phỏng vấn diễn ra vào tháng 8 năm 2014, DiSalvo giải thích rằng các phát biểu của ông không được hiểu đúng hoàn cảnh—khó khăn để biến bất kỳ nhân vật hoạt hình nào từ các bản vẽ phác tay trên giấy 2D thành một hình mẫu nhân vật 3D với các chuyển động thích hợp: "Biến những cung bậc cảm xúc đó thành một nhân vật hoạt hình máy tính là một trong những công đoạn khó khăn nhất của toàn bộ quá trình. Nam. Nữ. Người tuyết. Hay động vật."[291] Ông nói thêm, "Điều đáng buồn là mọi người chỉ hiểu... cái tiêu đề báo dễ nhớ đó rồi tuyên truyền đi khắp mọi nơi. Mọi người đã không quay lại để hỏi tôi cho rõ sự thật và đó là cách Internet hoạt động. Họ không muốn biết sự thật."[291]
Một số nhà quan sát ngoài lĩnh vực điện ảnh, chẳng hạn như một mục sư[292][293][294] và các nhà bình luận,[295] cho rằng Nữ hoàng băng giá cổ vũ sự bình thường hoá đồng tính luyến ái, trong khi một số người khác cho rằng nhân vật chính Elsa tượng trưng cho một hình ảnh tích cực của giới trẻ trong cộng đồng LGBT, coi bộ phim và ca khúc "Let It Go" có ý nghĩa ẩn dụ cho việc công khai giới tính thực.[296][297] Các ý kiến này nhận được phản ứng trái chiều từ cả khán giả và cộng đồng LGBT.[296] Khi được hỏi về các nhận định này, Lee trả lời, "Chúng tôi biết những gì chúng tôi đã làm. Nhưng tôi cũng cho rằng một khi chúng tôi đã mang bộ phim tới cho khán giả, thì nó thuộc về thế giới rồi, nên tôi không muốn nói gì hết, cứ để những người hâm mộ nói. Vấn đề là tuỳ họ thôi."[298] Nữ đạo diễn cũng trả lời rằng các phim của Disney được làm vào những thời kỳ khác nhau và được đón chờ với nhiều lý do khác nhau, nhưng một bộ phim của năm 2013 thì nên có "quan điểm của năm 2013."[297][299]
Vào mùa xuân và mùa hè năm 2014, một số nhà báo cho rằng Nữ hoàng băng giá có sức hấp dẫn lớn tới khán giả so với hầu hết các phim còn lại, rằng nhiều trẻ em ở cả Hoa Kỳ[305][306][307][308][309][310] và Vương quốc Anh[311][312][313][314] xem phim quá nhiều lần đến mức chúng thuộc lòng tất cả các bài hát và hát đi hát lại bất kỳ lúc nào có thể, mặc cho sự nhàm chán của bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Tác giả Joel Stein của tạp chí Time viết về sự buồn chán của con trai ông, Laszlo, trước sự "công kích văn hoá" của bộ phim ở trường mẫu giáo và các hoạt động ngoại khoá, ông đã phải gọi điện video qua Skype cho nữ diễn viên chính Bell sau khi Laszlo hỏi tại sao bộ phim này lại được thực hiện.[315] Khi Laszlo hỏi khi làm phim Bell có biết trước rằng bộ phim sẽ có ảnh hưởng lớn như vậy tới cuộc sống của các em nhỏ không, cô ấy trả lời: "Tôi thực sự không biết mọi người sẽ không để nó đi (let it go) như vậy. Không có ý chơi chữ đâu nhé."[315] Khi Terry Gross đề cập tới một vấn đề tương tự trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 năm 2014 với vợ chồng nhạc sĩ Lopez và Anderson-Lopez, họ giải thích rằng thật sự họ không biết Nữ hoàng băng giá có sức lan toả như thế.[316] Họ nói họ chỉ muốn "kể một câu chuyện gây được tiếng vang" mà thôi.[316]
Trong một buổi phỏng vấn vào tháng 12 năm 2014 với tờ The Hollywood Reporter, Lee thừa nhận rằng cô đã chuyển từ việc cảm ơn mọi người khi họ ca ngợi Nữ hoàng băng giá sang phải xin lỗi mọi người khi họ nói "họ vẫn đang nghe những bài hát ấy" (với con cái mình).[317][318][319] Lee cũng đề cập rằng cô đã dùng bộ phim và các nhân vật nữ chính mạnh mẽ làm nguồn cảm hứng cho chính con gái mình vốn hay bị bắt nạt ở trường, và nói rằng chính bản thân mình ngày nhỏ cũng bị bắt nạt, do đó họ phải tìm cách sống thật với chính mình giống Anna và Elsa.[317]
