Moroni, Comoros

Moroni
موروني Mūrūnī
Vị trí của Moroni
Moroni trên bản đồ Comoros
Moroni
Moroni
Vị trí của Moroni trên đảo Grande Comore
Quốc gia Comoros
Thuộc đảoGrande Comore
Thủ đô1962
Dân số (2003)
 • Tổng cộng41.557 (ước tính)
Múi giờUTC+3
Mã điện thoại269

Moroni (tiếng Ả Rập موروني Mūrūnī) là thành phố lớn nhất của Comoros và từ năm 1958 trở thành thủ đô của quốc gia này. Dân số thành phố ước tính khoảng 41.557 vào năm 2003.[1]

Lịch sử

Moroni vào năm 1908

Lịch sử ban đầu của Moroni không được biết đến nhiều. Bằng chứng bằng văn bản sớm nhất về việc định cư ở quần đảo Comoros không sớm hơn thế kỷ thứ 7, có thể là bởi các thủy thủ Ả Rập và các nông dân Bantu,[2] trong khi những đồ gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 chứng minh rằng quần đảo là một phần của nền văn minh Swahili đang phát triển,[3][4] nhưng Moroni được định cư lần đầu tiên khi nào thì vẫn chưa được biết đến.

Đến giữa thiên niên kỷ thứ hai, Moroni là một thành phố lâu đời, tham gia vào mạng lưới thương mại trên khắp Ấn Độ Dương. Nhà thờ Hồi giáo Badjanani là một minh chứng cho sự giàu có của thành phố, cùng lúc với thời kỳ vàng son của các thành phố Swahili khác.[5] Cùng với cảng biển lân cận và thủ đô hoàng gia Ikoni, Moroni là một trong hai trung tâm quyền lực về kinh tế và chính trị của Vương quốc Hồi giáo Bambao. Đến khi sultan của Bambao, Said Ali ibn Said Omar, đàm phán một hiệp ước bảo hộ với Pháp vào năm 1886, thành phố của ông trở thành nơi đặt trụ sở của chính quyền thuộc địa.[6]

Moroni phát triển chậm chạp trong suốt thế kỷ 20 vì mặc dù bấy giờ là thủ đô của Ngazidja, nó không phải là nơi đặt trụ sở của chính quyền thuộc địa, và đến năm 1958, dân số của nó vẫn chỉ là 6.545 người.[7] Tuy nhiên, cùng năm đó, quyết định được đưa ra để chuyển thủ phủ của quần đảo từ Dzaoudzi đến Moroni, và thành phố từ từ phát triển để trở thành đô thị lớn nhất cả nước.

Một thỏa thuận về quyền tự trị rộng rãi đối với ba hòn đảo đã bị các đại diện của Anjouan từ chối, dẫn đến bạo lực bùng phát vào tháng 4 năm 1999, trong đó Đại tá Azali Assoumani lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính tại Moroni.[8] Vào tháng 12 năm 2003, Hiệp định Moroni về các Hiệp định chuyển tiếp đã được ký kết bởi các chủ tịch đảo của Liên bang Comoros. Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử năm 2006, Đài phát thanh Ngazidja thuộc sở hữu của chính phủ và đài tư nhân Moroni FM đã bị tấn công bởi những phiến quân có vũ trang và buộc phải tạm ngừng phát sóng.[9] Năm 2010, Hải quân Hoa Kỳ đã xây dựng Trường học Hamramba ở Moroni với mục đích dự án nhân đạo, hợp tác với quân đội địa phương và chính phủ liên bang của Comoros. Phương pháp thi công bao gồm trộn bê tông bằng tay trước khi sử dụng xô và xe cút kít để di chuyển bê tông đến điểm trường.[10]

Địa lý

Bãi biển ở Moroni

Thành phố nằm trên bờ biển phía tây của đảo Ngazidja. Moroni có đường bờ biển núi lửa nhiều đá, hầu như không có bãi biển. Các khu dân cư ở phía bắc của Moroni bao gồm Itsandra, Ntsoudjini, Ouellah, Bahani, Batsa, VanambouaniVanadjou, và ở phía nam là Ikoni, Mvouni, DaoueniSelea.

