Cá dìa cana

Siganus canaliculatus
Mẫu vật của S. canaliculatus, thu thập ngoài khơi tỉnh Ranong, Thái Lan
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Siganidae
Chi (genus)Siganus
Loài (species)S. canaliculatus
Danh pháp hai phần
Siganus canaliculatus
(Park, 1797)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Chaetodon canaliculatus Park, 1797
  • Siganus oramin (Bloch & Schneider, 1801)

Siganus canaliculatus, thường được gọi là cá kình[2], cá giò[3], hay cá dìa cana[4], là một loài cá biển thuộc chi Cá dìa trong họ Cá dìa. Loài cá này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1797.

Siganus oramin, tên thông thườngcá dìa chấm vàng[5], đã được xác định là một danh pháp đồng nghĩa của S. canaliculatus.

Từ nguyên

Từ định danh của loài cá này, canaliculatus, trong tiếng Latinh có nghĩa là "đường rãnh" hoặc "ống dẫn". Tác giả Mungo Park đã mô tả gai vây lưng và gai vây hậu môn của loài này có các khía ở bên. Ông không biết rằng, đó là nơi có chứa tuyến nọc độc, là đặc điểm mà tất cả các loài cá dìa đều có[6].

Phân loại học

S. canaliculatusSiganus fuscescens được cho là cùng một loài nhưng khác nhau về màu sắc và hình thái, tuy nhiên điều này vẫn còn gây tranh cãi trong giới sinh học[7].

Phạm vi phân bố và môi trường sống

S. canaliculatus có phạm vi phân bố rộng rãi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ vịnh Ba Tư, loài cá này xuất hiện dọc theo bờ biển phía bắc của Ấn Độ Dương trải dài đến bờ đông Ấn ĐộSri Lanka; từ biển Andaman (bao gồm cả quần đảo Andaman và Nicobar), S. canaliculatus tiếp tục có mặt ở khắp vùng biển các nước Đông Nam Á, băng qua đến vùng biển phía tây Papua New Guinea, trải dài về phía nam đến vùng biển phía bắc và tây của Úc; phía bắc trải dài đến ngoài khơi quần đảo Ryukyu (Nhật Bản)[1][8].

S. canaliculatus sống gần các rạn san hô và nơi có nhiều rong tảo ở vùng đáy cứng (cát đá), độ sâu khoảng 50 m trở lại[1]

Mô tả

Chiều dài cơ thể tối đa được ghi nhận ở S. canaliculatus là 25 cm, nhưng thường được quan sát với kích thước phổ biến là 20 cm[9]. Gáy và thân trên có màu lục xám đến vàng nâu với nhiều đốm màu ngọc lam đến trắng tạo thành các hàng sọc; thân dưới và bụng màu xám bạc. Thường có đốm đen mờ ở sau đầu, ngay trên nắp mang. Như một số loài cá dìa khác, S. canaliculatus có thể xuất hiện lốm đốm các mảng màu nâu và trắng trên cơ thể khi bị đe dọa, hoặc khi chúng nghỉ ngơi vào ban đêm[8][9].

Số gai ở vây lưng: 13; Số tia vây ở vây lưng: 10; Số gai ở vây hậu môn: 7; Số tia vây ở vây hậu môn: 9[8].

Sinh thái học

Cá con sống thành đàn rất lớn trong các vịnh nước nông và trên các rạn san hô. Số lượng cá thể trong đàn giảm dần theo độ tuổi; cá trưởng thành hợp thành nhóm khoảng 20 cá thể[9]. Chúng ăn chủ yếu các loại rong tảo, hiếm khi ăn cỏ biển[9].

Đánh bắt

S. canaliculatus là một loài cá thực phẩm có tầm quan trọng trong thương mại ở vịnh Ba Tư[1]. Loài này cũng đã được nuôi ở nhiều nơi trong phạm vi của chúng do tốc độ tăng trưởng nhanh và có giá trị kinh tế[1].

Tham khảo

  1. ^ a b c d e K. E. Carpenter; A. Lawrence; R. Myers (2016). Siganus canaliculatus. Sách đỏ IUCN. 2016: e.T6088346A115394869. doi:10.2305/IUCN.UK.2016-3.RLTS.T46088346A46664909.en. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
  2. ^ Nguyễn Xuân Huấn; Nguyễn Thành Nam; Tạ Phương Đông (2017). “Đa dạng loài cá ở vùng ven biển cửa sông Gianh, tỉnh Quảng Bình” (PDF). Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7: 206–213. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
  3. ^ Nguyễn Xuân Hòa; Nguyễn Thị Thanh Thủy; Nguyễn Nhật Như Thủy (2013). “Hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm thủy triều tỉnh Khánh Hòa” (PDF). Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 5: 488–496. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
  4. ^ Nguyễn Văn Long (2016). “Hiện trạng và biến động quần xã cá rạn san hô ở khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” (PDF). Tuyển tập Nghiên Cứu Biển. 22: 111–125.
  5. ^ Nguyễn Thị Phi Loan (2009). “Thành phần loài cá ở đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên” (PDF). Tạp chí Khoa học Đại học Huế. 49: 65–74. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
  6. ^ Christopher Scharpf; Kenneth J. Lazara (2020). “Order ACANTHURIFORMES (part 2)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
  7. ^ T.‐H. Hsu; Y. T. Adiputra; C. P. Burridge; J.‐C. Gwo (2011). “Two spinefoot colour morphs: mottled spinefoot Siganus fuscescens and white‐spotted spinefoot Siganus canaliculatus are synonyms” (PDF). Journal of Fish Biology. 79: 1350–1355. doi:10.1111/j.1095-8649.2011.03104.x.
  8. ^ a b c Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Siganus canaliculatus trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2021.
  9. ^ a b c d D. Woodland (2001). K. E. Carpenter; V. H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Vol. 6. Bony fishes part 4 (Labridae to Latimeriidae), estuarine crocodiles, sea turtles, sea snakes and marine mammals (PDF). FAO Species Identification Guide for Fishery Purposes. FAO. tr. 3633. ISBN 978-9251045893.