Miên Hoa

Miên Hoa
綿譁
Thân vương nhà Thanh
Hòa Thạc Trang Thân vương
Tại vị1842 – 1845
Tiền nhiệmMiên Hộ
Kế nhiệmDịch Nhân
Thông tin chung
Sinh1785
Mất(1845-10-13)13 tháng 10, 1845
Phối ngẫuQua Nhĩ Giai thị
Tên đầy đủ
Ái Tân Giác La Miên Hoa
(愛新覺羅 綿譁)
Thụy hiệu
Hòa Thạc Trang Chất Thân vương
(和碩莊質親王)
Hoàng tộcÁi Tân Giác La
Thân phụPhụ quốc Tướng quân Vĩnh Phiên
Thân mẫuKế Phúc tấn Nữu Hỗ Lộc thị

Miên Hoa (tiếng Trung: 綿譁; 1785 - 13 tháng 10 năm 1845) là một hoàng thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, người thừa kế 1 trong 12 tước vị Thiết mạo tử vương.

Cuộc đời

Miên Hoa sinh vào giờ Dần, ngày 9 tháng 2 (âm lịch) năm Càn Long thứ 50 (1785), trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là con trai thứ hai của Phụ quốc Tướng quân Vĩnh Phiên (永蕃) - cháu của Trang Khác Thân vương Dận Lộc (胤祿). Mẹ ông là Kế Phúc tấn Nữu Hỗ Lộc thị (鈕祜祿氏). Ông là em trai ruột của Trang Cần Thân vương Miên Hộ. Năm Gia Khánh thứ 10 (1805), ông được phong Phụng quốc Tướng quân (奉国将军). Năm Đạo Quang thứ 22 (1842), huynh trưởng của ông qua đời mà không có con nối dõi, nên ông được thế tập tước vị Trang Thân vương đời thứ 8. Tháng 5, ông trở thành Tộc trưởng của Hữu dực Cận chi (右翼近支族长).[1] Năm thứ 25 (1845), giờ 13 tháng 9 (âm lịch), giờ Hợi, ông qua đời, thọ 60 tuổi, được truy thụy là Trang Chất Thân vương (莊質親王).

Gia quyến

  • Đích Phúc tấn: Qua Nhĩ Giai thị (瓜尔佳氏), con gái của Tá lĩnh Đức Nghĩa (德义).
  • Thứ thiếp: Trương thị (张氏), con gái của Trương Tiên Bảo (张仙保).
  • Con trai
  1. Dịch Nhân (奕仁; 1824 – 1874), mẹ là Đích Phúc tấn Qua Nhĩ Giai thị. Năm 1845 được thế tập tước vị Trang Thân vương. Sau khi qua đời được truy thụy Trang Hậu Thân vương (莊厚親王). Có bốn con trai.
  2. Dịch Bội (奕佩; 1831 – 1882), mẹ là Đích Phúc tấn Qua Nhĩ Giai thị. Được phong làm Bất nhập Bát phân Phụ quốc công (不入八分辅国公) kiêm Nhất đẳng Thị vệ (头等侍卫). Có năm con trai.
  3. Dịch Bảo (奕保; 1843 – 1880), mẹ là Thứ thiếp Trương thị. Được phong làm Phụ quốc Tướng quân (辅国将军). Có ba con trai.

Chú thích

  1. ^ Những năm Ung Chính, kỳ tịch của Tông thất (Cận chi) được chia theo "Tả dực" (gồm Tương Hoàng, Chính Bạch, Tương Bạch, Chính Lam) cùng "Hữu dực". Mỗi "dực" sẽ được chia làm 20 "Tộc" (như Tả dực có Tương Hoàng 1 tộc, Chính Bạch 3 tộc, Tương Bạch 3 tộc, Chính Lam 13 tộc). Ở mỗi "Tộc" như vậy sẽ thiếp lập 1 "Tộc trưởng", 1-3 "Học trưởng" tùy theo nhân khẩu của Kỳ. Đến những năm Càn Long đã quy định lại: 40 tộc "Cận chi" được chia trước đây trở thành "Viễn chi Tông thất", lại thiết lập vài cái "Cận chi" mới. Sau tiếp tục quy định, Cận chi chia làm 6 tộc, Tả dực 2 tộc, Hữu dực 4 tộc. Mỗi tộc thiết lập 1 Tộc trưởng, 2 Học trưởng.

Tham khảo