Nguyễn Tư Giản

Nguyễn Tư Giản (阮思僩, 18231890), trước có tên: Văn Phú, Địch Giản, sau mới đổi lại là Tư Giản, tự: Tuân Thúc(洵叔), Hy Bật, hiệu: Vân Lộc(雲麓) và Thạch Nông(石農). Ông là một danh sĩ và là một vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ 7 đời vua [1] nhà NguyễnViệt Nam.

Thân thế & sự nghiệp

Nguyễn Tư Giản sinh tại làng Du Lâm, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, nhưng gia cảnh đã đến hồi sa sút. Ông là cháu nội danh sĩ Nguyễn Án, đồng tác giả sách Tang thương ngẫu lục. Cha ông là Nguyễn Tri Hoàn, làm quan tới chức Lang trung bộ Hình dưới thời Minh Mạng. Dòng họ Nguyễn của ông vốn gốc hoàng tộc nhà Lý.

Từ nhỏ, Nguyễn Tư Giản nổi tiếng thông minh hay chữ. Lên 5 tuổi, thì mẹ mất, lên 11 tuổi thì cha mất, nên ông phải đến ở nhà ông bà ngoại (ông ngoại làm Thiếu tư khấu, tức Tham tri bộ Hình, lúc này ông đã mất) bên mé ngoài Cửa Bắc thành Hà Nội, gần hồ Trúc Bạch.

Sau này, trong bài thơ Đề Phổ Quang tự, ông có lời chú nhắc lại chuyện cũ như sau:

Ông ngoại tôi làm Thiếu tư khấu, có nhà riêng ở phía bắc cố đô Thăng Long. Nhà kề vườn sau của chùa Phổ Quang. Lúc nhỏ tôi được nuôi dưỡng ở bên ngoài. Hàng ngày tôi thường sang chơi đùa bên sân chùa, đá cầu, cưỡi ngựa tre.

Ban đầu, ông học với người anh cả là Nguyễn Đức Hiến, sau theo học ông Nghè Vũ Tông Phan, tại một ngôi trường ở thôn Tự Tháp, nằm ở phía tây Hồ Gươm thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay là quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Năm 19 tuổi, ông đi thi nhưng bị hỏng, ba năm sau mới đỗ Cử nhân khoa thi năm Quý Mão 1843 ở trường Hà Nội, năm sau thị Hội đỗ luôn Tiến sĩ, vào Đình thí được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn (1844) dưới triều vua Thiệu Trị, xếp thứ 2 chỉ sau Đình nguyên Nguyễn Văn Chương.

Sau khi về quê bái tạ tổ tiên, ông vào Huế để nhận chức Tu soạn Hàn lâm viện, được cử vào ban biên tập bộ Thiệu Trị văn quy và được vua cho đổi tên Văn Phú thành Định Giản.

Năm Bính Thân (1846), ông được cử làm Tri phủ Ninh Thuận, nhưng vào mùa thu năm sau (1847), thì vị vua mới lên ngôi là Tự Đức cho triệu ông về kinh.

Trong mười năm ở kinh đô Huế (18471857), ông được nhà vua cho đổi tên lần nữa (Định Giản trở thành Tư Giản), và lần lượt trải các chức vụ: Khởi chú [2] ở lầu Kinh Diên, Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện, Binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khanh sung Biên nội các sự vụ.

Năm Đinh Tỵ (1857), Nguyễn Tư Giản được phép về thăm quê, đồng thời nhận nhiệm vụ nghiên cứu tình hình sông ngòi và đê điều ở đất Bắc. Khi trở lại, ông đề xuất "Phương lược trị thủy Nhị hà" gồm 10 điểm lên vua Tự Đức, rồi được chuyển xuống cho các bộ liên quan để cùng bàn bạc thực hiện [3].

Vì vậy, đang làm Thị lang bộ Lại, ông được cử làm Hiệp chính Biện lý đê chính sự vụ để lo việc trị thủy ở Bắc Kỳ. Mặc dù ông và các cộng sự có nhiều cố gắng, nhưng các năm sau vẫn có chỗ vỡ đê, khiến nhà vua không hài lòng, cho giáng chức ông và Nguyễn Văn Vỹ vào tháng Giêng năm Tân Dậu (1861), rồi cho giải tán Nha đê chính vào mùa xuân năm sau (1862).

