Cafein (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp caféine /kafein/),[1],[1] được gọi theo tiếng latin là cà phê in,[2]theine, mateine, guaranine, methyltheobromine hay 1,3,7-trimethylxanthine, là một xanthineancaloit có thể tìm thấy được trong các loại hạt cà phê, chè, hạt cola, quả guarana và ca cao.
Cafein được tách thành công lần đầu tiên vào năm 1820 bởi nhà hoá họcngười ĐứcFriedlieb Ferdinand Runge bằng cách đun các hạt cà phê đã rang và thu lại hơi nước sinh ra. Runge thực hiện sự phân tích này có lẽ là do lời đề nghị của bạn ông ta, nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe. Vào ngày 3 tháng 10 năm 1819, sau một cuộc chuyện trò về các loại độc thực vật, Goethe đã chuyển cho Runge một gói hạt cà phê, thứ hàng vào khi đó rất giá trị.
Tính chất
Khối lượng mol của cafein là 194,2 g. Ở nhiệt độ bình thường một lítnước chỉ hoà tan 20 g cafein, trong khi một lít nước sôi hoà tan tới 700 g. Cafein cũng tan nhiều trong chloroform, tuy nhiên lại chỉ tan một phần trong êtanol.
Cafein rất giống với hai hợp chất khác là theophyllin, chất được sử dụng để điều trị bệnh suyễn, và theobromin, thành phần chính của ca cao.
Nguồn cung cấp
Cà phê
Một tách cà phê (250 ml) chứa khoảng 40–170 mg cafein
Một tách cà phê tan chứa khoảng 40–100 mg
Một tách cà phê loại bỏ cafein vẫn chứa khoảng 3–5 mg
Cola: 30–60 mg/500 ml, trước kia loại đồ uống này chứa cafein lấy từ hạt cola, ngày nay cola thường được pha với cafein nhân tạo, hoặc cũng dùng cafein tự nhiên, nhưng là từ hạt cà phê.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xếp cafein vào nhóm các chất gây nghiện. Đến nay vẫn không có dấu hiệu gì rõ ràng chứng minh cafein nguy hại đến sức khoẻ, ngay cả những trường hợp sử dụng thường xuyên cafein trong thời gian dài. Tuy nhiên việc dùng cafein nhiều có thể dẫn tới sự phụ thuộc về tâm lý, trong trường hợp này mùi vị cà phê, khẩu vị người uống và truyền thống cũng đóng một vai trò quan trọng.
Sự phụ thuộc vào cafein có thể dẫn tới các biểu hiện như nhức đầu, căng thẳng, run rẩy, hồi hộp, thiếu tập trung, cáu giận. Cơ thể cần khoảng 3 ngày để loại bỏ cafein, sau thời gian này những tác dụng phụ trên sẽ hoàn toàn mất đi. Nếu dùng cafein với liều lượng cao có thể làm tăng nhịp tim và lợi tiểu. Tuy vậy, nếu uống những loại đồ uống chậm giải phóng cafein như guarana hay chè đen thì có thể hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực của cafein cũng như tận dụng được các tác dụng của nó.
Cafein có chứa trong sôcôla hay chè đen không hẳn là vô hại đối với trẻ em: ví dụ như lượng cafein có trong 3 lon cola và 3 thanh sôcôla cũng tương đương với lượng cafein trong 2 tách cà phê (khoảng 200 mg). Một đứa trẻ nặng 30 kg nếu dùng một liều lượng tương đương 7 mg/1 kg cơ thể có thể bị căng thẳng và mất ngủ.
Cafein có trong danh sách doping của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC). Tuy nhiên, hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao, vì vậy các vận động viên có thể uống cà phê trong bữa sáng.
Liều gây độc LD-50 của cafein (là lượng cafein có thể làm chết 50% dân số) khoảng 10 g, tương đương với 100 tách cà phê. LD-50 của cafein cho một con chuột cống nặng 1 kg là 381 mg.
Được biết rằng, nước bưởi có khả năng kéo dài thời gian bán huỷ của cafein, bởi chất đắng trong quả bưởi sẽ kìm hãm quá trình trao đổi chất của cafein trong gan.
Cơ chế tác động
Cafein gây ra sự hưng phấn và kéo dài thời gian tỉnh táo bằng cách ngăn cản hoạt động bình thường của adenosine và phosphodiesterase.
Adenosine được tạo ra trong quá trình hoạt động của cơ thể. Khi nồng độ đủ cao, nó sẽ gắn với receptor (thụ thể) làm cho hệ thần kinh phát ra tín hiệu nghỉ ngơi dẫn đến sự mệt mỏi và buồn ngủ. Do có cấu trúc phân tử gần giống nhau, cafein cạnh tranh với adenosine trong việc liên kết với receptor đặc hiệu. Điều này làm hệ thần kinh sẽ chỉ đạo cho cơ thể tiếp tục làm việc thay vì phát ra tín hiệu nghỉ ngơi.
Cafein cũng ngăn chặn phosphodiesterase không cho phân giải chất truyền tin thứ cấpcAMP, do đó tín hiệu hưng phấn do andrenalin tạo ra được khuếch đại rồi duy trì dài hơn bình thường. Điều này làm các tế bào trong cơ tăng hiệu quả đáp ứng với adrenalin nghĩa là duy trì sự hưng phấn của não bộ, làm ta thấy tỉnh táo vào buổi sáng hoặc mất ngủ vào buổi tối.
Caffeinol
Theo nghiên cứu mới nhất thì sự kết hợp giữa cồn và cafein là một phương cách hữu hiệu để trị chứng đột quỵ. Sinh viên y khoa James Grotta thuộc Đại học Texas ở Houston cùng với đồng nghiệp đã tiêm cho tổng cộng 23 bệnh nhân chất caffeinol và rút ra kết luận rằng chất này có hiệu quả điều trị tốt đối với các thương tổn ở não gây ra bởi chứng đột quỵ.
Tham khảo
^ abĐặng Thái Minh, "Dictionnaire vietnamien - français. Les mots vietnamiens d’origine française", Synergies Pays riverains du Mékong, n° spécial, năm 2011. ISSN: 2107-6758. Trang 76.
^Đặng Thái Minh, "Dictionnaire vietnamien - français. Les mots vietnamiens d’origine française", Synergies Pays riverains du Mékong, n° spécial, năm 2011. ISSN: 2107-6758. Trang 77.
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Cafein.