Năm 1795, khi còn rất nhỏ, Léopold đã được chỉ định trở thành Thượng tá của Trung đoàn Vệ binh Hoàng gia Izmaylovsky ở Nga. Bảy năm sau, ông được nâng lên cấp bậc Thiếu tướng. Khi quân của Napoléon chiếm đóng Công quốc Sachsen-Coburg vào năm 1806, Léopold đã hành quân đến Paris. Khi đó, Hoàng đế Napoléon I của Pháp đề nghị ông giữ chức phụ tá sĩ quan, nhưng ông đã từ chối. Thay vào đó, ông trở thành sĩ quan của Lực lượng kỵ binh Hoàng gia Nga.[2] Sau đó, ông tòng quân chống lại Napoléon I và đã tạo được tên tuổi vẻ vang trong trận Kulm với vai trò chỉ huy của đội quân áo giáp. Năm 1815, ở tuổi 25, Léopold đã đạt cấp bậc Trung tướng của Lực lượng quân đội Hoàng gia Nga.
Ngày 2 tháng 5 năm 1816, tại dinh thự Carlton ở Luân Đôn, Anh, ông đã tổ chức lễ thành hôn với Vương tôn nữ Charlotte Augusta xứ Wales - con gái hợp pháp duy nhất của Hoàng tử nhiếp chính Anh (sau này là Vua George IV của Anh). Do đó, ông được xếp thứ 2 trong danh sách kế vị ngai vàng hoàng gia Anh, được ban tước hiệu Thống chế và Hiệp sĩ Garter. Ngày 5 tháng 11 năm 1817, Công chúa Charlotte qua đời vì sinh non. Nếu bà còn sống, bà sẽ trở thành Nữ hoàng Anh sau cái chết của cha mình là Vua George IV; và Léopold sẽ trở thành Hoàng thân Anh chứ không phải là Vua Bỉ. Mặc dù Charlotte đã qua đời, nhưng Nhiếp chính vương tử vẫn phong tặng cho Léopold kính xưng Royal Highness vào ngày 6 tháng 4 năm 1818.[3]
Từ năm 1828 đến 1829, Léopold đã vướng vào tin đồn tình cảm với nữ diễn viên Caroline Bauer - một người có vẻ ngoài rất giống với Công chúa Charlotte. Caroline đã đến Anh cùng với mẹ và sống tại dinh thự Longwood, chỉ cách dinh thự Claremont vài cây số. Nhưng đến giữa năm 1829, họ không còn liên lạc với nhau, Caroline cùng với mẹ trở về Berlin. Nhiều năm sau, trong cuốn hồi ký xuất bản sau cái chết của mình, Caroline đã tuyên bố rằng bà và Léopold đã từng có một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối, và ông đã trao cho bà tước hiệu "Nữ Bá tước Montgomery". Tuy nhiên, ông đã ly hôn với bà sau khi biết được ông có thể sẽ trở thành Vua của Hy Lạp.[4] Thế nhưng, con trai của Huân tước von Stockmar đã phủ nhận chuyện này vì không có một tài liệu nào ghi chép về cuộc hôn nhân giữa Léopold và nữ diễn viên.[5]
Lời đề nghị trở thành Vua Hy Lạp
Sau khi cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp kết thúc, Léopold đã trở thành ứng viên sáng giá và quyền lực nhất cho ngôi vị Vua của nhà nước Hy Lạp mới. Tuy nhiên, vào ngày 21 tháng 5 năm 1830, ông đã từ chối lời đề nghị này.[6] Ông nói rằng ông không muốn một vị vua cai trị đất nước nhờ vào thế lực bên ngoài của các nước đồng minh, và nhấn mạnh quyền hạn của Hy Lạp đối với một số khu vực (ở Acarnania và Aetolia) đã đầu hàng Thổ Nhĩ Kỳ.[7] Sau đó, ngai vàng của Hy Lạp đã thuộc về Vương tử Otto của Bayern theo Hội nghị Luân Đôn diễn ra năm 1832.
Vua Bỉ
Sau khi Bỉ giành độc lập, chính thức thoát khỏi sự cai trị của Hà Lan vào ngày 4 tháng 10 năm 1830, Quốc hội Bỉ đã đưa ra một số ứng viên phù hợp, trong đó có Leopold, để trở thành Vua của quốc gia này. Vào ngày 26 tháng 6 năm 1831, Léopold[a] đã được chọn để trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Bỉ. Ông đã làm lễ tuyên thệ trước Hiến pháp bên ngoài nhà thờ Thánh Jacques-sur-Coudenberg tại Cung điện Coudenberg ở thủ đô Bruxelles vào ngày 21 tháng 7 năm 1831. Ngày này cũng được chọn làm ngày Quốc khánh Bỉ.