Nhân lúc này ở vùng biển Hải Dương, Bắc Ninh đang có cuộc nổi dậy do Tạ Văn Phụng (còn được gọi là Lê Duy Phụng) lãnh đạo (sử cũ gọi là Nạn giặc biển), Nguyễn Tư Giản được điều làm Tham biện quân vụ Hải-Yên (Hải Dương –Quảng Yên), dưới quyền chỉ huy của Tổng thống quân vụ Trương Quốc Dụng để giúp việc đánh dẹp. Nhưng có một lần thành huyện Cẩm Giàng, thành tỉnh Hải Dương đều bị quân nổi dậy kéo tới huy hiếp, ông bị đình thần hạch tội là bất lực và nhà vua đã chấp thuận cho bãi chức ông [4].

Bị bãi chức, Nguyễn Tư Giản về dạy học ở làng Đôn Thư (Thanh Oai, thuộc Hà Tây cũ) trong khoảng một năm, rồi chuyển ra Hà Nội dạy ở phố Hàng Bồ thêm khoảng hai năm nữa, thì được lệnh gọi vào Huế làm Tu soạn ở Viện Hàn lâm, rồi Thị độc học sĩ ở lầu Kinh Diên.

Năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Tư Giản được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Tháng Sáu (âm lịch) năm Mậu Thìn (1868), ông được vua chọn đi sứ sang nhà Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ.

Sang Trung Quốc, Nguyễn Tư Giản học hỏi được nhiều điều [5], nên khi về nước ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, như cho mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới lạ...Dù không được nhà vua nghe theo, nhưng các ông được nhiều người đương thời xem trọng, coi như một "tân đảng" [6].

Đi sứ về ông được thăng Thị lang bộ Lại kiêm phó Tổng tài Quốc sử quán. Ở chức vụ này, ông đã tham gia biên soạn và xét duyệt lần cuối bộ sử lớn của nhà NguyễnViệt sử thông giám cương mục.

Mùa hạ năm Quý Dậu (1873), triều đình Huế cử một phái bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại Nam Kỳ. Nguyễn Tư Giản được cử làm Chánh sứ, nhưng ông dâng lấy lý do bệnh tật sức yếu, xin thoái thác. Theo Nguyễn Vĩnh Phúc, thì:

Thoái thác vì ông không tán thành chủ trương giải hòa với Pháp. Thực ra không đợi tới bây giờ mà trước đó 14 năm, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, rồi đánh chiếm Gia Định (tháng 2 năm 1859), giữa lúc Trương Đăng QuếPhan Thanh Giản là hai viên quan đứng đầu triều đã có chủ trương giảng hòa thì Tư Giản đang làm Đê sứ ở Bắc Kỳ đã gửi sớ về triều công kích chủ trương này. Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ, quyển 19) có ghi: Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây Dương[7].

Năm Ất Hợi (1875)[8], ông được bổ chức Thượng thư bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần.

Nhưng đến tháng Bảy (âm lịch), thì Nguyễn Tư Giản lại bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ (nay thuộc Hà Nội) coi việc lên khẩn hoang để chuộc tội (do vậy ông có thêm hiệu mới là Thạch Nông). Bởi trước đây ông đã cho một học trò[9] tên Phan Văn Nhã vào làm thư lại. Sau đó, Nhã đã làm ấn giả, bảng Cửu phẩm giả. Vì cả tin, nên Nguyễn Tư Giản, Tham tri Nguyễn Văn Thúy, Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều điềm nhiên ký tên và đóng dấu vào. Việc bị phát giác tâu lên, vua giao cho Pháp ty chiếu luật định án.

Năm Mậu Dần (1878), nhân dịp lễ "Ngũ tuần đại khánh" của vua Tự Đức ông được triệu về Huế, trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết.

Sau biến cố tại Kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22 tháng Năm năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó nên ông giả ốm xin về nghỉ.

Năm 1886, chiều theo ý của Pháp, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh-Thái (Bắc Ninh-Thái Nguyên).

Tháng 3 năm 1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu ĐộNguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng. Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh-Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua, xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.

Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng:

Việc này, không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh-Thái hiện nay đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp[10]

Sau đó, Nguyễn Tư Giản xin được từ quan, về ẩn thân[11] dạy học ở Phát Diệm (thuộc Ninh Bình) cho đến năm Canh Dần (1890) thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.

