Nguyễn Tài Tuyển
Nguyễn Tài Tuyển húy là Kiêm sau đổi lại húy Tuyển tự Chu Sỹ hiệu Dụng Trai và Hiệu Phương Sơn sinh giờ Dần ngày 7 tháng 1 năm Mậu Tuất [1838], tại làng Thượng Thọ xã Thanh Văn tỉnh Nghệ An, mất ngày 12 tháng 8 năm Giáp Thân. Hưởng thọ 48 tuổi.
Tiểu sử và sự nghiệp
Tiểu sử
Cụ là hậu duệ đời thứ 23 của Trạng nguyên Nguyễn Hiền, hậu duệ đời thứ 21 của Đại doãn kinh sư [1]Nguyễn Trung Ngạn và là ông cố nội của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn.
Sự nghiệp
Nguyễn Tài Tuyển đậu tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 30 (1877), sau ra làm Tri phủ huyệnTương Dương, được sung sơn phòng Phó sứ Nghệ An[2], truy thụ Hàn lâm viện thị độc[2].
Tài liệu
Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu - Quyển 6, Tr. 212 chép: “Các quan Sơn Phòng tỉnh Nghệ là bọn Lê Doãn Nhã mộ được 90 tên dân mọi, khai khẩn được hơn 2.070 mẫu ruộng đất. Ngài ban thưởng Lê Doãn Nha kỷ lục 2 thứ, Nguyễn Tài Tuyển gia 1 cấp”.
Sách Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006, tái bản lần thứ hai, Kỷ thứ tư, tập 8, phần đệ tứ kỷ - quyển LXIX, Tr.277, 645, 698, chép: “ Phước thí các cử nhân trúng cách. Lấy Thượng thư bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần, tước Kỳ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường sung chức Đọc quyển. Hồng lô Tự khanh biện lý bộ Lại Nguyễn Hữu Độ, Thị độc Học sĩ sung biện Các vụ Nguyễn Thuật đều sung việc Duyệt quyển, cho bọn Phan Đình Phùng 4 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân (Phan Đình Phùng, Trần Hữu Khác, Trần Phát, Nguyễn Tài Tuyển).”
Phần đệ tứ kỷ - quyển LXIX trang 645, 698 chép: Quý Mùi, Tự Đức năm thứ 36 [1883], (Thanh, Quang Tự thứ 9), mùa xuân, tháng giêng. Lúc bấy giờ tỉnh Nghệ An có Lao Lã cùng với giặc Xá họp nhau ở xã Trịnh Na (thuộc huyện Hội Nguyên, phủ Tương Dương) quấy nhiễu. Tri phủ Tương Dương là Nguyễn Tài Tuyển xin phái quân quan tiến đánh. Vua dụ sai Tổng đốc Trần Văn Chuẩn phái 1 viên lãnh binh đến ngay thượng du đánh dẹp cho trong hạt được yên - Tháng 8, thưởng kỷ lục gia cấp cho bọn Sơn phòng sứ Nghệ An là bọn Lê Doãn Nhạ có thứ bậc khác nhau. (Mộ được 90 tên người Man, khai khẩn ruộng đất được hơn 2.070 mẫu. Thưởng cho Doãn Nhạ kỷ lục 2 thứ; Tham biện là Nguyễn Tài Tuyển gia 1 cấp; Hồ Duy Tĩnh thăng 1 trật. Lại thưởng cho tỉnh thần là Trần Văn Chuẩn kỷ lục 2 thứ).
Sách Đại Nam liệt truyện, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006, quyển 39, truyện các quan - mục XXIX, Tr.392, chép: “ Nguyễn Tài Tuyển, tự là Chu Sỹ, người Nam Đàn, Nghệ An, tính thành thực, chất phác, có tiếng là thờ cha mẹ có hiếu. Đỗ tiến sĩ Tự Đức năm thứ 30 (1877), bổ Tri phủ Tương Dương. Tại chức, lưu đến việc canh nông, mộ dân khẩn ruộng núi, vỗ về dân Man, tất cả với tấm lòng thành tín, lại dân mến yêu. Sau do chân Thị giảng sung sơn phòng Phó sứ Nghệ An. Gặp khi quân Man cướp bóc ở địa giới (phủ) Tương, (phủ) Quỳ, Tài Tuyển đem quân tiến đánh, người Man đều đến quân đầu thú. Tuyển bèn đóng lại ở Quỳ Châu để chiêu dụ trấn áp. Có người thấy ở đó khí độc nặng, khuyên Tuyển dời về. Tuyển nói: "Đạo làm tôi phải tận tụy, khí lam chướng[3] không đáng kể". Đã có lần bị nước lũ nguồn đột ngột đổ đến, lương thực chuyên chở không kịp, Tuyển cùng quân sĩ mấy ngày ăn một bữa, nhưng lấy công nghĩa kích thích, họ cũng đều bền chí. Kiến Phước năm đầu (1884) vì vất vả quá nhiều sinh bệnh rồi mất ở trong quân, được truy thụ Hàn lâm viện thị độc.”
Sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn trang 538 chép:
Nguyễn Tài Tuyển, ông tự là Chu Sĩ, người xã Đại Đồng, tổng Đại Đồng, huyện Nam Đàn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là làng Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An); sinh năm Đinh Dậu (1837), mất năm Giáp Thân (1884).
Năm Đinh Mão (1867), 31 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; năm Đinh Sửu (1877), 41 tuổi đỗ Tiến sĩ. Ngay sau khi đỗ ông được bổ làm Tri phủ Tương Dương. Ông lưu tâm đến việc khai khẩn trồng trọt ruộng nương miền núi, vỗ về người Man thiểu số nên được dân vùng cai trị yêu mến. Sau đó, ông được bổ làm Sơn phòng Phó sứ tại Nghệ An. Gặp khi quân Man tiến đánh phá vùng biên giới, ông đem quân đánh dẹp. Người Man tỏ ra hàng phục và rất nhiều người ra đầu thú, nên ông phải đóng quân ở lại Quỳ Châu để chiêu dụ. Ông vô cùng bền chí trong việc canh giữ miền núi non, nhưng cũng vì thế mà bệnh do chướng khí ở vùng này. Đến năm Giáp Thân (1884), ông sinh bệnh mà mất trong quân, khi mới 48 tuổi, được truy tặng Hàn Lâm Viện Thị độc.
Cuộc sống cá nhân
Gia phả họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ xã Thanh Văn huyện Thanh Chương chép:
Khi được hỏi về thời sự - Nam Kỳ lục tỉnh[4] đang bị thất thủ, nên đánh hay nên hòa, lúc bấy giờ triều đình đang có ý chủ hòa cho nên có người dựa theo vậy chủ hòa có người lại nửa hòa nửa đánh, cụ Tuyển khẳng khái tâu: “nhất thiết phải đánh”, “ Thà đắc tội với triều đình chứ không chịu mang tội với thiên hạ, hậu thế”, vua Tự Đức khen “Văn hữu khí” [gia phả cụ Đức năm Bảo Đại thứ 19]. Cụ Nguyễn Tài Tuyển là nhà sư phạm “Đức hinh viễn bá” tiếng tốt đức độ lan truyền, danh tiếng được các bậc văn tài vị nể. Sau khi Cụ mất, môn đệ xuất sắc của Cụ là tiến sĩ khoa Giáp Thân, lãnh chức Đốc học Nghệ An là Song Quỳnh Dương cùng các môn sinh làm bia đá lớn[5] ca ngợi công đức và tài năng của Cụ để ở từ đường, nay vẫn còn lưu. Nhà yêu nước Phan Bội Châu, "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng"[6], từng tặng cụ Tuyển câu đối: “Đế quảng khoa đồ cầu tấn nghĩa – Nhân ư đình đối địch văn chương” và chín chữ ca ngợi tài năng trác việt, thích thảng, quân tử, hùng văn của Cụ: “Tiên công vĩ đại bút hùng văn minh thế”, dịch nghĩa là: Tiên công xưa đã lấy đại bút, lấy hùng văn mà nổi tiếng ở đời[7]. Bốn bộ sách thuộc Quốc sử quán triều Nguyễn là cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu. Lưu trữ nhiều thư tịch tài liệu của tiền triều và những bộ thư tịch đồ sộ của hoàng triều viết về cụ Tuyển hiện đang còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, do nhà sử học người Mỹ, Tiến sỹ sử học Jason Picard (huyền tôn tế của cụ Nguyễn Tài Tuyển) cung cấp.
Tham khảo
- ^ Đại doãn kinh sư: Từ điển chức quan Việt Nam, Nhà xuất bản. Thanh Niên, H.2002, sđd, tr.175, mục 242: Chức quan coi việc của kinh sư.Nguyên trước ở kinh sư đặt Đại an phủ sứ. Nay đổi gọi Đại doãn.Mùa xuân năm Tân Tỵ [1341] lấy Nguyễn Trung Ngạn là Đại doãn kinh sư. Thời Trần, Trung đô có Đạo doãn, Tổng quản, Đại An phủ sứ. Thời Xuân thu, nước Tống lấy Đại doãn là chức quan chấp chính. Sách “Chiến quốc sách, Tống sách” chú rằng: “Đại doãn, Tống khanh dã” có nghĩa là: Đại doãn là chức khanh thời Tống.