Địa danh

Nhà thờ Hồi giáo Badjanani

Trung tâm thành phố cổ chứa một mê cung gồm những con hẻm hẹp và các tòa nhà cổ nhưng được bảo trì kém. Có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo tại Moroni, nổi bật là Nhà thờ Hồi giáo Badjanani hay Ancienne Mosquée de Vendredi (nhà thờ Hồi giáo thứ Sáu cổ), là nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất tại đây.[1][11] Ban đầu nó được xây dựng vào năm 1427, và một tòa tháp được xây dựng vào năm 1921.[12] Nhà hát 300 chỗ ngồi Alliance Franco-Comorienne là một địa điểm phục vụ các buổi biểu diễn trong nước và quốc tế, các buổi lễ, hội nghị, chiếu phim và hội thảo. Các nhà hát khác bao gồm Al-Kamar với 700 chỗ, Palais du Peuple với 500 chỗ và Foyer des Jeunes de Foumbouni với 300 chỗ.[13]

Moroni có một vài khách sạn và hộp đêm. Núi lửa Karthala gần đó cũng là một điểm thu hút du khách đi bộ đường dài khi núi lửa không hoạt động.

Khí hậu

Moroni có khí hậu xích đạo (Af) với lượng mưa lớn quanh năm — chỉ tháng 10 có lượng mưa trung bình dưới 100 mm (4 in). Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.700 mm (110 in) và mưa vào tất cả các tháng trong năm. Mùa gió chướng kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Độ ẩm nằm trong khoảng 69 đến 79%. Nhiệt độ trung bình quanh năm của Moroni tương đối ổn định với mức cao trong khoảng 32–34 °C (90–93 °F) và thấp trong khoảng 14–20 °C (57–68 °F). Khu vực này thường xuyên có các cơn lốc xoáy và vì các hòn đảo nằm dưới đường xích đạo hơn 10 vĩ độ ở phía tây của Ấn Độ Dương, khí hậu thường được gọi là "nhiệt đới biển".[14]

Dữ liệu khí hậu của Moroni, Comoros
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỉ lục °C (°F) 34
(93)
34
(93)
35
(95)
34
(93)
33
(91)
32
(90)
31
(88)
31
(88)
31
(88)
33
(91)
34
(93)
36
(97)
36
(97)
Trung bình ngày tối đa °C (°F) 30.4
(86.7)
30.4
(86.7)
30.8
(87.4)
30.4
(86.7)
29.5
(85.1)
28.4
(83.1)
27.7
(81.9)
27.7
(81.9)
28.1
(82.6)
29.1
(84.4)
30.3
(86.5)
30.8
(87.4)
29.5
(85.1)
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) 23.4
(74.1)
23.3
(73.9)
23.0
(73.4)
22.6
(72.7)
21.2
(70.2)
19.6
(67.3)
18.8
(65.8)
18.4
(65.1)
19.0
(66.2)
20.3
(68.5)
21.6
(70.9)
22.6
(72.7)
21.2
(70.2)
Thấp kỉ lục °C (°F) 20
(68)
20
(68)
20
(68)
20
(68)
17
(63)
14
(57)
14
(57)
14
(57)
15
(59)
16
(61)
18
(64)
19
(66)
14
(57)
Lượng mưa trung bình mm (inches) 364
(14.3)
293
(11.5)
279
(11.0)
316
(12.4)
256
(10.1)
266
(10.5)
244
(9.6)
150
(5.9)
108
(4.3)
97
(3.8)
108
(4.3)
219
(8.6)
2.700
(106.3)
Số ngày mưa trung bình 18 16 18 18 12 12 12 10 11 12 12 16 167
Độ ẩm tương đối trung bình (%) 79 77 76 74 69 66 65 65 70 73 69 72 71
Số giờ nắng trung bình tháng 187 177 225 192 232 231 236 232 221 237 230 212 2.612
Nguồn 1: Tổ chức Khí tượng Thế giới[14]
Nguồn 2: BBC,[15] Viện khí tượng Đan Mạch (nắng và độ ẩm tương đối, 1931–1960)[16]

