Huyện An Lão nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Định, cách Quốc lộ 1 32 km về phía tây bắc và cách thành phố Quy Nhơn khoảng 115 km về phía bắc, có vị trí địa lý:
Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 697 km², dân số là 27.837 người, mật độ dân số đạt 40 người/km².[1]
Bốn phía của huyện bao bọc bởi nhiều dãy núi nên còn được gọi là thung lũng An Lão. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn An Lão cách quốc lộ 1 khoảng 32 km.
Dân số của huyện là khoảng 31.799 người, chủ yếu gồm người Kinh phân bố chủ yếu ở An Hoà, An Tân và thị trấn An Lão, người Hrê xã An Vinh, An Dũng, An Trung, An Hưng và người Ba Na ở xã An Toàn, An Nghĩa.
DT629 là con đường tỉnh lộ duy nhất nối các huyện khác đến với An Lão. Theo quy hoạch, DT629 sẽ thông tới tới huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, tuy nhiên vì nhiều lý do về vốn, con đường này chỉ đang dừng lại ở xã An Hưng, huyện An Lão. Khiến cho việc di chuyển và lưu thông hàng hóa của nhân dân trong huyện còn khó khăn, đặc biệt là những lúc bão lũ.
Thời tiết ở huyện chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên. Bởi khác biệt về địa hình nên khí hậu đôi khi không theo khí hậu chung trong khu vực. Một năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.
Huyện An Lão thuộc tinh Nghĩa Bình được tái lập ngày 24 tháng 8 năm 1981 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Hoài Ân, gồm 7 xã: An Dũng, An Hòa, An Hưng, An Quang, An Toàn, An Trung và An Vinh.
Ngày 19 tháng 2 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định 15-HĐBT2[3], theo đó:
Chia xã An Hòa thành 2 xã: An Hòa và An Tân
Chia xã An Quang thành 2 xã: An Quang và An Nghĩa.
Năm 1989, huyện An Lão thuộc tỉnh Bình Định vừa được tái lập.[4]
Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2007/NĐ-CP[5], theo đó:
Thành lập thị trấn An Lão (thị trấn huyện lỵ huyện An Lão) trên cơ sở điều chỉnh 153,25 ha diện tích tự nhiên và 508 nhân khẩu của xã An Hưng; 1.020,83 ha diện tích tự nhiên và 2.316 nhân khẩu của xã An Trung; 472,12 ha diện tích tự nhiên và 2.350 nhân khẩu của xã An Tân.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính:
Xã An Hưng còn lại 6.594,75 ha diện tích tự nhiên và 699 nhân khẩu.
Xã An Trung còn lại 6.471,17 ha diện tích tự nhiên và 769 nhân khẩu.
Xã An Tân còn lại 2.357,88 ha diện tích tự nhiên và 2.373 nhân khẩu.
Huyện An Lão có 1 thị trấn và 9 xã như hiện nay.
Kinh tế - xã hội
Ngành nghề chủ yếu ở huyện là nông nghiệp, lúa nước, hiện tại huyện có hai cụm công nghiệp là Gò Cây Duối tại xã An Hòa và Gò Bùi tại thị trấn An Lão. Đời sống của người dân đang ngày càng được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Giáo dục
Huyện có 2 trường trung học phổ thông (Trường THPT An Lão & Trường PTDTNT THCS - THPT An Lão), 2 trường bán trú THCS (An Lão & Đinh Ruối). Việc phổ cập giáo dục ở đây càng ngày được nâng cao về chất lượng.