Lý Yến (nhà Kim)
Lý Yến (chữ Hán: 李晏, 1123 – 1197), tên tự là Trí Mĩ, người Cao Bình, Trạch Châu (nay là Cao Bình, Sơn Tây), quan viên nhà Kim trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công góp ý cải cách hành chính thời Kim Thế Tông.
Cuộc đời và sự nghiệp
Lý Yến tính cơ cảnh mẫn tiệp, lỗi lạc trọng nghĩa. Năm 1146 thời Kim Hy Tông, nhờ thi Kinh nghĩa mà đỗ tiến sĩ; sau đó được làm qua các chức vụ Nhạc Dương thừa, Liêu Dương phủ thôi quan, Trung Mưu lệnh.[1]
Khi Hải Lăng vương sửa sang Biện Kinh, Lý Yến lãnh việc vận chuyển gỗ ở Hoàng Hà. Yến thấy Tam Môn hiểm trở, đề nghị Hành đài thả gỗ xuôi dòng, rồi đón bắt ở hạ du. Sau đó Yến rời chức vì vợ mất, trở lại thì được triệu bổ làm Thượng thư tỉnh lệnh sử; ông không nhận, ra làm Vệ Châu phòng ngự phán quan.[2]
Kim Thế Tông vốn biết tài danh của ông, nên triệu làm Ứng phụng Hàn Lâm văn tự. Gặp dịp tế lễ Nam Giao, Yến được nhận tạm chức Thái Thường bác sĩ, ít lâu sau được thực thụ (Thái Thường tự là cơ quan phụ trách lễ nghi). Sau đó Yến được làm Cao Ly độc sách quan, trải qua 5 lần thăng chức, làm đến Bí thư thiếu giám, kiêm Thượng thư Lễ bộ lang trung, trừ chức Tây Kinh phó lưu thủ.[3] Vì nhân tài Hàn Lâm thiếu thốn, Yến được triệu làm Hàn Lâm trực học sĩ, kiêm Thái thường thiếu khanh. Nhưng Yến phải chăm sóc mẹ già bệnh, nên nhận chức Trịnh Châu phòng ngự sử. Mẹ mất trước khi Yến trở về, sau đó được khởi dùng làm Hàn Lâm trực học sĩ.[4]
Yến trình bày tình trạng khoa cử giới hạn số lượng, gây thiếu hụt nhân sự, khiến Thế Tông quyết định chọn người không giới hạn. Yến được cất nhắc Lại bộ thị lang, kiêm chức trước; ít lâu sau được làm Trung Đô lộ thôi bài sứ, thăng Hàn Lâm thị giảng học sĩ, kiêm Ngự sử trung thừa.[5] Ít lâu sau Yến được làm Trung Đô lộ thôi bài sứ, thăng Hàn Lâm thị giảng học sĩ, kiêm Ngự sử trung thừa. Đó là vì Thế Tông cho rằng Yến già mà chưa mỏi, để ông phù tá Trung đô lưu thủ, Bân vương Hoàn Nhan Vĩnh Thành, kiêm phụ trách công việc của Ngự sử đài.[6]
Lý Yến ở chức Ngự sử, tâu xin xá miễn cho dân lành phải làm nô tỳ của chùa Long Cung và nhà cố danh tướng Hoàn Nhan Mưu Diễn, Thế Tông nghe theo. Sau đó Yến làm phó sứ, đi nước Tống chúc mừng năm mới. Đến khi Thế Tông có bệnh, Yến nhận mệnh ở lại trong cung; bấy giờ chiếu, sách phát ra đều do ông soạn thảo.[7]
Kim Chương Tông lên ngôi, đối đãi với Yến kính trọng; ông xin trí sĩ thì được đổi làm Lễ bộ thượng thư, kiêm Hàn Lâm học sĩ thừa chỉ. Sau 2 năm, lại xin trí sĩ, được thụ Thấm Nam quân tiết độ sứ; mãi về sau mới được trí sĩ. Chương Tông niệm tình cựu thần, lại khởi dùng Yến làm Chiêu Nghĩa quân tiết độ sứ. Năm 1195, Yến xin về, sau đó phát bệnh; triều đình lấy con trai ông là Tả tư viên ngoại lang Lý Trọng Lược làm Trạch Châu thứ sử, để tiện chăm sóc. Năm 1197, ông mất, hưởng thọ 75 tuổi, thụy là Văn Giản.[8]
Hậu nhân
Tham khảo
- ^ Kim sử quyển 96 liệt truyện 34 – Lý Yến truyện: Lý Yến tự Trí Mĩ, người Cao Bình, Trạch Châu. Tính cảnh mẫn, thích thảng thượng khí. Năm Hoàng Thống thứ 6 (1146), chép kinh nghĩa, đỗ tiến sĩ. Được điều làm Nhạc Dương thừa. Tái chuyển làm Liêu Dương phủ thôi quan, từng làm Trung Mưu lệnh.
