Đối với các định nghĩa khác, xem
Lý Khôi.
Lý Khôi[1] (tiếng Trung: 李悝; bính âm: Lǐ Kuī; Wade–Giles: Li K'uei, 455 TCN - 395 TCN) là nhà tư tưởng, chính trị gia nổi tiếng thời Chiến Quốc. Ông từng làm quan thú đất Thượng Địa rồi làm tướng quốc cho Ngụy Văn hầu. Tương truyền vào năm 407 TCN ông đã viết bộ Pháp kinh gồm 6 thiên đặt cơ sở cho việc hệ thống hóa pháp luật của các triều đại sau này. Chủ trương chính trị của ông, cũng như tư tưởng kết hợp trọng nông và pháp trị trong Pháp kinh đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn đến các nhà tư tưởng như Hàn Phi và Thương Ưởng, mà sau này họ sẽ phát triển triết lý Pháp gia dựa trên cơ sở biến pháp của Lý Khôi.
Biến pháp
Lý Khôi phò tá Ngụy Văn hầu ngay cả trước khi nước Ngụy được nhà Chu chính thức công nhận là chư hầu, dù thuở ban đầu của ông ít được biết đến. Ông được Ngụy Văn hầu phong làm tướng quốc vào năm 422 TCN và bắt đầu thi hành biến pháp kể từ đó; vì vậy mà Ngụy là nước đầu tiên trong Chiến Quốc Thất Hùng tham gia vào quá trình tạo ra bộ máy quan chức thay cho hình thức chính quyền do giới quý tộc thống trị.
Những vấn đề chính yếu trong biến pháp của Lý Khôi bao gồm:
- Thành lập chế độ tuyển chọn nhân tài, chứ không phải là thừa kế, là nguyên tắc quan trọng cho việc lựa chọn quan lại. Bằng cách này, Lý Khôi đã làm suy yếu tầng lớp quý tộc đồng thời tăng cường tính hiệu quả của chính phủ. Ông còn tiến cử những người tài giỏi như Tây Môn Báo giám sát các dự án thủy lợi của nước Ngụy tại vùng lân cận đất Nghiệp, và bổ nhiệm Ngô Khởi làm thái thú Tây Hà khi ông này sang tị nạn tại đây.
- Giúp cho nhà nước đóng vai trò tích cực trong việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp thông qua thuyết "Tận địa lực chi giáo" (盡地力之教)tức tăng gia nông sản tới mức tối đa. Trong khi các nội dung chính xác của cuộc cải cách này vẫn chưa rõ ràng, chúng có thể gồm phương thức truyền bá thông tin về hoạt động nông nghiệp, do đó khuyến khích các phương pháp hiệu quả hơn trong canh tác ruộng đất.
- Ban hành "Bình địch pháp" (平籴法), tức luật về cân bằng lợi tức hằng năm theo đó thì nhà nước sẽ thu mua thóc lúa chất đầy vào các kho thóc riêng trong những năm được mùa, nhằm mục đích giảm bớt biến động giá cả và đóng vai trò như một sự đảm bảo chống lại nạn đói những khi mất mùa.
- Hệ thống hóa pháp luật của nhà nước, dẫn đến việc soạn ra bộ luật thành văn đầu tiên là Pháp kinh, sách chia thành 6 thiên nhưng nay đã thất truyền, gồm các luật đối phó với hành vi trộm cắp, cướp bóc, thủ tục bắt giữ và bỏ tù, và các hoạt động tội phạm linh tinh khác. Thương Ưởng sau này dựa trên bộ đó để thực thi biến pháp ở Tần.
Di sản
Kết quả trực tiếp của những biện pháp cải cách tiên phong là giúp cho nước Ngụy cường thịnh hẳn lên, trở thành bá chủ đầu tiên trong những thập kỷ đầu thời Chiến Quốc. Thúc đẩy nền kinh tế được cải thiện khiến cho nước này đạt được những thành công quân sự đáng kể dưới thời Ngụy Văn hầu gồm một loạt thắng lợi chống lại nước Tần từ năm 413 đến 409 TCN, và phái quân viễn chinh thảo phạt liên minh các nước Sở, Triệu, Hàn.
Đồng thời, các nguyên lý chính trong biến pháp của Lý Khôi - hỗ trợ pháp luật về nghi lễ, sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn nhân tài và xây dựng bộ máy chính quyền quan liêu và vai trò tích cực của nhà nước trong các vấn đề kinh tế và xã hội - đã chứng tỏ sức ảnh hưởng rất lớn cho các thế hệ các nhà tư tưởng có đầu óc cải cách sau này. Khi Thương Ưởng tìm đường lập nghiệp ở Tần ba thập kỷ sau khi Lý Khôi mất, mang theo một bản sao của bộ Pháp kinh mà cuối cùng đã được chuyển thể và trở thành bộ luật của nước Tần.
Hàn Phi chịu ảnh hưởng ít nhiều của Lý Khôi và trong thiên Nội trừ thuyết thượng có nhắc tới ông như sau: Khi làm quan thú Thượng Địa, muốn cho dân nơi đó bắn giỏi, ông ra lệnh rằng hễ trong việc tranh tụng mà còn hồ nghi thì cho hai bên bắn vào đích, ai bắn trúng sẽ thắng kiện, ai bắn trật sẽ thua. Dân đua nhau tập bắn, hoá ra bắn giỏi, nhờ vậy mà khi chiến tranh với Tần, ông đại thắng. Cùng với đồng liêu Tây Môn Báo phụ trách việc giám sát xây dựng các dự án đào kênh thủy lợi ở nước Ngụy.
Chú thích
- ^ Có sách gọi ông là Lý Khắc (có lẽ vì âm Khắc và âm Khôi gần giống nhau), có sách gọi ông là Lý Đoái, vì chữ Khắc 克với chữ Đoái 兌 rất giống nhau.
Tham khảo
- Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường chủ biên, Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nhà xuất bản Trẻ, trang 199-200.
- Zhang, Guohua, "Li Kui" Lưu trữ 2007-09-29 tại Wayback Machine. Encyclopedia of China (Law Edition), 1st ed.
- Needham, Joseph (1986). Science and Civilization in China: Volume 4, Part 3. Taipei: Caves Books, Ltd.