Trong một báo cáo giữa năm 2014 về 100 tên em bé được đặt nhiều nhất do Babycentre.co.uk tiến hành, Elsa xếp ở vị trí số 88; đó là lần đầu tiên cái tên ấy xuất hiện trên bảng xếp hạng.[320] Sarah Barrett, giám đốc quản lý của trang web, giải thích rằng mặc dù nhân vật nữ chính của phim tên là Anna, "thì cái tên Elsa nghe có vẻ lạ tai hơn và đó cũng là hình mẫu của một người phụ nữ mạnh mẽ."[321] Nhiều cha mẹ cho biết sự lựa chọn của họ "chịu ảnh hưởng lớn" từ các con lớn. Phó giám đốc của Disney UK Anna Hill sau đó bình luận rằng "Chúng tôi rất vui khi biết Elsa là cái tên được đặt phổ biến cho các em bé và thật tuyệt vời khi biết rằng với nhiều gia đình, chính anh chị em lớn đã đặt tên cho các em bé của mình như vậy," và rằng "cuộc chiến của Elsa chống lại nỗi sợ hãi và sức mạnh lớn lao của tình cảm gia đình" trở nên gần gũi với nhiều nhà.[321]
Tháng 1 năm 2014, Iger công bố rằng Nữ hoàng băng giá sẽ được chuyển thể thành một vở nhạc kịch sân khấu Broadway.[322][323][324] Chỉ trong thời gian một quý kinh doanh, Iger đã từ việc gợi ý về "tiềm năng cho một nhượng quyền thương mại" từ phim Nữ hoàng băng giá (vào tháng 2 năm 2014)[325]:8,13 sang nói rằng đó "có lẽ" sẽ là "một trong năm nhượng quyền truyền thông lớn nhất" của Disney (tháng 5 năm 2014).[326][327] Việc bộ phim có sức lan toả quá lớn dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm dựa theo bộ phim ở Hoa Kỳ[328][329][330][331][332] và một số nước khác vào tháng 4 năm 2014,[333][334][335][336][337][338][339][340] khiến giá bán lẻ một số mặt hàng búp bê, quần áo Nữ hoàng băng giá phiên bản hạn chế tăng vọt lên trên 1.000 USD trên eBay.[330][331] Cho đến khi sự thiếu hụt này được giải quyết vào đầu tháng 11 năm 2014 (gần một năm sau khi phim phát hành),[341] Disney đã bán được hơn ba triệu sản phẩm quần áo Nữ hoàng băng giá chỉ tính riêng ở Bắc Mỹ.[342] Thời gian chờ đợi để gặp các nhân vật trong phim tại công viên Disney Parks thường xuyên trên bốn tiếng đồng hồ và buộc ban lãnh đạo phải kéo dài vô thời hạn chương trình này vào tháng 2 năm 2014 (thay vì chỉ là chương trình tạm thời để quảng bá cho phim như dự kiến).[136][328] Disney Parks sau đó đã tổ chức một sự kiện tạm thời (Frozen Summer Fun) tại Disney's Hollywood Studios,[343] rồi đến ngày 12 tháng 9 năm 2014 công bố rằng tour thám hiểm Maelstrom ở khu nhà Na Uy tại công viên Epcot sẽ được đóng cửa, thay vào đó là một địa điểm vui chơi lấy chủ đề Nữ hoàng băng giá sẽ được mở cửa vào đầu năm 2016.[344][345] Đến tháng 8 năm 2014, nhà xuất bản Random House đã bán hơn 8 triệu bản sách truyện liên quan tới Nữ hoàng băng giá.[346] Các nhà điều hành du lịch, trong đó có Adventures by Disney, đang sắp xếp thêm tour du lịch đến Na Uy do lượng khách gia tăng vào năm 2014.[347][348]
Trong khi đó, các nhà sản xuất phim truyền hình Ngày xửa ngày xưa (tiếng Anh: Once Upon a Time) (do công ty ABC Studios thuộc Disney sản xuất) đã sáng tạo độc lập và xin cấp phép từ cả ABC và Disney để đưa các nhân vật trong Nữ hoàng băng giá vào mùa thứ tư của loạt phim này, sẽ được phát sóng vào mùa thu năm 2014.[349][350][351] Ngày 2 tháng 9 năm 2014, đài ABC phát sóng The Story of Frozen: Making a Disney Animated Classic, một chương trình đặc biệt dài một tiếng nói về hậu trường làm phim Nữ hoàng băng giá.[352][353][354] Cuối chương trình, Lasseter công bố rằng nhóm sản xuất sẽ trở lại và cùng nhau thực hiện Frozen Fever, một phim ngắn dự kiến ra rạp vào mùa xuân năm 2015. Một thời gian ngắn sau, Frozen Fever được chính thức thông báo ra mắt vào 13 tháng 3 năm 2015 cùng Lọ Lem.[355][356][357] Vào ngày 4 tháng 9 năm 2014, chương trình Disney on Ice của Feld Entertainment ra mắt tour lưu diễn trượt băng dựa theo bộ phim tại Trung tâm Amway ở Orlando, Florida.[358][359]
