Họ Ráy hay họ Môn hoặc họ Chân bê (danh pháp khoa học: Araceae) là một họ thực vật một lá mầm, trong đó hoa của chúng được sinh ra theo một kiểu cụm hoa được gọi là bông mo. Các bông mo thông thường được kèm theo (đôi khi được che phủ một phần) một mo hay áo trùm tương tự như lá. Theo các nguồn khác nhau thì họ này có 106-114 chi và 3.750-4.025 loài[3][4]. Sự đa dạng về loài lớn nhất thuộc về khu vực nhiệt đới của Tân thế giới, mặc dù chúng cũng phân bổ tại các khu vực nhiệt đới và ôn đới của Cựu thế giới. Các nghiên cứu di truyền học gần đây do Angiosperm Phylogeny Group tiến hành đã chứng minh rằng bèo tấm, trước đây được coi là một họ riêng (Lemnaceae), cũng thuộc về họ Ráy.
Trong số các loài ráy có hoa đơn tính cùng gốc thì bông mo thường xuất hiện dưới dạng các hoa cái ở phần đáy còn các hoa đực ở phần đỉnh của bông mo. Ở các loài ráy với các hoa hoàn chỉnh thì núm nhụy chỉ tiếp nhận sự thụ phấn trong một thời gian ngắn khi phấn đã được phát tán, vì thế nó ngăn chặn sự tự thụ phấn. Trong họ này có một số loài là đơn tính khác gốc.
Các chi như Hồng môn (Anthurium) và Vân môn (Zantedeschia) là hai chi có nhiều loài được biết đến nhất, cũng như khoai sọ (Colocasia antiquorum) và Xanthosoma roseum (khoai mùng). Trong số các cụm hoa lớn nhất trên thế giới là cụm hoa của Amorphophallus titanum (ráy khổng lồ hay hoa xác chết). Họ này cũng có nhiều loài là các cây cảnh: Dieffenbachia, Aglaonema, Caladium, Nephthys và Epipremnum nhưng có rất ít loài được đặt tên cụ thể. Trong chi Cryptocoryne có nhiều loài thực vật thủy sinh phổ biến. Cả khoai môn và Monstera deliciosa đều là các loại lương thực có giá trị (quả của Monstera deliciosa được gọi là "mít Mexico"). Philodendron chứa các loài cây quan trọng trong các hệ sinh thái của các rừng mưa cũng như hay được dùng làm cây cảnh trong gia đình. Symplocarpus foetidus là một loài ráy phổ biến ở miền đông Bắc Mỹ.
^Bogner Josef; Johnson Kirk R.; Kvacek Zlatko; Upchurch Garland R. Jr (2007). “New fossil leaves of Araceae from the Late Cretaceous and Paleogene of western North America”. Zitteliana. 47: 133–147.
^Angiosperm Phylogeny Group (2009), “An update of the Angiosperm Phylogeny Group classification for the orders and families of flowering plants: APG III”, Botanical Journal of the Linnean Society, 161 (2): 105–121, doi:10.1111/j.1095-8339.2009.00996.x
^"The resources which have been built up for aroid research at the Missouri Botanical Garden include one of the largest living collections of aroids and the largest collection of herbarium specimens of neotropical aroids. The living and dried collections include a large percentage of Croat's more than 80,000 personal collections". (Croat Thomas B (1998). “History and Current Status of Systematic Research with Araceae”. Aroideana. 21.)