- ^ Kim sử, tlđd: Gặp lúc Hải Lăng vương sắp sửa sang Biện Kinh, vận chuyển gỗ ở Hoàng Hà, Yến lãnh việc ấy. Yến cho rằng vượt qua sự hiểm trở của Tam Môn, trước sau đã nhiều người thất bại, bèn vội trình bày với Hành đài, đề nghị lấy gỗ ném xuống nước, sai thợ đón bắt ở hạ du, mọi người đều lấy làm tiện. Nghỉ vì vợ mất, trở lại nhận chức, được triệu bổ làm Thượng thư tỉnh lệnh sử; từ chối bỏ đi, ra làm Vệ Châu phòng ngự phán quan.
- ^ Kim sử, tlđd: Thế Tông vốn biết tài danh của ông, lại triệu làm Ứng phụng Hàn Lâm văn tự, đặc lệnh đến Các tạ ơn; Thượng trông mà nói với tả hữu rằng: "Tinh thần của Lý Yến vẫn như trước." Úy lạo rất nhiều. Khi ấy đang nghị lễ Giao, mệnh thay chức Thái thường bác sĩ, ít lâu sau được thực thụ. Làm Cao Ly độc sách quan, 5 lần thăng chức đến Bí thư thiếu giám, kiêm Thượng thư Lễ bộ lang trung, trừ chức Tây Kinh phó lưu thủ.
- ^ Kim sử, tlđd: Thế Tông nói với thị thần rằng: "Người cũ của Hàn Lâm ít, tiến sĩ mới cứ như chẳng có học vấn, đến nỗi làm văn của chiếu, xá, sách mệnh thì ít người có khả năng, nên chọn tiến sĩ giỏi văn chương đang nhậm chức ở ngoài làm việc này." Tả hữu tiến cử Yến, Thượng nói: "Lý Yến là do trẫm tự biết được." Vì thế được triệu làm Hàn Lâm trực học sĩ, kiêm Thái thường thiếu khanh. Lấy cớ mẹ già xin về chăm sóc, được thụ Trịnh Châu phòng ngự sử, chưa về kịp thì mẹ mất. Được khởi làm Hàn Lâm trực học sĩ.
- ^ Kim sử, tlđd: Thế Tông ghé Hậu Các, triệu Lý Yến đọc đối sách của tiến sĩ mới, đến câu "huyện lệnh thiếu hụt thì biết lấy ở đâu"; vua Kim hỏi: "Trẫm đêm ngày nghĩ việc này, chưa biết làm sao!?" Yến đáp rằng: "Thần để ý đã lâu, nhưng không có cơ hội nên không dám nói. Nay may mắn được làm thị tòng, nhận được câu hỏi lớn, nguyện dốc hết hiểu biết." Thượng hỏi: "Nên làm thế nào?" Đáp rằng: "Quốc triều mở khoa chọn kẻ sĩ, ban đầu chia nam bắc 2 tuyến, bắc tuyến 150 người, nam tuyến 100 người, cả thảy 250 người. Người làm quan nhờ từ phú kinh nghĩa là phần nhiều, vì thế huyện lệnh chưa từng thiếu hụt. Về sau nam bắc thông tuyến, chỉ đặt 1 khoa từ phú, mỗi lần giới hạn lấy 6 – 70 người. Người làm quan đã ít, huyện lệnh thiếu hụt là bởi lý do này." Thượng lấy làm phải, bèn hạ chiếu lấy người không giới hạn số lượng. Sau đó Yến được cất nhắc Lại bộ thị lang, kiêm chức trước, có dụ chỉ rằng: "Khanh tính quả cảm, bởi có ý khuyến khích, nên mới dùng khanh, nên càng phải suy xét thận trọng, chớ làm việc hoang đường."