Ngày 10/12/2014, nhà xuất bản Dân Trí đã phát hành bộ sách 16 quyển (tiếng Việt)[360] trong đó Nữ hoàng băng giá gồm 8 trang in màu với giá bìa 39.000 VND, giá đặt hàng online là 29.250 VND.[361][362]
Phần tiếp theo
Iger tuyên bố vào tháng 5 năm 2014 rằng công ty sẽ không bắt các nhà làm phim "phải làm phần tiếp theo" hoặc "sáng tạo cốt truyện một cách gượng ép".[363] Tuy nhiên, tháng 11 năm 2014, Idina Menzel úp mở rằng một phần tiếp theo như thế đang được phát triển.[364] Ngày 1 tháng 12, khi vấn đề được đặt ra một lần nữa trong cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình Today trên mạng NBC, Menzel nói, "Bạn biết đấy, tôi cũng chưa biết gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu bộ phim trước thành công như vậy thì kiểu gì họ cũng làm!"[365][366][367] Ngày 12 tháng 3 năm 2015, Disney chính thức lên tiếng về việc phát triển phần tiếp theo của Frozen, với sự hợp tác trở lại của đạo diễn Buck và Lee, cùng Del Vecho trong vai trò sản xuất.[368]
^Barnes, Brooks (ngày 1 tháng 12 năm 2013). “Boys Don't Run Away From These Princesses”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ ab“Film in 2014”. BAFTA. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Covert, Colin (ngày 29 tháng 11 năm 2013). “Disney's animated "Frozen" is pretty chill”. The Gazette. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Issacson, Walter (2011). Steve Jobs (ấn bản thứ 1). New York: Simon and Schuster. tr. 435–436. ISBN9781451648546. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
^Condon, Seán Francis (ngày 27 tháng 11 năm 2013). “Interview: Frozen's Josh Gad”. MSN Canada Entertainment. Microsoft Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2014.
^Dawn C. Chmielewski and Claudia Eller (ngày 9 tháng 3 năm 2010). “Disney restyles 'Rapunzel' to appeal to boys”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^de Semlyen, Nick (ngày 22 tháng 6 năm 2010). “Exclusive: The Lion King To Go 3D”. Empire Online. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2014. "Thực ra hiện tại dự án đang bị tạm hoãn lại," Hahn giải thích. "Nó như thể ở trên một cái giá rất thấp - mà chúng tôi vẫn không thể với tới được! Nhưng nghiêm túc mà nói, chúng tôi không có cốt truyện. Nó cũng giống như kiểu Người đẹp và quái thú vậy, cứ ngồi đấy chờ mất vài năm. Cuối cùng chúng tôi giải quyết vấn đề với Người đẹp và quái thú bằng cách đưa thêm đối tượng và xây dựng thêm cốt truyện. Còn Nữ chúa tuyết, chúng tôi có nhiều vấn đề và tôi đã giành vài năm cho nó. Tôi yêu nó và tôi cho rằng nó là một trong những câu chuyện cổ tích xuất sắc cuối cùng. Nó khá dở và giờ nó cứ chỉ ngồi đấy thôi.Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abSarto, Dan (ngày 7 tháng 11 năm 2013). “Directors Chris Buck and Jennifer Lee Talk 'Frozen'”. Animation World Network. AWN, Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Stewart, Jill (ngày 15 tháng 5 năm 2013). “Jennifer Lee: Disney's New Animation Queen”. LA Weekly. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abFlynn, Sean (ngày 17 tháng 2 năm 2014). “Is it her time to shine?”. The Newport Daily News. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Alexander, Bryan (ngày 17 tháng 6 năm 2013). “'Frozen' defrosts Kristen Bell's Disney dreams”. USA Today. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^“Low-key bride Kristen Bell”. Belfast Telegraph. ngày 31 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2013.