Núi Karthala

Núi Karthala

Moroni nằm ở chân núi Karthala, cách miệng núi lửa 10 km về phía tây bắc. Núi này cao 2.361 mét (7.746 ft) và được báo cáo là một trong những núi lửa đang hoạt động lớn nhất trên thế giới với đường kính khoảng 1,6 km, và phun trào khoảng 11 năm một lần.[17] Vụ phun trào năm 2005 đã khiến một lượng lớn người phải di dời do tro núi lửa.[18]

Động vật hoang dã

Ngọn núi lửa ở thành phố Moroni có rất nhiều loài chim bao gồm chim bồ câu Comoros, cú mèo Karthala, chim cu gáy Comoros, chèo bẻo Comoros, chim bìm bịp Comoros, chào mào Comoros, chim bắt ruồi Humblot, chim Karthala mắt trắng, chim chích chòe Comoros, chim hút mật xanh Comoroschim săn mồi Comoros.[19]

Nhân khẩu

Tính đến năm 2011, Moroni có dân số khoảng 54.000 người. Người Hồi giáo dòng Sunni chiếm 98%, và có một thiểu số theo Công giáo La Mã. Các ngôn ngữ chính thức của thành phố là tiếng Shikomori (một ngôn ngữ Bantu có liên quan chặt chẽ với tiếng Swahili), tiếng Ả Rậptiếng Pháp.[18]

Nơi thờ phụng

Nhà thờ Hồi giáo ở Moroni

Những nơi thờ phụng trong thành phố chủ yếu là nhà thờ Hồi giáo. Ngoài ra còn có những nhà thờ Thiên chúa giáo: Đại diện Tông tòa của Quần đảo Comoros, cùng với các nhà thờ Tin lành giáophúc âm.[20]

Kinh tế

Các loại hàng hóa được sản xuất trên đảo là vani, nước giải khát, tinh dầu đã qua chế biến và chưng cất, kim loại, gỗ, và pozzolana (xi măng) đã qua chế biến; những thứ này được xuất từ ​​cảng.[1] Cơ sở hạ tầng du lịch kém phát triển. Các tổ chức tài chính bao gồm Ngân hàng Trung ương Comoros, Ngân hàng Phát triển Comoros cùng với Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại. Có một số chợ ở Moroni, bao gồm chợ cổ và chợ lớn hơn ở khu Volo Volo, phía bắc thành phố.

Giao thông

Sân bay quốc tế Prince Said Ibrahim
Cảng Moroni

Cơ quan Khí tượng và Hàng không Dân dụng Quốc gia được đặt tại Moroni.[21] Thành phố có Sân bay quốc tế Prince Said Ibrahim, tọa lạc tại Hahaya, cách thành phố khoảng 15 km (9 mi) về phía bắc. Tuy nhiên, không có chuyến bay thẳng nào đến Châu Âu. Đây là một sân bay dân dụng ở độ cao 28 m (92 ft) và có một đường băng lát đá với kích thước 2.900 x 45 m (9.514 ft x 148 ft).[22] Các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế đến sân bay này là Air Austral và Kenya Airways. Tuy nhiên, giữa các hòn đảo có các hãng hàng không địa phương, Int'Air Iles và AB Aviation đang hoạt động.[23]

Vào ngày 30 tháng 6 năm 2009, chuyến bay 626 của Yemenia trên đường từ Yemen đến Moroni đã đâm xuống Ấn Độ Dương với 153 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay, phần lớn mang quốc tịch Pháp.[24]

