Vương nữ Anna Amalie của Phổ sinh ngày 9 tháng 11 năm 1723 tại Berlin, Vương quốc Phổ, là đứa con thứ 12 và là con gái thứ 7 của Friedrich Wilhelm I và vợ, Sophie Dorothea của Hannover. Anna Amalie có 13 anh chị em, 10 người trong số đó sống sót đến tuổi trưởng thành, bao gồm cả Friedrich Đại đế sau này. Những đứa trẻ của vương thất Phổ được nuôi dưỡng tại Berlin, nơi chúng sống trong Cung điện Hoàng gia (Königliches Schloss; ngày nay là Cung điện Berlin/Berliner Schloss), nhưng chúng cũng thường xuyên dành thời gian tại dinh thụ yêu thích của nhà vua, jagdschloss ("lâu đài săn bắn") tại Königs Wusterhausen.
Amalie có năng khiếu âm nhạc, giống như Thái tử Friedrich, nhưng Vương nữ chỉ có thể được học chính thức sau cái chết của người cha vũ phu, người coi âm nhạc là sự suy đồi.[1] Friedrich Wilhelm có tính khí thất thường,[2] thường kéo tóc của Amalie qua một căn phòng trong cơn giận dữ. Tuổi thơ của Amalie bị lu mờ bởi cha bà: được mô tả là một người lính không được học hành, không được trau chuốt và khắc khổ, ông là một kẻ nghiện rượu có sở thích hút tẩu với những người dân thường, một người theo chủ nghĩa Calvin cực kỳ ngoan đạo nhưng hẹp hòi,[2] là người yêu vợ và chung thủy với bà, nhưng lại cư xử bạo lực với cả gia đình, những người cận thần và bất kỳ ai làm nhà vua bực tức.[3] Âm nhạc trở thành niềm an ủi thầm kín của Amalie. Vương nữ lần đầu tiên được dạy bởi Thái tử Friedrich với sự hỗ trợ của mẹ, và học chơi đàn harpsichord, sáo và vĩ cầm.
Vào tháng 5 năm 1740 khi Amalie 7 tuổi, Friedrich Wilhelm II qua đời và anh trai cả của Amalie lên kế vị, lấy hiệu là Friedrich II.[4]
Sau khi Công tử Adolf Friedrich xứ Holstein-Gottorp được bầu làm người thừa kế của vị vua Thụy Điển không có hậu duệ là Fredrik I vào năm 1743, Phổ, Nga và Thụy Điển đã thực hiện một liên minh.[5] Một cuộc hôn nhân được đề xuất giữa vị Trữ quân Thụy Điển mới với Amalie hoặc chị gái là Luise Ulrike. Vua Friedrich cho rằng Luise Ulrike quá tham vọng để có thể trở thành một Vương hậu tốt trong một chế độ quân chủ tương đối yếu thế,[6] khi Thụy Điển đang ở trong Kỷ nguyên tự do (1720–1772), một thời kỳ quản lý theo chế độ nghị viện.[5] Nhà vua mô tả Amalie là người ôn hòa và tốt bụng, do đó phù hợp hơn với vai trò này. Friedrich được cho là đã tin rằng Amalie sẽ dễ kiểm soát hơn khi làm điệp viên Phổ tại triều đình Thụy Điển. Tuy nhiên, công sứ Thụy Điển lại thích Luise Ulrike hơn, và Vưong nữ sau đó kết hôn thông qua ủy nhiệm vào tháng 7 năm 1744.
Anna Amalie đạt được danh tiếng khiêm tốn và được biết đến nhiều nhất qua nhạc thính phòng, bao gồm các bản tam tấu, hành khúc, cantata, bài hát và tẩu pháp. Trong số các sáng tác của Amalie, tác phẩm mà bà yêu thích nhất là cantata passion Der Tod Jesu ("Cái chết của Chúa Jesus"), dựa trên một bài thơ của Karl Wilhelm Ramler. Chỉ một số ít tác phẩm của Amalie còn tồn tại và bà có thể đã phá hủy nhiều sáng tác của chính mình, vì bà tự mô tả mình là người rất rụt rè và hay tự phê bình. Nhiều sáng tác khác của Amalie có thể xuất hiện sau khi phát hiện ra kho lưu trữ của Sing-Akademie zu Berlin tại Kyiv vào năm 2000, đã bị thất lạc kể từ Thế chiến thứ II.[9]
Nữ Thân vương Viện mẫu Anna Amalie qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 1787 ở tuổi 63,[10] và được chôn cất tại Nhà thờ Berlin. Anna Amalie sau đó được kế vị bởi cháu gái là Vương nữ Sofia Albertina của Thụy Điển.
Một số các tác phẩm
Sonata cung Fa trưởng (cho sáo và basso continuo) (1771)
I. Adagio, II. Allegretto, III. Allegro ma non troppo[11]
Bản sonata dành cho sáo có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Amalie,[12] và có thời lượng khoảng 11 phút.[11]
Concerto cho đàn harpsichord cung Sol trưởng
I. Allegro, Sol thứ, II. Andantino, Đô trưởng, III. Allegro, Sol trưởng
Bản concerto được sáng tác cho đàn harpischordđộc tấu, 2 sáo, 2 ô-boa, 2 kèn pha-gốt và đàn dây. Bản này được viết cho dàn nhạc thính phòng và có thể chơi với chỉ một người cho mỗi phần, với thời lượng khoảng 13 phút. Bản nhạc có phần độc tấu được tích hợp tốt, và chương thứ hai chủ yếu là dàn nhạc. Phần kết giống một bản minuet với tam tấu có phần độc tấu kèn hơi.[13]
Huberty, Michel; Giraud, Alain; Magdelaine, F.; Magdelaine, B. (1989). L'Allemagne dynastique : Hohenzollern, Waldeck, et familles alliés [Dynastic Germany: The Hohenzollerns, the Waldecks, and Allied Families] (bằng tiếng Pháp). A. Giraud. tr. 162, 172. ISBN978-2901138051.