Nguyễn Xuân Sanh (16 tháng 11 năm 1920 tại Đà Lạt – 22 tháng 11 năm 2020) tại Hà Nội) là nhà thơ và là một dịch giả Việt Nam.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau di cư vào Đà Lạt, nên ông Sanh đã ra đời nơi ấy.
Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông làm thơ sớm, năm 16 tuổi, đã có truyện thơ Lạc loài đăng nhiều kỳ trên báo.
Năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6 năm 1942, thì nhóm ấy xuất được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm [1].
Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong chiến tranh kháng Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo.
Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III.
Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...
Năm 1951, ông nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Anh hùng Trần Đại Nghĩa”. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi. Ông là thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới qua đời.[2]
Tác phẩm
Nguyễn Xuân Sanh đã sáng tác các tập thơ sau:
- Xuân Thu Nhã Tập (thơ đồng chủ biên, 1942)
- Nhận ruộng (1945)
- Chiếc bong bóng hồng (1957)
- Tiếng hát quê ta (1955)
- Nghe bước xuân về (1961)
- Quê biển (1966)
- Sáng thơ (1971)
- Đảo dưa hấu (1974)
- Đất nước và lời ca (1978)
- Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1991)
- Đất thơm (tập thơ văn xuôi, viết 1940-1945, in 1995)
- Một vườn thơ năm châu (1997)
Các tập thơ do ông dịch có:
- Thơ Liên Xô (1962)
- Thơ Pêtôphi (1962)
- Thơ Inđônêxia (1964)
- Thơ Mickiêvich (1966)
- Thơ Enđrê Ađy (1977)
- Thơ Vapxarôp (1981)
- Thơ Victo Huygô (1986)
- Thơ Trantômer (Thụy Điển, 1993)
- Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989-1994)
- Thơ đương đại (1966)
- Thơ Bagriana (1994, dịch chung)
- Thơ Êluya (1995, dịch chung)
Ngoài ra, còn sáng tác thơ cho thiếu nhi.
Đóng góp cho văn học Việt
Trích ý kiến của:
- Nguyễn Xuân Sanh trăn trở tìm tòi để đến với cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật. Ông cách tân thơ bằng sự phá bỏ tính liên tục và thay bằng tính gián đoạn, gây một âm hưởng mới lạ, có vẻ bí hiểm, làm ngỡ ngàng người đọc đã quen với sự truyền cảm của Thơ mới. Nhưng ông vẫn giữ nguyên vần, khổ, câu và cách ngắt nhịp đơn điệu, nên sự sáng tạo không được triệt để [3].
- Trong Mắt thơ 1 (Phê bình phong cách thơ mới), tôi gọi Xuân Thu Nhã Tập (1942) là khúc hát Thiên Nga, tiếng kêu cuối cùng của con Phượng Hoàng, để từ đống tro hồi sinh một Thi Điểu mới. Và người bắc nhịp cầu đầu tiên trong thơ mới sang thơ hiện đại không ai khác là Nguyễn Xuân Sanh... Trích một đoạn thơ tiêu biểu của ông:
- Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
- Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
- Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
- Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
- Lẵng xuân
- Bờ giũ trái xuân sa
- Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà...
- (Buồn xưa)
- Bài thơ đọc một lần, hai lần...Ấn tượng khó hiểu, nhưng quyến rũ...Non chục năm sau, bằng một nhịp điệu mới của thơ không vần, bằng những hình ảnh lấy nguyên từ cảm giác đời sống, bằng một ngôn ngữ thuần khiết đời thường, Nguyễn Đình Thi đã làm nốt những điều Nguyễn Xuân Sanh bỏ lại, đưa thơ Việt tiến thêm một bước... Cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại còn chậm chạp và phải qua nhiều chặng, càng làm chúng ta nhớ đến người khởi động chặng đầu: Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa[4].
Chú thích
- ^ Nguồn: Vũ Thanh, mục từ "Xuân thu nhã tập" trong Từ điển văn học (bộ mới), tr. 2103.
- ^
Tam Kỳ (22 tháng 11 năm 2020). “Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
- ^ Nguyễn Văn Long, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 122.
- ^ Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa đăng trên tạp chí Sông Hương số 164 tháng 10 năm 2002.
Tham khảo
- Nguyễn Văn Long, mục từ Nguyễn Xuân Sanh trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Hạ), phần nói về Xuân Thu nhã tập. Nhà xuất bản Sống mới, Sài Gòn, 1969.
- Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa đăng trên tạp chí Sông Hương số 164 tháng 10 năm 2002. Bản điện tử [1]
Liên kết ngoài