Lê Tri Kỷ

Nhà văn
Lê Tri Kỷ
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Duy Hinh
Ngày sinh
(1924-06-14)14 tháng 6, 1924
Nơi sinh
Triệu Phong, Quảng Trị
Mất
Ngày mất
8 tháng 5, 1993(1993-05-08) (68 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội
Nơi cư trúHà Nội
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Nghề nghiệpnhà văn
Lĩnh vựcvăn học
Sự nghiệp văn học
Thể loạitruyện ngắn, , tiểu thuyết
Tác phẩm
  • Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ
Giải thưởngDanh sách
Binh nghiệp
Thuộc Công an nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ1948 - 1989
Quân hàm Đại tá
Đơn vịNhà xuất bản Công an nhân dân
Giải thưởng
Giải thưởng Nhà nước 2012
Văn học Nghệ thuật

Lê Tri Kỷ (tên thật là Nguyễn Duy Hinh; 1924–1993) là nhà văn Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Ông là Đại tá Công an nhân dân Việt Nam, đã từng làm Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân.

Tiểu sử

Lê Tri Kỷ tên thật là Nguyễn Duy Hinh, sinh ngày 14 tháng 6 năm 1924 tại thôn Lương Kim, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, được học hành tử tế, Lê Tri Kỷ đã đỗ Thành chung thời Pháp thuộc.[1]

Năm 1946, ông làm Bí thư thanh niên cứu quốc huyện Gio Linh, sau đó làm Công an huyện Hải Lăng, Chánh văn phòng Ty Công an Trung ương. Tháng 11 năm 1949, ông lên Việt Bắc làm phái viên kiểm tra của Nha Công an Trung ương. Tháng 11 năm 1951 trở về làm Phó Ty Công an tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 7 năm 1951 về Bộ Công an làm cán bộ nghiên cứu, trong đó có thời gian vào Công an khu 4 làm Phó văn phòng rồi lại trở về Bộ làm Phó phòng Nội gián, hoạt động công tác chính trị, phụ trách tuyên truyền, Trưởng phòng sáng tác và làm Phó Giám đốc rồi Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân – Bộ Công an, giữ quân hàm Đại tá, cho đến lúc nghỉ hưu.[2]

Ông sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Hà Nội.[3]

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lê Tri Kỷ là nhà văn đầu tiên của lực lượng Công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.[4]

Ông mất ngày 8 tháng 5 năm 1993 tại Hà Nội.[3]

Sự nghiệp

Quãng năm 1960, Lê Tri Kỷ mới có sách xuất bản. Ban đầu ông viết truyện người thật việc thật, truyện ký rồi viết tiểu thuyết tư liệu.[1]

Hầu hết truyện ngắn, kể cả những thể loại khác của Lê Tri Kỷ đều lấy cảm hứng, chất liệu từ ngành Công an và đều xoay quanh mảng đề tài an ninh xã hội. Các tác phẩm ông để lại gồm: "Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu" (Ký sự – Nhà xuất bản Lao động, năm 1960), "Cây đa xanh" (Truyện Trinh sát – Nhà xuất bản Phổ Thông, năm 1961), "Phố vắng" (Tập truyện ký – Nhà xuất bản Văn học, năm 1965 ), "Một người không nổi tiếng" (Truyện ký – Nhà xuất bản Văn hoc, 1970), "Đất lạ" (Kịch bản Điện ảnh – Nhà xuất bản Văn học, 1971), "Biến động ngày hè" (Kịch bản sân khấu, 1976), "Những tiếng nói thầm" (Truyện ký – Nhà xuất bản Văn học, 1978), "Thung lũng không tên" (Kịch bản Điện ảnh – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1981), "Sống chìm" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1984), "Câu lạc bộ chính khách" (Tiểu thuyết 2 tập, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1986), "Không thiện không ác" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1988), "Cuộc tình thế kỷ" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1992 – Tái bản 1994)…[4] Nhà xuất bản Công an đã tuyển tập chọn lọc những truyện ngắn tiêu biểu tập hợp trong cuốn “Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ” (1995). Truyện ngắn của ông luôn hiện lên nỗi niềm trăn trở với cuộc đời, với những số phận con người.[2]