Tác phẩm chính

Tác phẩm của Nguyễn Tư Giản khá nhiều và gồm nhiều thể loại. Theo Trịnh Khắc Mạnh, những tác phẩm chính của ông có:

  • Nguyễn Tuân Thúc thi tập: gồm các tập: Quan hà tập, Đông chinh tập, Yên thiều thi thảo, Tiểu Tuyết Sơn phòng thi tập.
  • Sử lâm kỷ yếu: viết theo thể thơ 4 chữ về lịch sử Trung Quốc từ thời Bàn Cổ đến đời Minh cùng những việc hay dở của vua quan nước này. Có lời châu phê của vua Tự Đức.
  • Thạch Nông thi tập: gồm những bài thơ trích từ các tập Quan hà thi thảo, Đông chinh tập, Văn lâm thi thảo, Yên thiều thi thảo, Vân Lộc thi thảo, Tuyết tiều ngâm thảo.
  • Thạch Nông toàn tập: bao gồm gần như toàn bộ thơ và văn của ông.
  • Thạch Nông văn tập: gồm thư gửi quan lại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bi ký, sớ và văn trên đường đi sứ. Trong tập sách này có Yên thiều tập.
  • 'Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả: ghi chép về gia phả họ Nguyễn ở làng Vân Điềm và làng Du Lâm thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.
  • 'Yên thiều thi văn tập: gồm thơ văn làm trong dịp đi sứ.
  • Yên thiều thi thảo: gồm thơ làm trong dịp đi sứ.
  • Yên thiều thi tập: gồm thơ làm trong dịp đi sứ.

Ngoài ra, ông còn tham gia tham gia biên soạn:

  • Liễu Đường biểu thảo
  • Như Thanh nhật ký
  • Phụng tương vũ lược ẩn dật thần tiên liệt nữ thưởng lãm các sách soạn thành thi tập[12]

Theo Từ điển Văn học (bộ mới), ông còn có:

  • Thạch Nông tùng thoại tập: Tập văn đàm đạo của Thạch Nông.
  • Trung ngoại quỳnh dao tập: Tập văn thơ tặng đáp giữa sứ bộ Việt Nam và quan khách Trung Hoa.
  • Hà phòng tấu nghị: Tâu trình về việc đê điều...

Cũng theo Trịnh Khắc Mạnh, thì thơ của Nguyễn Tư Giản đã được dịch và công bố một số bài trong tập Thơ đi sứ, Nhà xuất bản. KHXH, Hà Nội, 1993. Về văn của ông cũng đã được dịch và công bố một số bài trong cuốn Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX, tài liệu lưu hành nội bộ (in rônêô) của Viện Triết học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Một vị quan có tâm

Trích nhận xét của:

  • Hàn Thụy Vũ:
Là một người học rộng, tài cao, một đại thần nòng cốt của triều Nguyễn, khi chế độ quân chủ Việt Nam sang đời Thiệu Trị bắt đầu suy thoái, ông luôn trăn trở trước những vấn đề trọng đại của đất nước đặt ra cho thế hệ mình...
Là một trí thức lớn, ông không khuôn suy nghĩ của mình vào những chuyện thường tình, mà dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh. Trong bài ứng chế viết cho Tự Đức năm 1853, ông nêu lên sáu cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối hơn cả là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên ngồi chơi...Ấy là cái nạn "nhũng viên", tức là kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan chính quyền.
Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều, những điều ông nghĩ, những việc ông làm xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân nhất mực, giữ tấm lòng trung trinh trong sáng cho đến khi dưỡng già không một tấc đất, một ngôi nhà ngay ở quê hương mình. Ghi nhận công đức của ông, thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố.[13]
  • Trần Bá Chí:
Nguyễn Tư Giản là nhân vật lịch sử hoạt động vào cuối thế kỷ 19. Cuộc đời trải qua bao nhiêu gian truân thử thách, mấy lần bị cách bị giáng mà chí không nản. Lòng yêu nước thương dân của ông bộc lộ rõ trong những bản điều trần, trong lời sớ thiết tha mong vua đừng nghị hòa với quân Pháp. Đó là những những nét đẹp về tấm lòng, về nhân cách, về bản lĩnh của ông...[10]
  • Nguyễn Vĩnh Phúc:
Yêu nước, yêu dân nhưng Nguyễn Tư Giản chưa có cái dũng khí cầm gươm ra trận như Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hữu Huân, cũng chưa có cái can đảm dứt khoát khước từ sự lôi kéo của nhà Nguyễn. Nhưng dù sao, Nguyễn Tư Giản cũng đã sớm rút khỏi chốn quan trường để trở về sống một cuộc sống trong sạch tuy nghèo nàn. Thân làm đến Tổng đốc Thượng thư, mà ở quê hương không có nổi một dinh cơ. Ngôi nhà thờ năm gian là do năm anh em ông chung sức mới dựng lên được, để lấy làm nơi thờ bố mẹ. Ở gian chính ông đã viết bức hoành bốn chữ "Thanh bạch nho phong", để nói lên nếp sống của họ mình. [14]