- ^ Kim sử, tlđd: Gặp lúc có quan viên xin cáo ốm, Thế Tông nghĩ là dối trá, nói với Yến rằng: "Khanh vốn cương trực, nay tên mỗ trá bệnh, bởi cớ hắn là thân thuộc của tể tướng, nên sợ mà không dám đốc xét chăng?" Yến quỳ đáp rằng: "Thần tuy già, thứ mà bình sanh có thể trông cậy được, là thành thực và ngay thẳng vậy! Cáo ốm của trăm quan, giám sát là đương nhiên. Thần làm trung thừa, quan lại gian dối thì đáng để nói ra. Bệnh ở báo cáo, việc nhỏ này thần xem như không biết, nào sợ tể tướng kia chứ!" Yến ra khỏi, Thế Tông đưa mắt nhìn theo, nói: "Yến tuổi già, khí vẫn chưa suy!" Một ngày, Ngự sử đài tâu xin tăng Giám sát viên, Thế Tông nói: "Tra xét quan lại trong ngoài, nên cần giám sát. Vậy bọn mày có gì nghe biết, cũng nên đàn hặc. Huống hồ tra xét sửa sai, là chức trách của đài quan đấy, nếu không thể sửa bản thân, còn sửa người khác làm sao?" nên nói với Yến rằng: "Bân vương tuổi nhỏ chưa được rèn luyện, trẫm đem đài sự gởi gắm khanh, hãy nhất nhất để ý."
- ^ Kim sử, tlđd: Khi xưa, Cẩm Châu có chùa Long Cung, Liêu chúa chuyển cho dân hộ nộp thuế ở chùa, lâu năm đều lấy làm nô, có người muốn tố cáo thì hại họ trong đảo. Yến bèn tâu trình: "Tại luật, tăng không sát sanh, huống hồ nhân mạng! Liêu lấy lương dân làm hộ chịu hai loại thuế, đây là rất bất đạo, nay may gặp thánh triều, xin thả hết làm lành." Thế Tông nạp lời ông, vì thế tha cho hơn 600 người. Nhà của cố Đồng phán Đại Mục Thân phủ sự Mưu Diễn có dân vay nợ, tích lãi không thể trả, nhân đó phải chịu làm nô, nhiều lần tố cáo nhưng hữu tư không xử lý, đến nay, bỏ hòm phiếu tự kể. Việc gởi xuống Ngự sử đài, Yến kiểm trích án trạng nắm sự tình, bèn tấu miễn cho họ. Sau đó làm Quốc tín phó sứ chúc mừng năm mới nước Tống. Đến khi Thế Tông không khỏe, mệnh ngủ trong cung cấm, nhất thời chiếu sách, đều do Yến làm.
- ^ Kim sử, tlđd: Chương Tông lập, Yến vạch 10 việc dâng lên. Một là phong tục xa xỉ, nên định chế độ. Hai là cấm du thủ. Ba là dừng đúc tiền. Bốn là miễn thượng hộ quản kho (thượng hộ nghĩa đen là nhà giàu, ý nói những người có đặc quyền liên quan). Năm là thái bình nên hưng lễ nhạc. Sáu là cân nhắc giản tiện tô thuế. Bảy là giảm giá muối. Tám là miễn giám quan liên quan nợ nần. Chín là hữu tư còn cẩu thả, xin lại thi Minh kinh để mưu tính lâu dài. Mười là cấm lệnh bí mật, nên chuộng khoan dung. Lại tâu: "Xin ủy đãi chế Đảng Hoài Anh, tu soạn Trương Hành Giản đổi việc đọc trực tiến đọc bài văn trình bày, để mở rộng nghe nhìn." Đều chọn nạp. Lấy cớ tuổi già xin trí sĩ, cải Lễ bộ thượng thư, kiêm Hàn Lâm học sĩ thừa chỉ. Qua 2 năm; nhắc lại lời xin trước, thụ Thấm Nam quân tiết độ sứ; một thời gian sau, trí sĩ. Thượng niệm tình ông là người cũ của tiên triều, lại khởi làm Chiêu Nghĩa quân tiết độ sứ. Năm Minh Xương thứ 6, quy lão, mắc bệnh, chiếu trừ con trai ông là Tả tư viên ngoại lang Trọng Lược làm Trạch Châu thứ sử, để tiện chăm sóc. Năm Thừa An thứ 2, tốt, được 75 tuổi, thụy là Văn Giản.
|
|