Vào năm 1859, ông được bổ nhiệm làm Khối trưởng (Chef) Khối kỵ binh 2 trong Trung đoàn Trọng kỵ binh Dân quân số 4. Vào năm 1864, Pfuel được cử làm Cận vệ Tham mưu (Stabs-Wache) tại Đại bản doanh của Thống chếFriedrich von Wrangel trong cuộc Chiến tranh Đức-Đan Mạch. Ông đã tham chiến trong các trận đánh tại Ober-Selk, Gudsoe và Friderica, cũng như trong trận đột chiếm Dybbøl (tiếng Đức: Düppel) vào ngày 18 tháng 4. Cũng trong năm 1864, ông được thăng cấp Thiếu tá.
Vào năm 1866, ông được đổi làm Sĩ quan tham mưu trong Trung đoàn Thiết kỵ binh số 6 (Brandenburg H.), và cùng năm đó ông tham gia cuộc chiến tranh với Áo trong biên chế của Sư đoàn Kỵ binh số 1, chiến đấu trong trận Königgrätz vào ngày 3 tháng 7. Sang năm 1867, ông được giao tạm quyền Chỉ huy (Führung) Trung đoàn Thiết kỵ binh số 2 (Pasewalk), đồng thời mang danh hiệu à la suite của trung đoàn này. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng của Trung đoàn Thiết kỵ binh số 2. Sau khi cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871), Pfuel, với cấp bậc Đại tá trong Sư đoàn Kỵ binh số 1, đã chỉ huy Trung đoàn Thiết kỵ binh số 2 tham gia các trận đánh lớn tại Colombey, Gravelotte và Beaune-la-Rolande. Ngoài ra, ông cũng tham gia các cuộc vây hãm Metz và Thionville, và chiến đấu trong các trận đánh ở Château de Meslay, Dancé, Vendôme, St. Amand, Villeporcher và Lâu đài Renault.
Vào năm 1872, ông là thành viên của Ủy ban Bổ sung Quân phục và Trang thiết của Kỵ binh (Kommission für die Abänderung der Bekleidung und Ausrüstung der Kavallerie) và vào năm 1873 ông được đổi làm quyền Chỉ huy của Lữ đoàn Kỵ binh số 5. Cũng trong năm đó, Pfuel về sau được lãnh chức Lữ trưởng của Lữ đoàn Kỵ binh số 22 (Kassel), đồng thời mang danh hiệu à la suite của Trung đoàn Thiết kỵ binh số 2. Pfuel được thăng quân hàm Thiếu tướng vào năm 1874, rồi Trung tướng vào năm 1881.[1]
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1891, Pfuel từ trần tại Breslau và vào ngày 7 tháng 7 ông được mai táng trong nghĩa trang quân sự ở thành phố này.