Acanthomorphata E. O. Wiley & G. David Johnson, 2010
Acanthomorpha (nghĩa đen là "dạng gai" trong tiếng Hy Lạp) là một đơn vị phân loại cực kỳ đa dạng trong cá xương thật (Teleostei) với các tia vây dạng gai. Nhánh này chứa khoảng 33% các loài động vật có xương sống hay 40-52% số loài cá còn sinh tồn trên thế giới hiện nay, hay khoảng từ trên 14.000 loài tới 18.100 loài trong khoảng 300 họ cá.[2][3]
Acanthomorpha có sự đa dạng đáng kinh ngạc về hình dạng cơ thể, giải phẫu xương và các mô mềm, kích thước, môi trường sống, sinh lý và tập tính. Chúng sinh sống trong hầu hết các môi trường sống dưới nước, từ dưới biển sâu cũng như trong các con suối, sông miền núi, trong các suối giữa sa mạc và trong vùng nước hang động. Chúng bao gồm loài các loài cá dài nhất (như Regalecus glesne dài tới 8 mét), nặng nhất (Mola mola nặng tới 2,3 tấn) và một số loài cá xương ngắn nhất (như Schindleria brevipinguis chỉ dài 7,9 mm).
Một điểm mới quan trọng ở Acanthomorpha là các gai rỗng và không phân đốt ở phần phía trước của vây lưng và vây hậu môn.[4] Cá có thể xòe các gai sắc nhọn này ra để phòng thủ trước các động vật săn mồi, nhưng cũng có thể cụp chúng lại để giảm lực cản khi bơi.[5] Một đặc trưng chia sẻ chung khác là một sụn mỏ đặc biệt, liên kết với các dây chằng gắn vào xương mỏ và xương tiền hàm, giúp cá có thể thò hàm của nó ra đáng kể khi bắt thức ăn.[6] Chúng cũng khác các loài cá ít tân tiến hơn (“nguyên thủy” hơn) ở các đặc trưng cột sống và vây bụng và vây hậu môn. Khớp chẩm chia 3 phần là rất đặc trưng: ngoài hốc cho lõi đốt sống đầu tiên (trong xương đáy chẩm) thì chúng còn có hai hốc nhỏ hơn trong cặp xương ngoại chẩm.
Rosen tạo ra tên gọi Acanthomorpha năm 1973 để mô tả một nhánh chứa Acanthopterygii, Paracanthopterygii cũng như Ctenothrissiformes – một bộ cá hóa thạch kỷ Creta, như Aulolepis và Ctenothrissa. Các hóa thạch này chia sẻ một số chi tiết của bộ xương, đặc biệt là hộp sọ, với các loài Acanthomorpha còn sinh tồn.[1] Được dựng lên trên cơ sở giải phẫu học nhưng ngày nay Acanthomorpha đã được xác nhận và chỉnh sửa chủ yếu nhờ các phân tích phát sinh chủng loài phân tử trong thời gian gần đây.[7] E. O. Wiley & G. David Johnson (2010) và Betancur-R. R. et al. (2017) gọi nó là Acanthomorphata.[8][9]
^ abRosen, Donn Eric (1973). “Interrelationships of higher euteleostean fishes”. Trong Greenwood, P. H.; Miles, R. S.; Patterson, Colin (biên tập). Interrelationships of Fishes. Academic Press. tr. 397–513. ISBN0-12-300850-6.
^Chen, Wei-Jen; Bonillo, Céline; Lecointre, Guillaume (2003). “Repeatability of clades as a criterion of reliability: a case study for molecular phylogeny of Acanthomorpha (Teleostei) with larger number of taxa”. Molecular Phylogenetics and Evolution. 26 (2): 262–288. doi:10.1016/s1055-7903(02)00371-8. PMID12565036.
^Acanthomorphs group, of the phylogeny team. “What are the acanthomorphs?”. AcanthoWeb. UPMC, Paris – UMR 7138, Systématique, Adaptation, Évolution. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2012.
^Wiley E. O. & Johnson G. D. A teleost classification based on monophyletic groups. Trong: Nelson J. S., Schultze H. P., M. V. H. Wilson (biên tập), 2010. Origin and Phylogenetic Interrelationships of Teleosts. München: Verlag Dr. F. Pfeil. Trang 123–182.
Stewart, J. D. (1996). “Cretaceous acanthomorphs of North America”. Trong Arratia, Gloria; Viohl, Günter (biên tập). Mesozoic Fishes – Systematics and Paleoecology. Verlag Dr. Friedrich Pfeil. tr. 383–394. ISBN3-923871-90-2.