Nguyễn Văn Trương

Nguyễn Văn Trương
阮文張
Thụy hiệuTrung Dũng; Chiêu Võ
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1740
Nơi sinh
Quảng Nam
Mất
Thụy hiệu
Trung Dũng
Ngày mất
1810
Nơi mất
Huế
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Nguyễn Văn Vân
Nghề nghiệptướng lĩnh quân đội
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳnhà Nguyễn

Nguyễn Văn Trương (chữ Hán: 阮文張; 1740 - 1810), là một trong Ngũ hổ tướng Gia Định, và là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế và sự nghiệp

Ông là người huyện Lễ Dương (nay là huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam. Không rõ năm nào ông vào sống ở đất Gia Định, chỉ biết khoảng năm Bính Thân (1776), khi Nguyễn Lữ (một trong ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn) đem quân vào Nam, lấy được thành Sài Gòn, đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Trấn Biên (Biên Hòa), thì Nguyễn Văn Trương xin theo phò tá Nguyễn Lữ, và được cho giữ chức Chưởng cơ cai quản binh thuyền.

Năm Đinh Mùi (1787), liệu rằng có thể lấy lại Gia Định, chúa Nguyễn bèn biên thư từ tạ vua Xiêm La, rồi nửa đêm đem gia quyến xuống thuyền về nước. Lúc bấy giờ nhà Tây Sơn lại lục đục, bất hòa, nên Nguyễn Văn Trương đem 300 quân, 15 chiến thuyền binh chạy vào Long Xuyên (Cà Mau) giúp chúa Nguyễn, được phong chức Chưởng cơ. Sau, nhờ lập thêm nhiều chiến công, được phong làm Khâm sai chưởng đạo tiền phong, Trung quân thủy dinh.

Tháng 8 năm Mậu Thân (7 tháng 9 năm 1788), chúa Nguyễn chiếm được Sài Gòn, nhưng mãi đến năm sau (Kỷ Dậu, 1789), toàn cõi đất Gia Định mới thuộc hẳn về chúa Nguyễn. Nhờ Nguyễn Văn Trương cùng Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh hợp binh đánh ở Hổ Châu, quân Tây Sơn do Phạm Văn Tham không phá được vây, phải lui về Ba Thắc rồi xin hàng.

Tháng 3 năm Nhâm Tí (1792), nhân khi mùa gió Nam thổi mạnh, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương cùng Tiền quân Nguyễn Văn Thành, DayotVannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), rồi quay về an toàn.

Tháng 3 năm sau (Quý Sửu, 1793), chúa Nguyễn để con là Nguyễn Phúc Cảnh ở lại giữ đất Gia Định, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh đánh Phan Rí (nay thuộc Bình Thuận). Còn chúa Nguyễn cùng Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh đem thủy quân đi đánh mặt bể. Đến tháng 5 thì đoàn chiến thuyền của quân Nguyễn vào cửa bể Nha Trang, rồi đánh lên Diên Khánh, phủ Bình Khang, sau lại đánh lấy phủ Phú Yên.

Toàn thắng, Nguyễn Văn Trương cùng chúa Nguyễn cho thủy quân hội với bộ binh của tướng Tôn Thất Hội vào cửa Thị Nại, tiến đánh thành Quy Nhơn. Bấy giờ Nguyễn Huệ đã mất rồi, vua Cảnh Thịnh tức Nguyễn Quang Toản sai thái úy là Phạm Công Hưng, hộ giá là Nguyễn Văn Huấn, tư lệ là Lê Trung, đại tư mã là Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh, 80 con voi đi đường bộ và sai đại thống lĩnh là Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiến thuyền đi đường bể vào cứu Quy Nhơn. Chúa Nguyễn thấy viện binh đã đến, liệu thế chống không nổi, rút về Diên Khánh...

Năm Tân Dậu (1801), ngày 15 tháng Giêng, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương đem quân tiền đạo tấn công vào đồn thủy của quân Tây Sơn, và sai Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đem thủy quân vào đánh cửa Thị Nại. Võ Di Nguy trúng đạn chết, còn Lê Văn Duyệt ra sức xung đột, đốt được cả tàu và thuyền của quân Tây sơn. Đây là trận thủy chiến dữ dội nhất, đáng được gọi là "võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.