Một cây bút có tài

Về phương diện sáng tác, Nguyễn Tư Giản thành công hơn ở lĩnh vực thơ ca. Một nội dung rõ nét, đó là tình yêu đất nước, quê hương và đồng bào của ông. GS. Nguyễn Huệ Chi đã có những nhận xét khái quát như sau:

Nguyễn Tư Giản là một nho sĩ luôn lo lắng mặt dân sinh, nên một phần thơ văn của ông đã thể hiện ít nhiều về khía cạnh này. Như trong bài "Họ giả dĩ trị sinh vi tiên luận" (Bàn về việc học giả phải lấy sự lo toan đời sống làm đầu), ông cho rằng kẻ sĩ cũng phải trực tiếp tham gia công việc đồng áng. Ông cũng đề xuất với nhà trường là phải dạy cho người ta cái học "hữu dụng", đó là cái học kết hợp tri và hành.
Ở một số bài khác, ông đã phác họa được cái bóng dáng của người dân lao động, với những nét chân thật, như bài: "Vọng vũ ngâm (Bài ngâm mong mưa), "Hỷ vũ thi" (Thơ mừng mưa), "Hỷ vũ phú" (Phú mừng mưa)...
Đối với vấn đề thời cuộc, tuy ông không có được một thái độ dứt khoát như tướng Tôn Thất Thuyết, nhưng ông cũng là một trong số những người theo phái chủ chiến, tin vào tinh thần yêu nước và sức mạnh của nhân dân. Vì vậy, ông đã viết khá nhiều bài thơ văn theo đề tài này, như: "Cửu nguyệt bệnh khởi" (Tháng Chín khỏi ốm trở dậy), "Điếu Phan An chiến trường" (Viếng chiến trường Phan An), "Thị Phan Tử Đan" (Bảo Phan Tử Đan), Tiễn Nguyễn Hy Phần quy Bình Thuận (Tiễn Nguyễn Hy Phần [tức Nguyễn Thông] ra Bình Thuận)...
Nhìn chung, thơ văn ông đều viết bằng chữ Hán, lời lẽ điêu luyện nhưng không quá nhiều điển cố, không chơi chữ. Ngòi bút của ông phác thực, giản dị, lạc quan, chứ không nặng trĩu u hoài. Chính vì vậy, thơ ông nghe nhẹ nhàng, không bị gò bó bởi khuôn sáo và ước lệ.

Sau khi phân tích và dẫn chứng, GS. Nguyễn Huệ Chi kết luận:

Nguyễn Tư Giản là một nhà thơ đứng trung gian giữ dòng thơ tự sự và dòng thơ trữ tình, và trên chỗ đứng này, ông đạt được một giá trị đáng kể, đó là sự "bình đạm" [15].

