Nguồn gốc của tên gọi Châu Đốc cho đến ngày nay vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Một số người cho rằng tên gọi này chỉ là cách nói trại ra từ một tiếng Cam Bốt là Meàth Chruk[6], có nghĩa là mõm heo hoặc miệng sông có tiếng heo kêu.[7]
Hoặc nó được gọi theo tên trước đây của Cù lao Kết[8], nơi được hình thành bởi Sông Tiền và Sông Hậu, sông Naréa và Sông Vàm Nao. Người Khmer cũng gọi cù lao này là SlaKét (cây cau dại).
Một vài người lại dựa vào những Hán tự dùng để viết chữ Châu Đốc (chữ Hán: 朱篤)[9] mà giải nghĩa.
Lãnh thổ Châu Đốc nguyên là đất thuộc nước Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào và thành lập đạo Châu Đốc cùng với đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc).
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1805niên hiệu Gia Long thứ 3, đã đặt lại địa giới hành chính Châu Đốc thuộc trấn Hà Tiên, Châu Đốc lúc này gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1808, Châu Đốc thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc Gia Định thành. Năm 1815, triều Nguyễn cho xây thành Châu Đốc. Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn.
Năm 1832 niên hiệu Minh Mạng 13, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, phủ Gia Định chia thành Nam Kỳ lục tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang. Trấn Châu Đốc đổi thành tỉnh An Giang. Thành Châu Đốc, vùng đất mà nay là thành phố Châu Đốc, là tổng Châu Phú thuộc huyện Tây Xuyên và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh An Giang nhà Nguyễn (thành Châu Đốc khi đó nằm ở khoảng giữa của huyện Tây Xuyên, huyện này gồm cả phần đất nay thuộc đông nam tỉnh Takeo Campuchia). Đồng thời Minh Mạng cho đặt chức tổng đốc An Hà, lỵ sở tại thành Châu Đốc, cai quản 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên (gồm phần lớn đồng bằng sông Cửu Long ngày nay)[10]. Để xứng đáng là tỉnh lỵ của một trong sáu tỉnh Nam Kỳ (tỉnh An Giang thời đó bao gồm các phần đất mà nay là các tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, một phần của các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu của Việt Nam, và một phần của tỉnh TakeoCampuchia), năm 1831 niên hiệu Minh Mạng 12[11], vua Minh Mạng cho triệt phá thành (đồn) Châu Đốc cũ (1815), xây dựng thành Châu Đốc mới theo hình bát quái, ở phía đông đồn Châu Đốc cũ. Theo Nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh 1836 của Nguyễn Đình Đầu, tổng Châu Phú khoảng những năm 1836-1839 có các thôn làng sau: Vĩnh Tế Sơn, Vĩnh Ngươi, Vĩnh Phước, Vĩnh Hội, Vĩnh Khánh, Nhơn Hội, Nhơn Hòa, Long Thạnh, Bình Thạnh, An Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thành, An Nông, Hưng An, Khánh An, Phú Cường, Vĩnh Bảo, Vĩnh Thọ, Vĩnh Thông, Vĩnh Lạc, Vĩnh Điều, Vĩnh Trung, Vĩnh Trường, Thới Hưng, Thân Nhơn Lý,...
Thời Pháp thuộc
Ngày 22 tháng 6 năm 1867, Pháp đem quân đánh chiếm Châu Đốc. Năm 1868, sau khi quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây của Nam Kỳ lục tỉnh: (An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên), nhà cầm quyền thực dân chia Nam Kỳ thành 24 hạt Tham biện. Trong đó, hạt Châu Đốc trông coi hạt Long Xuyên (sở lỵ gần chợ Đông Xuyên) và hạt Sa Đéc[cần dẫn nguồn], thành Châu Đốc bị hạn chế bớt vai trò trung tâm vùng của nó so với thời nhà Nguyễn độc lập (giai đoạn 1832-1867).
Ngày 20 tháng 12[cần dẫn nguồn] năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi hạt Tham biện thành tỉnh; chia phần lớn đất An Giang cũ của nhà Nguyễn thành 5 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Thành Châu Đốc chỉ còn vai trò là thủ phủ của tỉnh Châu Đốc, một trong 21 tỉnh của Nam Kỳ thuộc Pháp. Lúc bấy giờ, tỉnh lỵ Châu Đốc nằm trên địa bàn làng Châu Phú thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Thành.(Cochinchine Francaise)[12].