"Mỗi chuyện đời có hàng trăm cách kể, mỗi người lại có một cách kể riêng... Là cán bộ Công an cầm bút tôi tự thấy mình có trách nhiệm góp phần chứng minh thêm rằng cái chất văn học của đề tài này không hề thua kém - nếu không nói là đậm hơn - bất cứ loại đề tài nào."

nhà văn Lê Tri Kỷ , [2]

Lê Tri Kỷ là người đầu tiên trong ngành Công an trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã giành hai giải A của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm liên tiếp (1994, 1995) với hai tập truyện ngắn “Cuộc tình thế kỷ”“Không thiện không ác”. Những giải thưởng này được tặng khi ông đã mất.[2]

Lê Tri Kỷ được xem như một người tiên phong, một người anh cả, người thầy của nhiều thế hệ các nhà văn ngành Công an. Nhiều tác phẩm của các nhà văn Công an thành danh sau này như Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Phùng Thiên Tân, Tôn Ái Nhân, Nguyễn Thị Thu Trang… đều có dấu ấn dìu dắt, gợi mở của ông.[5]

Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tác phẩm Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ.[6]

Tác phẩm chính

  • "Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu" (Ký sự – Nhà xuất bản Lao động, năm 1960),
  • "Cây đa xanh" (Truyện Trinh sát – Nhà xuất bản Phổ Thông, năm 1961),
  • "Phố vắng" (Tập truyện ký – Nhà xuất bản Văn học, năm 1965 ),
  • "Một người không nổi tiếng" (Truyện ký – Nhà xuất bản Văn hoc, 1970),
  • "Đất lạ" (Kịch bản Điện ảnh – Nhà xuất bản Văn học, 1971),
  • "Biến động ngày hè" (Kịch bản sân khấu, 1976),
  • "Những tiếng nói thầm" (Truyện ký – Nhà xuất bản Văn học, 1978),
  • "Thung lũng không tên" (Kịch bản Điện ảnh – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1981),
  • "Sống chìm" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1984),
  • "Câu lạc bộ chính khách" (Tiểu thuyết 2 tập, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1986),
  • "Không thiện không ác" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1988),
  • "Cuộc tình thế kỷ" (Tập truyện ngắn – Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1992 – Tái bản 1994).
  • “Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ” (Nhà xuất bản Công an, 1995).

Vinh danh

Giải thưởng văn học

Tham khảo

  1. ^ a b c Xuân Thiều (13 tháng 11 năm 2014). “Lê Tri Kỷ - Nhà văn tiêu biểu nhất của ngành Công an nhân dân”. tapchicuaviet.vn. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
  2. ^ a b c d Phạm Thị Thái (18 tháng 6 năm 2012). “Nhà văn Lê Tri Kỷ: Một cuộc đời sôi động và đa sắc văn chương”. cand.com.vn. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
  3. ^ a b “Nhà văn Lê Tri Kỷ (1924-1993)”. baotangvanhoc.vn. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2024.
  4. ^ a b Phan Quế (27 tháng 6 năm 2010). “Nhà văn Lê Tri Kỷ - Một đời văn tài hoa và sâu sắc”. cand.com.vn. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
  5. ^ Nguyễn Hồng Lam (20 tháng 9 năm 2012). “Mối thâm tình của một nhà văn và một nhà tình báo”. cand.com.vn. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2024.
  6. ^ “Quyết định của Chủ tịch Nước về việc tặng các Danh hiệu vinh dự Nhà nước” (Thông cáo báo chí). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 15 tháng 5 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2024.

Xem thêm