^Vaux, Rob (ngày 26 tháng 11 năm 2013). “Mania Interview: Idina Menzel”. Mania.com. Demand Media. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2014.
^ abcdLaskowski, Amy (ngày 28 tháng 2 năm 2014). “Frozen Producer Heads to the Oscars”. BU Today. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Keegan, Rebecca (ngày 9 tháng 5 năm 2013). “Disney is reanimated with 'Frozen,' 'Big Hero 6'”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Schaefer, Sandy (ngày 29 tháng 11 năm 2013). “"Frozen" Review”. ScreenRant. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Grant, John (1998). Encyclopedia of Walt Disney's Animated Characters (ấn bản thứ 3). Hyperion Books. tr. 400. ISBN9780786863365. |ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
^Cousineau, Michael (ngày 29 tháng 3 năm 2014). “UNH degree played a part in Oscar-winning movie”. New Hampshire Union Leader. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Bailey, Caryn (ngày 27 tháng 11 năm 2013). “7 Things You Didn't Know About 'Frozen'”. Fandango. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Zahed, Ramin (ngày 27 tháng 11 năm 2013). “Disney's "Frozen" to Warm Hearts This Week”. Animation Magazine. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Lyall, Sarah (ngày 19 tháng 2 năm 2013). “Bark Up or Down? Firewood Splits Norwegians”. New York Times. tr. A4. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Sandmo, Espen (ngày 6 tháng 9 năm 2013). “Nidarosdomen i ny Disney-film”. NRK (bằng tiếng tiếng Na Uy). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
^Lindgaard Stranden, Ingrid (ngày 8 tháng 12 năm 2013). “Vi ligner mest med lua på”. NRK (bằng tiếng tiếng Na Uy). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
^Furuly, Jan Gunnar (ngày 22 tháng 11 năm 2013). “Se, en samisk Disney-helt!”. Aftenposten (bằng tiếng tiếng Na Uy). Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
^Ziemba, Christine (ngày 3 tháng 3 năm 2014). “Disney's Frozen Wins Academy Award for Animated Feature”. 24700: News from California Institute of the Arts. California Institute of the Arts. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Hoel, Ole Jacob (ngày 14 tháng 9 năm 2013). “Trøndersk joik åpner Disney-film”. Adressa.no (bằng tiếng Na Uy). Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abcdeTingen, Paul (tháng 4 năm 2014). “Inside Track: Disney's Frozen”. Sound on Sound. SOS Publications Group. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2014.