Đánh xong trận trên, từ ngày 13 tháng 4 đến 12 tháng 5, Nguyễn Văn Trương tiến quân đến cửa Đại cổ lũy ở Quảng Ngãi, phá đoàn quân lương của Tây Sơn ở Trà Khúc. Thừa thắng, Nguyễn Văn Trương cho quân tiến thẳng ra cửa Đại Ấp ở Quảng Nam, đánh phá lũy Bến Ván, đoạt được hai mươi bảy thớt voi chiến. Tiếp đó, tiến quân ra đánh chiếm cửa Đại Chiêm, giao chiến ở Hội An, Phú Triêm. Đại đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Văn Xuân và thiếu úy Văn Tiến Thể phải thua chạy, quân Nguyễn đoạt được hơn hai mươi tám cổ súng...Nguyễn Văn Trương báo tin thắng lớn, chúa Nguyễn gửi thêm 1.000 binh sĩ, 30 chiến thuyền để tăng cường những vị trí vừa chiếm đóng.

Ngày 7 tháng 6 năm (1801). Nguyễn Văn Trương hợp binh với chúa Nguyễn tại cửa Hàn (Đà Nẵng). Ngày 9, khoảng 4 giờ quân Nguyễn cả lục quân và thủy quân tiến ra Phú Xuân (Huế). Ngày 11, đoàn tàu chiến do Nguyễn Văn Trương chỉ huy đã vào đến cửa Sông Hương và đánh vào cửa hữu phía Tây kinh thành. Kể từ đó, nhiều trận kịch chiến đã nổ ra, máu lửa tràn lan...Đến 8 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801), thành Phú Xuân mất vào tay chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn liền cho Nguyễn Văn Trương và Lê Chất mang quân đuổi theo vua Cảnh Thịnh. Đuổi không kịp, Nguyễn Văn Trương được lệnh đem thủy binh ra chặn ở Linh Giang (sông Gianh), để chặn quân Tây Sơn chạy ra đất Bắc.

Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh sai Nguyễn Quang Thùy tiến lên vây đánh lũy Trấn Ninh. Thế trận chưa nghiêng ngả về bên nào thì có tin thủy quân của Tây Sơn đã bị Nguyễn Văn Trương phá tan ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), khiến quan quân nhà Tây Sơn hốt hoảng, cầm cự được một lúc thì phải tháo chạy. Chúa Nguyễn để trung quân Nguyễn Văn Trương giữ Đồng Hới. Tháng 5 năm đó, sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, liền ngự giá đi đánh Bắc Hà. Nhà vua sai Nguyễn Văn Trương thống lĩnh thủy binh, Lê Văn Duyệt và Lê Chất thống lĩnh bộ binh, hai mặt thủy bộ cùng tiến. Kết cục, nhà Tây Sơn bị tiêu diệt.

Năm Ất Sửu (1805), vua Gia Long cử ông vào cai trị miền Nam với chức vụ Lưu trấn thành Gia Định, thay cho Nguyễn Văn Nhơn. Năm 1808, ông được triệu về kinh đảm nhận chức vụ khác.

Năm Canh Ngọ (1810) ông mất tại chức, thọ 70 tuổi, được truy tặng là Thái bảo, thờ ở miếu Trung hưng công thần. Đời Minh Mạng, ông lại được truy phong là Đoan Hùng Quận công.

Con ông là Nguyễn Văn Vân, cũng là một viên tướng có tài, làm quan võ đến chức Tiền quân đô thống chế.

Đường phố

Trước năm 1975, trên địa bàn tỉnh Gia Định cũ (ngày nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), tại xã Bình Hòa cũ (nay thuộc quận Bình Thạnh) có một con đường mang tên Nguyễn Văn Trương, nhưng sau đó lại đổi tên là đường Nguyễn Huy Lượng cho đến ngày nay.

Tham khảo

Tham khảo

Liên kết ngoài