Deutsches Eck (Góc Đức) là mũi đất nơi sông Mosel đổ vào sông Rhein tại thành phố Koblenz (Đức). Tượng đài kỷ niệm Hoàng đế Wilhelm I được xây dựng tại đây vào năm 1879. Từ năm 1953 cho đến năm 1990 bệ tượng đài đã là nơi tưởng niệm nhắc nhở đến nước Đức thống nhất.
Năm 1216 tổng giám mục Theoderich von Wied gọi các hiệp sĩ Dòng Đức về Koblenz và hiến tặng cho họ một phần đất của Nhà thờ Kastor (Kastorkirche) cùng với bệnh viện Saint Nikolaus bên cạnh. Mục đích của việc hiến tặng này có lẽ là để đảm bảo việc chăm sóc bệnh nhân tại địa phương. Sau đấy dòng tu đã xây dựng căn nhà ngay cạnh nơi sông Mosel đổ vào sông Rhein để làm trụ sở quản lý cho địa hạt tỉnh Koblenz. Sau khi ngôi nhà được khánh thành, khu đất đầu tiên được gọi là Deutscher Ordt (Dòng Đức) rồi sau đấy là Deutsches Eck (Góc Đức).
Tượng đài Hoàng đế Wilhelm I
Năm 1888, vài tuần sau khi Hoàng đế Wilhelm băng hà, trong nhiều tầng lớp dân chúng cũng như trong chính phủ đã xuất phát ý định xây dựng một tượng đài kỷ niệm, tưởng nhớ đến vị hoàng đế đã thống nhất được nước Đức sau ba cuộc chiến tranh (1864, 1866, 1871). Trong số nhiều địa điểm tham gia cuộc chọn lựa vị hoàng đế trẻ tuổi Wilhelm II đã quyết định chọn nơi hợp lưu của Mosel và Rhein để xây dựng tượng đài. Sau khi lấp phần đất nguyên dùng làm cảng nội địa tại đây và sau cuộc quyên góp trên toàn quốc mang lại số tiền 1 triệu Mark cần thiết, bức tượng đài kỷ niệm Hoàng đế Wilhelm I đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 31 tháng 8 năm 1897 dưới sự hiện diện của Hoàng đế Wilhelm II. Từ đó người dân Đức bắt đầu dùng tên Góc Đức để chỉ nơi tượng đài được xây dựng thay vì là nơi có ngôi nhà của Dòng tu Đức.
Tượng đài kỷ niệm cao tổng cộng 37 m này do kiến trúc sư Bruno Schmitz phác thảo, bức tượng vị hoàng đế đang cưỡi ngựa cao 14 m do nhà điêu khắc Emil Hundrieser tạo dáng. Tượng mô tả Hoàng đế Wilhelm trong bộ y phục của một vị tướng quân đội, tấm áo choàng đang bay phấp phới. Một vị thiên thần dẫn ngựa ở phía trước, mang một chiếc gối phía trên là vương miện hoàng đế. Phía trước của tượng đài là hình con chim đại bàng, biểu tượng của Đế chế Đức, đang túm lấy nhiều con rắn và đẩy lui kẻ thù, phía bên trên có khắc dòng chữ Wilhelm Đại đế, là ý định của Wilhelm II muốn phổ thông hóa danh hiệu này nhưng đã không thành công.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Ngay trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 chấm dứt, vào ngày 16 tháng 3 năm 1945, bức tượng đã bị một quả đạn pháo của quân đội Mỹ làm hư hỏng nặng. Chính quyền quân quản Pháp có ý định phá bỏ tượng đài để thay thế bằng một Tượng đài vì Hòa bình và Hiểu biết giữa các dân tộc. Thế nhưng do thiếu thốn về tài chính nên kế hoạch này không được thực hiện.
Vào ngày 18 tháng 5 năm 1953, bệ tượng còn lại được tổng thống Đức lúc bấy giờ là Theodor Heuss cải tạo trở thành tượng đài kỷ niệm sự thống nhất của nước Đức (lúc đấy bị chia cắt). Huy hiệu của tất cả các tiểu bang Đức cũng như là của các vùng đất phía đông nguyên thuộc về Đức như Schlesien và Đông Phổ được kiến tạo trên bệ tượng. Huy hiệu của bang Saarland được gắn 4 năm sau đó. Thay vào bức tượng phía trên là một ngọn cờ Đức. Vào ngày nước Đức thống nhất, ngày 3 tháng 10 năm 1990, tên các bang "mới" của Đức đã được bổ sung vào hàng huy hiệu này.
Ý định về việc dựng lại bức tượng của Hoàng đế Wilhelm đã được tranh luận sôi động từ khi vợ chồng chủ một nhà xuất bản tại Koblenz là Anneliese và Werner Theisen có ý định hiến tặng một bức tượng thay thế. Trong khi những người đồng ý cho rằng việc này sẽ mang lại cho thành phố Koblenz một hình tượng đẹp và sẽ là một yếu tố khuyến khích du lịch thì những người phản đối phê bình việc tôn thờ vị hoàng đế là lỗi thời và phê phán vai trò của Wilhelm trong việc đàn áp đẫm máu cuộc Cách mạng tháng Ba năm 1848.
Do là người sở hữu phần đất này, quyền quyết định thuộc về bang Rheinland-Pfalz. Sau khi chính quyền tiểu bang chuyển nhượng quyền sở hữu về cho thành phố Koblenz, hội đồng thành phố đã quyết định chấp nhận việc hiến tặng này. Bức tượng mới do nhà điêu khắc Rainmund Kittl tạo dáng được dựng trên bệ vào ngày 2 tháng 9 năm 1993. Buổi lễ khánh thành được tiến hành vào ngày 25 tháng 9. Ba phần của Bức tường Berlin được đặt tại "Tượng đài tưởng niệm nước Đức thống nhất" để tưởng nhớ đến "các nạn nhân của sự chia cắt (17 tháng 6 năm 1953 – 9 tháng 11 năm 1989)" theo như trên tấm bảng đồng đặt tại đây.
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Góc Đức.