Cảng Moroni nhìn từ phía trước

Có một bến cảng lớn với phương tiện vận chuyển thường xuyên đến châu Phi lục địa và các đảo khác trong quần đảo Comoros,[23] cũng như Madagascar và các đảo khác của Ấn Độ Dương.[18] Cảng là một cầu tàu nhỏ 80 mét (260 ft) với tầm nước 3,5 mét (11 ft), do đó không thích hợp cho các tàu lớn đi vào vì các rạn san hô đe dọa đến sự an toàn. Nó hỗ trợ kích thước tàu tối đa là 150 mét (490 ft). Độ sâu của vùng nước xung quanh là 24,4 mét (80 ft), với độ sâu neo đậu là 23,2 mét (76 ft) và độ sâu bến tàu là 4,9 mét (16 ft).[25] Trong khu công nghiệp nhỏ của bến cảng, một bến container địa phương được quản lý bởi Cơ quan Quản lý cảng Gulfcom SA trong giai đoạn 2006–2012, sau đó Bolloré đã giành được nhượng quyền và sẽ hợp tác với Cofipri, một công ty đầu tư của Luxembourg.[26] Các cơ sở lưu trữ như kho đã được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu và cũng là nơi chứa xăng dầu.[1][27]

Tham khảo

  1. ^ a b c d Encyclopædia Britannica. “Encyclopædia Britannica”. Britannica.com. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2013.
  2. ^ Crowther, et al. "Coastal Subsistence, Maritime Trade, and the Colonization of Small Offshore Islands in Eastern African Prehistory." Journal of Island and Coastal Archaeology, 11:211–237, 2016
  3. ^ Fleisher, Jeremy, et al. "Ceramics and the Early Swahili: Deconstructing the Early Tana Tradition." African Archaeology Review (2011) 28:245–278
  4. ^ Britannica, Moroni, britannica.com, USA, accessed on ngày 7 tháng 7 năm 2019
  5. ^ Ouledi, Ahmed, and Mahmoud Ibrahime. 2007. Les Comores Au Jour Le Jour: Chronologie. Moroni: Komedit.
  6. ^ Vérin, Pierre. 1994. Les Comores. Paris: Karthala.
  7. ^ Maximy, René de. 1968. "Moroni, capitale des Comores." Madagascar Revue de Géographie 12: 59-80.
  8. ^ Union of the Comoros: Selected Issues and Statistical Appendix. International Monetary Fund. 2009. tr. 19.
  9. ^ Karlekar & Marchant 2008, tr. 106.
  10. ^ Morris, Gregg (ngày 30 tháng 6 năm 2010). “Hamramba School Opens in Moroni, Comoros Islands”. United States Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  11. ^ “Lonely Planet review for Arab Quarter”. Lonely Planet. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2013.
  12. ^ Michael Hodd (1994). East African Handbook. Trade & Travel Publications. tr. 686. ISBN 978-0-8442-8983-0.
  13. ^ Rubin 1999, tr. 77.
  14. ^ a b “World Weather Information Service – Moroni”. World Meteorological Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2013.
  15. ^ “Average Conditions - Moroni”. BBC. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2013.
  16. ^ Cappelen, John; Jensen, Jens. “Comorerne - Ile Moroni” (PDF). Climate Data for Selected Stations (1931-1960) (bằng tiếng Đan Mạch). Danish Meteorological Institute. tr. 70. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2013.
  17. ^ REUTERS (ngày 14 tháng 1 năm 2007). “Volcano Stirs on Main Comoros Island”. The New York Times. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  18. ^ a b c “Africa ComorosWorld Factbook”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2013.
  19. ^ Sinclair & Langrand 2003, tr. 26.
  20. ^ J. Gordon Melton, Martin Baumann, Religions of the World: A Comprehensive Encyclopedia of Beliefs and Practices, ABC-CLIO, USA, 2010, p. 762
  21. ^ “ISO Country Code – KM” (PDF). FAA. ngày 29 tháng 7 năm 2013. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  22. ^ “Prince Said Ibrahim International Airport”. Great Circle mapper. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2013.
  23. ^ a b “Flights to Comoros”. Saflights. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2013.
  24. ^ Thorpe. The Pearson Concise General Knowledge Manual 2010 (New Edition). Pearson Education India. tr. 146–. ISBN 978-81-317-2766-9.
  25. ^ “Port of Moroni”. Fleetmon. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  26. ^ “Moroni Agency”. Delmas. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2013.
  27. ^ Peoples of Africa: Burkina Faso-Comoros. Marshall Cavendish. 2001. tr. 99–. ISBN 978-0-7614-7160-8.

Thư mục

Liên kết ngoài