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 2 tháng 8 năm 1831, Hà Lan tiến hành xâm lược Bỉ. Cuộc giao tranh liên tục diễn ra, kéo dài trong vòng 8 năm. Đến năm 1839, hai nước đã cùng nhau ký Hiệp ước Luân Đôn, thiết lập nền độc lập cho Bỉ.
Ngày 9 tháng 8 năm 1832, lễ cưới giữa Louise Marie của Orléans và Léopold I đã được diễn ra tại cung điện Château de Compiègne ở Pháp. Do Léopold I là người theo đạo Tin Lành nên lễ cưới của họ được tổ chức theo cả nghi thức Công giáo lẫn Kháng Cách.
Với việc khai trương tuyến đường sắt nối liền Bruxelles và Mechelen vào ngày 5 tháng 5 năm 1835, hy vọng của Léopold I về việc xây dựng một tuyến đường sắt đầu tiên ở lục địa châu Âu đã trở thành hiện thực.
Năm 1842, Léopold I đã cố gắng khắc phục điều kiện làm việc của lao động nữ và trẻ em nhưng không thành công. Ở châu Âu lúc bấy giờ đang nổi lên một làn sóng phong trào cách mạng, sau khi cha vợ của ông là Vua Louis-Philippe I của Pháp bị phế truất vào năm 1848. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bỉ vẫn giữ được thái độ trung lập, phần lớn là nhờ vào tài ngoại giao của Léopold I.
Ngày 11 tháng 10 năm 1850, Léopold I một lần nữa mất đi người đầu ấp tay gối là Vương hậu Louise Marie sau khi bà qua đời vì bệnh lao ở tuổi 38.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1865, Vua Léopold I qua đời tại Laeken ở tuổi 74. Ông được an táng tại Hầm mộ Hoàng gia thuộc Nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh ở Laeken, Bruxelles, Bỉ.
Bên cạnh đó, Léopold I còn có hai người con trai với người hầu gái, Arcadie Meyer (nhũ danh Claret) là George và Arthur. George sinh năm 1849, còn Arthur sinh năm 1852. Theo lời yêu cầu của Léopold I, vào năm 1862, hai người con trai của ông đã được cháu trai của ông là Công tước Ernst II xứ Sachsen-Coburg và Gotha ban cho tước hiệu "Freiherr (tạm dịch Huân tước) von Eppinghoven". Năm 1863, Arcadie cũng được ban cho tước hiệu "Nữ Nam tước von Eppinghoven".[8]
Tước hiệu
16 tháng 12 năm 1790 – 12 tháng 11 năm 1826:His Serene Highness Hoàng tử Léopold của Sachsen-Coburg-Saalfeld, Công tước xứ Sachsen
6 tháng 4 năm 1818 – 12 tháng 11 năm 1826:His Royal Highness Hoàng thân Léopold của Sachsen-Coburg-Saalfeld, Công tước xứ Sachsen (Ở Anh)
12 tháng 11 năm 1826 – 21 tháng 7 năm 1831:His Serene Highness (His Royal Highness ở Anh) Hoàng tử Léopold của Sachsen-Coburg và Gotha, Công tước xứ Sachsen
21 tháng 7 năm 1831 – 10 tháng 12 năm 1865:His Majesty Vua Bỉ
^K. BAUER, Aus meinem Bühnenleben. Erinnerungen von Karoline Bauer, Berlin, 1876–1877.
^E. VON STOCKMAR, Denkwürdigkeiten aus den Papiere des Freihernn Christian Friedrich von Stockmar, Brunswick, 1873; R. VON WANGENHEIM, Baron Stockmar. Eine coburgisch-englische Geschichte, Coburg, 1996.
^Memoirs of Leopold i., king of the Belgians, Théodore Juste, 1868, p. 95 ff.
^Genealogisches Handbuch des Adels [Genealogical Handbook of the Nobility]. Freiherrlichen Häuser (bằng tiếng Đức). Band XXI. C. A. Starke. 1999. tr. 101–3.
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Léopold I của Bỉ.