Năm 1919, quận Châu Thành đổi thành quận Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Tuy nhiên năm 1939 lại đổi về tên quận Châu Thành như cũ. Thời Pháp thuộc, làng Châu Phú vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc.
Theo sự phân chia của chính quyền Cách mạng, ngày 06 tháng 3 năm 1948, vùng đất Châu Đốc ngày nay thuộc huyện Châu Phú A của tỉnh Long Châu Hậu. Đến cuối năm 1950, huyện Châu Phú A thuộc tỉnh Long Châu Hà. Năm 1954, vùng đất Châu Đốc lại trở về thuộc huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc.
Thời Việt Nam Cộng hòa
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòaNgô Đình Diệm quyết định sáp nhập tỉnh Châu Đốc với tỉnh Long Xuyên để thành lập tỉnh An Giang. Lúc này ở vùng đất cả hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc trước đó đều có quận Châu Thành cả. Tuy nhiên, do tỉnh lỵ tỉnh An Giang có tên là "Long Xuyên" và được đặt ở quận Châu Thành thuộc tỉnh Long Xuyên cũ, cho nên quận Châu Thành thuộc tỉnh Châu Đốc cũ được đổi tên là quận Châu Phú như ở giai đoạn 1919-1939. Lúc này, xã Châu Phú chỉ còn đóng vai trò duy nhất là quận lỵ quận Châu Phú. Vai trò tỉnh lỵ của tỉnh An Giang được chuyển từ Châu Đốc sang Long Xuyên, từ đó Châu Đốc không còn là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh An Giang nữa.
Quận Châu Phú trở lại thuộc tỉnh Châu Đốc cho đến năm 1975. Sau năm 1965, tất cả các tổng đều bị giải thể. Lúc bấy giờ, xã Châu Phú thuộc quận Châu Phú vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Phú và đồng thời cũng là tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc trong giai đoạn 1964-1975. Tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc khi đó lại có tên là "Châu Phú", do nằm trong khu vực xã Châu Phú, quận Châu Phú.
Năm 1957, chính quyền Cách mạng cũng đặt huyện Châu Phú thuộc tỉnh An Giang, giống như sự phân chia của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Giữa năm 1966, tách xã Châu Phú ra khỏi huyện Châu Phú để thành lập thị xã Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang.
Trong giai đoạn 1964-1971, chính quyền Cách mạng vẫn đặt huyện Châu Phú và thị xã Châu Đốc cùng thuộc tỉnh An Giang.
Năm 1971, thị xã Châu Đốc vẫn thuộc tỉnh An Giang sau khi tách đất tỉnh An Giang để thành lập tỉnh Châu Hà. Cho đến tháng 5 năm 1974, thị xã Châu Đốc và huyện Châu Phú cùng thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực Trung ương Cục cho đến 30/4/1975.
Cuối năm 2012, thị xã Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 4 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ và 3 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế.
Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP.[1] Theo đó:
Chuyển xã Vĩnh Nguơn thành phường Vĩnh Nguơn.
Thành lập thành phố Châu Đốc trên cơ sở toàn bộ 10.529,05 ha diện tích tự nhiên và 157.298 người của thị xã Châu Đốc.
Sau khi thành lập, thành phố Châu Đốc có 5 phường và 2 xã như hiện nay.
Địa lý
Thành phố Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 210 km về phía đông, cách thành phố Cần Thơ khoảng 115 km về phía nam, cách thành phố Long Xuyên khoảng 55 km về phía nam và cách thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) khoảng 149 km về phía tây.
Dân cư thành phố Châu Đốc sinh sống tập trung ở khu vực ven sông Hậu, ven Quốc lộ 91, tại các phường trung tâm thành phố, tại các khu dân cư,... với cơ cấu dân số trẻ, dân cư đô thị chiếm gần 80%.
Nguồn: Kết quả điều tra dân số và nhà ở tỉnh An Giang 1/4/2019[3][20]
Ngày 15 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 499/QĐ-TTg, công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.[2]
Kinh tế - xã hội
Kinh tế
Kinh tế Châu Đốc tăng trưởng nhanh và mạnh. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố Châu Đốc đạt 16,10%, thu nhập bình quân đầu người trên 35,36 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển gần 2.720 tỷ đồng, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch tiếp tục phát huy thế mạnh, với mức tăng trưởng đạt 18,01% và chiếm 70,47% tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường Vĩnh Mỹ và xã Vĩnh Châu.
Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của thành phố Châu Đốc đạt 60,32 triệu đồng và tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 16,03%; tỷ lệ hộ nghèo là 1,0%.