- ^ a b Hàn lâm viện thị độc, Từ điển chức quan Việt Nam, Nhà xuất bản. Thanh Niên, H.2002, sđd, mục 495, tr.292: thời Lê gọi Hàn lâm viện thị độc, trật Chánh ngũ phẩm. Thời Nguyễn có đặt Hàn lâm viện thị độc, cho hàm Chánh ngũ phẩm.
- ^ Khí lam chướng: Sách An Nam chí lược - Quyển Đệ tam, trang 30:
“ Khí lam chướng rất độc, nhân-dân xứ Lĩnh-Nam tìm phương thuốc có ba vị: vôi hàu là vỏ con hàu dưới biển nấu thành vôi, quét vào lá trầu rồi nhập với miếng cau mà ăn thì trừ hết khí độc, khỏi sốt rét; khi nào có khách tới nhà thì đãi ăn cau trầu. Nếu người chủ nhà hậu tình hơn nữa thì rót rượu cay, mời thuốc hút, đều là những vị trừ khí độc và gió độc”.
- ^ Nam kỳ lục tỉnh: Nay vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc theo cách gọi của người dân Việt Nam ngắn gọn là Miền Tây, có 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
- ^ Bản dịch bia đá: Bia của Tiến sĩ Nguyễn tiên sinh: Tiên sinh họ Nguyễn húy Tuyển tự Chu sĩ, hiệu Dụng Trai, lụy thế tích phúc, đời trước đã đậu Tam trưởng, Giám sinh, Hiệu sinh, tú tài đến 7, 8 người. Đều tiên nghiêm là một bậc sư phạm trong gia đình, tiên từ là một người thụ nữ trong khuê mân. Tiên sinh sinh giờ Dần ngày mồng 7 tháng 1 năm Mậu Tuất, người dĩnh dị và tính thuần hiếu, lúc nhỏ học ở nhà, lớn lên học với.... Tiên sinh, học giỏi nết tốt, được thầy bạn kính yêu. Năm 24 tuổi khoa Tân Dậu đậu Tú tài, 30 tuổi khoa Đinh Mão đậu Cử nhân - Năm Mậu thìn sau khi thi hội về, lấy việc tiến dẫn hậu học làm trách nhiệm của mình, mở trường dạy học ở vùng Thanh Chương và Nam Đàn. Học trò thành đạt nhiều. Đến khoa Đinh Sửu thi hội đậu vào hạng “thứ trúng cách”, vào Đình đối nhà vua cho đậu Tiến sĩ. Mùa đông năm ấy vào kinh làm việc rồi được đi tri phủ Nghĩa Hưng, nhưng vừa đắc chỉ thì vừa gặp tang mẹ, lại ở nhà mở trường dạy học đến năm Nhâm Ngọ mãn tang lại được bổ đi tri phủ Tương Dương. Đến lỵ sở lo việc chiêu dân khẩn điền, được nhà vua ban thưởng. Mùa xuân năm Giáp Thâm thọ hàm Thị Giảng sung chức Phó Sứ Sơn Phòng; Gặp lúc có giặc quấy rối ở vùng Tương Qùy, tiên sinh đem binh đến tiễu phủ, đến ngày 12 tháng 8 năm ấy thụ bệnh, mất ở quân thứ đồn Mực, đem về táng ở làng, sau được truy thọ Hàn Lâm Viện thị độc, hưởng thọ 48 tuổi, còn nghi nhơn là Dương Thị, vô dạng, trưởng nam Tài Hạnh xem việc nhà thứ nam Tài Năng tọa giám ấm sinh (tự Tốn đậu cử nhân, Khoa Bính Ngọ và thọ hàm kiểm tịch). Trưởng nữ Điu lấy ông Phó bảng Nguyễn Văn Chấn ở Minh-hồ thứ nữ Thíu lấy ông Phó bảng Vương Đình Trân ở Vân Sơn, qúy nữ còn nhỏ, tiểu nữ chúng tôi xin lạy từ đường và xin khắc vào đá để làm bia. Ngày vong cuối mùa thu năm Mậu Tuấn niên hiệu Thành Thái thứ 10. Đậu tiến sĩ thứ nhất khoa Giáp Thân, lãnh chức đốc học Nghệ An là Song Quỳnh Dương Tử Ngọc Hiên Thúc Hạp phụng soạn. Môn sinh cử nhơn, tú tài, sĩ nhơn đồng bái.
- ^ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, bài Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1981, tr.18
- ^ Theo Đài phát thanh truyền hình Nghệ An, chương trình nét đẹp một dòng họ.
|
|