^De Graeve, Nikki (ngày 27 tháng 9 năm 2013). “Walt Disney's Frozen – Official Trailer”. Entertainment Outlook. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Jason (ngày 26 tháng 9 năm 2013). “Disney's Frozen Official Trailer”. CG Meetup. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^“Frozen Blu-ray”. Blu-ray.com. ngày 10 tháng 1 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Lyne, Charlie (ngày 29 tháng 11 năm 2014). “Frozen Sing-Along out now on DVD”. The Guardian. Guardian News and Media Limited. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Wolfe, Jennifer (13 tháng 8 năm 2014). “Disney to Release 'Frozen' Sing-Along Edition”. Animation World Network. AWN, Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Amidi, Amid (1 tháng 12 năm 2013). “"Frozen" Smashes Disney Animation Opening Weekend Records”. Cartton Brew. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abKay, Jeremy (9 tháng 2 năm 2014). “Frozen leads int'l BO on $24m”. Screen Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Fritz, Ben (12 tháng 1 năm 2014). “A Charmed Life for Disney's 'Frozen'”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2014. This past weekend, as the movie's domestic total hit $317.7 million, "Frozen" surpassed "The Lion King" to become the highest grossing Disney-produced animated film of all time, not accounting for inflation or re-releases.Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Kay, Jeremy (5 tháng 1 năm 2014). “Hobbit 2 soars past $500m int'l”. Screen Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl= và |archive-url= (trợ giúp); Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abSubers, Ray (ngày 6 tháng 11 năm 2013). “Holiday 2013 Forecast”. Box Office Mojo. IMDb. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abGleiberman, Owen (ngày 26 tháng 11 năm 2013). “Movie Review: Frozen (2013)”. Entertainment Weekly. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Fritz, Ben (12 tháng 1 năm 2014). “A Charmed Life for Disney's 'Frozen'”. Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^McCarthy, Todd (24 tháng 10 năm 2013). “Frozen: Film Review”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Roeper, Richard (ngày 26 tháng 11 năm 2013). “Richard Roeper & the Movies: 'Frozen' Review”. The Chicago Sun-Times. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Phillips, Michael (ngày 26 tháng 11 năm 2013). “'Frozen': Defying meteorology”. Chicago Tribune. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Staff (16 tháng 1 năm 2014). “Frode pushed down Beyoncé” (bằng tiếng Na Uy). Sametinget. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Foundas, Scott (ngày 3 tháng 11 năm 2013). “Film Review: 'Frozen'”. Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Williams, Joe (ngày 27 tháng 11 năm 2013). “'Frozen' is pretty but pointless”. St. Louis Post-Dispatch. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^ abChristy Lemire (ngày 27 tháng 11 năm 2013). "FROZEN"Lưu trữ 2014-03-28 tại Wayback Machine. RogerEbert.com. Ebert Digital LLC. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2013.
^Wloszczyna, Susan (ngày 26 tháng 11 năm 2013). “With Frozen, Director Jennifer Lee Breaks the Ice for Women Directors”. Indiewire. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2014. "Mọi thứ rất phức tạp, bất kể giới tính của nhân vật như thế nào. Tôi thấy thương cảm cho ông ấy. Ông ấy quá tự hào với những thành tựu đã đạt được trong bộ phim. Chưa bao giờ chúng tôi có nhiều khung chuyển động (cấu trúc khung của các đối tượng dùng để hoạt hoạ các nhân vật trên máy tính) phức tạp như thế để thể hiện sự bối rối và đau khổ trên gương mặt nhân vật. Tôi rất tự hào về họ." — Jennifer Lee
^ abPetersen, Kierran (ngày 27 tháng 3 năm 2014). “Disney's Frozen and the 'gay agenda'”. BBC News. Washington DC Bureau. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^MacKenzie, Steven (5 tháng 3 năm 2014). “Frozen: Disney's icebreaker”. The Big Issue. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Healy, Vikki Ortiz (ngày 8 tháng 4 năm 2014). “What to do about 'Frozen' fatigue”. Chicago Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)
^Rothman, Lily (ngày 24 tháng 2 năm 2014). “Ice, Ice, Baby: Frozen inspires a totally chilled-out cult following”. Time. 183 (7): 48–59. Disney has already announced plans to bring a musical version to Broadway, and theme-park incarnations have been hinted at.
^Sheridan, Patrick M. (12 tháng 5 năm 2014). “Disney plans to milk 'Frozen' success”. CNNMoney. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2014. 'Đây chắc chắn sẽ nằm trong top, có lẽ là, top 5 nhượng quyền truyền thông của chúng tôi,' CEO của Disney Bob Iger nói trong một buổi hội nghị diễn ra vào tuần trước sau khi báo cáo của Disney cho thấy lợi nhuận đã tăng 27%. 'Vậy nên bạn có thể mong chờ rằng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong vòng ít nhất là 5 năm tới.'
^ abPalmeri, Christopher (ngày 17 tháng 4 năm 2014). “Elsa's Frozen Dress: The Hottest Gown in Town”. Bloomberg Businessweek. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2017. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
^Kenny, Katie (16 tháng 5 năm 2014). “Do you want to buy a snowman?”. Stuff.co.nz. Fairfax New Zealand Limited. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2014.
^Quennesson, Perrine (24 tháng 4 năm 2014). “La Reine des Neiges: un succès qui rend fou”. Premiere (bằng tiếng Pháp). Lagardère Group. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
^Nguyên Minh (ngày 13 tháng 12 năm 2013). “'Frozen', món quà cho mùa Giáng sinh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |accessdate= và |access-date= (trợ giúp)