Thương mại - dịch vụ
Với tiềm năng là một thành phố du lịch nên thương mại-dịch vụ của thành phố là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, các trung tâm mua bán phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hàng hóa phân bố rộng khắp đến các địa bàn trong thành phố. Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng phát triển, với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng lớn như Victoria Châu Đốc (4,5 sao), Victoria Núi Sam (3 sao), Châu Phố (3 sao), Bến Đá (3 sao), Đông Nam (2 sao), Song Sao (2 sao), Trung Nguyễn (2 sao), Hải Châu (2 sao),...
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
Đây không phải là một ngành trọng điểm của thành phố nhưng cũng đóng góp một phần vào sự phát triển của thành phố. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư và phát triển đã giải quyết một phần cho lao động nhàn rỗi nông thôn.
Nông nghiệp
Đây là một ngành đã hình thành và phát triển từ rất lâu đời ở thành phố. Loại hình nông nghiệp đô thị là một thế mạnh của thành phố. Các cánh đồng đã được cơ giới hóa trong công tác trước, trong và sau thu hoạch do đó năng suất không ngừng tăng và chất lượng nông phẩm cũng tăng lên.
Các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Châu Đốc
Dự án trung tâm văn hóa - thể thao thành phố Châu Đốc.
Dự án khu đô thị Ngọc Hầu.
Dự án biệt thự vườn Thoại Ngọc Hầu.
Dự án công viên văn hóa Núi Sam.
Dự án nhà văn hóa - truyền thống khu di tích lịch sử Núi Sam.
Dự án tuyến đường vòng Công viên văn hóa Núi Sam.
Dự án mở rộng đường Mậu Thân - kênh Hoà Bình.
Dự án tuyến đường nối điểm đầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Khánh Bình
Dự án tuyến đường nối điểm đầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên
Dự án khu đô thị The New City Châu Đốc do công ty CP Tập đoàn Đầu tư bất động sản Thiên Minh đầu tư.
Dự án khu đô thị Thành phố Lễ hội Phúc An Asuka do tập đoàn Trần Anh Group đầu tư.
Thành phố Châu Đốc có hơn 15 km Quốc lộ 91 chạy ngang. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định cho nâng cấp tỉnh lộ 956 tại An Giang (nối Châu Đốc - Long Bình) lên thành quốc lộ 91C [22]. Đây là một thuận lợi để thành phố giao lưu, buôn bán với các địa phương trong tỉnh, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. Ngoài ra, còn có tuyến đường vành đai chạy qua ngoại ô. Khu vực trung tâm thành phố và khu Thương mại Dịch vụ (phường A, phường B,p hường Núi Sam) có hệ thống giao thông nội ô tương đối hoàn thiện.
Thành phố có các tuyến đường nội ô gồm: Lê Lợi, Nguyễn Văn Thoại, Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Bạch Đằng, Chi Lăng, Trưng Nữ Vương, Phan Văn Vàng, Núi Sam-Châu Đốc, Phan Đình Phùng, Hậu Miếu Bà, Cử Trị, Quang Trung.
Quy hoạch giao thông
Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội ô,nâng cấp, mở rộng, nối dài các tuyến đường trong trung tâm thành phố. Quy hoạch tuyến N1 nối kết thành phố với các tỉnh,thành khu vực Nam Bộ. Trong tương lai gần sẽ có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua thành phố.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam, với nhiều lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng bái. Bên cạnh đó, vùng đất giàu truyền thống này cũng từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Doãn Uẩn,... và những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương cho Việt Nam.
Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Châu Đốc gồm:
^មាត់ជ្រូក IPA: /moatcruuk/
មាត់ /moat/: miệng sông, tiếng nói
ជ្រូក /cruuk/: con heo
^Cá nược là một loài động vật khá phổ biến tại khu vực sông Châu Đốc ngày xưa. Tiếng kêu của loài vật này rất giống với tiếng kêu của con heo nên người ta cũng gọi nó là cá heo.
^Sla Kaet (ឃុំស្លាកែត), tức Cù lao cây Cau dại (aréquier sauvage).
ស្លា ( n ) [slaa] : cây cau
កើត [kaət]:
( v ) : sinh ra, lớn lên
(adj): phía Đông
^朱 chu: màu đỏ; 篤 đốc: trung hậu, dốc sức, nguy cấp
^Đại Nam nhất thống chí, tỉnh An Giang, trang 152.
^Đại Nam nhất thống chí, tỉnh An Giang, trang 178.
^“Nam kỳ Lục tỉnh”(PDF). Bản gốc(PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2013.