Cực bắc từ của Trái Đất là một điểm nằm trên bề mặt Trái Đất ở bắc bán cầu, tại đó các điểm từ trường cắm thẳng xuống (ví dụ độ từ khuynh là 90°). Điểm này thay đổi một cách từ từ theo thời gian. Về mặt vật lý, cực bắc từ là cực nam của từ trường. Cực bắc từ đôi khi bị nhầm lẫn với cực bắc địa từ.
Điểm đối nghịch ở nam bán cầu gọi là cực nam từ. Bởi vì từ trường Trái Đất không hoàn toàn đối xứng nên cực bắc từ và nam từ cũng không đối xứng: một đường thẳng nối hai điểm này sẽ không đi qua tâm Trái Đất; thực tế là nó lệch khoảng 530 km (329,3 dặm).[cần dẫn nguồn]
Từ lúc hình thành cho đến nay, cực từ Trái Đất đã đảo chiều nhiều lần, khi thì bắc từ đổi thành nam từ và ngược lại, quá trình này gọi là đảo cực địa từ. Dấu hiệu về các lần đảo cực địa từ đã được quan sát ở các sống núi giữa đại dương, tại đó các mảng kiến tạo chuyển động ra xa nhau và đáy biển được lấp đầy bởi mác ma. Khi mácma tràn ra khỏi manti, các hạt mang từ chứa trong chúng mang hướng của từ trường Trái Đất lúc mácma nguội lạnh và hóa đá.[5]