Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi Dinh. Ba mặt còn lại là rue Chasseloup-Laubat phía bắc, rue Verdun phía tây, và rue Taberd phía nam. Khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville, nhưng người Việt quen gọi đó là Vườn Ông Thượng[1] hay Vườn Bồ-Rô, có lẽ là phiên âm theo préau (tiếng Pháp, nghĩa là "sân lát gạch").
Tiếp theo, thành phố xây dựng thêm cơ sở trong khu vườn cho Hội Hiếu nhạc (Société philharmonique) năm 1896, Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) năm 1897, và Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais) năm 1902 gồm sân bóng đá, hồ bơi và sân quần vợt. Sân đá bóng đó lúc bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội bóng ngoại quốc đến đấu. Năm 1926, ở góc đường Chasseloup-Laubat và Verdun, chính phủ lại xây thêm Viện Dục nhi (Institut de puériculture) để giáo dục trẻ em. Sau khi người Pháp rút lui, Dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng thống và tên vườn đổi là "Vườn Tao Đàn". Bốn con đường chung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công chúa, Hồng Thập tự, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Du. Viện Dục nhi thì được dùng làm Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng hoà[2]. Vườn vẫn giữ là công viên chính của thành phố.
Sau năm 1975
Vườn Tao Đàn đổi tên là "Công viên Văn hoá Tao Đàn", và có khu dành riêng cho trẻ em chơi. Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn cũng đổi tên là Câu lạc bộ Văn hóa, với một số cửa hàng buôn bán và Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Lương thực Sài Gòn cũng mở trụ sở ở đây. Tuy nhiên, vườn vẫn được biết đến với đặc trưng là có nhiều cây xanh. Công viên còn là nơi trưng bày triển lãm hoa xuân mỗi dịp trước Tết Nguyên Đán. Đường Trương Định chạy giữa công viên, chia công viên làm hai phần. Hiện đang có dự án bãi đậu xe và trung tâm thương mại ngầm bên dưới công viên do một công ty trong nước đầu tư. Năm 1992, Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trong công viên, và được trùng tu vào cuối năm 2011.
^Theo Học giả Vương Hồng Sển, vì dân chúng ngưỡng mộ và tôn thờ ông Lê Văn Duyệt làm Thượng công, nên lấy miếng đất trước thuộc lãnh vực chỗ ông ngồi ngự trị để đặt là Vườn Ông Thượng. Và nhà văn Sơn Nam đã "sơ sót" khi viết rằng Ông Thượng là ám chỉ Toàn quyền Pháp Maurice Long. Ông Sển cho biết cái tên "Vườn ông Thượng" đã có từ trước khi Maurice Long qua Việt Nam. Ông ấy làm Toàn quyền hai lượt: lần đầu từ 21 tháng 2 năm 1920 đến 17 tháng 12 năm 1920, lần thứ hai từ ngày 1 tháng 4 năm 1921 đến 14 tháng 4 năm 1992 (Vương Hồng Sển, Nửa đời còn lại. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 26). Xem thêm bài viết trên website báo Lao động: [1].
^Tương truyền đây là mộ ông Lâm Tam Lang (tự "Nguyên thất", mất vào mùa thuẤt Mão, 1795) và bà Mai Thị Xã (vợ ông). Họ Lâm người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Hậu duệ của ông đáng chú ý có: Phó lãnh binh Lâm Quang Ky (đời thứ 4) và Lâm Đình Phùng (tức nhạc sĩ Lam Phương, đời thứ 7). Theo sách Danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020 của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh , thì ngôi mộ cổ này được xây dựng năm Ất Mùi (1895). Nguồn: "Bí mật cụm mộ cổ ở công viên Tao Đàn", đăng trên báo Thanh niên ngày 16 tháng 10 năm 2003 [2].