Kuma là một trong số năm tàu tuần dương hạng nhẹ thuộc lớp Kuma được chế tạo, và được dự tính để hoạt động trong cả vai trò tuần tiễu tầm xa tốc độ cao cũng như chỉ huy các hải đội tàu khu trục hay tàu ngầm.
Khi cường độ của cuộc chiến tranh Trung-Nhật ngày càng gia tăng, Kuma thực hiện việc tuần tra dọc theo bờ biển Trung Quốc, hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ của lực lượng Nhật Bản tại miền Trung nước này.
Vào ngày 3 tháng 1 năm 1942, Kuma được tái bố trí vào Hạm đội Viễn chinh Phương Nam 3 của Phó Đô đốc Rokuzo Sugiyama. Nó được phân công tuần tra chung quanh quần đảo Philippine từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 27 tháng 2 năm 1942. Đến tháng 3, Kuma được phân công hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ tại phía Nam Philippines, bắn phá cảng Cebu vào ngày 1 tháng 3, và hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Zamboanga thuộc Mindanao vào ngày 3 tháng 3. Một Lực lượng Đổ bộ Hải quân Đặc biệt từ Kuma đã cứu được khoảng 80 người mang quốc tịch Nhật bị bắt giữ tại đây.
Ngày 10 tháng 4, Kuma hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Cebu của Lữ đoàn Bộ binh 35 Kawaguchi và Trung đoàn Bộ binh 124, vào ngày 16 tháng 4 cho cuộc đổ bộ lên Panay của Lữ đoàn Bộ binh 9 Kawamura và Trung đoàn Bộ binh 41. Vào ngày 6 tháng 5, Kuma yểm trợ cho cuộc tấn công cuối cùng vào pháo đài của quân Mỹ trên đảo Corregidor trong vịnh Manila. Sau đó, Kuma tiếp tục tuần tra tại khu vực Manila cho đến ngày 12 tháng 8 năm 1942.
Ngày 23 tháng 6 năm 1943, trong khi ở lại Makassar cùng với các tàu tuần dương Kinu, Ōi và Kitakami cùng thuộc Hải đội Tuần dương 16, Kuma bị 17 máy bay ném bom ConsolidatedB-24 Liberator thuộc Phi đội 319/Liên đội 90 của Không lực 5 tấn công. Cả bốn chiếc tàu tuần dương chỉ chịu đựng những thiệt hại nhẹ do những quả bom ném suýt trúng.
Ngày 24 tháng 6 năm 1943, cờ hiệu của Hải đội Tuần dương 16 được chuyển từ chiếc Kinu sang Kuma. Sau đó cả hai chiếc tàu tuần dương khởi hành rời Makassar cho những chuyến tuần tra chung quanh Đông Ấn thuộc Hà Lan cho đến ngày 23 tháng 10. Từ ngày 1 tháng 11, Kuma được tái trang bị tại Singapore. Tháp pháo 140 mm Số 5 của nó được tháo dỡ, cũng như là máy phóng và cần cẩu; và thay vào đó là hai tháp pháo phòng không ba nòng 25 mm Kiểu 96, nâng tổng số khẩu phòng không 25 mm trên chiếc Kuma lên mười nòng (2×3 và 2×2). Việc tái trang bị được hoàn tất vào ngày 12 tháng 11, và nó tiếp nối các cuộc tuần tra và vận chuyển chung quanh Đông Ấn thuộc Hà Lan, xen kẽ với các chuyến đi đến cảng Blair, quần đảo Andaman, Penang, Mergui, Burma cho đến ngày 9 tháng 1 năm 1944.
Ngày 11 tháng 1 năm 1944, sau khi khởi hành rời Penang cùng tàu khu trục Uranami để thực tập chống tàu ngầm, Kuma bị chiếc tàu ngầm anh QuốcHMS Tally-Ho (P317) đặt căn cứ tại Trincomalee, Ceylon phát hiện ở vị trí 16 km (10 dặm) về phía Tây Bắc Penang. HMS Tally-Ho đã bắn một loạt bảy ngư lôi từ khoảng cách 1.700 m (1.900 yard). Trinh sát viên trên chiếc Kuma đã phát hiện các đợt sóng của ngư lôi, và cho dù đã bẻ lái hết mức, Kuma vẫn bị trúng hai quả ngư lôi về phía sau bên mạn phải, khiến con tàu bốc cháy. Kuma bị chìm với mũi trước tại tọa độ 05°26′B99°52′Đ / 5,433°B 99,867°Đ / 5.433; 99.867 do phát nổ những quả mìn sâu của chính nó. Tàu khu trục Uranami đã vớt những người sống sót của chiếc Kuma bao gồm Thuyền trưởng Sugino, nhưng 138 thành viên thủy thủ đoàn đã chết theo con tàu.