Chú thích

  1. ^ Nguyễn Tư Giản ra làm suốt bảy đời vua Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh.
  2. ^ Kinh Diên Khởi chú là tên một chức quan chuyên lo việc ghi chép những điều giảng bàn của vua và các quan ở tòa Kinh Diên.
  3. ^ Nguyên là vào thời gian này các đê sông ở Bắc Kỳ thường bị vỡ, gây tai họa lớn. Trong triều đình lúc bấy giờ có hai chủ trương trái ngược nhau: Phái phá bỏ đê và phái tiếp tục đắp đê thêm. Cho nên nhân chuyến về thăm quê, nhà vua muốn Nguyễn Tư Giản đi tra xét luôn việc này. Khi trở lại Huế, ông đã phân tích rồi kết luận rằng việc phá bỏ đê là một điều rất nguy hiểm. Sau đó ông kiến nghị mười điểm: 1/ Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn. 2/ Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát. 3/ Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất ngờ. 4/ Đào các sông nhánh để giữ dòng chính. 5/ Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ. 6/ Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát. 7/ Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí. 8/ Trả tiền công hậu cho những người làm đê. 9/ Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thủy. 10/ Đặt ngạch dân đinh chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.
  4. ^ Chép theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế và Nguyễn Huệ Chi. Nhưng theo Trần Bá Chí, thì ông Giản không nằm dưới quyền của tướng Dụng mà là ông đã hiệp cùng Kinh lược quân vụ Nguyễn Đình Tân chia quân đi tiễu trừ, nhưng đại bại, bị cách chức cả hai. Sau đó, vua Tự Đức mới cử Thượng thư bộ Hình Trương Quốc Dụng lên thay. Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), tướng Dụng bị tử trận ở Hà Nam, nhà vua liền điều Tuần phủ Đỗ Quang, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thường, rồi lại phái thêm Thống tướng Nguyễn Tri Phương, Đốc binh Ông Ích Khiêm cùng Tán lý quân vụ Phạm Chi Hương hội quân đi đánh, mãi đến mùa thu năm Ất Sửu (1865), sáu viên chỉ huy của đối phương, trong số đó Tạ Văn Phụng mới bị bắt và bị tử hình...Sau đó, Nguyễn Tư Giản mới được xét cho khôi phục. (Lược theo Nguyễn Tư Giản qua biến động của cuộc đời in trong tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000. Xem chi tiết tại đây: [1] Lưu trữ 2009-08-26 tại Wayback Machine).
  5. ^ Trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh) năm (1868), Nguyễn Tư Giản có làm bài "Biện di thuyết" khá nổi tiếng. Theo lời ông kể, khi đoàn sứ bộ ta tới Quảng Tây, thấy trong hiệu sách đang bày bán tập 'Việt Tây dư địa đồ thuyết', trong đó, phàm những nơi đất Trung Hoa tiếp giáp với Việt Nam đều ghi là "giáp mỗ di châu, di huyện". Bức xúc, ông viết bài "Biện di thuyết" (xem "Nguyễn Tư Giản, một tri thức lớn của nước ta thế kỷ 20" của Trần Nghĩa đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000, bản điện tử: [2] Lưu trữ 2009-08-26 tại Wayback Machine).
  6. ^ Theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, tr. 680.
  7. ^ Nguyễn Vĩnh Phúc, Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (chủ biên), Nhà xuất bản Hà Nội, 2004. Bản điện tử [3] Lưu trữ 2012-09-13 tại Wayback Machine
  8. ^ Ghi theo Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế. Nhưng theo Trần Bá Chí thì ông nhậm chức Thượng thư bộ Lại sớm hơn một năm. Ông Chí viết:Tháng 2 năm Giáp Tuất (1874) vua đã đề bạt ông làm Thượng thư bộ Lại kiêm lãnh việc Quốc tử giám. Sau đó mấy tháng, ông lại đảm đương thêm một phần việc ở bộ Lễ và Nha Thương bạc (theo nguồn đã dẫn).
  9. ^ Theo theo Trần Bá Chí. Nguyễn Vĩnh Phúc ghi là người em trai bà vợ lẽ (theo nguồn đã dẫn).
  10. ^ a b Lược theo Trần Bá Chí, Nguyễn Tư Giản qua biến động của cuộc đời in trong tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000. Xem chi tiết tại đây: [4] Lưu trữ 2009-08-26 tại Wayback Machine
  11. ^ Vì che giấu thân phận nên ở đây người ta chỉ biết ông là "cụ Đồ Giản" [5][liên kết hỏng].
  12. ^ Xem chi tiết trong bài viết Nguyễn Tư Giản: cuộc đời và tác phẩm của Trịnh Khắc Mạnh, đang trên tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000. [6] Lưu trữ 2009-08-26 tại Wayback Machine
  13. ^ Xem chi tiết tại đây
  14. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2010.
  15. ^ Lược theo Nguyễn Huệ Chi, trong Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1213-1214. Xem thêm phần luận thơ ở đây: [7] Lưu trữ 2012-09-13 tại Wayback Machine

Tham khảo

  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản KHXH, 1992.
  • Nguyễn Huệ Chi trong Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (Tập 8). Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

Liên kết ngoài